Trục xuất là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc của Nhà nước do Bộ luật hình sự Việt Nam quy định, được Tòa án thông qua thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam, buộc họ trong thời gian nhất định phải rời khỏi lãnh thổ Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Hình phạt trục xuất là gì:
Trục xuất là loại hình phạt áp dụng đối với cá nhân, trước khi được quy định trong
Đến
“Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Trục xuất được Toà án áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung trong từng trường hợp cụ thể”.
Quy định tại Điều 37 là hoàn toàn hợp lý bởi lẽ người phạm tội dù là công dân Việt Nam hay người nước ngoài khi bị đưa ra xét xử tại
Theo quy định của Bộ luật hình sự hiện hành thì Tòa án có thể áp dụng hình phạt trục xuất đối với người nước ngoài phạm bất kỳ tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự, tuy nhiên trên thực tế xét xử các vụ án liên quan đến người nước ngoài phạm tội, không phải người nước ngoài nào vi phạm pháp luật hình sự Việt Nam đều bị áp dụng hình phạt này, tùy vào tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi, mức độ xâm phạm đến các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ, nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, miễn trách nhiệm hình sự và các yếu tố khác liên quan đến quan hệ ngoại giao, lãnh sự, nhân đạo… để áp dụng khi cần thiết. Theo tác giả Cao Vũ Minh trong sách chuyên khảo “Hình thức xử phạt trục xuất trong pháp luật Việt Nam” thì khái niệm hình phạt trục xuất phải bao gồm được các nội dung như: “bản chất pháp lý của hình phạt trục xuất”; “cơ quan có thẩm quyền áp dụng”; “đối tượng bị áp dụng”; “căn cứ và điều kiện áp dụng” thì mới đầy đủ và chính xác về nội dung, nhất quán về mặt pháp lý, thống nhất về mặt ngôn từ, đồng thời phù hợp với thực tiễn xét xử và chính sách nhân đạo của Nhà nước. Bên cạnh đó, tác giả Trịnh Tiến Việt phân tích rằng hình phạt trục xuất thể hiện sự lên án gay gắt của Nhà nước đối với trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, tỏ rõ sự không chào đón người nước ngoài đến Việt Nam với những ý đồ xấu. Từ đó tác giả định nghĩa: “Trục xuất là biện pháp cưỡng chế về hình sự của Nhà nước buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Từ những phân tích về mặt quy định của pháp luật có liên quan dưới góc độ khoa học luật hình sự, kết hợp với việc lĩnh hội từ các quan điểm khoa học đã nêu trên, theo tác giả, khái niệm hình phạt trục xuất có thể hiểu như sau:
“Hình phạt trục xuất là một trong các biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước do Bộ luật hình sự Việt Nam quy định, được Tòa án thông qua thủ tục tố tụng hình sự áp dụng đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, buộc họ trong thời gian nhất định phải rời khỏi Việt Nam”.
2. Đặc điểm của hình phạt trục xuất:
Ở Việt Nam, với tính chất vừa là hình phạt chính vừa là hình phạt bổ sung, và cũng là một hình phạt trong hệ thống hình phạt được quy định trong luật hình sự, do đó hình phạt trục xuất có nhóm đặc điểm chung giống với các hình phạt khác, đồng thời cũng có nhóm đặc điểm riêng biệt giúp phân biệt nó với những hình phạt còn lại.
2.1. Nhóm đặc điểm chung của hình phạt trục xuất:
Thứ nhất, hình phạt trục xuất là một biện pháp cưỡng chế hình sự nghiêm khắc hơn so với các biện pháp cưỡng chế hành chính của Nhà nước.
Hình phạt với tính chất là biện pháp trách nhiệm hình sự được Nhà nước sử dụng như là một công cụ, phương tiện quan trọng để trừng trị, giáo dục, cải tạo người phạm tội. Nó thông thường gắn liền với việc áp dụng cưỡng chế của nhà nước. Tính cưỡng chế của hình phạt, tức là dùng quyền lực nhà nước bắt phải tuân theo, được thể hiện ở nội dung trừng trị là một đặc điểm cơ bản của hình phạt; đặc điểm này cho phép phân biệt hình phạt với các biện pháp tác động xã hội khác. Nội dung trừng trị của hình phạt có thể nặng, nhẹ khác nhau, nhưng chúng đều có cùng tính chất là một loại biện pháp cưỡng chế trong hệ thống các biện pháp cưỡng chế nhà nước. Khi được áp dụng, hình phạt gây nên những tổn hại nhất định cho người phạm tội. Họ có thể bị tước bỏ hoặc bị hạn chế những quyền và lợi ích thiết thân nhất, chẳng hạn như tước quyền tự do (hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân), hạn chế quyền tự do cư trú (các hình phạt quản chế, cấm cư trú, trục xuất), tước các quyền dân sự, chính trị (hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; hình phạt tước quyền công dân), tước quyền lợi vật chất (các hình phạt tiền, tịch thu tài sản), thậm chí họ có thể bị tước cả quyền sống của mình (hình phạt tử hình). Đồng thời, khi áp dụng hình phạt đối với người phạm tội, nhà nước thể hiện thái độ phản ứng chính thức, lên án về mặt chính trị – pháp lý, đạo đức đối với tội phạm và với người thực hiện tội phạm. Những sự tác động pháp lý như vậy của hình phạt làm cho người phạm tội và những người khác không vững vàng trong xã hội trong tương lai có thái độ tôn trọng pháp luật hình sự. Những hạn chế đó mang nội dung trừng trị của hình phạt đối với người phạm tội. Hay nói cách khác, hình phạt, mà tính chất của nó là biện pháp cưỡng chế của nhà nước, thể hiện sự phản ứng của nhà nước và xã hội đối với tội phạm bao giờ cũng có nội dung trừng trị. Ở đâu không có trừng trị thì ở đó không thể nói đến hình phạt khi được áp dụng, hình phạt trục xuất gây ra những tổn hại nhất định cho người bị kết án. Họ bị tước bỏ hoặc bị hạn chế quyền cư trú, làm việc, học tập… trên lãnh thổ Việt Nam. Khi áp dụng hình phạt trục xuất đối với người phạm tội, Nhà nước thể hiện thái độ lên án về mặt chính trị, pháp lý, đạo đức đối với tội phạm và với người thực hiện tội phạm. Việc đưa ra những sự tác động pháp lý như vậy của hình phạt làm cho người bị kết án và những người chuẩn bị phạm tội có thái độ tôn trọng pháp luật trong tương lai.
Thứ hai, hình phạt trục xuất gắn liền với tội phạm.
Pháp luật hình sự là bộ phận thuộc kiến trúc thượng tầng được quy định bởi cơ sở kiến trúc hạ tầng. Quy định hành vi nào là tội phạm và xử lý bằng loại hình phạt nào là thuộc về chính sách hình sự của Nhà nước, song chính sách đó “lại hoàn toàn không phải là sản phẩm của ý muốn chủ quan mà nó được quy định bởi nhu cầu xã hội đối với việc điều chỉnh và bảo vệ các quan hệ xã hội”. Như vậy, cũng như tội phạm, hình phạt cũng phản ánh rõ nét nhu cầu xã hội trong từng giai đoạn phát triển của nó. Hình phạt là một hiện tượng xã hội, sự hình thành và phát triển của nó gắn với từng giai đoạn phát triển nhất định của lịch sử xã hội loài người, nên nó trước hết mang bản chất xã hội. Hình phạt thể hiện bản chất xã hội chủ yếu thông qua các mối liên hệ của nó với xã hội, với các quá trình, các hiện tượng xã hội khác, trong đó quan trọng nhất là hiện tượng tội phạm. Cơ sở pháp lý cho sự tồn tại của hình phạt chính là sự tồn tại của tội phạm. Không có tội phạm thì không thể có hình phạt. Hình phạt là hậu quả pháp lý của hành vi phạm tội, là thước đo tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm. Phải có những vi phạm điều kiện tồn tại của xã hội – tội phạm mới xuất hiện phương tiện để đấu tranh với các vi phạm đó. Như vậy, “giữa tội phạm và hình phạt có mối quan hệ chặt chẽ, đó chính là mối quan hệ nhân – quả”. Hình phạt gắn với tội phạm là một đặc điểm của hình phạt. Chừng nào, Nhà nước còn cần đến Luật hình sự và hình phạt, thì nguyên tắc pháp lý cơ bản này sẽ làm nổi bật vị trí, vai trò của luật hình sự và hình phạt và cho phép phân biệt với các ngành luật khác cũng như các biện pháp cưỡng chế khác của Nhà nước. Hình phạt chỉ được áp dụng và chỉ cho phép được áp dụng với tính chất là sự phản ứng nhà nước và xã hội đối với tội phạm; nó là “sự phủ định công khai, quyết liệt đối với tội phạm”, là thể hiện sự không thể dung thứ của nhà nước và xã hội đối với các hành vi phạm tội.
Nguyên tắc hành vi trong luật hình sự phản ánh, trước hết, mối quan hệ khách quan của tội phạm và hình phạt: ở đâu Nhà nước tuyên bố về mặt pháp luật những hành vi vì tính nguy hiểm cho xã hội của nó là tội phạm và đặt dưới sự đe dọa phải chịu hình phạt thì tội phạm về nguyên tắc phải chịu hậu quả là hình phạt. Tính tất nhiên, tính không tránh khỏi trách nhiệm hình sự và hình phạt hoặc các biện pháp trách nhiệm hình sự khác với tính chất là hậu quả pháp lý tất nhiên của tội phạm là đòi hỏi khách quan, sự đòi hỏi này có ý nghĩa quan trọng nhất cho hiệu quả phòng ngừa tội phạm trong thực tiễn. Tội phạm là cơ sở pháp lý và là cơ sở thực tế duy nhất cho phép áp dụng hình phạt, cho nên không cho phép áp dụng hình phạt đối với hành vi không được luật hình sự quy định là tội phạm và cũng không được phép áp dụng hình phạt nếu hình phạt ấy không được quy định trong Phần chung và trong chế tài của điều luật về tội phạm cụ thể ở Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự. Trong mối quan hệ biện chứng khách quan này, yếu tố trừng trị của hình phạt được coi là nội dung, là thuộc tính của hình phạt. Hình phạt là sự trừng trị tội phạm, vì tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm, đồng thời hình phạt là thể hiện sự phê phán tội phạm về mặt nhà nước, chính trị, đạo đức thông qua Tòa án nhân danh Nhà nước, nó được tuyên trong bản án kết tội của Tòa án.
Thứ ba, hình phạt trục xuất chỉ có thể được Toà án áp dụng đối với người phạm tội thông qua trình tự thủ tục tố tụng hình sự.
Khác với biện pháp cưỡng chế hình sự khác (chẳng hạn như biện pháp tư pháp), hình phạt trục xuất chỉ có thể do Toà án áp dụng đối với người phạm tội mà không thể do bất cứ một chủ thể nào khác. Bên cạnh đó, việc áp dụng hình phạt chỉ có thể được diễn ra tại một phiên toà với một thủ tục tố tụng đặc biệt – đó là tố tụng hình sự với các giai đoạn tố tụng đầy đủ từ khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử. Chính những thủ tục tố tụng này phần nào cũng đã thể hiện tính nghiêm khắc của một hình phạt nói chung và hình phạt trục xuất nói riêng.
Trong bộ máy nhà nước, chỉ có Tòa án là cơ quan duy nhất mới có quyền nhân danh Nhà nước quyết định một người có phải chịu hình phạt hay không và nếu phải chịu thì loại và mức hình phạt cụ thể được áp dụng như thế nào. Nghiên cứu cho thấy, trong các lĩnh vực khác không phải hình sự không bắt buộc Tòa án phải giải quyết, các đương sự có thể lựa chọn cách giải quyết khác, không thông qua Tòa án. Còn trong lĩnh vực hình sự, việc giải quyết vụ án phải thông qua các giai đoạn tố tụng hình sự được quy định rất chặt chẽ, nghiêm ngặt. Điều này xuất phát từ hậu quả pháp lý của việc giải quyết vụ án hình sự có ảnh hưởng rất lớn đến người phạm tội, biểu hiện cụ thê qua việc quyết định hình phạt như đã trình bày ở trên. Vì thế, toàn bộ quá trình tố hình sự đưa đến việc Tòa án xét xử để định tội và áp dụng hình phạt đối với người phạm tội đều do các cơ quan có thẩm quyền của Nhà nước tiến hành, đó là: Cơ quan điều tra thực hiện các hoạt động điều tra tội phạm; Viện kiểm sát thực hiện công tác kiểm sát điều tra, thực hành quyền công tố của Nhà nước, thay mặt Nhà nước truy tố bị can và buộc tội bị cáo trước Tòa án. Còn Tòa án thực hiện hoạt động xét xử theo trình tự luật tố tụng hình sự quy định. Hình phạt do Tòa án quyết định phải được tuyên một cách công khai bằng một bản án và phải là kết quả của một phiên tòa xét xử hình sự với đầy đủ trình tự, thủ tục do Luật tố tụng hình sự quy định. Việc Luật hình sự quy định hình phạt do Tòa án quyết định là bảo đảm sự thận trọng, khách quan toàn diện và triệt để tránh oan, sai.
2.2. Nhóm đặc điểm riêng của hình phạt trục xuất:
Thứ nhất, hình phạt trục xuất có thể được áp dụng là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung. Trong hệ thống hình phạt, có hai hình phạt được áp dụng với một trong hai tư cách hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung, một trong số đó chính là hình phạt trục xuất. Đây là một đặc điểm tuy giống với hình phạt tiền nhưng lại là đặc điểm riêng biệt khác với đa số các hình phạt còn lại.
Thứ hai, Hình phạt trục xuất chỉ có thể được áp dụng đối với cá nhân. Bộ luật hình sự Việt Nam quy định những hình phạt được áp dụng đối với cá nhân và những hình phạt được áp dụng đối với pháp nhân thương mại phạm tội. Nếu như phạt tiền vừa có thể được áp dụng với cá nhân vừa có thể được áp dụng với pháp nhân thương mại thì hình phạt trục xuất lại chỉ có thể áp dụng được với cá nhân mà thôi. Đây tuy là đặc điểm riêng giúp phân biệt với hình phạt tiền nhưng cũng là đặc điểm giống với đa số các hình phạt khác trong nhóm các hình phạt được áp dụng đối với nhân.
Thứ ba, Đối tượng bị áp dụng hình phạt trục xuất là người nước ngoài.
Trục xuất là buộc người nước ngoài bị kết án phải rời khỏi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khái niệm người nước ngoài đã được xác định trong Luật quốc tịch Việt Nam, Luật nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, theo đó: “người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam”. Từ khái niệm này có thể hiểu người nước ngoài là người mang quốc tịch của một nước khác hoặc người không mang quốc tịch của bất cứ một nước nào (người không quốc tịch). Ở đây có một ngoại lệ cần lưu ý, trục xuất sẽ không được áp dụng đối với người không quốc tịch thường trú tại Việt Nam.Với đối tượng này, Tòa án có thể áp dụng một trong các hình phạt chính khác căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà họ đã thực hiện.
Riêng đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.
Căn cứ Điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam năm 2014 quy định:
“Nhà nước Việt Nam công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch Việt Nam, trừ trường hợp Luật này có quy định khác”
Khoản 4 Điều 5 của Luật này lại quy định:
“Quyền và nghĩa vụ của công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài đang định cư ở nước ngoài được thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan”.
Như vậy trên thực tế vẫn có những công dân Việt Nam mang hai Quốc tịch. Những trường hợp vừa mang Quốc tịch nước ngoài, vừa mang Quốc tịch Việt Nam thì khi áp dụng hình phạt Tòa án sẽ xem xét, căn cứ vào hộ chiếu mang quốc tịch của người đó khi nhập cảnh Việt Nam để quyết định có áp dụng hình phạt trục xuất hay không, bởi lẽ nếu người phạm tội trước khi bị bắt, truy tố, xét xử họ nhập cảnh vào Việt Nam bằng hộ chiếu Việt Nam (thể hiện tư cách công dân Việt Nam) thì Tòa án không áp dụng hình phạt trục xuất với những người này.
Trong Bộ luật hình sự năm 2015 nhà làm luật không quy định những tiêu chí cụ thể cho loại hình phạt này như phạm vi áp dụng, điều kiện áp dụng, có án tích hay không có án tích…, và cũng không quy định hình phạt này trong bất cứ một điều luật cụ thể nào tại phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, do xuất phát từ tính chất phức tạp, nhạy cảm của việc xử lý người phạm tội là người nước ngoài. Để giải thích cho những khoảng trống trên liên quan tới hình phạt trục xuất, trong Bình luận khoa học Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 của Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp có quan niệm cho rằng:
Trong Bộ luật hình sự nhà làm luật không quy định những tiêu chí cụ thể cho loại hình phạt này như phạm vi áp dụng, điều kiện áp dụng, thời hạn xóa án tích… và cũng không quy định hình phạt này trong bất cứ một điều luật cụ thể nào tại Phần các tội phạm Bộ luật hình sự, là xuất phát từ tính phức tạp, nhạy cảm của việc xử lý những trường hợp người phạm tội là người nước ngoài. Có những trường hợp rất khó khăn trong việc áp dụng vì nó liên quan đến nhiều quốc gia khác nhau.
Trong bản thuyết minh về dự thảo sửa đổi Bộ luật hình sự, Bộ tư pháp nhận định:
Hình phạt trục xuất có thể được áp dụng đối với người nước ngoài phạm bất kỳ tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự, và tùy từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở cân nhắc nhiều yếu tố khác nhau,trong đó có vấn đề quốc tịch, tòa án sẽ vận dụng quy định của điều luật này để quyết định áp dụng hình phạt trục xuất đối với người phạm tội.
Như vậy, hình phạt trục xuất có thể được áp dụng đối với người nước ngoài phạm bất kỳ tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự năm 2015, tùy từng trường hợp cụ thể, trên cơ sở cân nhắc nhiều tình tiết, yếu tố khác nhau, trong đó có vấn đề quốc tịch, Tòa án sẽ vận dụng để quyết định áp dụng hình phạt trục xuất đối với người phạm tội.