Năm 1994, Hiệp Hội Ngân hàng Việt Nam được được Thủ tưởng Chính phủ quyết định cho phép thành lập. Sự ra đời của hội nghề nghiệp này đánh dấu sự thay đổi mạnh mẽ, phát triển chưa từng có trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Mục lục bài viết
1. Hiệp hội ngân hàng Việt Nam là gì?
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tên tiếng anh là “Vietnam Banks Association“, tên viết tắt là “VNBA“.
Trụ sở chính của Hiệp hội đặt tại số 193, phố Bà Triệu, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội.
Điều 1, Quyết định 247/QĐ-TTg quy định rằng: “Hiệp hội ngân hàng Việt Nam là một Hội nghề nghiệp, phi chính phủ, được thành lập trên cơ sở tự nguyện tham gia vào các tổ chức ngân hàng Việt Nam, bao gồm: Ngân hàng thương mại quốc doanh, Ngân hàng thương mại cổ phần và công ty tài chính”.
Trong Điều lệ của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có nêu rằng: “Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (sau đây gọi tắt là Hiệp hội) là tổ chức xã hội – nghề nghiệp tự nguyện của các tổ chức tín dụng và các tổ chức khác có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng hoạt động tại Việt Nam”.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là thành viên của Hiệp hội Ngân hàng ASEAN, đối tác của Hiệp hội Ngân hàng Châu Á và có quan hệ hợp tác với nhiều Hiệp hội Ngân hàng các nước cũng như nhiều tổ chức quốc tế có uy tín.
Mục đích hoạt động của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam là “tập hợp, động viên các hội viên hợp tác, hỗ trợ nhau trong hoạt động kinh doanh; đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; làm cầu nối giữa các hội viên với các cơ quan nhà nước nhằm ổn định và phát triển an toàn, hiệu quả hệ thống các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, góp phần thực thi chính sách tiền tệ, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của đất nước”. Đây là mục đích có ý nghĩa quan trọng, xuyên suốt và định hướng trong suốt quá trình từ khi thành lập cho đến khi trải qua một quá trình dài phát triển, cùng vì mục đích này Hiệp hội ngân hàng Việt Nam mới có lí do để ra đời.
Cơ cấu tổ chức của Hiệp hội bao gồm: Cơ quan lãnh đạo cao nhất Đại hội; Hội đồng; Ban kiểm tra; Cơ quan Thường trực (Văn phòng, Tạp chí thị trường tài chính tiền tệ, Văn phòng đại diện tại TP Hồ Chí minh, Trung tâm đào tạo, Trang thông tin điện tử,ban pháp luật và nghiệp vụ, ban tài chính- kế toán, ban công tác hội viên) và các đơn vị trực thuộc (Chi Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ pháp chế Ngân hàng, Câu lạc bộ công nghệ tài chính ngân hàng Việt Nam, Câu lạc bộ xử lý nợ).
2. Chủ tịch Hiệp hội ngân hàng Việt Nam:
Điều 18, Điều lệ Hiệp hội giải thích về Chủ tịch Hiệp hội như sau: “Chủ tịch Hiệp hội là người đại diện pháp nhân của Hiệp hội trước pháp luật, trong các hoạt động đối nội và đối ngoại, chịu trách nhiệm trước Hiệp hội và pháp luật về mọi hoạt động của Hiệp hội.”
Chủ tịch Hiệp hội do Hội đồng Hiệp hội bầu trong số các thành viên Hội đồng Hiệp hội.
Với tư cách là người đứng đầu Hiệp hội và đại diện cho Hiệp hội, Chủ tịch Hiệp hội được trao khá nhiều nhiệm vụ, quyền hạn, cụ thể:
– Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy chế hoạt động của Hội đồng Hiệp hội.
– Chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Hội đồng Hiệp hội về mọi hoạt động của Hiệp hội. Chỉ đạo, điều hành mọi hoạt động của Hiệp hội theo quy định Điều lệ Hiệp hội; nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Hội đồng Hiệp hội và quy định của pháp luật.
– Chỉ đạo, thực hiện công việc giữa 2 (hai) kỳ họp của Hội đồng Hiệp hội.
– Chủ trì chỉ đạo chuẩn bị, triệu tập và chủ trì các phiên họp của Đại hội, Hội nghị thường niên và Hội đồng Hiệp hội.
– Định kỳ làm việc với các Ủy ban chuyên môn, Trưởng ban Kiểm tra và Cơ quan Thường trực của Hiệp hội.
– Thay mặt Hội đồng Hiệp hội ký các văn bản nhân danh Hiệp hội và có thể ủy quyền cho một Phó chủ tịch ký thay, việc ủy quyền phải được thể hiện bằng văn bản theo quy định.
– Phân công nhiệm vụ các thành viên Hội đồng nhằm thực hiện kế hoạch hoạt động của Hiệp hội;
– Cử cán bộ hội viên tổ chức, cán bộ lãnh đạo Cơ quan Thường trực Hiệp hội tham gia các chương trình điều tra, khảo sát, nghiên cứu, giám định, tư vấn, phản biện, chuyển giao khoa học công nghệ, đào tạo ở nước ngoài nhằm mục thực hiện nhiệm vụ của Hiệp hội theo quy định của pháp luật;
– Chủ trì cuộc họp Hội đồng Hiệp hội nhiệm kỳ kế tiếp cho đến khi bầu xong Chủ tịch mới.
Có thể thấy, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hiệp hội gắn liền với các hoạt động của Hiệp hội, gắn với hoạt động của từng cơ quan trong trong Hiệp hội, sự phát triển của Hiệp hội cần sự có người đại diện thật sự phải đạt các tiêu chuẩn nhất định, đủ khả năng để đảm nhiệm nhiệm vụ, quyền hạn trên.
Dưới đây, Luật Dương Gia sẽ liệt kê các Chủ tịch của hiệp hội ngân hàng Việt Nam qua các nhiệm kỳ như sau:
– Nhiệm kỳ I (1994-1999): ÔNG NGUYỄN VĂN DỄ (từ 1994 – tháng 1/1996) và ÔNG LÊ ĐẮC CÙ ((từ 2/1996 – 1999).
– Nhiệm kỳ II (1999-2003): ÔNG TRỊNH NGỌC HỒ.
– Nhiệm kỳ III (2003-2007): ÔNG LÊ VĂN SỞ (từ 2003 đến tháng 1/2007) và ÔNG ĐỖ TẤT NGỌC.
– Nhiệm kỳ IV (2007-2011): ÔNG PHẠM HUY HÙNG.
– Nhiệm kỳ V (2011-2015): ÔNG NGUYỄN HÒA BÌNH (từ tháng 12/2011 – 10/2014) và ÔNG NGHIÊM XUÂN THÀNH (từ tháng 11/2014 – 2016).
– Nhiệm kỳ VI (2016-2020): ÔNG PHAN ĐỨC TÚ.
– Nhiệm kỳ VII (2020-2024): ÔNG PHẠM ĐỨC ẤN (Chủ tịch Hội đồng thành viên ngân hàng Agibank- Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam).
Như vậy, mỗi nhiệm kỳ thì Chủ tịch hội đồng sẽ được thay đổi mà không có sự trùng lặp.
3. Thành viên của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam:
Thành viên của Hiệp hội ngân hàng Việt Nam được quy định trong Điều lệ là “Hội viên”, gồm hội viên chính thức, hội viên liên kết và hội viên danh dự. Trong đó:
– Hội viên chính thức: Tổ chức tín dụng (không bao gồm các tổ chức là hội viên liên kết) và các tổ chức của Việt Nam có liên quan đến lĩnh vực ngân hàng được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và hoạt động tại Việt Nam, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện và có đơn đăng ký tham gia, được Hội đồng Hiệp hội công nhận là hội viên chính thức. Ví dụ: Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank,….
Hội viên chính thức có một số quyền đặc trưng như: Được Hiệp hội bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp; Được tham gia thảo luận, quyết định các chủ trương công tác của Hiệp hội; Được cấp thẻ hội viên; Được dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo Hiệp hội và Ban Kiểm tra Hiệp hội;….
Tương ứng với quyền và nghĩa vụ như: Bảo vệ uy tín của Hiệp hội, không được nhân danh Hiệp hội trong các quan hệ giao dịch, trừ khi được lãnh đạo Hiệp hội phân công bằng văn bản; Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn; Nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, nghị quyết của Đại hội, Hội đồng Hiệp hội và quy định của Hiệp hội;….
– Hội viên liên kết: Các tổ chức tín dụng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện và có đơn đăng ký tham gia, được Hội đồng Hiệp hội công nhận là hội viên liên kết. Ví dụ: Shinhanbak, Home credit,…
– Hội viên danh dự: Các tổ chức quan tâm đến lĩnh vực ngân hàng hoạt động tại Việt Nam không thuộc các đối tượng trên, tán thành Điều lệ của Hiệp hội, tự nguyện và có đơn đăng ký tham gia, được Hội đồng Hiệp hội công nhận là hội viên danh dự. Ví dụ: Onebank, Vietnambankers,….
Quyền của hội viên liên kết và hội viên danh dự được hưởng như hội viên chính thức, trừ quyền biểu quyết các vấn đề của Hiệp hội và quyền ứng cử, bầu cử vào Hội đồng Hiệp hội, các chức danh lãnh đạo Hiệp hội và Ban Kiểm tra Hiệp hội. Các nghĩa vụ thì các hội viên đều có nghĩa vụ như sau.
Đến hết tháng 5/2021, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam có 74 tổ chức hội viên, bao gồm 60 hội viên chính thức, 9 hội viên liên kết và 5 hội viên danh dự; trong đó có 38 ngân hàng thương mại, 13 công ty tài chính, 4 định chế tài chính khác, 14 tổ chức trung gian thanh toán và 5 tổ chức khác có hoạt động liên quan đến lĩnh vực ngân hàng.
Qua quá trình tìm hiểu về Hiệp hội ngân hàng Việt Nam, tác giả nhận thấy đây là tổ chức xã hội- nghề nghiệp cực kỳ ý nghĩa, chất lượng và sẽ có xu hướng phát triển mạnh trong tương lai. Chắc hẳn nguồn tài chính vững mạnh của các ngân hàng sẽ giúp cho hiệp hội có được chỗ đứng và có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc thúc đẩy sự phát triển của kinh tế- xã hội của đất nước theo đúng mục đích hoạt động đã đề ra.
Cơ sở pháp lý sử dụng trong bài viết:
– Quyết định 247/QĐ-TTg ngày 14 tháng 5 năm 1994 về việc cho phép thành lập Hiệp hội ngân hàng Việt Nam.