Thông thường người nước ngoài trước khi vào Việt Nam thì phải xin thị thực. Vậy có trường hợp nào được miễn thị thực không? Hồ sơ và thủ tục để xin miễn thị thực như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Các trường hợp được miễn thị thực theo quy định của pháp luật:
Miễn thị thực là việc một quốc gia cho phép công dân nước ngoài nhập cảnh và lưu trú trên lãnh thổ của mình trong một khoảng thời gian nhất định mà không cần phải làm các thủ tục hay không cần đóng các khoản lệ phí liên quan tới việc xuất nhập cảnh.
Tại Việt Nam, người nước ngoài trước khi vào Việt Nam thì phải xin thị thực, nghĩa là phải được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cho phép. Khi được miễn thị thực, đồng nghĩa với việc người nước ngoài vào Việt Nam mà không phải xin phép.
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 quy định, với các trường hợp sau đây thì các cá nhân sẽ được miễn thị thực:
+ Người nước ngoài của quốc gia có tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Theo đó, các công dân nước ngoài đến từ các quốc gia Đông Nam Á (Asean) sẽ được miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam. Đồng thời, các quốc gia này cũng miễn thị thực cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh một trong số các quốc gia này. Thời hạn miễn thị thực song phương sẽ là không quá 30 ngày.
+ Người nước ngoài đang sử dụng thẻ thường trú, thẻ tạm trú tại Việt Nam;
+ Người nước ngoài đi vào khu kinh tế cửa khẩu, đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt;
+ Người nước ngoài vào khu kinh tế ven biển do Chính phủ quyết định. Đối với trường hợp này, khu kinh tế này phải đáp ứng đủ các điều kiện như: có sân bay quốc tế, có không gian riêng biệt, có ranh giới địa lý xác định, cách biệt với đất liền, phù hợp với chính sách phát triển kinh tế – xã hội và không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam;
+ Người nước ngoài là công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực. Hiện nay, Việt Nam miễn thị thực cho công dân của 13 quốc gia bao gồm Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Đan Mạch, Phần Lan, Nga, Thụy Điển, Belarus, Pháp, Đức, Italy, Anh và Tây Ban Nha.
+ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp và người nước ngoài là vợ, chồng, con của họ. Ngoài ra, người nước ngoài là vợ, chồng, con của công dân Việt Nam cũng thuộc trường hợp được miễn thị thực.
Trên đây là các trường hợp được miễn thị thực phổ biến nhất theo quy định của pháp luật. Ngoài các trường hợp cụ thể nêu trên, thì Chính phủ Việt Nam cũng đã đồng ý chủ trương miễn thị thực nhập cảnh Việt Nam trên cơ sở có đi có lại cho thành viên tổ bay của các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tại đây, các thành viên tổ bay của các hãng hàng không nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được nhập cảnh miễn thị thực, tạm trú và đi lại trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam trong thời gian chờ khởi hành trở lại cùng với chuyến bay đến hoặc chuyến bay thường lệ tiếp theo.
2. Hồ sơ miễn thị thực cho người nước ngoài:
Khi làm hồ sơ miễn thị thực cho người nước ngoài, các cá nhân cần chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu cụ thể sau đây:
– 01 Tờ khai đề nghị cấp Giấy miễn thị thực (theo mẫu);
– 02 tấm ảnh màu mới chụp cỡ 4×6 cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu (01 tấm ảnh dùng để dán vào Tờ khai, 01 tấm ảnh để rời);
– Hộ chiếu nước ngoài còn giá trị ít nhất 6 tháng kể từ ngày nhập cảnh (kèm theo bản chụp);
– Một trong những giấy tờ chứng minh quan hệ vợ, chồng, con với người Việt Nam định cư ở nước ngoài như: Giấy đăng ký kết hôn; Giấy khai sinh; Giấy xác nhận quan hệ cha, mẹ, con; Quyết định nuôi con nuôi; Các giấy tờ khác có giá trị theo quy định của pháp luật Việt Nam…
Trên đây là các giấy tờ cơ bản nhất mà các cá nhân cần chuẩn bị khi muốn xin cấp giấy miễn thị thực cho người nước ngoài.
Các giấy tờ, tài liệu nêu trên là căn cứ, cơ sở để cơ quan chức năng có thẩm quyền xác định xem các cá nhân người nước ngoài này có đảm bảo đầy đủ để được miễn thị thực tại Việt Nam hay không. Đồng thời, theo nội dung phân tích nêu trên, khi thuộc một trong các trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật, người nước ngoài sẽ được miễn thị thực. Do đó, bộ hồ sơ này chính là căn cứ, cơ sở để xác định tính hợp lý, hợp pháp, đúng đối tượng của cơ quan Nhà nước Việt Nam. Hơn hết, nó giúp cơ quan Nhà nước Việt Nam nắm bắt được đầy đủ thông tin của người nước ngoài được miễn thực. Trong trường hợp phát sinh các vấn đề pháp lý, sẽ kịp thời đưa ra phương hướng xử lý, giải quyết tốt nhất.
3. Thủ tục cấp giấy miễn thị thực cho người nước ngoài:
Để xin cấp giấy miễn thị thực cho người nước ngoài, các cá nhân cần tuân thủ thực hiện theo quy trình với các bước cụ thể sau đây:
– Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ.
Cá nhân có yêu cầu xin cấp giấy miễn thị thực cho người nước ngoài sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ với đầy đủ các giấy tờ, tài liệu như đã phân tích ở phần mục trên. Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, các cá nhân sẽ nộp hồ sơ cho cơ quan chức năng có thẩm quyền.
Thẩm quyền nhận hồ sơ của người dân thuộc về:
+ Cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài (trong trường hợp cá nhân đang ở nước ngoài).
+ Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam của Bộ công an khi các cá nhân ở Việt Nam.
– Bước 2: Thụ lý hồ sơ.
Cơ quan chức năng có thẩm quyền sẽ thụ lý hồ sơ mà người dân nộp lên. Nếu hồ sơ hợp lệ, cơ quan chức năng sẽ thụ lý và giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật.
Trong trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cán bộ chức năng sẽ hoàn trả hồ sơ về. Khi trả hồ sơ về, cán bộ chức năng phải nêu rõ lý do trả lại hồ sơ bằng văn bản để người dân biết và bổ sung.
– Bước 3: Cấp giấy miễn thị thực cho người nước ngoài.
Sau khi xét thấy hồ sơ mà các cá nhân gửi lên đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý, cơ quan chức năng có thẩm quyền (Cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài (trong trường hợp cá nhân đang ở nước ngoài; hoặc Cục Xuất nhập cảnh Việt Nam của Bộ công an khi các cá nhân ở Việt Nam) sẽ cấp giấy miễn thị thực cho người nước ngoài.
4. Tờ khai đề nghị cấp giấy miễn thị thực cho người nước ngoài:
TỜ KHAI ĐỀ NGHỊ CẤP, CẤP LẠI GIẤY MIỄN THỊ THỰC (1)
APPLICATION FORM FOR ISSUANCE/REISSUANCE
OF A VISA EXEMPTION CERTIFICATE
1- Họ tên (chữ in hoa):……… Full name (in capital letters)
2- Giới tính: Nam Nữ Sex Male Female
3- Sinh ngày…..tháng…….năm…… Date of birth (Day, Month, Year)
4- Nơi sinh (Place of birth):……….
5- Quốc tịch gốc (Nationality at birth ): ……..
6- Quốc tịch hiện nay (Current nationality):……….
7- Hộ chiếu/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế số (Passport or International Travel Document number)…….. Cơ quan cấp (Issuing authority): …………có giá trị đến ngày (Expiry date (Day, Month, Year):…../………./…….
8- Nghề nghiệp (Occupation):……..
9- Địa chỉ cư trú, nơi làm việc hiện nay ở nước ngoài (Current residential, business address abroad): ……Số điện thoại/Email (Telephone/Email):……
10- Địa chỉ cư trú ở Việt Nam trước khi xuất cảnh định cư ở nước ngoài (nếu có)
Previous residential address in Viet Nam before residing abroad (if any)…
11- Địa chỉ liên hệ tại Việt Nam (Contact address in Viet Nam)…..Số điện thoại (Telephone):……
12- Trẻ em dưới 14 tuổi đi cùng hộ chiếu (họ tên, giới tính, ngày tháng năm sinh)
Accompanying minors (under 14 years old) included in the applicant’s passport (full name, sex, date of birth (Day, Month, Year))………
13- Giấy tờ chứng minh thuộc đối tượng được cấp giấy miễn thị thực (3)
Supporting documents to prove the eligibility for a Visa Exemption Certificate….……
Tôi xin cam đoan những nội dung trên là đúng sự thật.
I declare to the best of my knowledge that all the above particulars are correct
….. ngày ……..tháng …….năm …..
………… date (Day, Month, Year)
Người đề nghị (ký, ghi rõ họ tên) The applicant’s signature and full name
Ghi chú:
(1) Mỗi người khai 1 bản, kèm hộ chiếu/giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế.
(2) Kèm 02 ảnh mới chụp, cỡ 4x6cm, phông nền trắng, mặt nhìn thẳng, đầu để trần, không đeo kính màu (01 ảnh dán vào tờ khai, 01 ảnh để rời).
(3) Kèm bản sao một trong các giấy từ. Giấy khai sinh, Giấy đăng ký kết hôn, Hộ chiếu Việt Nam hết giá trị, Giấy chứng minh nhân dân, Số hộ khẩu hoặc các giấy tờ khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết:
Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014.