Liên minh châu Âu là tổ chức liên chính phủ của các nước châu Âu. Liên minh châu Âu được xem là khối liên minh có sức ảnh hưởng mạnh mẽ không chỉ riêng khu vực châu Âu mà còn trên thế giới. Cùng tìm hiểu về Hiệp ước Maastricht trong quá trình thành lập liên quan Châu Âu.
Mục lục bài viết
1. Hiệp ước Maastricht là gì?
Hiệp ước Maastricht có tên gọi chính thức là Hiệp ước Thành lập Liên minh châu Âu, là một thỏa thuận quốc tế thành lập nên Liên minh châu Âu (EU) ngày nay.
Hiệp ước Maastricht trong tiếng Anh là “Maastricht Treaty”.
2. Nội dung cơ bản của Hiệp ước Maastricht:
2.1. Bối cảnh ra đời:
Khi các kế hoạch mới của Cộng đồng châu Âu hoặc đang được thảo luận hoặc bắt đầu vận hành thì tình hình châu Âu và thế giới có những biến động dữ dội: Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa tan rã; Tây Đức và Đông Đức thống nhất; Sự xuất hiện của những trung tâm kinh tế mới và xu hướng Quốc tế hóa, khu vực hóa ngày càng phát triển. Chính những biến cố này đã tạo ra các tác động vô cùng lớn đối với Cộng đồng châu Âu như:
– Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa tan rã, chấm dứt sự đối đầu 2 cực trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Đối thủ chung của cả Mỹ và Tây Âu không còn, nên nền tảng chung trong hợp tác chiến lược Mỹ – Tây Âu cũng không còn chặt chẽ nữa, tạo cơ hội cho Tây Âu thoát khỏi sự phụ thuộc vào Mỹ và bắt đầu đi theo con đường độc lập của mình nhằm vươn lên tìm lại vị thế trước đây.
– Nước Đức thống nhất trở thành một nhân tố quan trọng và tạo nên một trật tự mới ở châu Âu và thế giới. Điều này đã dẫn đến một sự thay đổi về tương quan lực lượng trong nội bộ Tây Âu (đặc biệt là trong quan hệ tế nhị giữa Pháp và Đức, là hai nước trụ cột của Cộng đồng) và đây có thể là nguồn gốc cả sự mất đoàn kết nội bộ của Tây Âu.
– Sự xuất hiện của những trung tâm kinh tế mới và xu hướng quốc tế hóa, khu vực hóa ngày càng phát triển, đòi hỏi Cộng đồng châu Âu phải đẩy nhanh các tiến trình liên kết của mình.
Chính những thách thức và cũng là cơ hội mới xuất hiện như thế, cùng với những nội lực mà các nước châu Âu có được trong tiến trình nhất thể hóa cộng đồng sau gần 40 năm liên kết, họ buộc phải chuẩn bị cho mình một phương hướng phát triển mới.
Chính vì vậy, vào ngày 7 tháng 2 năm 1992 Hiệp ước thành lập EU (Hiệp ước Maastricht 1992) đã được ký kết ở Maastricht, Hà Lan sau khi thương thuyết xong ngày 7 tháng 12 năm 1991 giữa các nước thành viên của Cộng đồng châu Âu và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 11 năm 1993 dưới thời Ủy ban Delors. Do đó, có thể nói rằng EU là sản phẩm của một bối cảnh tức thời.
Tuy nhiên, quá trình phê chuẩn hiệp ước này đầy khó khăn trong 3 nước thành viên. Cuộc trưng cầu ý dân lần đầu để phê chuẩn hiệp ước của Đan Mạch ngày 2 tháng 6 năm 1992 đã bị các cử tri bác bỏ. Cuộc trưng cầu ý dân về hiệp ước lần thứ hai ngày 18 tháng 5 năm 1993 (cùng với Thỏa ước Edinburgh) mới được chấp nhận với 4 lãnh vực bảo lưu (ví dụ Đan Mạch chưa gia nhập khu vực đồng euro). Tháng 9 năm 1992, cuộc trưng cầu ý dân của Pháp để phê chuẩn hiệp ước cũng chỉ đạt được đa số thuận khít khao 51,05%. Tại Vương Quốc Anh, chính phủ của thủ tướng John Major (đảng Bảo thủ Anh) cũng phải trầy trật mới vượt qua được phe chống đối trong Hạ nghị viện Anh.
2.2. Nội dung cơ bản của Hiệp ước Maastricht:
Về mặt cơ cấu, Hiệp ước Maastricht 1992 bao gồm 2 nhóm quy định:
– Nhóm các quy định mới so với các quy định trong các Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu (liên quan đến Liên minh chính trị). Liên minh chính trị bao gồm việc thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung để tiến tới có chính sách phòng thủ chung, tăng cường hợp tác về cảnh sát và luật pháp. Một số vấn đề được quy định như:
+ Tất cả các công dân của các nước thành viên được quyền tự do đi lại và cư trú trong lãnh thổ của các nước thành viên. Theo luật án lệ của
+ Được quyền bầu cử và ứng cử chính quyền địa phương và Nghị viện châu Âu tại bất kỳ nước thành viên nào mà họ đang cư trú.
+ Thực hiện một chính sách đối ngoại và an ninh chung trên cơ sở hợp tác liên chính phủ với nguyên tắc nhất trí để vẫn bảo đảm chủ quyền quốc gia trên lĩnh vực này.
+ Tăng cường quyền hạn của Nghị viện châu Âu.
+ Mở rộng quyền của Cộng đồng trong một số lĩnh vực như môi trường, xã hội, nghiên cứu…
+ Phối hợp các hoạt động tư pháp, thực hiện chính sách chung về nhập cư, quyền cư trú và thị thực.
– Nhóm sửa đổi các quy định của Hiệp ước Pari và Hiệp ước Roma (liên quan đến Liên minh kinh tế tiền tệ).
Liên minh kinh tế tiền tệ được chia làm 3 giai đoạn, từ 1 tháng 7 năm 1990 tới 1 tháng 1 năm 1999, và kết thúc bằng việc giải tán Viện tiền tệ châu Âu, lập Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Điều kiện để tham gia vào liên minh kinh tế và tiền tệ (còn gọi là những tiêu chí hội nhập) là:
+ Lạm phát thấp, không vượt quá 1,5% so với mức trung bình của 3 nước có mức lạm phát thấp nhất;
+ Thâm hụt ngân sách không vượt quá 3% GDP;
+ Nợ nhà nước dưới 60% GDP và biên độ giao động tỷ giá giữa các đồng tiền ổn định trong hai năm theo cơ chế chuyển đổi (ERM);
+ Lãi suất (tính theo lãi suất công trái thời hạn từ 10 năm trở lên) không quá 2% so với mức trung bình của 3 nước có lãi suất thấp nhất.
Việc hai trụ cột mới được tạo dựng thêm bởi các quốc gia thành viên theo con đường liên Chính phủ dưới hệ thống Cộng đồng đã được thiết lập trước đó với sự điều hành, quản lý của hệ thống các thiết chế là Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu và Nghị viện châu Âu, Hiệp ước Maastricht đã tạo ra một khối liên kết là Liên minh châu Âu như ngày nay.
3. Ý nghĩa của Hiệp ước Masstricht:
Thứ nhất, Hiệp ước Masstricht đánh dấu một bước ngoặt trong tiến trình nhất thể hóa châu Âu.
Từ sau Hiệp ước Maastricht đến nay, Liên minh châu Âu đã mở rộng lãnh thổ của mình bằng việc cho gia nhập rất nhiều thành viên đủ điều kiện tham gia. Và sau đó, người đứng đầu của các nước thành viên Liên minh châu Âu đã ký Hiệp ước Lisbon sửa đổi Hiệp ước về Liên minh châu Âu và Hiệp ước thành lập Cộng đồng châu Âu. Có hiệu lực vào ngày 1/12/2009, Hiệp ước Lisbon đã khiến cho EU gắn kết, năng động và hiệu quả hơn để thích ứng với những thách thức và thay đổi đang diễn ra hàng ngày trên thế giới.
Hiệp ước Maastricht 1992 đưa ra một hình thức hợp tác hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử, nó xác lập:
– Một liên minh chính trị giữa các nước giữa các nước thành viên: thiết lập quy chế công dân EU, chính sách đối ngoại và an ninh chung, chính sách hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp và nội vụ…
– Một liên minh kinh tế – tiền tệ được nhất thể hóa ở cấp độ cao, với một đồng tiền chung của cả Cộng đồng.
Thứ hai, Hiệp ước Masstricht đưa tới việc thiết lập đồng Euro. Kể từ ngày 1 tháng 1 năm 2002 đồng Euro đã chính thức được lưu hành trong 12 quốc gia thành viên (còn gọi là khu vực đồng Euro) gồm Pháp, Đức, Áo, Bỉ, Phần Lan, Ireland, Ý, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha; các nước đứng ngoài là Anh, Đan Mạch và Thuỵ Điển. Hiện nay, đồng Euro đang có tỉ giá hối đoái cao hơn đồng đô la Mỹ.
Thứ ba, Hiệp ước Masstricht cũng đưa ra các tiêu chí mà các quốc gia phải đáp ứng để tham gia vào liên minh đồng euro nhằm đảm bảo rằng các quốc gia tham gia đồng euro có lạm phát, mức nợ công, lãi suất và tỷ giá hối đoái ổn định. Sự ra đời của đồng Euro đem lại cho các nước thành viên cũng như toàn thế giới những lợi ích dưới đây :
– Đồng Euro làm cho mọi chuyện trở nên dễ dàng hơn đối với các công ty khi làm ăn kinh doanh với khách hàng trong khu vực.
– Các công ty có thể giao dịch kinh doanh với hầu hết các nước trong Liên Minh Châu Âu bằng một loại tiền tệ. Do vậy, các giao dịch tài chính được đơn giản hóa, giá cả trở nên rõ ràng hơn và dao động hối đoái giữa các nước thành viên đã biến mất. Hơn nữa, nó còn mở ra một thị trường tiền tệ mới giúp cho các nước thành viên đa dạng hóa nhu cầu vay vốn của mình.
– Khi di chuyển trong khu vực đồng Euro người ta chỉ cần đổi tiền một lần. Điều này giúp tiết kiệm rất nhiều về thời gian và tiền bạc do không phải đổi tiền nhiều lần khi di chuyển từ nước này sang nước khác trong phạm vi khu vực Euro.
– Khi mua sắm trong khu vực Euro giá cả được niêm yết bằng một loại tiền duy nhất giúp người mua có thể so sánh một cách dễ dàng để có quyết định lựa chọn hàng hóa đúng đắn.
– Đồng Euro còn có tác động tích cực lên thị trường thế giới, thông qua việc cung cấp một đồng tiền chắc chắn để lựa chọn bên cạnh đồng dollar Mỹ và yên Nhật trong danh mục đầu tư và làm đồng tiền dự trữ
Thứ tư, mở rộng việc áp dụng các chính sách về quyền công dân nhằm nâng cao đời sống người dân ở các nước thành viên. Khi Hiệp ước Maastricht được thông qua và Liên minh châu Âu (EU) được thành lập, Liên minh châu Âu đã cấp quyền công dân EU cho mọi người có quốc tịch của các quốc gia thành viên. Điều khoản này cho phép mọi người dân là công dân nước thành viên có thể tự do chạy đua vào văn phòng hành chính địa phương hay tự do tham gia bầu cử Nghị viện châu Âu bất kể quốc tịch. Đây được xem là một trong những quy định quan trọng với mục đích kinh tế và xã hội rộng lớn. Điều này có nghĩa là công dân các nước thành viên có thể ra ngoài làm việc tự do, không chỉ vì lợi ích của một thị trường duy nhất cho một quốc gia thành viên, mà còn cho người lao động để cải thiện chất lượng cuộc sống của họ.