Trong những năm gần đây công tác thi đua, khen thưởng các cấp được quan tâm chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, an sinh xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước.
Mục lục bài viết
- 1 1. Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương là cơ quan nào?
- 2 2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương:
- 3 3. Mục đích của việc thành lập Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp:
- 4 4. Thành phần Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương:
- 5 5. Phiên họp thường kỳ của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương diễn ra bao lâu một lần?
- 6 6. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung những nguyên tắc khen thưởng nào?
1. Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương là cơ quan nào?
Anh Hưng ở Hải Dương có gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia như sau: Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương trực thuộc cơ Bộ ban ngành nào, Hội đồng này có nhiệm vụ, quyền hạn như thế nào, mục đích thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp ?
Cảm ơn anh Hưng đã tin tưởng và gửi câu hỏi tới Luật Dương Gia về vấn đề thắc mắc của anh chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Căn cứ vào Điều 1 Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương ban hành kèm theo Quyết định 378/QĐ-TTg năm 2022 về Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương theo đó: Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương là cơ quan hành chính nhà nước trực thuộc Bộ Nội vụ có chức năng tham mưu, tư vấn cho Đảng và Nhà nước về công tác thi đua, khen thưởng trên phạm vi toàn quốc.
2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương:
Căn cứ vào Điều 2 Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua – Khen thưởng Trung ương ban hành kèm theo Quyết định 378/QĐ-TTg năm 2022 về Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng bao gồm:
– Phối hợp thực hiện việc đề xuất các chủ trương, chính sách và tham mưu về tổ chức phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng trong phạm vi cả nước giữa các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và các địa phương;
– Tham mưu, tư vấn cho cấp có thẩm quyền quyết định phong tặng, truy tặng danh hiệu anh hùng bao gồm: “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân”, “Anh hùng Lao động”, “Tỉnh Anh hùng”, “Thành phố Anh hùng” theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng.
– Đánh giá theo định kỳ phong trào thi đua và công tác khen thưởng; tham mưu tổng kết công tác thi đua, khen thưởng; đề xuất sửa đổi, bổ sung chế độ, chính sách về thi đua, khen thưởng; kiến nghị, đề xuất chủ trương, biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước theo dõi, đôn đốc, giám sát công tác thi đua, khen thưởng.
3. Mục đích của việc thành lập Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp:
Việc thành lập Hội đồng thi đua khen thưởng các cấp nhằm tạo ra cơ chế đánh giá, tôn vinh và khuyến khích hình thành và phát huy tài năng, năng lực và thúc đẩy sự nỗ lực, phấn đấu của các cá nhân, tập thể và đơn vị trên phạm vi cả nước. Dưới đây là một số mục đích chính của việc thành lập Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp:
Thứ nhất, khuyến khích tinh thần làm việc: Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp được thành lập nhằm tạo động lực và đẩy mạnh tinh thần làm việc chăm chỉ, sáng tạo và hiệu quả của các cá nhân, cơ quan, tổ chức. Các hoạt động thi đua và khen thưởng nhằm tạo động lực để các cá nhân, tổ chức đạt kết quả tốt hơn và phát triển sự nghiệp của mình.
Thứ hai, tạo sự cạnh tranh lành mạnh: Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cá nhân, tập thể và đơn vị trong cùng một lĩnh vực hoạt động. Điều này khuyến khích các cá nhân, tập thể và đơn vị đó nỗ lực nắm bắt cơ hội, đổi mới và phát triển để đạt được nhiều thành tựu và kết quả công tác tốt hơn.
Thứ ba, tối ưu hóa năng suất và hiệu quả: Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp hướng đến việc tối ưu hóa năng suất và hiệu quả của đơn vị và cá nhân thông qua việc đề xuất các phong trào thi đua, khen thưởng qua đó tìm ra các cá nhân xuất sắc và khuyến khích những thành tựu xuất sắc. Điều này giúp tăng cường sự cống hiến, sáng tạo từ đó nâng cao sự phát triển và thành công chung của toàn thể đơn vị, tổ chức.
Thứ tư, xây dựng đội ngũ chất lượng: Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp nhằm xửng danh cho những người có thành tích xuất sắc và đặc biệt, đồng thời giúp xây dựng đội ngũ nhân viên chất lượng và năng động. Điều này góp phần xây dựng một đội ngũ chuyên nghiệp, đóng góp tích cực vào sự phát triển của tổ chức hoặc cộng đồng.
Thứ năm, tạo sự công bằng và minh bạch: Hội đồng Thi đua Khen thưởng các cấp được thành lập nhằm đảm bảo quá trình đánh giá thành tích của cá nhân, tổ chức, đơn vị một cách công bằng, minh bạch và có tính khách quan. Đây là mục tiêu quan trọng để đảm bảo các cá nhân, cơ quan, tổ chức được đối xử bình đẳng và có cơ hội công bằng trong việc nhận được sự công nhận và khuyến khích.
4. Thành phần Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương:
Căn cứ vào Điều 61 Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định về thành phần Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương bao gồm:
– Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng;
– Các Phó Chủ tịch Hội đồng gồm có: Phó Chủ tịch nước là Phó Chủ tịch thứ nhất; Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương là Phó Chủ tịch thường trực; Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là Phó Chủ tịch.
– Việc quyết định thành phần, số lượng các ủy viên và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng thi đua khen thưởng trung ương do Chủ tịch Hội đồng thi đua, khen thưởng trung ương quyết định.
– Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương là cơ quan thường trực của Hội đồng thi đua, khen thưởng Trung ương.
Như vậy, thành phần Hội đồng thi đua khen thưởng Trung ương bao gồm: 01 Chủ tịch Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ đảm nhiệm; 05 Phó Chủ tịch Hội đồng gồm 01 Phó Chủ tịch thứ nhất do Phó Chủ tịch nước đảm nhận, 02 Phó chủ tịch thường trực do Thứ trưởng Bộ Nội vụ và Trưởng ban Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương đảm nhận và 02 Phó Chủ tịch do Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đảm nhận.
Số lượng Ủy viên của Hội đồng Thi đua, khen thưởng Trung ương do Chủ tịch Hội đồng là Thủ tướng Chính phủ quyết định.
5. Phiên họp thường kỳ của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương diễn ra bao lâu một lần?
Căn cứ vào Điều 9 Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương ban hành kèm theo Quyết định 378/QĐ-TTg năm 2022 về Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương như sau:
– Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương 06 tháng một lần sẽ tiến hành họp định kỳ để tổng hợp tình hình phong trào thi đua và công tác khen thưởng của cả nước, đánh giá công tác của Hội đồng đồng thời đề xuất phương hướng, nhiệm vụ 06 tháng tiếp theo và kiến nghị các phương pháp giải quyết những vấn đề cần thiết khác.
+ Trường hợp cần thiết Hội đồng có thể họp bất thường do Chủ tịch Hội đồng triệu tập.
+ Chủ tịch Hội đồng chủ trì hoặc ủy quyền cho Phó Chủ tịch thứ nhất Hội đồng chủ trì phiên họp.
+ Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương tiến hành họp thường kỳ khi có ít nhất 2/3 tổng số ủy viên tham dự phiên họp. Đối với phiên họp có nội dung về xem xét đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu Anh hùng số Ủy viên tham dự phải có ít nhất 90% trên tổng số Ủy viên của Hội đồng. Các trường hợp được đề nghị tặng danh hiệu Anh hùng phải đạt từ 90% trở lên số phiếu đồng ý của các Ủy viên Hội đồng (nếu Ủy viên Hội đồng vắng mặt thì lấy ý kiến bằng văn bản).
– Thường trực Hội đồng họp thường kỳ 03 tháng một lần. Phó Chủ tịch thứ nhất và Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng thường xuyên xem xét, kiểm tra tiến độ việc thực hiện các nhiệm vụ của Hội đồng.
6. Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung những nguyên tắc khen thưởng nào?
Căn cứ Điều 5 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 đã bổ sung các nguyên tắc khen thưởng như sau:
– Thành tích đến đâu khen thưởng đến đó nghĩa là việc khen thưởng được quyết định dựa trên kết quả thực tế đạt được của cá nhân, cơ quan, tổ chức;
– Chú trọng khen thưởng cá nhân, hộ gia đình, tập thể trực tiếp kinh doanh, lao động, sản xuất; cá nhân, tập thể công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc vùng biên giới, trên biển, hải đảo.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022;
– Nghị định 91/2017/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều Luật Thi đua khen thưởng;
– Quyết định 378/QĐ-TTg năm 2022 về việc ban hành Quy chế làm việc của Hội đồng Thi đua Khen thưởng Trung ương.