Khi tham gia hoạt động kinh doanh, việc tạm dừng kinh doanh không phải là những tình huống hiếm gặp. Tuy nhiên, không phải cá nhân nào cũng tìm hiểu được hết các nội dung xoay quanh vấn đề này nên trong bài viết này, Luật Dương Gia sẽ đề cập đến nội dung pháp lý này, trình bày cụ thể về việc hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh trong thời gian tối đa bao lâu?
Mục lục bài viết
1. Hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh tối đa bao lâu?
Hiện nay, nhu cầu tham gia kinh doanh tồn tại nhiều hình thức khác nhau, đều được pháp luật bảo hộ miễn là đảm bảo điều kiện pháp luât cho phép hoạt động không phụ thuộc quy mô lớn, vừa hay nhỏ. Trong đó phải kể đến mô hình kinh doanh cá nhân hoặc hộ gia đình, thường được biết đến với tên gọi là hộ kinh doanh cá thể. Mặc dù hộ kinh doanh cá thể không phải là một loại hình doanh nghiệp nhưng được thành lập dựa trên những điều kiện và trình tự, thủ tục được pháp luật quy định và hộ kinh doanh có trách nhiệm với mọi hoạt động kinh doanh của mình trước cơ quan có thẩm quyền. Đối với trường hợp đóng cửa ngừng kinh doanh tạm thời của hộ kinh doanh thì bạn đọc có thể theo dõi các nội dung đã được quy định tại Điều 91 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:
– Theo ghi nhận hộ kinh doanh vì một số lý do không thể tiếp tục tham gia kinh doanh mà việc tạm ngừng này có thể trên 30 ngày thì phải tiến hành thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý để cơ quan này cập nhập thông tin;
– Đối với trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo, hộ kinh doanh gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký ít nhất 03 ngày làm việc trước khi tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo.
Khi gửi thông báo này sẽ phải gửi kèm theo bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sau khi tiếp nhận thông báo về hoạt động của hộ kinh doanh sẽ trao Giấy biên nhận hồ sơ cho hộ kinh doanh. Thời gian hợp lệ để Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh, Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo cho hộ kinh doanh là trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ gửi đến;
Với quy định hiện hành thì hộ gia đình hoàn toàn có thể tạm ngừng kinh doanh, thời gian tối đa thực hiện vấn đề này cũng không bị giới hạn. Theo đó, chỉ quy định tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên, hộ kinh doanh phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý. Trường hợp hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo thì gửi thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đã đăng ký. Nội dung này cũng là điểm thay đổi lớn so với quy định tại Điều 76
2. Hộ kinh doanh muốn tạm ngừng kinh doanh thì cần làm thủ tục gì?
2.1. Hồ sơ tạm ngừng kinh doanh:
– Hộ kinh doanh để hoàn thiện hồ sơ tạm ngừng hoạt động thì cần lập thông báo về việc tạm ngừng kinh doanh;
– Đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh thì nộp thêm bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo để được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận giải quyết nhanh chóng.
2.2. Các bước thực hiện:
– Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ
Như đã hướng dẫn, hộ gia đình chuẩn bị hồ sơ đã được hướng dẫn trong mục 2.1 bài viết đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh từ 30 ngày trở lên. Hồ sơ của hộ kinh doanh với mục đích thông báo với Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi đã đăng ký kinh doanh và Cơ quan thuế trực tiếp quản lý.
– Bước 2: Xem xét tính hợp lệ hồ sơ
Sau khi tiếp nhận thông báo, Phòng Tài chính – Kế hoạch trao Giấy biên nhận hồ sơ cho hộ kinh doanh xác nhận đã tiếp nhận hồ sơ thông báo. Trong trường hợp chưa đầy đủ giấy tờ thì sẽ hướng dẫn hộ kinh doanh bổ sung để hoàn tất yêu cầu.
Trong trường hợp hồ sơ hợp lệ thì thời hạn để thực hiện cấp Giấy xác nhận về việc hộ kinh doanh đăng ký tạm ngừng kinh doanh cho hộ kinh doanh là trong vòng 03 ngày làm việc. Cơ quan tiến hành thủ tục này thuộc về Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Theo quy định thì hộ kinh doanh tạm ngừng kinh doanh mà không thông báo với cơ quan nhà nước thì sẽ bị xử phạt bao nhiêu?
Căn cứ theo Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP đã có những nội dung quy định về vi phạm về chế độ thông tin báo cáo của hộ kinh doanh với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng khi thực hiện một trong các hành vi sau:
– Trong thời gian hoạt động mà hộ kinh doanh vi phạm trong việc không tuân thủ quy định về báo cáo tình hình kinh doanh theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện;
– Việc tự ý tiến hành thay đổi chủ hộ kinh doanh nhưng không gửi hồ sơ thông báo thay đổi nội dung đăng ký hộ kinh doanh đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký để cơ quan này tiến hành cập nhật thông tin quản lý;
– Pháp luật cũng ghi nhận hành vi tạm ngừng kinh doanh, tiếp tục kinh doanh trước thời hạn đã thông báo nhưng không gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đã đăng ký là đang sai phạm và sẽ bị áp dụng mức phạt tiền như đã nêu;
– Bất kỳ hoạt động thay đổi về địa điểm kinh doanh cũng cần tuan thủ việc thông báo nên khi hộ kinh doanh chuyển địa điểm kinh doanh nhưng không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cũng có thể bị phạt với mức tối đa là 10 triệu đồng;
– Theo quy định, khi tiến hành chấm dứt hoạt động kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh phải thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nên hành vi không thông báo hoặc không nộp lại bản gốc Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện sẽ bị nghiêm cấm tuyệt đối;
– Ngoài ra, kể đến trường hợp thay đổi ngành, nghề kinh doanh nhưng không gửi thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi hộ kinh doanh đặt trụ sở chính;
– Hoạt động kinh doanh tại nhiều địa điểm nhưng không thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh, cơ quan thuế, cơ quan quản lý thị trường.
Cần biết rằng: Hộ kinh doanh vi phạm đến đâu thì xử lý đến đó theo đúng mức độ và tình chất vi phạm. Trường hợp có vi phạm pháp luật về thuế thì xử lý theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế.
Có thể thấy, nếu hộ kinh doanh không thực hiện thông báo cho cơ quan nhà nước khi tạm ngừng kinh doanh thì có thể sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Đồng thời, theo quy định tại khoản 2 Điều 63 Nghị định 122/2021/NĐ-CP hộ kinh doanh còn phải áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc phải thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện.
Lưu ý về mức xử phạt áp dụng: Cũng theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Nghị định 122/2021/NĐ-CP, thì mức phạt tiền được trình bày nêu trên sẽ là mức phạt áp dụng đối với cá nhân. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Văn bản pháp luật được sử dụng:
– Nghị định số 01/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Về đăng ký doanh nghiệp;
– Nghị định số 122/2021/NĐ-CP của Chính phủ: Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
THAM KHẢO THÊM: