Hỏi đáp về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính.
Tóm tắt câu hỏi:
Ngày 10/5/2018 anh A có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép vi phạm điểm a khoản 3 Điều 5 nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ, bị chiến sĩ cảnh sát thuộc phòng cảnh sát giao thông tỉnh B đang làm nhiệm vụ lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện (xe ô tô), ngày 15/5/2018 Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh B ra quyết định xử phạt hành chính anh A, hình thức phạt tiền, mức phạt 700.000 đồng, đồng thời trả lại phương tiện cho A. Ngày 22/5/2017, trên đường đi nộp phạt bằng phương tiện mô tô, anh A lại bị xử phạt vì quên không mang theo giấy phép lái xe, chiến sĩ cảnh sát đã áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm b khoản 1 điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính phạt A với mức phạt 400.000 đồng. Hỏi: 1. Việc xử lý của Chiến sĩ cảnh sát và Trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh B là đúng hay sai? 2. Việc áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm b khoản 1 điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính với hành vi trên đúng hay sai? 3. Đến thời điểm nào thì anh A được xem là chưa bị xử lý vi phạm hành chính?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý
Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
2. Giải quyết vấn đề
Câu hỏi 1:
Trường hợp vi phạm hành chính phải lập biên bản được quy định tại Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.”
Trường hợp xử phạt tiền trên 250.000 đồng đối với cá nhân, người có thẩm quyền phải lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính. Trường hợp của anh A vi phạm điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, bị áp dụng hình thức phạt tiền 700.000 đồng, tức trên 250.000 đồng nên người có thẩm quyền phải tiến hành việc lập biên bản xử lý vi phạm hành chính. Việc chiến sĩ cảnh sát giao thông lập biên bản xử lý vi phạm hành chính với anh A là đúng.
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, các trường hợp được tiến hành tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính bao gồm:
“Để ngăn chặn ngay vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử phạt được phép tạm giữ phương tiện đến 07 ngày trước khi ra quyết định xử phạt đối với những hành vi vi phạm được quy định tại các Điều, Khoản, Điểm sau đây của Nghị định này và phải tuân thủ theo quy định tại Khoản 2 Điều 125 của
Luật Xử lý vi phạm hành chính :a) Điểm a Khoản 6; Điểm n, Điểm d Khoản 8; Khoản 11 Điều 5;
…”
Như vậy, trường hợp điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép vi phạm điểm a khoản 3 Điều 5 Nghị định 46/2016/NĐ-CP không thuộc trường hợp bị tạm giữ phương tiện. Do vậy, việc chiến sĩ cảnh sát giao thông lập biên bản vi phạm hành chính và tạm giữ phương tiện của anh A là sai.
Về thời hạn ra
“Điều 66. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính
Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.”
Do đó, trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính, người có thẩm quyền phải tiến hành ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Việc biên bản xử phạt vi phạm được giao ngày 10/5/2018 và ngày 15/5/2018 Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh B ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, tức trong thời hạn 05 ngày, vẫn đảm bảo về thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính. Do vậy, việc ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với anh A của Trưởng phòng Cảnh sát giao thông tỉnh B là đúng.
Ngoài ra, theo quy định về thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 39
“Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ có quyền:
…
b) Phạt tiền đến 20% mức tiền phạt tối đa đối với lĩnh vực tương ứng quy định tại Điều 24 của Luật này nhưng không quá 25.000.000 đồng;”
Mức xử phạt tiền tối đa trong lĩnh vực giao thông đường bộ được ghi nhận cụ thể tại Điều 24 Luật Xử lý vi phạm hành chính:
“1. Mức phạt tiền tối đa trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với cá nhân được quy định như sau:
b) Phạt tiền đến 40.000.000 đồng: an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; thi hành án dân sự; phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã; giao thông đường bộ; giao dịch điện tử; bưu chính;”
Như vậy, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông có quyền được phạt tiền tối đa 20%x40.000.000 = 8.000.000 đồng.
Việc xử phạt tiền anh A 700.000 đồng vẫn thuộc thẩm quyền của Trưởng phòng cảnh sát giao thông tỉnh B nên việc xử phạt của người này vẫn là đúng quy định của pháp luật.
Câu hỏi 2: Chiến sĩ cảnh sát đã áp dụng tình tiết tăng nặng theo điểm b khoản 1 điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012:
“b) Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm”
Các trường hợp này được quy định cụ thể tại Điều 2 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“Tái phạm là việc cá nhân, tổ chức đã bị xử lý vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định này mà lại thực hiện hành vi vi phạm hành chính đã bị xử lý.
Vi phạm hành chính nhiều lần là trường hợp cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm hành chính mà trước đó đã thực hiện hành vi vi phạm hành chính này nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý.”
Tình tiết tăng nặng quy định tại điểm b Khoản 1 Điều 10 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 chỉ được áp dụng khi một người vi phạm lại một hành vi hành chính trước đây đã từng vi phạm. Cụ thể:
Tái phạm áp dụng khi một người đã bị xử phạt vi phạm hành chính nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 7 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 kể từ ngày chấp hành xong quyết định hoặc kể từ ngày hết thời hiệu thi hành quyết định mà lại thực hiện hành vi vi phạm đã bị xử lý, tức hành vi vi phạm mới trùng với hành vi vi phạm trước đây.
Được coi là vi phạm hành chính nhiều lần khi vi phạm lại một hành vi trước đó đã thực hiện nhưng chưa bị xử lý và chưa hết thời hiệu xử lý (tức 01 năm kể từ ngày diễn ra hành vi vi phạm hành chính).
Ở trường hợp của anh A, lần vi phạm 1 và 2 của anh là hai hành vi vi phạm khác nhau: điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép và không mang theo giấy phép lái xe nên sẽ không bị áp dụng tình tiết tăng nặng này.
Như vậy, đối với hành vi không mang theo giấy phép lái xe, anh A bị xử lý theo quy định tại điểm a Khoản 3 Điều 21 Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau:
“Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Người điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm c Khoản 7 Điều này;”
Do vậy, trường hợp của anh A khi vi phạm quy định về không mang theo giấy phép lái xe khi tham gia giao thông thì bị phạt tiền từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng, mức trung bình là 300.000 đồng và không bị áp dụng tình tiết tăng nặng “Vi phạm hành chính nhiều lần; tái phạm”.
Câu hỏi 3:
Thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính được quy định tại Điều 7 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 như sau:
“Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt cảnh cáo hoặc 01 năm, kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính mà không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.”
Như vậy, sau 01 năm kể từ ngày chấp hành xong quyết định xử phạt vi phạm hành chính vì lỗi điều khiển xe ô tô chạy quá tốc độ cho phép, tức sau 01 năm kể từ ngày 15/05/2018, anh A không tái phạm thì được coi là chưa bị xử phạt vi phạm hành chính.