Hỏi về việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình. Chia thừa kế quyền sử dụng đất do ông bà để lại. Thời hiệu về thừa kế.
Hỏi về việc định đoạt tài sản chung của hộ gia đình. Chia thừa kế quyền sử dụng đất do ông bà để lại. Thời hiệu về thừa kế.
Tóm tắt câu hỏi:
Ba và bác tôi có tranh chấp như sau: Ngày xưa trước năm 1975 nhà nước có cấp ruộng để làm, trong đó có 9 khẩu gồm: 2 ông bà tôi, 2 vợ chồng bác và 4 người con của họ và ba tôi. Nhưng mảnh ruộng đó chỉ có 1 mình ba tôi bỏ công sức ra làm. Nay ông bà tôi đã qua đời, ba tôi hồi giờ sau khi lấy vợ vẫn chưa cắt khẩu, đến năm 2009 ba tôi về cất nhà mới cắt khẩu. Nay bác tôi bán mảnh ruộng đó. Cho tôi hỏi như vậy thì phần tiền bán đất đó có được chia cho ba tôi không?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý:
2. Nội dung tư vấn:
Theo thông tin bạn cung cấp thì năm 1975 gia đình được Nhà nước cấp đất và thời điểm đó gia đình có ông bà, 2 bác cùng 4 người con và ba của bạn gồm 9 người. Tuy nhiên, bạn cần xác định đất cấp cho cá nhân hay cấp cho hộ gia đình? Hiện nay đất có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa? Thông tin người sử dụng đất thể hiện như thế nào trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất? Khi ông bà mất có để lại di chúc hay không? Và mất năm bao nhiêu?
Nếu chỉ cấp cho cá nhân thì xác định ai là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Nay người đó sẽ có quyền định đoạt mảnh đất mà không cần có sự đồng ý của những thành viên còn lại tuy nhiên như bạn trình bày, mảnh đất đó chỉ có mình ba bạn bỏ công sức ra làm thì ba bạn phải có căn cứ chứng minh về công sức của mình thì khi đó ba bạn có quyền yêu cầu người bán đất thanh toán cho ba bạn một khoản tiền nhất định tương đương với phần công sức đó.
Nếu là đất cấp cho hộ gia đình, thì đây được xác định là tài sản chung của hộ gia đình, việc định đoạt tài sản theo quy định tại Điều 212 Bộ luật dân sự 2015 như sau:
"1. Tài sản của các thành viên gia đình cùng sống chung gồm tài sản do các thành viên đóng góp, cùng nhau tạo lập nên và những tài sản khác được xác lập quyền sở hữu theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan.
2. Việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung của các thành viên gia đình được thực hiện theo phương thức thỏa thuận. Trường hợp định đoạt tài sản là bất động sản, động sản có đăng ký, tài sản là nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình phải có sự thỏa thuận của tất cả các thành viên gia đình là người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp luật có quy định khác.
…".
Trường hợp này, mỗi người trong hộ gia đình đều có quyền và nghĩa vụ ngang nhau đối với khối tài sản chung này, do đó khi định đoạt tài sản chung của hộ gia đình cần có sự thỏa thuận của tất cả thành viên và mỗi người được hưởng phần giá trị tương ứng của mình trong khối tài sản đó.
>>> Luật sư tư vấn định đoạt tài sản chung của hộ gia đình: 1900.6568
Đối với phần tài sản của ông bà, bạn xác định ông bà mất năm bao nhiêu? Từ đó xác định những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà bạn theo văn bản tại thời điểm ông bà bạn mất. Phần tài sản của ông bà bạn được xác định là di sản thừa kế, khi đó sẽ chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của ông bà bạn nếu còn trong thời hiệu về thừa kế. Hiện nay, thời hiệu về thừa kế là 30 năm theo quy định tại Điều 623 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 623. Thời hiệu thừa kế
1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:
a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;
b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này."
Nếu không còn trong thời hiệu về thừa kế thì người đang quản lý phần tài sản này được xác định là chủ sở hữu theo quy định tại Điều 236 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 236. Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu do chiếm hữu, được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật
Người chiếm hữu, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn 10 năm đối với động sản, 30 năm đối với bất động sản thì trở thành chủ sở hữu tài sản đó, kể từ thời điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác."