Hiện nay, mô hình kinh doanh dưới hình thức hộ kinh doanh đang ngày càng được nhiều chủ thể lựa chọn, việc phát triển nền kinh tế tư nhân được xem là yếu tố quan trọng thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế xã hội và giải quyết các chế độ xã hội, xóa đói giảm nghèo. Vậy hộ kinh doanh nộp thuế khoán có cần phải xuất hóa đơn hay không?
Mục lục bài viết
1. Hộ kinh doanh nộp thuế khoán có xuất hóa đơn không?
Pháp luật hiện nay đã quy định cụ thể về thuế khoán. Hộ kinh doanh trong quá trình kinh doanh sẽ cần phải có nghĩa vụ nộp thuế khoán theo quy định của pháp luật. Thuế khoán được xem là loại thuế trọn gói áp dụng cho các chủ thể là hộ kinh doanh và các cá nhân kinh doanh, do mức thuế thấp và khó tiến hành xác định rõ ràng vì vậy cơ quan thuế sẽ đưa ra một định mức thuế nhất định dựa trên cơ sở hồ sơ khai thuế của người nộp thuế, dựa trên ý kiến của hội đồng tư vấn thuế cấp xã/phường và dựa trên cơ sở dữ liệu mà cơ quan thuế đã cập nhật, lưu trữ, quản lý. Nhìn chung, phương pháp khoán được xem là phương pháp tính thuế dựa trên tỷ lệ doanh thu khoán do cơ quan thuế xác định căn cứ theo quy định tại Điều 51 của Luật quản lý thuế năm 2019.
Đồng thời, căn cứ theo quy định tại Điều 3 của Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, thì mức thuế khoán được xác định là tiền thuế và các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước cần phải nộp của các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán do các cơ quan có thẩm quyền xác định cụ thể.
Hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán bắt buộc sẽ phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh căn cứ theo quy định tại Điều 6 của Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ. Cụ thể, điều luật này quy định về vấn đề áp dụng hóa đơn điện tử đối với một số trường hợp đặc biệt. Cụ thể như sau:
– Chuyển dữ liệu hóa đơn điện tử không có mã đó lập đến các cơ quan thuế đối với trường hợp quy định cụ thể tại khoản 3 Điều 22 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ. Theo đó, người bán sau khi lập đầy đủ các nội dung hóa đơn sẽ cần phải gửi hóa đơn điện tử cho người mua, đồng thời gửi hóa đơn điện tử cho cơ quan thuế có thẩm quyền, chậm nhất là trong cùng ngày gửi cho người mua;
– Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử bao gồm:
+ Các hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức kê khai phải sử dụng hóa đơn điện tử;
+ Hộ kinh doanh và các cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán, nếu bắt buộc có yêu cầu phải sử dụng hóa đơn điện tử thì cơ quan thuế sẽ cấp là hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh;
+ Hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh khai thuế theo từng lần phát sinh, nếu có yêu cầu bắt buộc phải sử dụng hóa đơn thì các cơ quan thuế cần phải cấp lại hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh đó.
Theo đó thì có thể nói, theo điều luật phân tích nêu trên, hộ kinh doanh tiến hành thủ tục nộp thuế theo phương thức khoán nếu có yêu cầu bắt buộc phải sử dụng hóa đơn thì cơ quan thuế sẽ cấp lại hóa đơn điện tử cho hộ kinh doanh theo từng lần phát sinh.
Như vậy, hộ kinh doanh thuế theo phương thức khoán sẽ bắt buộc phải xuất hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh.
2. Trình tự, thủ tục đề nghị cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán:
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ, có quy định cụ thể về trình tự và thủ tục đề nghị cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh đối với các hộ kinh doanh nộp thuế theo phương thức khoán. Cụ thể như sau:
Bước 1: Hộ kinh doanh gửi đề nghị cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh đối với trường hợp hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán. Theo đó, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán sẽ gửi đơn đề nghị cấp hóa đơn điện tử có mã của các cơ quan thuế đến cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể như sau:
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có địa điểm kinh doanh cố định thì sẽ nộp hồ sơ tới Chi cục thuế nơi quản lý hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không có địa điểm kinh doanh cố định thì sẽ nộp hồ sơ tới cơ quan có thẩm quyền đó là Chi cục thuế nơi cá nhân cư trú hoặc nơi hộ kinh doanh/cá nhân kinh doanh đăng ký kinh doanh.
Đồng thời, với việc gửi đơn đề nghị xin cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh, hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán cần phải thực hiện hoạt động truy cập vào Hệ thống lập hóa đơn điện tử của các cơ quan thuế có thẩm quyền để lập hóa đơn điện tử.
Bước 2: Cấp hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh, xem xét hồ sơ của hộ kinh doanh để giải quyết hồ sơ theo quy định của pháp luật. Sau khi các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đã kê khai, nộp thuế đầy đủ theo quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp và các loại thuế, lệ phí khác, thì các cơ quan thuế sẽ cấp mã thuế dựa trên hóa đơn điện tử do doanh nghiệp và cá nhân cung cấp. Thời gian cấp không vượt quá 01 ngày làm việc được tính kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ. Doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sẽ tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của các thông tin mà mình cung cấp trên hóa đơn điện tử theo từng lần phát sinh nộp tại cơ quan thuế. Mọi hành vi gian lận, cung cấp thông tin sai sự thật sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
3. Hộ kinh doanh nộp thuế theo khoán được xác định thuế khoán dựa trên căn cứ nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 của Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, có quy định cụ thể về vấn đề quản lý thuế đối với hộ khoán. Trong đó có quy định cụ thể về căn cứ xác định thuế khoán đối với hộ khoán. Theo đó, căn cứ xác định thuế khoán sẽ bao gồm các căn cứ cơ bản sau:
– Hồ sơ khai thuế của hộ khoán do các hộ khoán tự mình kê khai phù hợp với dự kiến doanh thu và mức thuế khoán của năm tính thuế;
– Căn cứ vào cơ sở dữ liệu của các cơ quan thuế;
– Căn cứ vào ý kiến tham vấn của hội đồng tư vấn thuế cấp xã, phường, thị trấn;
– Căn cứ vào kết quả công khai thông tin vào hoạt động tiếp nhận ý kiến phản hồi từ Hội đồng tư vấn thuế cấp xã, Uỷ ban nhân dân, Mặt trận tổ quốc cấp xã/phường, Hội đồng nhân dân, lấy ý kiến của các hộ khoán và các tổ chức, cá nhân khác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 40/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Thông tư 100/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 40/2021/TT-BTC ngày 01/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;
– Thông tư 78/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13/6/2019, Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ;
– Nghị định 41/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2020/NĐ-CP về hóa đơn, chứng từ và Nghị định 15/2022/NĐ-CP quy định miễn, giảm thuế.
THAM KHẢO THÊM: