Lý luận cơ bản về người khuyết tật và các chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật? Hiện trạng áp dụng quy định hỗ trợ người khuyết tật? Nguyên nhân thực trạng sử dụng công trình công cộng cho người khuyết tật?
Hỗ trợ người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công trình công cộng là một trong những vấn đề ưu tiên hiện nay. Đây là một trong các chính sách của Nhà nước góp phần thúc đẩy xã hội phát triển công bằng, văn minh, mọi người đều có quyền tiếp cận và sử dụng dịch vụ, công trình công cộng ngang nhau.
Luật sư
Mục lục bài viết
1. Lý luận cơ bản về người khuyết tật và các chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật
Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn. Có nhiều dạng tật khác nhau, mỗi dạng tật lại có một nhược điểm khác nhau, chung quy lại, họ đều có sự hạn chế nhất định trong đời sống hàng ngày. Việc đảm bảo quyền và lợi ích của người khuyết tật đã trở thành một trong những phần công việc thiết yếu trong việc xây dựng các đạo luật cũng như trong các dự án đầu tư xây dựng, chính sách của Nhà nước hiện nay.
Kỳ thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó. Việc một hoặc một số nhóm người có hành vi kỳ thị người khuyết tật cần phải được xã hội lên án.
Phân biệt đối xử người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.
- Một số dạng tật gồm khuyết tật vận động; khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác.
Khuyết tật vận động là tình trạng giảm hoặc mất chức năng cử động đầu, cổ, chân, tay, thân mình dẫn đến hạn chế trong vận động, di chuyển.
Khuyết tật nghe, nói là tình trạng giảm hoặc mất chức năng nghe, nói hoặc cả nghe và nói, phát âm thành tiếng và câu rõ ràng dẫn đến hạn chế trong giao tiếp, trao đổi thông tin bằng lời nói.
Khuyết tật nhìn là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhìn và cảm nhận ánh sáng, màu sắc, hình ảnh, sự vật trong điều kiện ánh sáng và môi trường bình thường.
Khuyết tật thần kinh, tâm thần là tình trạng rối loạn tri giác, trí nhớ, cảm xúc, kiểm soát hành vi, suy nghĩ và có biểu hiện với những lời nói, hành động bất thường.
Khuyết tật trí tuệ là tình trạng giảm hoặc mất khả năng nhận thức, tư duy biểu hiện bằng việc chậm hoặc không thể suy nghĩ, phân tích về sự vật, hiện tượng, giải quyết sự việc.
Khuyết tật khác là tình trạng giảm hoặc mất những chức năng cơ thể khiến cho hoạt động lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn mà không thuộc các trường hợp được quy định tại các khoản trên.
- Người khuyết tật được chia ra thành một số mức độ sau:
Người khuyết tật đặc biệt nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
Người khuyết tật nặng là người do khuyết tật dẫn đến không thể tự thực hiện một số việc phục vụ nhu cầu sinh hoạt cá nhân hàng ngày;
Người khuyết tật nhẹ là người khuyết tật không thuộc trường hợp quy định tại các trường hợp trên.
Nhằm tạo điều kiện bảo đảm để người khuyết tật tiếp cận và sử dụng công trình công cộng, Luật người khuyết tật 2010 quy định việc phê duyệt thiết kế, xây dựng, nghiệm thu công trình xây dựng mới, cải tạo và nâng cấp nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật, công trình hạ tầng xã hội phải tuân thủ hệ thống quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xây dựng để bảo đảm người khuyết tật tiếp cận. Quy định này còn tạo bước đột phá mới trong việc xóa bỏ rào cản về vật chất, xã hội đối với người khuyết tật, bảo đảm quyền bình đẳng của người khuyết tật trong tham gia các hoạt động xã hội để họ có điều kiện hòa nhập cộng đồng.
Nhà chung cư, trụ sở làm việc và công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội được xây dựng trước đây chưa bảo đảm các điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật phải được cải tạo, nâng cấp để bảo đảm điều kiện tiếp cận theo lộ trình sau:
– Đến ngày 01 tháng 01 năm 2020, các công trình công cộng sau đây phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật:
+ Trụ sở làm việc của cơ quan nhà nước;
+ Nhà ga, bến xe, bến tàu;
+ Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;
+ Cơ sở giáo dục, dạy nghề;
+ Công trình văn hóa, thể dục, thể thao.
– Đến ngày 01 tháng 01 năm 2025, tất cả nhà chung cư, trụ sở làm việc, công trình hạ tầng kỹ thuật công cộng, công trình hạ tầng xã hội không thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này phải bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.
Hiện nay, Bộ xây dựng đã ban hành bộ Quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia năm 2013 về xây dựng các công trình đảm bảo người khuyết tật sử dụng như Quy chuẩn xây dựng công trình để đảm bảo cho người khuyết tật tiếp cận sử dụng; Tiêu chuẩn về Nhà và công trình, đường và hè phố, nhà ở đảm bảo người khuyết tật tiếp cận sử dụng.
2. Hiện trạng áp dụng quy định hỗ trợ người khuyết tật
Mặc dù nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được xây dựng và phê duyệt, ban hành để đảm bảo quyền và lợi ích cho người khuyết tật, chỉ một trong số ít đó đi vào thực tế, nghĩa là được các kỹ sư đưa vào thiết kế và ghi nhận trong công trình. Thực tế cho thấy nhiều công trình công cộng, hạ tầng giao thông tại đô thi thường chưa chú trọng đến quyền lợi của nhóm người yếu thế trong xã hội.
- Thứ nhất, về vấn đề hạ tầng giao thông
Các tuyến đường chưa đồng bộ xây dựng theo phương hướng dành cho người khiếm thị. Theo đó, gạch lát phải có gờ nổi, được lát dọc theo hướng phía người đi, đi đến chỗ chuyển hướng phải có dấu hiệu nổi báo hiệu cho người đi đường biết. Khi chuyển hướng cho người sang đường thì phải được dẫn trùng vào vạch cho người đi bộ qua đường, … Tuy nhiên, quy định là thế, việc một số tuyến đường được xây dựng nhưng lại chưa đúng tiêu chuẩn về kỹ thuật, nhiều đường dẫn không trùng vào vạch hoặc đâm thẳng vào ghế chờ xe buýt, hộp điện ven đường, cột điện, … dẫn đến các đường dẫn nổi này không được sử dụng đúng công năng và mục đích ban đầu.
- Thứ hai, về vấn đề các công trình công cộng
Công trình công cộng ở đây đề cập đến công viên giải trí, trung tâm thương mại, các rạp chiếu phim, khách sạn, trường học, siêu thị, …. Tại một số trung tâm thương mại, công viên, khách sạn có đường lên cho người khuyết tật nhưng lại thiếu nhà vệ sinh công cộng, nhân viên phục vụ thì chưa được đào tạo đầy đủ kiến thức liên quan đến đảm bảo quyền lợi của người khuyết tật, cũng như kỹ năng phục vụ nhóm đối tượng này và cách thức hành xử.
Trường học, bệnh viện, bảo tàng, bưu điện ít có hạng mục lối đi riêng dành cho người khuyết tật, biển chỉ dẫn, hoặc có nhưng với tâm lý xây dựng chưa đúng mục đích, xây dựng ‘cho có’, chưa thực sự hỗ trợ được trên thực tế.
3. Nguyên nhân thực trạng sử dụng công trình công cộng cho người khuyết tật
Thứ nhất, về tính thương mại. Bài toán kinh tế đặt ra ở đây là chi phí thiết kế chuẩn chỉ và chi tiết cho người khuyết tật sẽ tốn thêm chi phí đầu tư, chi phí bảo dưỡng, quản lý, mà các chủ đầu tư cho rằng hiệu quả đầu tư không cao, do đó, việc làm qua loa, ló ngơ hoặc làm đối phó là chuyện dễ hiểu, có thể xảy ra. Các nhà thiết kế cũng chưa coi trọng, nghiên cứu sâu sắc và chú ý đến từng tiểu tiết và nhu cầu đa dạng của những người sử dụng công trình để xây dựng cho phù hợp. Các công trình được xây dựng theo phương hướng có tính thẩm mỹ cao, hoặc là có tính bền chắc, đảm bảo tiêu chuẩn, quy chuẩn thiết kế hiện hành, việc thiết kế công trình có tính xã hội, đầu tư thời gian để hiểu rõ công trình xây dựng nhằm phục vụ cho ai? để làm gì? thì chưa cao. Nếu có sự nghiên cứu đầu tư kỹ từ đầu thì việc xây dựng các công trình có thể hài hòa được các yếu tố và thành phần trong xã hội, vừa đảm bảo tính nhân văn, vừa cân bằng quyền và lợi ích giữa các chủ thể.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, về việc thi công. Có thể trong bản vẽ thiết kế thi công công trình có thể hiện các hạng mục dành cho nhóm yếu thế, tuy nhiên trong quá trình thi công, do đơn vị thi công cẩu thả, làm qua loa, dẫn đến việc chất lượng công trình không được như dự kiến ban đầu. Nhiều vỉa hè dành cho người đi bộ có thiết kế phần nổi để dễ dàng trong việc đi lại của người khuyết tật, tuy nhiên không là đường thẳng, mà là dẫn vào cột điện, hộp điện hay thậm chí là ghế chờ xe buýt. Nếu không có sự hỗ trợ và giúp đỡ của những người xung quanh thì việc người khuyết tật có thể bị thương hoặc có phát hiện cũng khó khăn trong việc di chuyển qua.
Thứ tư, về khâu quản lý chưa chặt chẽ. Nếu ngay từ khâu giám sát, thi công, xây dựng công trình cho đến nghiệm thu, thanh toán hoàn tất công trình. Cần phải nhìn nhận vấn đề một cách khách quan, đúng đắn, đúng trọng điểm, tất cả các khâu quy hoạch, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu… cần được chủ đầu tư chú trọng đến các hạng mục dành cho người khuyết tật. Nếu chủ đầu tư không quan tâm đầy đủ, thậm chí bỏ thẳng đi, thì tất nhiên đơn vị thiết kế, thi công không xây dựng, sau đó lại dùng phương án qua loa để đối phó với cơ quan thẩm định. Vì lẽ đó, công tác quản lý, kiểm tra cần được thực hiện chặt chẽ, quyết liệt, như vậy các công trình hiện nay mới đáp ứng đúng và đủ nhu cầu của người khuyết tật được.
Kết luận: Hỗ trợ người khuyết tật tiếp nhận và sử dụng công trình công cộng là một trong những mục tiêu đặt ra dài hạn của Nhà nước và công dân Việt Nam trong việc nỗ lực hỗ trợ thúc đẩy xã hội phát triển, dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.