Hiện nay, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo ở Việt Nam đã giảm đáng kể. Với những hộ gia đình chưa thoát nghèo, nhà nước đã và đang có những chính sách hỗ trợ hữu ích giúp họ vươn lên thoát nghèo. Gần đây nhất, chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, trong đó có chính sách trang bị điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Mục lục bài viết
1. Quy định của pháp luật về hộ nghèo, hộ cận nghèo:
Dựa vào mức thu nhập bình quân thì trong xã hội sẽ phân ra thành nhiều tầng lớp khác nhau. Theo đó thì có thể hiểu rằng hộ nghèo, hộ cận nghèo là những hộ gia đình có mức thu nhập thấp và được hưởng các chế độ hỗ trợ vật chất cụ thể từ hoạt động quản lý nhà nước. Việc hỗ trợ của nhà nước là nhằm để đảm bảo cho họ được đảm bảo sinh sống ổn định, được cải thiện chất lượng cuộc sống. Việc xác định một hộ gia đình là hộ nghèo hay cận nghèo sẽ dựa theo rất nhiều tiêu chí khác nhau theo quy định của pháp luật. Các tiêu chí bình xét hộ nghèo cũng được áp dụng, xác định trong quản động tổ chức quản lý thống nhất nhà nước. Từ việc xác định những tiêu chí đó sẽ góp phần xây dựng các chính sách hỗ trợ trên thực tế cho người thuộc từng nhóm đối tượng trên.
Các tiêu chí xác định họ nghèo, hộ cận nghèo được quy định rất chi tiết trong Nghị định số 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025. Từ nghị định này ta có thể phân biệt được hộ nghèo, hộ cận nghèo. Trong đó, tính chất đo lường được xác định trong khả năng làm ăn, thu nhập hàng tháng. Từ đó mà họ không đảm bảo được khả năng cũng như sử dụng các nhu cầu thiết yếu.
Căn cứ vào khoản 2 Điều 3 Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định thì ta có thể xác định được tiêu chí như sau:
Đối với chuẩn hộ nghèo thì phải đảm bảo tiêu chí như sau:
Ở khu vực nông thôn: Để được xác định là hộ nghèo thì các hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Ở khu vực thành thị: Để được xác định là hộ nghèo thì các hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên.
Đối với chuẩn hộ cận nghèo thì phải đảm bảo các tiêu chí như sau:
Ở khu vực nông thôn: Để được xác định là hộ cận nghèo các hộ gia đình phải có thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 1.500.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Ở khu vực thành thị: Để được xác định là hộ cận nghèo các hộ gia đình phảicó thu nhập bình quân đầu người/tháng từ 2.000.000 đồng trở xuống và thiếu hụt dưới 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.
Như vậy, từ quy định trên thì có thể thấy, mức thu nhập trên là quá thấp so với xã hội ở hiện tại, tuy nhiên, các tiêu chí về mức thu nhập bình quân cũng đã tăng để phù hợp hơn với đời sống xã hội. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì có tất cả 12 chỉ số được phản ánh trong hoạt động đánh giá, quản lý nhà nước. Từ năm 2022 thì tiêu chuẩn về hộ nghèo sẽ được áp dụng theo các tiêu chí mới tại Nghị định 07/2021/NĐ-CP. Thể hiện sự phù hợp, áp dụng linh hoạt trong từng giai đoạn phát triển đất nước. Giúp hộ nghèo vươn nên, có được nghề nghiệp và cải thiện mức thu nhập.
Một điểm nữa mà có thể nhìn thấy từ quy định nêu trên đó là tiêu chuẩn hộ cận nghèo trên được quy định tương đối giống với tiêu chuẩn hộ nghèo. Các nội dung về điều kiện thu nhập bình quân đầu người/tháng được căn cứ như nhau. Tuy nhiên, với tiêu chuẩn hộ nghèo, gia đình phải thiếu hụt từ 03 chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản trở lên. Trong khi ở hộ cận nghèo, các chỉ số được xác định là dưới 03. Nhờ vào đây mà cơ quan nhà nước xác định được tiêu chí đáp ứng của một hộ gia đình có được coi là hộ nghèo, hộ cận nghèo hay không.
Hộ nghèo, hộ cận nghèo là những đối tượng được hưởng các chế độ chính sach của nhà nước, cụ thể một số chính sách mà hộ nghèo, hộ cận nghèo được hưởng như là:
Hỗ trợ 100% chi phí khám, chữa bệnh. Theo quy định của pháp luật hiện hành thì người thuộc hộ gia đình nghèo là một trong những đối tượng được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí. Đồng thời, được hỗ trợ tiền ăn khi điều trị nội trú tại các cơ sở y tế của Nhà nước từ tuyến huyện trở lên
Miễn học phí cho học sinh, sinh viên là hộ nghèo
Người thuộc hộ nghèo có thể được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng. Cụ thê là:
Trợ cấp 540.000 đồng/tháng cho người từ đủ 60 đến dưới 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng
Trợ cấp 720.000 đồng/tháng cho người từ đủ 80 tuổi thuộc hộ nghèo, không có người phụng dưỡng
Trợ cấp 360.000 đồng/tháng cho người từ đủ 75 – 80 tuổi thuộc diện hộ nghèo mà không thuộc trường hợp trên đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.
Hỗ trợ 360.000 đồng/tháng/con cho người đơn thân hoặc góa vợ hoặc chồng thuộc hộ nghèo mà đang nuôi con ăn học
Hỗ trợ 540.000 đồng/tháng cho trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn được
Hộ nghèo còn được hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Mức lãi suất do ngân hàng Chính sách xã hội công bố hiện nay là 6,6%/năm đối với hộ nghèo.
Hỗ trợ tiền điện sinh hoạt hàng tháng. Mỗi hộ nghèo được hưởng mức hỗ trợ tiền điện cho mục đích sinh hoạt hàng tháng tương đương tiền điện sử dụng 30 kWh tính theo mức giá bán lẻ điện sinh hoạt bậc 1 hiện hành là 46.000 đồng/hộ/tháng.
2. Hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh không?
2.1. Quy định của pháp luật về đối tượng được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh:
Nếu như trước đây hộ nghèo được hỗ trợ các khoản như tiền điện sinh hoạt hàng tháng, hỗ trợ vay vốn để sản xuất, kinh doanh,….thì ở thời điểm hiện tại khi công nghệ hiện đại phát triển thì nhà nước đã rất kịp thời trong việc giúp các hộ ngheo, hộ cận nghèo có thể tiếp cận với những thiết bị điện tử thông minh, cụ thể là điện thoại di động. Việc hỗ trợ này được quy định rất cụ thể và chi tiết tại thông tư 14/2022/TT-BTTTT. Theo đó, để xác định được các đối tượng được hỗ trợ điện thoại thông minh thì ta căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 15 Thông tư 14/2022/TT-BTTTT là hộ nghèo, hộ cận nghèo.
Bên cạnh đó, việc hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo điện thoại thông minh sẽ có sự ưu tiên hộ gia đình được nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh theo thứ tự nhất đinh, cụ thể là:
Thứ nhất, Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách người có công với cách mạng;
Thứ hai, Hộ nghèo, hộ cận nghèo đồng thời là gia đình chính sách xã hội;
Thứ ba, Hộ nghèo;
Thứ tư, Hộ cận nghèo.
2.2. Điều kiện được nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh:
Việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo cũng cần phải tuân theo những nguyên tắc nhất định để đảm bảo sự công bằng,bình đẳng. Theo đó, các hộ gia hình thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để được nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh thì phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Thông tư 14/2022/TT-BTTTT, cụ thể là các điều kiện như sau:
Hộ gia đình muốn nhận hỗ trợ điện thoại phải là những hộ có tên trong danh sách được hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
Hộ gia đình muốn nhận hỗ trợ điện thoại phải đảm bảo hồ sơ, thủ tục theo quy định bao gồm: Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân của chủ hộ hoặc của người đại diện hộ gia đình nhận hỗ trợ (có bản chính để đối chiếu);Bản sao được chứng thực Giấy chứng nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo đang trong thời gian chưa thoát nghèo, cận nghèo;Hóa đơn mua điện thoại thông minh của hộ gia đình (đối với trường hợp nhận hỗ trợ bằng tiền).
Hộ gia đình nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh ở doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông phổ cập cho hộ gia đình;
Hộ gia đình ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nào, thực hiện nhận hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh qua doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích ở tỉnh, thành phố đó.
2.3. Mức hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo:
Theo quy định thì việc hỗ trợ điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo sẽ có hai phương thức là: Hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh hoặc hỗ trợ tiền mua điện thoại.
Đối với trường hợp hỗ trợ thông qua gói dịch vụ hỗ trợ kết hợp, nội dung hỗ trợ bao gồm kinh phí hỗ trợ trang bị điện thoại thông minh và kinh phí hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông di động mặt đất của Chương trình; trong đó: Giá điện thoại thông minh do doanh nghiệp cung cấp không được thấp hơn mức hỗ trợ bằng tiền. Mức hỗ trợ sử dụng dịch vụ viễn thông công ích cho hộ gia đình thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Đối với trường hợp hỗ trợ bằng tiền, mức hỗ trợ là 500.000 đồng/hộ. Nếu hộ gia đình mua điện thoại thông minh trên thị trường hoặc mua điện thoại thông minh thông qua gói dịch vụ kết hợp của doanh nghiệp có giá cao hơn mức hỗ trợ từ Chương trình, hộ gia đình tự bổ sung số kinh phí tăng thêm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 14/2022/TT-BTTTT quy định danh mục, chất lượng dịch vụ viễn thông công ích và hướng dẫn thực hiện Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025 do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành;
– Nghị định 07/2021/NĐ-CP quy định về chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025.