Ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về án treo. Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về án treo.
Mục lục bài viết
1. Hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam về án treo:
Để khắc phục những hạn chế, thiếu sót trong quá trình áp dụng án treo thì việc hoàn thiện pháp luật về án treo là yêu cầu đầu tiên. Từ khi chế định án treo ra đời cho đến nay nó không ngừng được hoàn thiện thông qua việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật về án treo trong các BLHS. BLHS năm 2015 ra đời là một bước tiến mới trong hoạt động lập pháp của nước ta, tuy nhiên qua thực tiễn áp dụng án treo tác giả thấy còn nhiều vấn đề bất cập cần phải được hoàn thiện để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về án treo:
Một là, bổ sung khái niệm về án treo. Án treo là một chế định rất tiến bộ và quan trọng trong pháp luật hình sự Việt Nam nhưng khái niệm về án treo vẫn chưa được ghi nhận chính thức trong BLHS, đây là một thiếu sót cần phải bổ sung ngay để thể hiện được tầm quan trọng của chế định này trong BLHS. Mặc dù trong các văn bản pháp luật trước đây có giải thích về án treo tuy nhiên chưa có sự thống nhất và chưa đầy đủ. BLHS năm 2015 không quy định thế nào là án treo nhưng theo Nghị quyết số 02/2018/NQ- HĐTP ngày 15/5/2018 thì án treo được hiểu là “biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện”. Để thể hiện được tầm quan trọng của án treo và đảm bảo thống nhất trong nhận thức pháp luật về án treo, tác giả đề xuất bổ sung khái niệm án treo vào khoản 1 Điều 65 Bộ luật Hình sự hiện hành như sau: Án treo là biện pháp miễn chấp hành hình phạt tù có điều kiện, được áp dụng cho người bị kết án phạt tù không quá ba năm, không buộc họ phải chấp hành hình phạt tù khi có đầy đủ những căn cứ và điều kiện nhất định do pháp luật hình sự quy định nhằm khuyến khích họ cải tạo để trở thành công dân có ích cho xã hội, đồng thời cũng cảnh cáo họ là nếu phạm tội mới trong thời gian thử thách thì họ sẽ phải chấp hành hình phạt tù được hưởng án treo của bản án trước đó.
Hai là, khoản 1 Điều 65 BLHS năm 2015 quy định thời gian thử thách án treo là từ 01 năm đến 05 năm là chưa rõ ràng, cụ thể và phải vận dụng Nghị quyết của Hội đồng thẩm phán
Ba là, Khoản 2 Điều 65 BLHS quy định “Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục…”. Việc quy định chính quyền địa phương là quá chung chung, không rõ cấp nào, không rõ cơ quan nào của chính quyền. Theo tác giả cần sửa đổi khoản 2 Điều 65 BLHS cho hợp lý, cụ thể hơn và thống nhất với quy định trong BLTTHS và các văn bản khác là “Trong thời gian thử thách, Toà án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục…”.
Bốn là, BLHS năm 2015 không quy định cụ thể thời điểm tính thời gian thử thách là khi nào. Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP quy định 08 trường hợp tính bắt đầu thời gian thử thách của án treo. Quy định trên là rất phức tạp và khó áp dụng trên thực tiễn. Do đó tác giả đề xuất bổ sung vào Điều 65 BLHS quy định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách như sau: Thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách là ngày tuyên án cho hưởng án treo có hiệu lực pháp luật. Với cách quy định này sẽ rất dễ để xác định thời điểm bắt đầu tính thời gian thử thách của án treo, chỉ cần căn cứ vào bản án có hiệu lực pháp luật là tính theo hướng có lợi nhất cho người bị kết án.
Năm là, pháp luật về án treo hiện hành quy định chưa phù hợp khi quy định về việc quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội khác trước khi được hưởng án treo. Trong trường hợp này, người phạm tội phải đồng thời chấp hành 02 bản án và việc thi hành án do các cơ quan được giao trách nhiệm thi hành án hình sự phối hợp thực hiện theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Với quy định như trên tác giả thấy là chưa hợp lý bởi lẽ một người phải đồng thời chấp hành cùng lúc hai bản án là phạt tù và án treo là không thể thực hiện được. Do đó cần bổ sung quy định trong việc quyết định hình phạt trong trường hợp người được hưởng án treo phạm tội khác trước khi được hưởng án treo như sau: Trường hợp người đang được hưởng án treo mà lại phát hiện trước khi được hưởng án treo họ đã thực hiện một tội phạm khác thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội phạm đó không được cho hưởng án treo và tổng hợp hình phạt với bản án cho hưởng án treo theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 BLHS.
Sáu là, khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành có quy định về việc phải tuyên hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách án treo nhưng Điều luật không quy định trong trường hợp bản án nếu không tuyên nghĩa vụ trên thì sẽ như thế nào, có vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật hay không. Trong trường hợp không tuyến hậu quả mà người hưởng án treo vi phạm nghĩa vụ thì phải xử lý lý ra sao. Do đó tác giả đề xuất bổ sung hướng dẫn việc Tòa án phải tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định tại khoản 5 Điều 65 BLHS hiện hành như sau:
“Việc bản án không tuyên rõ hậu quả của việc vi phạm nghĩa vụ trong thời gian thử thách là vi phạm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật”.
2. Ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về án treo:
BLHS năm 2015 chỉ có Điều 65 quy định về án treo. Vì vậy để áp dụng đúng, thống nhất chế định án treo việc ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật về án treo là một trong những yếu tố có ý nghĩa quan trọng làm tăng tính hiệu quả của chế định này, góp phần vào mục tiêu xử lý đúng người, đúng tội, đúng hành vi và mức độ, không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, tránh làm oan người vô tội.
Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao đã ban hành Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 hướng dẫn áp dụng Điều 65 của BLHS về án treo. Nghị quyết số 02/2018 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao là hướng dẫn có ý nghĩa quan trọng trong việc áp dụng án treo trên thực tế, giúp bảo đảm mục đích của hình phạt, bảo đảm pháp chế, bảo đảm sự công bằng công lý. Tuy nhiên, qua thời gian và thực tiễn áp dụng, còn tồn tại một số vướng mắc cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Ngoài ra, việc áp dụng pháp luật về án treo còn thông qua các
Người được hưởng án treo có thể được Tòa án rút ngắn thời gian thử thách theo quy định tại Thông tư số 08/2012/TTLT-BCA-BQP-TANDTC- VKSNDTC ngày 14/08/2012 và Nghị quyết số 02/2018/NQ-HĐTP ngày 15/05/2018 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn áp dụng Điều 65 BLHS về án treo. Trong đó có quy định “Trường hợp người được hưởng án treo lập công hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và có đủ các điều kiện được hướng dẫn tại khoản 1 Điều này, thì Tòa án có thể quyết định rút ngắn thời gian thử thách còn lại”; việc xác định như thế nào là bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo thì hiện tại chưa có văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thống nhất và chính xác. Giữa Bộ Y Tế và Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Bộ, Ngành có liên quan vẫn chưa có hướng dẫn liên ngành thống nhất về nội dung này. Vì vậy, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phối hợp với các Bộ, Ngành có liên quan sớm ban hành Thông tư liên tịch hướng dẫn thống nhất về danh mục bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo để các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng làm căn cứ ra quyết định cho chính xác, thấu tình đạt lý khi xét rút ngắn thời gian thử thách của án treo.
Đối với các cơ quan trung ương cần phối hợp ban hành những thông tư liên ngành để áp dụng pháp luật một cách đầy đủ, rõ ràng hơn về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử sao cho đến kết quả cuối cùng là việc thực hiện chế định án treo được dễ hiểu, rõ ràng nhất, đồng thời cần hướng dẫn và giải thích pháp luật cho các cơ quan tiến hành tố tụng cấp dưới thực hiện một cách thống nhất. Những hướng dẫn của các cơ quan liên ngành cấp trên cần được xuất phát và thống nhất ngay từ giai đoạn điều tra vụ án, các điều tra viên đã phải chú ý thu thập đầy đủ những dữ liệu về những điều kiện sau này xét có cho bị cáo được hưởng án treo hay không, như vậy sau này Hội đồng xét xử mới trên cơ sở những kết quả điều tra trong hồ sơ vụ án mà đưa ra được phán quyết chính xác khi cho bị cáo hưởng án treo.
Đối với các cơ quan tiến hành tố tụng ở cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần tăng cường công tác tập huấn, hướng dẫn cho các đơn vị cấp dưới trong việc hiểu và vận dụng các quy định của pháp luật về chế định án treo một cách đồng bộ và thống nhất, cần có những buổi tập huấn riêng về các quy định liên quan đến chế định án treo để từ đó các Điều tra viên, Kiểm sát viên và đặc biệt là các Thẩm phán nắm vững và vận dụng tốt các văn bản pháp luật về án treo.