Hợp pháp hóa lãnh sự là khái niệm để chỉ hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tiến hành thủ tục chứng nhận con dấu, chức danh, chữ ký trên các loại giấy tờ, văn bản và tài liệu của nước ngoài. Dưới đây là quy định của pháp luật về việc hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Mục lục bài viết
1. Hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận đăng ký kết hôn:
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về vấn đề hợp pháp hóa lãnh sự. Theo đó, hợp pháp hóa lãnh sự là để chỉ hoạt động cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam tiến hành thủ tục chứng nhận con dấu, chữ ký, chức danh được thể hiện trên giấy tờ, tài liệu và văn bản của nước ngoài, để các loại giấy tờ và văn bản đó được công nhận, sử dụng hợp pháp trên lãnh thổ của Việt Nam.
Theo đó, hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cũng là việc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ tiến hành hoạt động kiểm tra giấy tờ, chứng thực các loại chữ ký, con dấu được thể hiện trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại nước ngoài cung cấp, xem xét xem chữ ký và con dấu, chức danh trên giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đó có hợp lệ hay không. Nếu hợp lệ thì giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đó sẽ được công nhận và sử dụng hợp pháp trên lãnh thổ của Việt Nam.
Nhìn chung, thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự đối với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sẽ được thực hiện cụ thể như sau:
Bước 1: Chứng nhận lãnh sự. Công dân cần phải mang giấy chứng nhận đăng ký kết hôn sử dụng trên lãnh thổ của Việt Nam kèm theo bản dịch sang tiếng việt hoặc tiếng Anh tới bộ phận lãnh sự của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đó là Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán của quốc gia nơi cấp giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đó, hoặc cơ quan ngoại giao kim nhiệm chức năng chứng nhận lãnh sự để được dán tem chứng nhận lãnh sự.
Bước 2: Thực hiện hoạt động hợp pháp hóa lãnh sự. Công dân cần phải chuẩn bị một bộ hồ sơ đầy đủ hợp lệ mang tới Cục lãnh sự thuộc Bộ ngoại giao Việt Nam. Bao gồm các loại tài liệu và giấy tờ cơ bản sau đây:
– Tờ khai xin chứng thực lãnh sự, hợp pháp hóa lãnh sự theo mẫu do pháp luật quy định;
– Bản gốc đối với chứng minh nhân dân, căn cước công dân hoặc hộ chiếu còn thời hạn được cấp bởi cơ quan có thẩm quyền;
– Bản gốc và bản photo của giấy chứng nhận đăng ký kết hôn đã thực hiện thủ tục chứng thực lãnh sự;
– Tài liệu và giấy tờ khác có liên quan nếu được yêu cầu cụ thể.
Bước 3: Trả kết quả. Bộ ngoại giao, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự cho hồ sơ sau khi đã nhận được thành phần giấy tờ đầy đủ và hợp lệ. Trong trường hợp nhận được giấy tờ còn thiếu thì sẽ yêu cầu bổ sung theo quy định của pháp luật. Thời gian giải quyết sẽ là một ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ có số lượng từ 10 giấy tờ, tài liệu trở lên thì thời hạn giải quyết có thể kéo dài hơn tuy nhiên không được phép vượt quá 05 ngày làm việc.
2. Có bắt buộc phải hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận đăng ký kết hôn không?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 20 của
Căn cứ theo quy định tại Điều 20 của Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch, có quy định về thủ tục chứng thực bản sao từ bản chính. Theo đó, người yêu cầu chứng thực cần phải xuất trình các loại bản chính giấy tờ, văn bản làm cơ sở để chứng thực bản sao và bản sau cần trung thực. Trong trường hợp bản chính giấy tờ, tài liệu và văn bản do cơ quan có thẩm quyền, tổ chức có thẩm quyền ở nước ngoài cung cấp, công chứng hoặc chứng thực thì bắt buộc cần phải được thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định của pháp luật trước khi yêu cầu chứng thực bản sao, ngoại trừ những trường hợp được miễn thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự theo các điều ước quốc tế mà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo nguyên tắc có đi có lại. Đặc biệt, trong trường hợp người yêu cầu chứng thực chỉ có thể xuất trình bản chính, thì cơ quan có thẩm quyền, hoặc tổ chức có thẩm quyền tiến hành chụp từ bản chính để thực hiện thủ tục chứng thực, ngoại trừ trường hợp cơ quan và tổ chức không có phương tiện để sao chụp.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp, có quy định cụ thể về yêu cầu hợp pháp hóa lãnh sự đối với một số giấy tờ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp. Theo đó, các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cung cấp cho cá nhân như hộ chiếu, thẻ thường trú, thẻ tạm trú, thẻ căn cước, giấy phép lái xe, bằng tốt nghiệp, bảng điểm, chứng chỉ kèm theo bằng tốt nghiệp, thì sẽ không cần phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự khi chứng thực bản sao từ bản chính. Trong trường hợp yêu cầu chứng thực chữ ký người phiên dịch trên bản dịch các loại giấy tờ này thì cũng không bắt buộc phải thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự.
Theo đó thì có thể nói, đối với giấy chứng nhận đăng ký kết hôn, không thuộc một trong những trường hợp được miễn thực hiện thủ tục hợp pháp hóa lãnh sự, vì vậy giấy chứng nhận đăng ký kết hôn vẫn bắt buộc phải được hợp pháp hóa lãnh sự khi muốn thực hiện chứng thực.
3. Chi phí hợp pháp hóa lãnh sự giấy chứng nhận đăng ký kết hôn:
Theo Điều 5 của Thông tư 157/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự (sửa đổi tại Thông tư 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính), thì chi phí cho việc hợp pháp hóa lãnh sự như sau:
– Chứng nhận lãnh sự hiện nay được xác định là 30.000 (ba mươi nghìn) đồng/lần;
– Hợp pháp hóa lãnh sự hiện nay được xác định là 30.000 (ba mươi nghìn) đồng/lần;
– Cấp bản sao giấy tờ, tài liệu hiện nay được xác định là 5.000 (năm nghìn) đồng/lần;
– Phí chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự thu bằng Đồng Việt Nam (viết tắt là VNĐ).
Như vậy, việc hợp pháp hóa lãnh sự được tính 30.000 đồng cho một lần thực hiện.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Nghị định 23/2015/NĐ-CP của Chính phủ về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
– Thông tư 01/2020/TT-BTP của Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 23/2015/NĐ-CP ngày 16/02/2015 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng, giao dịch;
– Thông tư 157/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng nhận lãnh sự và hợp pháp hóa lãnh sự;
– Thông tư 74/2022/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định về hình thức, thời hạn thu, nộp, kê khai các khoản phí, lệ phí thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.
THAM KHẢO THÊM: