Hộ chiếu thường được sử dụng cho các mục đích như du lịch, học tập, hoặc làm việc ở nước ngoài. Ngoài ra, hộ chiếu cũng có thể được dùng làm giấy tờ tùy thân trong một số giao dịch dân sự. Vậy hộ chiếu có được sử dụng để rút tiền tại ngân hàng không?
Mục lục bài viết
1. Hộ chiếu có dùng để rút tiền ngân hàng được không?
Theo quy định tại Điều 18 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, khi người dân thực hiện thủ tục rút tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thì cần xuất trình những giấy tờ sau:
– Xuất trình Thẻ tiết kiệm;
– Xuất trình Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền khi thực hiện các giao dịch tại ngân hàng. Đối với các trường hợp tiền gửi tiết kiệm chung, tất cả các người gửi tiền đều phải cung cấp giấy tờ xác minh thông tin của mình. Trong trường hợp người đại diện pháp luật thực hiện việc chi trả tiền gửi, người đại diện theo pháp luật này cũng cần phải cung cấp các giấy tờ chứng minh tư cách đại diện pháp luật, cùng với giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền và thông tin của người đại diện theo pháp luật;
– Khi nộp giấy rút tiền từ tài khoản tiết kiệm, chữ ký trên giấy phải phù hợp với mẫu chữ ký đã được đăng ký tại các tổ chức tín dụng. Trong trường hợp người gửi tiền không có khả năng viết, đọc hoặc nhìn, người gửi tiền sẽ thực hiện theo hướng dẫn cụ thể từ tổ chức tín dụng.
Theo quy định trên, khi muốn rút tiền từ tài khoản tiết kiệm tại ngân hàng thì người gửi tiền tiết kiệm hoặc người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền tiết kiệm bắt buộc phải xuất trình các loại Giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc người đại diện theo pháp luật của người gửi tiền.
Thêm vào đó, theo quy định tại khoản 4 và khoản 5, Điều 5 Thông tư 48/2018/TT-NHNN, giấy tờ xác minh thông tin của người gửi tiền hoặc giấy tờ xác minh thông tin của người đại diện theo pháp luật bao gồm các loại giấy tờ sau:
– Giấy CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực hoặc Giấy khai sinh của cá nhân chưa đủ 14 tuổi.
– Trường hợp người đại diện theo pháp luật là cá nhân: CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực;
– Trường hợp người đại diện theo pháp luật là pháp nhân: Quyết định thành lập/Giấy phép hoạt động/Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc các giấy tờ khác tương đương theo quy định của pháp luật; giấy CMND/CCCD/Hộ chiếu còn thời hạn hiệu lực và giấy tờ chứng minh tư cách đại diện của người đại diện hợp pháp của pháp nhân thực hiện giao dịch tiền gửi tiết kiệm.
Do đó, nếu hộ chiếu của bạn vẫn còn thời hạn hiệu lực thì bạn có thể sử dụng hộ chiếu để thay thế CMND hoặc CCCD khi thực hiện giao dịch rút tiền tại ngân hàng.
2. Vay tiền bằng hộ chiếu có được không? Để ngân hàng cho vay tiền, khách hàng phải đáp ứng điều kiện gì?
Theo điểm c khoản 3 Điều 18 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định các hành vi vi phạm về quy định xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú và đi lại, trong đó có đề cập về vay tiền bằng hộ chiếu là hành vi bị nghiêm cấm và bị xử lý như sau:
Thực hiện một trong những hành vi sau đây thì bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng: Tặng, thuê, cho thuê, cho, nhận cầm cố hộ chiếu, cầm cố, giấy thông hành, giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế; giấy tờ cấp cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú tại Việt Nam hoặc thẻ ABTC;
Theo đó, công dân không được cầm cố, nhận cầm cố hộ chiếu do đó, việc vay tiền bằng hộ chiếu là hành vi bị nghiêm cấm hay nói cách khác, nêu công dân vay tiền bằng hộ chiếu là vi phạm pháp luật.
Điều kiện vay vốn tại ngân hàng được quy định tại Điều 7 Thông tư 39/2016/TT-NHNN được sửa đổi bởi Điều 2 Thông tư 06/2023/TT-NHNN quy định như sau: Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay khi khách hàng có đủ các điều kiện sau đây:
– Khách hàng là pháp nhân phải đáp ứng điều kiện có đầy đủ năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật. Đối với trường hợp khách hàng là cá nhân từ đủ 18 tuổi trở lên phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật hoặc khách hàng là cá nhân từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của pháp luật.
– Có phương án sử dụng vốn khả thi. Trước khi vay vốn, khách hàng chuẩn bị kế hoạch cụ thể cho việc sử dụng số tiền vay để đảm bảo rằng việc sử dụng vốn là hợp pháp và mang lại lợi ích cho họ.
– Vay vốn để sử dụng, phục vụ cho các mục đích hợp pháp. Quy định này đảm bảo việc vay vốn của khách hàng không làm ảnh hưởng đến ngân hàng, hệ thống tài chính cũng như trật tự an toàn xã hội.
– Có đủ khả năng tài chính để trả nợ. Quy định này đảm bảo việc vay vốn sẽ không gây khó khăn hoặc tạo gánh nặng tài chính cho khách hàng và giúp duy trì sự ổn định tài chính cho cá nhân hoặc doanh nghiệp.
Theo đó, để có thể được ngân hàng xem xét, quyết định cho vay thì khách hàng phải đáp ứng được những điều kiện trên theo quy định của pháp luật.
3. Khi cho vay tiền, ngân hàng phải cung cấp cho khách hàng những thông tin gì?
Theo Điều 16 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về cung cấp thông tin như sau:
– Tổ chức tín dụng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng trước khi ký kết hợp đồng vay, bao gồm: (i) Lãi suất cho vay; (ii) nguyên tắc và các yếu tố để xác định mức lãi suất, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh; (iii) lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn; (iv) lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả; (v) phương pháp được sử dụng để tính lãi tiền vay; (v) loại phí và mức phí được áp dụng đối với khoản vay; (vi) các tiêu chí xác định khách hàng đủ điều kiện vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
– Khách hàng cũng cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực, đầy đủ của các tài liệu được cung cấp cho tổ chức tín dụng khi thực hiện vay vốn:
+ Các tài liệu quy định tại Điều 9 Thông tư 39/2016/TT-NHNN;
+ Báo cáo về việc sử dụng vốn vay và cung cấp các bằng chứng chứng minh vốn vay được sử dụng phù hợp với mục đích ghi trong thỏa thuận cho vay;
+ Các tài liệu để chứng minh việc áp dụng biện pháp bảo đảm tiền vay.
Theo đó, ngân hàng phải cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng trước khi ký kết hợp đồng vay, bao gồm:
– Lãi suất cho vay;
– Lãi suất áp dụng đối với dư nợ gốc bị quá hạn;
– Lãi suất áp dụng đối với lãi chậm trả;
– Loại phí và mức phí áp dụng đối với khoản vay;
– Nguyên tắc và các yếu tố xác định, thời điểm xác định lãi suất cho vay đối với trường hợp áp dụng lãi suất cho vay có điều chỉnh;
– Phương pháp tính lãi tiền vay;
– Các tiêu chí xác định khách hàng vay vốn theo lãi suất cho vay quy định tại khoản 2 Điều 13 Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Thông tư 48/2018/TT-NHNN quy định về tiền gửi tiết kiệm;
– Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình;
– Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành;
– Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành.
THAM KHẢO THÊM: