Hỏi về hành vi vi phạm xảy ra trên lãnh thổ nước ngoài. Thủ tục xác nhận cha cho con.
Hỏi về hành vi vi phạm xảy ra trên lãnh thổ nước ngoài. Thủ tục xác nhận cha cho con.
Tóm tắt câu hỏi:
Chào Luật sư! Vợ tôi có bầu 6 tháng làm giấy tờ sang Ba Lan sau đó chạy sang Đức sinh con và nhờ đường dây môi giới tìm người bản địa nhận làm con đẻ và làm giấy tờ cho cả mẹ và con. Con tôi bây giờ được 2.5 tuổi. Tất cả giấy tờ đó đều là bất hợp pháp vì người bố thực sự là tôi. Bây giờ tôi muốn đòi lại con thì phải làm thế nào? Tôi đang ở Việt Nam, có giấy kết hôn. Tôi có thể nhờ đại sứ quán can thiệp không? Thủ tục như thế nào? Cảm ơn Luật sư!
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Luật cơ quan đại diện nước công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009;
2. Luật sư tư vấn:
Thứ nhất, về việc vợ bạn sang Ba Lan, sau đó sang Đức để sinh con và nhờ đường dây môi giới tìm người bản địa nhận làm con đẻ và làm giấy tờ cho cả hai mẹ con, theo quy định của pháp luật Việt Nam, đây là giấy tờ bất hợp pháp, vì vậy, việc xác lập quan hệ cha con của người bản địa nước ngoài với con của bạn sẽ không được công nhận tại Việt Nam. Khi vợ và con bạn về Việt Nam, bạn làm đơn yêu cầu xác định mối quan hệ cha con giữa bạn và con. Khi đó, tòa án có thẩm quyền ở Việt Nam sẽ tiến hành hoạt động ủy thác tư pháp để xác nhận tính giá trị pháp lý của giấy tờ chứng minh quan hệ cha con. Và khi có kết quả giấy tờ đó là giả, thì mối quan hệ giữa người nước ngoài bản địa kia và con bạn sẽ không được công nhận; và nếu bạn có đủ chứng cứ chứng minh được bạn là cha của đứa trẻ thì sẽ được tòa án công nhận quan hệ cha con.
Điều 8 Luật cơ quan đại diện nước công hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 quy định về việc thực hiện nhiệm vụ lãnh sự của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài như sau:
– Bảo hộ lãnh sự đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, pháp nhân Việt Nam và thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự được quy định tại Điều này trên cơ sở tuân thủ pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
– Thực hiện việc thăm lãnh sự và liên hệ, tiếp xúc với công dân Việt Nam trong trường hợp họ bị bắt, tạm giữ, tạm giam, xét xử hoặc đang chấp hành hình phạt tù tại quốc gia tiếp nhận.
– Trong trường hợp công dân, pháp nhân Việt Nam không thể bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo pháp luật và thực tiễn của quốc gia tiếp nhận, cơ quan đại diện có thể tạm thời đại diện hoặc thu xếp người đại diện cho họ tại tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận cho đến khi có người khác làm đại diện cho họ hoặc họ tự bảo vệ được quyền và lợi ích của mình.
– Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp đổi, cấp lại, hủy bỏ các loại hộ chiếu, giấy thông hành và giấy tờ khác có giá trị xuất cảnh, nhập cảnh Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.
– Cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cấp lại, hủy bỏ thị thực và giấy miễn thị thực của Việt Nam phù hợp với quy định của pháp luật.
– Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến hộ tịch, con nuôi phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên.
– Thực hiện nhiệm vụ công chứng, chứng thực phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên; tiếp nhận, bảo quản giấy tờ, tài liệu và đồ vật có giá trị của công dân, pháp nhân Việt Nam khi có yêu cầu và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận.
– Hợp pháp hóa lãnh sự giấy tờ, tài liệu của nước ngoài được cơ quan hoặc người có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận công chứng, chứng thực để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại Việt Nam; chứng nhận lãnh sự giấy tờ, tài liệu được cơ quan hoặc người có thẩm quyền của Việt Nam công chứng, chứng thực để giấy tờ, tài liệu đó được công nhận và sử dụng tại quốc gia tiếp nhận.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật hành chính qua tổng đài: 1900.6568
– Phối hợp với cơ quan hoặc người có thẩm quyền của quốc gia tiếp nhận hoàn thành thủ tục giúp công dân, pháp nhân Việt Nam giải quyết những vấn đề liên quan đến thừa kế tài sản hoặc nhận lại tài sản thừa kế được mở có lợi cho Nhà nước Việt Nam.
– Tiếp nhận đơn và chứng cứ liên quan của công dân, pháp nhân Việt Nam để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam xem xét, giải quyết.
– Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến quốc tịch phù hợp với quy định của pháp luật.
– Thực hiện việc đăng ký công dân đối với người có quốc tịch Việt Nam cư trú tại quốc gia tiếp nhận phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam , pháp luật và thông lệ quốc tế.
– Thực hiện việc ủy thác tư pháp giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận; chuyển giao, tống đạt hồ sơ, giấy tờ, tài liệu của tòa án hoặc cơ quan tiến hành tố tụng khác có thẩm quyền của Việt Nam cho công dân, pháp nhân Việt Nam ở quốc gia tiếp nhận phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật quốc gia tiếp nhận hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên nếu việc thực hiện nhiệm vụ này không ảnh hưởng đến quyền ưu đãi, miễn trừ của cơ quan đại diện và thành viên cơ quan đại diện theo quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.
– Giúp đỡ tàu biển Việt Nam, tàu bay mang quốc tịch Việt Nam và phương tiện giao thông vận tải khác đăng ký tại Việt Nam để bảo đảm tàu biển, tàu bay và phương tiện giao thông vận tải đó được hưởng đầy đủ quyền và lợi ích tại quốc gia tiếp nhận theo quy định của pháp luật của quốc gia tiếp nhận, phù hợp với điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
– Thực hiện nhiệm vụ phòng dịch, kiểm dịch động vật, thực vật phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của quốc gia tiếp nhận, điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên, phù hợp với pháp luật và thông lệ quốc tế.
– Thực hiện nhiệm vụ lãnh sự khác theo quy định của pháp luật Việt Nam và không trái với pháp luật của quốc gia tiếp nhận hoặc theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và quốc gia tiếp nhận là thành viên.
Theo quy định, cơ quan đại diện thực hiện chức năng đại diện chính thức của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế tiếp nhận và thống nhất quản lý hoạt động đối ngoại phù hợp với quy định.
Luật cơ quan đại diện nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài 2009 không có quy định nào quy định rằng cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài được xử lý các hành vi vi phạm xảy ra trên lãnh thổ nước ngoài. Tuy nhiên, trong trường hợp này bạn có thể yêu cầu, nhờ sự trợ giúp của cơ quan đại diện của Việt Nam ở Đức thông qua đó tố cáo hành vi vi phạm xảy ra trên lãnh thổ Đức đển cơ quan có thẩm quyền tại Đức để giải quyết. Hoặc cơ quan đại điện ngoại giao có thể trợ giúp thông qua việc thực hiện ủy thác tư pháp hoặc tống đạt giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam.