Khái quát về chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn? Quy định về hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn?
Với quan điểm phát triển giáo dục toàn diện, sâu rộng không chỉ về đối tượng mà còn về không gian, lãnh thổ, nhà nước ta đang có nhiều chính sách tích cực trong việc hỗ trợ các học sinh tại các vùng đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa, giúp các em có điều kiện được đến trường, học tập, chăm sóc và nuôi dưỡng về thể chất, trí tuệ một cách tốt nhất. Trong bài viết dưới đây, Luật Dương Gia sẽ cung cấp cho người đọc các thông tin pháp lý về chính sách và hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn, đồng thời có sự phân tích, bình luận cụ thể để thấy rõ được những điểm tích cực và hạn chế trong việc hưởng chính sách hỗ trợ.
Luật sư
Cơ sở pháp lý:
Nghị định 116/2016/NĐ-CP Quy định chính sách hỗ trợ học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn.
1. Khái quát về chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn?
Thuật ngữ chính sách được sử dụng rất phổ biến, nó hàm chứa những tính toán, định hướng dài hạn của Chính phủ, mối quan tâm đến một nhóm đối tượng nào đó hay đơn thuần chỉ là sự áp đặt mang tính “gia trưởng” của nhà nước. Thuật ngữ chính sách được sử dụng với hàm ý chính sách công, trong đó nhà nước là nhân vật then chốt, là chủ thể cho ra đời các sản phẩm là chính sách. Chính sách là biện pháp can thiệp của nhà nước vào một ngành, một lĩnh vực hay toàn bộ nền kinh tế nhằm thực hiện những mục tiêu nhất định, đối với những công cụ và giải pháp nhất định và trong một thời hạn xác định.
Học sinh vùng đặc biệt khó khăn được xác định bao gồm: học sinh tiểu học và trung học cơ sở; học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số; học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh. Tuy nhiên, các đối tượng này phải thỏa mãn các điều kiện nhất định theo quy định tại Điều 4 Nghị định 116/2016/NĐ-CP.
Việc xác định vùng đặc biệt khó khăn mà cụ thể là các xã đặc biệt khó khăn được thực hiện theo Quyết định 33/2020/QĐ-TTg về Tiêu chí phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển giai đoạn 2021-2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn là quan điểm, biện pháp của nhà nước về mức hỗ trợ, cách thức hỗ trợ, điều kiện được hỗ trợ,… được ghi nhận trong các văn bản pháp lý nhằm giúp đỡ các học sinh tại các xã đặc biệt khó khăn được đến trường và học tập một cách tốt nhất.
Chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn thể hiện sự quan tâm sâu sắc của nhà nước tới giáo dục nước nhà, thể hiện sự chăm lo cho thế hệ tương lai, tạo điều kiện cho trẻ em được có quyền học tập và cũng là cơ chế tạo sự công bằng trong phát triển giáo dục. Chính sách hỗ trợ còn thể hiện sự tiên tiến và truyền thống tốt đẹp của dân tộc, thúc đẩy quá trình học tập của các học sinh hiếu học và mang lại những thành quả tốt đẹp trong tương lai.
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 116/2016/NĐ-CP, mức hỗ trợ đối với học sinh thuộc diện được hỗ trợ được xác định:
– Hỗ trợ tiền ăn: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng bằng 40% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
– Hỗ trợ tiền nhà ở: Đối với học sinh phải tự túc chỗ ở do nhà trường không thể bố trí ở bán trú trong trường, mỗi tháng được hỗ trợ bằng 10% mức lương cơ sở và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh;
– Hỗ trợ gạo: Mỗi học sinh được hỗ trợ mỗi tháng 15 kg gạo và được hưởng không quá 9 tháng/năm học/học sinh.
Nhìn chung, mức hỗ trợ chỉ đạt mức cơ bản và lấy mức lương cơ sở làm căn cứ để xác định, tùy thuộc vào điều kiện cụ thể thì việc đánh giá tính hợp lí của mức hỗ trợ này có thực sự thỏa đáng hay không. Nhưng ở một mức độ nào đó, với số lượng học sinh thuộc diện hỗ trợ đang lớn thì việc đảm bảo được nguồn ngân sách để thực hiện chính sách hỗ trợ cũng là điều mà nhà nước cần quan tâm.
2. Quy định về hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn?
Nội dung quy định về hưởng chính sách hỗ trợ đối với học sinh vùng đặc biệt khó khăn được thể hiện qua hai vấn đề cơ bản:
Thứ nhất, hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ.
Hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ là tập hợp các giấy tờ cần thiết mà học sinh phải chuẩn bị để được xét duyệt hưởng chính sách. Theo đó, tại Điều 6 Nghị định 116/2016/NĐ-CP quy định về hồ sơ đề nghị như sau:
Một là, đối với học sinh tiểu học, trung học cơ sở đang học tại các trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn, hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị hỗ trợ.
– Sổ hộ khẩu (bản sao có mang bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực từ bản chính; trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc phải có giấy xác nhận của Trưởng Công an xã).
Hai là, đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc thiểu số, hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị hỗ trợ.
– Sổ hộ khẩu (bản sao có mang bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực từ bản chính; trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc phải có giấy xác nhận của Trưởng Công an xã).
Ba là, đối với học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh, hồ sơ gồm:
– Đơn đề nghị hỗ trợ.
– Sổ hộ khẩu (bản sao có mang bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực từ bản chính; trường hợp sổ hộ khẩu bị thất lạc phải có giấy xác nhận của Trưởng Công an xã);
– Giấy tờ chứng minh là hộ nghèo do Ủy ban nhân dân cấp xã cấp hoặc xác nhận cho đối tượng.
Như vậy, cả ba đối tượng hưởng chính sách đều có phải chuẩn bị đơn đề nghị và sổ hộ khẩu, học sinh trung học phổ thông là người dân tộc Kinh phải chuẩn bị thêm giấy tờ chứng minh hộ nghèo. Việc tách ra các quy định tại các khoản là do các mẫu đơn đề nghị hỗ trợ của các đối tượng là khác nhau, việc quy định như trên nhằm dễ dàng xác định và thực hiện đầy đủ nhất.
Thứ hai, trình tự, thủ tục xét duyệt hưởng chính sách hỗ trợ.
Trình tự, thủ tục xét duyệt hưởng chính sách hỗ trợ là các bước cụ thể được pháp luật quy định dành cho chủ yếu là cơ quan có thẩm quyền nhằm xác định chính xác đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ trên cơ sở hồ sơ đề nghị hưởng chính sách hỗ trợ. Nội dung về trình tự, thủ tục xét duyệt hưởng chính sách hỗ trợ được quy định tại Điều 7 Nghị định 116/2016/NĐ-CP, cụ thể:
– Vào thời Điểm học sinh đầu cấp làm thủ tục nhập học, nhà trường có học sinh theo học thuộc diện hưởng chính sách hỗ trợ tổ chức phổ biến,
– Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày niêm yết
– Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ, nhà trường có trách nhiệm xét duyệt và lập hồ sơ gửi về Phòng Giáo dục và Đào tạo đối với các trường tiểu học và trung học cơ sở; gửi về Sở Giáo dục và Đào tạo đối với các trường trung học phổ thông.
– Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị hỗ trợ của các nhà trường, Phòng Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt; Sở Giáo dục và Đào tạo tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
– Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ khi nhận hồ sơ trình của Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh xem xét, ban hành Quyết định phê duyệt;
– Phòng Giáo dục và Đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo gửi kết quả phê duyệt học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ để các trường thông báo công khai và tổ chức triển khai thực hiện.
Nhìn chung, trình tự, thủ tục xét duyệt hưởng hỗ trợ chính sách không quá phức tạp, bởi các giấy tờ đã phản ánh rõ ràng, cụ thể các điều kiện cần thiết để được hưởng hỗ trợ, điều quan trọng là các giấy tờ trong hồ sơ phải chính xác, không lừa dối và việc xét duyệt phải thực hiện một cách công bằng, khách quan và đặt quyền lợi của học sinh lên hàng đầu. Học sinh còn có quyền khiếu nại và nhà trường có nghĩa vụ phải giải quyết khiếu nại theo quy định trong thời thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi công bố kết quả về kết quả xét duyệt học sinh được hưởng chính sách hỗ trợ (nếu có) (Khoản 3, Điều 7).
Như vậy, vấn đề cơ bản liên quan đến hưởng chính sách hỗ trợ chỉ xoay quanh hai vấn đề này, thực tế sẽ còn có các vấn đề về quy trình tổ chức thực hiện hỗ trợ, nguồn kinh phí, dự toán, ngân sách phân bổ kinh phí,…tuy nhiên, nội dung này chỉ liên quan đến cơ quan có thẩm quyền và việc thực hiện thường mang tính chuyên môn cụ thể.