Chào luật sư, tôi có một vài thắc mắc liên quan tới web. Mong luật sư tư vấn giúp tôi một số vấn đề liên quan đến website như sau.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư ! Tôi có một số thắc mắc về Website cần luật sư tư vấn, cụ thể như sau:
1. Về Website thương mại:
Thế nào là website thương mại?
2. Về Website của doanh nghiệp:
– Những thông tin gì được đăng trên website thương mại của doanh nghiệp?
– Website của doanh nghiệp có được đăng những bài viết tin tức xã hội, đời sống,… không?
– Số website của doanh nghiệp có bị giới hạn không?
– Một website không do doanh nghiệp A đứng tên (chủ thể B ngoài tổ chức đứng tên), đăng về các vật liệu (mà doanh nghiệp A bán). Sau đó, website đặt banner tài trợ liên kết với công ty A (không phải banner quảng cáo). Như vậy, website đó có phải là website thương mại không? Giả sử website đó cho các công ty quảng cáo thì có phải website thương mại không?
3. Website cá nhân
– Những thông tin gì được đăng trên website thương mại của chủ thể cá nhân?
– Website thương mại của chủ thể cá nhân có được đăng bài biết cá nhân, xã hội, đời sống,… không?
– Mức thuế liên quan trong thương mại điện tử theo chủ thể cá nhân là những gì, được tính thế nào?
4. Về Quảng cáo:
– Pháp luật có quy định gì về pháp lý đặt banner liên kết, quảng cáo,… không? (Không tính về các quy định về nội dung thuần phong mỹ tục, nội dung chính trị vì website không có nội dung này)
5. Thương mại điện tử trên website, facebook,… phải đảm bảo những quy định gì? Mức xử phạt ra sao (đối với cá nhân, đối với tổ chức)
6. Có thể tham khảo và cập nhật luật về thương mại điện tử ở đâu?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Về website Thương mại điện tử:
Theo quy định tại Nghị định số 52/2013/NĐ – CP ngày 16/5/2013 của Chính phủ về thương mại điện tử: “Website thương mại điện tử là trang thông tin điện tử được thiết lập để phục vụ một phần hoặc toàn bộ quy trình của hoạt động mua bán hàng hóa hay cung ứng dịch vụ, thanh toán và dịch vụ sau bán hàng.”
2. Website doanh nghiệp:
– Những thông tin được đăng trên website thương mại của doanh nghiệp:
Theo khoản 3 điều 20 Nghị định 72/2013/NĐ-CP quy định:
“Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp”.
Như vậy website của doanh nghiệp chỉ được cung cấp các thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động, dịch vụ, ngành nghề hoạt động… chứ không được đăng các bài về tin tức xã hội, đời sống.
– Pháp luật không có quy định cụ thể về việc mỗi doanh nghiệp được đăng ký bao nhiêu website. Tuy nhiên trên thực tế, hầu hết mỗi doanh nghiệp chỉ có một website để thuận lợi cho việc quản lý, cung cấp thông tin.
– Trường hợp: Một website do chủ thể B đứng tên đăng về các vật liệu mà doanh nghiệp A bán. Thì trang thông tin đó là trang thông điện tử; cụ thể hơn là trang thông tin tổng hợp. Theo Điều 20. Phân loại trang thông điện tử.
“Trang thông tin điện tử được phân loại như sau:
1. Báo điện tử dưới hình thức trang thông tin điện tử
2. Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin cửa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp trên cơ sở trích dẫn nguyên văn, chính xác nguồn tin hính thức và ghi rõ họ tên tác giả hoặc tên cơ quan của nguồn tin chính thức, thời gian đã đăng, phát thông tin đó.
3. Trang thông tin điện tử nội bộ là trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp thông tin về chức năng, quyền hạn, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, dịch vụ, sản phẩm, ngành nghề và thông tin khác phục vụ cho hoạt động của chính cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đó và không cung cấp thông tin tổng hợp.
>>> Luật sư
4. Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp. trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.
5. Trang thông tin điện tử ứng dụng chuyên ngành là trang thông tin điện tử cửa cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ ứng dụng trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, phát thanh, truyền hình, thương mại, tài chính, ngân hàng, văn hóa, y tế, giáo dục và các lĩnh vực chuyên ngành khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.”
Đối chiếu với các quy định tại Điều 20, có thể thấy rằng website do B đứng tên là trang thông tin thương mại.
2. Về website cá nhân:
Theo quy định tại khoản 4 Điều 20 Nghị định 72/2013/ NĐ – CP quy định:
“Trang thông tin điện tử cá nhân là trang thông tin điện tử do cá nhân thiết lập hoặc thiết lập thông qua việc sử dụng dịch vụ mạng xã hội để cung cấp, trao đổi thông tin của chính cá nhân đó, không đại diện cho tổ chức hoặc cá nhân khác và không cung cấp thông tin tổng hợp.”
Như vậy, website cá nhân chỉ được cung cấp các thông tin cá nhân, không được cung cấp các bài viết của cá nhân, không được cung cấp các thông tin tổng hợp về đời sống, xã hội.
Các website cá nhân không phải đóng lệ phí.
3. Về quảng cáo
– Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân.
– Các quy định về hoạt động quảng cáo được quy định tại Luật quảng cáo năm 2012.
4. Thương mại điện tử trên website, facebook,… phải đảm bảo những quy định gì? Mức xử phạt ra sao (đối với cá nhân, đối với tổ chức)
Hiện nay đối tượng áp dụng của các quy định về thương mại điện tử, công nghệ thông tin là các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài trực tiếp tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động an toàn thông tin tại Việt Nam, còn các tổ chức hoạt động xuyên biên giới (như Google, Facebook…) chưa có quy định cụ thể, các hoạt động này cần có sự triển khai phối hợp quốc tế.
5. Có thể tham khảo và cập nhật luật về thương mại điện tử ở đâu?
Bạn có thể tham khảo:
– Luật giao dịch điện tử ngày 29 tháng 11 năm 2005.
– Luật Công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006
– Nghị định số 52/2013/NĐ – CP Về thương mại điện tử ngày 16 tháng 5 năm 2013.
– Nghị định 72/2013/NĐ – CP Về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng ngày 15 tháng 7 năm 2013.