Hồ sơ đất đai gồm những gì? Giấy tờ nhà đất hợp lệ bao gồm những gì? Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai nhà ở lần đầu.
Hiện nay, nhu cầu mua bán trao đổi, tặng cho đất đai diễn ra ngày càng nhiều hơn trong cuộc sống hàng ngày. Đất đai, nhà ở là những tài sản có giá trị của mỗi cá nhân, tổ chức và gia đình. Và khi mua bán nhà đất chúng ta cần phải có đầy đủ các hồ sơ chứng minh quyền sở hữu theo đúng quy định của pháp. Vậy hồ sơ đất đai gồm những gì, giấy tờ nhà đất hợp lệ gồm những gì chúng ta cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Mục lục bài viết
1. Hồ sơ đất đai gồm những gì?
Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà hồ sơ giấy tờ nhà đất có thể khác nhau. Dưới đây là các trường hợp cụ thể thường gặp nhất:
1.1. Hồ sơ mua bán, chuyển nhượng đất:
Khi mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, cần bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
– Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu
– Hộ khẩu thường trú
–
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất
– Văn bản xác nhận tài sản riêng (nếu có)
– Hợp đồng mua bán căn hộ/ Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất
1.2. Hồ sơ thừa kế nhà đất:
Khi thực hiện thủ tục thừa kế nhà đất, cần bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
– Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu
– Hộ khẩu thường trú
– Giấy chứng tử
– Các giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân (giấy kết hôn, giấy khai sinh, xác nhận,…)
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất
– Di chúc (nếu có)
– Văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chi di sản thừa kế
1.3. Hồ sơ tặng cho nhà đất:
Khi tặng cho quyền sử dụng đất, cần bộ hồ sơ gồm những giấy tờ sau:
– Chứng minh nhân dân/căn cước công dân/hộ chiếu
– Hộ khẩu thường trú
– Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy xác nhận độc thân)
– Giấy khai sinh
– Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất
– Văn bản xác nhận tài sản riêng (nếu có)
– Hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất
2. Giấy tờ nhà đất hợp lệ bao gồm những gì?
Những giấy tờ về quyền sử dụng đất được coi là căn cứ để Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét cấp quyền sử dụng đất cho Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013 như sau:
– Những giấy tờ về quyền được sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 do cơ quan có thẩm quyền cấp trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
– Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tạm thời được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp hoặc có tên trong Sổ đăng ký ruộng đất, Sổ địa chính trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ hợp pháp về thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất hoặc tài sản gắn liền với đất; giấy tờ giao nhà tình nghĩa, nhà tình thương gắn liền với đất;
– Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở gắn liền với đất ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng trước ngày 15 tháng 10 năm 1993;
– Giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở gắn liền với đất ở; giấy tờ mua nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định của pháp luật;
– Giấy tờ về quyền sử dụng đất do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất. Các giấy tờ này được quy định tại Điều 15 Thông tư 02/2015/TT-BTNMT, bao gồm:
+ Bằng khoán điền thổ.
+ Văn tự đoạn mãi bất động sản (gồm nhà ở và đất ở) có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
+ Văn tự mua bán nhà ở, tặng cho nhà ở, đổi nhà ở, thừa kế nhà ở mà gắn liền với đất ở có chứng nhận của cơ quan thuộc chế độ cũ.
+ Bản di chúc hoặc giấy thỏa thuận tương phân di sản về nhà ở được cơ quan thuộc chế độ cũ chứng nhận.
+ Giấy phép cho xây cất nhà ở hoặc giấy phép hợp thức hóa kiến trúc của cơ quan thuộc chế độ cũ cấp.
+ Bản án của cơ quan Tòa án của chế độ cũ đã có hiệu lực thi hành.
– Các loại giấy tờ khác chứng minh việc tạo lập nhà ở, đất ở nay được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất ở công nhận.
Các loại giấy tờ khác được xác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định của Chính phủ căn cứ Điều 18
+ Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.
+ Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý:
– Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;
– Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;
– Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất;
– Giấy tờ về việc chứng nhận đã đăng ký quyền sử dụng đất của Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh cấp cho người sử dụng đất;
– Giấy tờ về việc kê khai đăng ký nhà cửa được Ủy ban nhân dân cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh xác nhận mà trong đó có ghi diện tích đất có nhà ở;
– Giấy tờ của đơn vị quốc phòng giao đất cho cán bộ, chiến sỹ làm nhà ở trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo Chỉ thị số 282/CT-QP.
3. Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai nhà ở lần đầu:
Theo quy định tại khoản 2 điều 95 Luật Đất đai, thủ tục đăng ký đất đai lần đầu được thực hiện trong các trường hợp sau:
– Thửa đất được giao, cho thuê để sử dụng
– Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký
– Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký
– Nhà ở, tài sản gắn liền với đất chưa đăng ký quyền sử hữu.
Vậy các bước đăng ký đất đai, nhà ở lần đầu như thế nào? Dưới đây là các trình tự mà bạn cần thực hiện khi đăng ký đất đai lần đầu.
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ:
Căn cứ theo khoản 1 điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ đăng ký quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất gồm các giấy tờ sau:
– Đơn đăng ký theo mẫu
– Khi đăng ký quyền sử dụng đất cần có các giấy tờ theo quy định tại điều 100 Luật đất đai và điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
– Khi đăng ký quyền sở hữu nhà ở hoặc tài sản khác gắn liền với đất cần phải có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với tài sản như sau:
+ Đăng ký quyền sở hữu nhà ở cần có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với nhà ở.
+ Đăng ký quyền sở hữu công trình khác cần có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu đối với công trình khác.
+ Đăng ký quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng cần có giấy tờ chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng.
+ Đăng ký quyền sở hữu cây lâu năm cần có giấy tờ chứng minh quyền sở hữu cây lâu năm.
– Chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chứng hoặc giấy tờ liên quan đến việc miễn, giảm nghĩa vụ tài chính về đất đai, tài sản gắn liền với đất.
Bước 2: Nộp hồ sơ:
Tiếp theo bạn mang bộ hồ sơ đã chuẩn bị đến nộp tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Căn cứ theo khoản 2, 3 điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, người dân có thể nộp hồ sơ đăng ký đất đai tại các cơ quan sau:
– Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện hoặc văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện nếu địa phương chưa có văn phòng đăng ký đất đai. Hoặc Bộ phận một cửa đối với địa phương đã thành lập Bộ phận một cửa.
– Hộ gia đình, cá nhân có thể nộp hồ sơ tại UBND cấp xã nơi có đất nếu có nhu cầu.
Bước 3: Tiếp nhận và xử lý hồ sơ:
Cơ quan nhà nước tiếp nhận hồ sơ sẽ tiến hành xử lý hồ sơ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, chưa đầy đủ thì trong vòng 03 ngày làm việc, cơ quan tiếp nhận phải thông báo và hướng dẫn người dân bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ.
Cơ quan tiếp nhận hồ sơ phải ghi đầy đủ thông tin vào sổ tiếp nhận hồ sơ và đưa phiếu tiếp nhận cho người nộp.
Bước 4: Giải quyết yêu cầu:
Theo quy định tại khoản 40 điều 2 nghị định 01/2017/NĐ-CP thời hạn giải quyết hồ sơ như sau:
– Không quá 30 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ, không quá 40 ngày đối với các xã khu vực miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
– Thời gian giải quyết hồ sơ không tính ngày nghỉ, ngày lễ, thời gian tiếp nhận hồ sơ ở xã; Thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính. Không tính thời gian xem xét đối với các trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật và thời gian trưng cầu giám định.