Hiệp định TPP cơ hội thách thức cho doanh nghiệp Việt Nam hiep-dinh-tpp-co-hoi-thach-thuc-cho-doanh-nghiep-viet-nam
Hiệp định TPP hay còn được gọi là Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương ngày 04/02/2016 chính thức được ký kết với sự tham gia cua 12 quốc gia Úc, Brunei Darussalam, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ, và Việt Nam. Đây được coi là Hiệp định kinh tế mẫu cho hợp tác kinh tế trong khu vực, Hiệp định TPP bao gồm 30 chương không chỉ đề cập tới những lĩnh vực truyền thống như hàng hóa, dịch vụ, đầu tư mà còn đề cập tới lĩnh vực viễn thông, thương mại điện tử,…Hiệp định TPP được ký kết đã mang lại cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt Nam. Trước hết Hiệp định TPP quy định các nước sẽ từng bước xóa bỏ thuế quan cụ thể:
Xoá bỏ thuế quan
+ Trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác, không Bên nào có quyền tăng thuế quan hiện có hoặc áp đặt thuế quan mới trên hàng hóa trong nước.
+ Trừ trường hợp Hiệp định này có quy định khác, mỗi bên sẽ dần dần loại bỏ thuế quan của mình đối với hàng hoá có xuất xứ theo Biểu thuếcủa mình trong Phụ lục 2-D (Xóa bỏ thuế quan).
+ Theo yêu cầu của một Bên bất kỳ, Bên yêu cầu và một hoặc nhiều Bên khác phải trao đổi để xem xét đẩy nhanh việc xóa bỏ thuế quan xác định trong các Biểu thuế tại phụ lục của Hiệp định TPP
+ Một thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều Bên nhằm đẩy nhanh việc xóa bỏ thuế quan trên một hàng hóa có xuất xứ sẽ thay thế thuế suất hoặc phân loại xác định theo Biểu thuế của các Bên đó tại Phụ lục của hiệp định TPPcho hàng hóa đó khi được phê duyệt bởi mỗi Bên trong thỏa thuận phù hợp với các thủ tục pháp lý có hiệu lực của Bên đó. Các bên trong thỏa thuận có nghĩa vụ thông báo cho các Bên khác càng sớm càng tốt trước khi thuế suất mới có hiệu lực
+ Một Bên có quyền đơn phương đẩy nhanh việc xóa bỏ thuế quan đối với hàng hoá có xuất xứ của một hoặc nhiều Bên khác được quy định trong Biểu thuế của mình tại Phụ lục của Hiệp định TPP. Một Bên sẽ thông báo cho các Bên khác càng sớm càng tốt trước khi thuế suất mới có hiệu lực.
+ Nhằm giải thích rõ hơn, không Bên nào có quyền ngăn cấm nhà nhập khẩu yêu cầu áp dụng thuế suất theo Hiệp định WTO đối với hàng hóa có xuất xứ.
+ Nhằm giải thích rõ hơn, một Bên có thể nâng thuế quan đến mức nêu trong Biểu thuế tại phụ lục của Hiệp định TPP sau khi đơn phương giảm thuế cho năm tương ứng.
+ Không bên nào có quyền thông qua việc xóa bỏ các khoản thuế quan mới hay mở rộng đối tượng áp dụng xóa bỏ thuế quan (mới hoặc hiện hữu) trong trường hợp xóa bỏ thuế quan là điều kiện trực tiếp hoặc gián tiếp cho việc đáp ứng yêu cầu thực hiện.
+ Không bên nào có quyền đòi hỏi việc duy trì xóa bỏ thuế quan hiện tại như một điều kiện cho việc đáp ứng yêu cầu thực hiện, dù là trực tiếp hay gián tiếp.
Theo đó, các nước tham gia Hiệp định sẽ từng bước tiến tới xóa bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu từ các nước thành viên của Hiệp định. Từ đó tạo điều kiện cho hàng hóa nhập khẩu của các nước thành viên cạnh tranh về giá đối với hàng hóa nội địa. Từ đó sẽ tạo điều kiện để doanh nghệp Việt Nam thâm nhập sâu vào các thị trường phát triển trên thế giới như: Mỹ, Úc, Nhật Bản,…
Thứ hai, Đây là Hiệp định đa phương đầu tiên quan tâm đến doanh nghiệp vừa và nhỏ. Theo quy định tại chương về Doanh nghiệp vừa và nhỏ mỗi Bên thành lập hoặc duy trì trang thông tin công cộng chứa đựng các thông tin về Hiệp định này nhằm tạo điều kiện cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ tìm hiểu về quy định của Hiệp định TPP. Không những thế Hiệp định cò quy định thành lập Ủy ban Doanh nghiệp vừa và nhỏ nhằm hỗ trợ, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển. Doanh nghiệp vừa và nhỏ được miễn áp dụng về giải quyết tranh chấp theo Điều 28 của Hiệp định đối với mọi vấn đề phát sinh trong trương này. Có lẽ, đây là một trong những thuận lợi mà Hiệp định mang lại cho các doanh nghiệp Việt Nam vì chủ yếu các doanh nghiệp Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Thứ ba, đối với ngành da giầy, dự kiến giảm khoảng 60% số thuế nhập khẩu phải nộp cho Hoa Kỳ, kim ngạch xuất khẩu được đánh giá dự kiến tăng khoảng 25% so với tốc độ tăng 15% trước khi tham gia TPP; kim ngạch xuất khẩu nông sản, thủy sản và sản phẩm chế biến có khả năng tăng lên.
Tham gia TPP là cơ hội để Việt Nam gia nhập vào các chuỗi cung ứng của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới, nhất là chuỗi cung ứng hàng điện tử, công nghệ cao (do các nước TPP chiếm tới 40% GDP và 30% thương mại toàn cầu); cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu theo hướng cân bằng hơn, không quá dựa vào thị trường Trung Quốc và Đông Á. Hoa Kỳ và các nước dành linh hoạt cho ta tiếp cận tiêu chuẩn TPP có thời gian chuyển đổi, lộ trình tối đa cho các nghĩa vụ khó nhất lên đến 20 năm. Ta có cơ hội tận dụng các ưu đãi, mở cửa thị trường của các nước để phát triển, thu hút mạnh đầu tư và công nghệ tiên tiến, chủ yếu từ Hoa Kỳ, Nhật Bản; các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tham gia đấu thầu mua sắm Chính phủ các nước, có cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ và đầu tư các nước của TPP.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội có được thì doanh nghiệp Việt Nam còn phải đương đầu với những khó khăn mà Hiệp định mang lại:
Thứ nhất, doanh nghiệp Việt Nam mất khả năng cạnh tranh. Việc giảm thuế quan chắc chắn sẽ dẫn đến sự gia tăng nhanh chóng trong luồng hàng nhập khẩu từ các nước TPP vào Việt Nam với giá cả cạnh tranh. Hệ quả tất yếu là doanh nghiệp đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt, thị phần hàng hóa của Việt Nam sẽ bị thu hẹp, thậm chí xảy ra nguy cơ mất thị phần nội địa. Nguy cơ này đặc biệt nguy hiểm đối với nhóm hàng nông sản, là nhóm gắn liền với đối tượng dễ bị tổn thương trong hội nhập là nông dân. Vì nước tham gia Hiệp định chủ yếu là các nước phát triển có trình độ khoa học kỹ thuật tốt hơn Việt Nam nên chất lượng tốt giá thành của hàng hóa rẻ dẫn tới doanh nghiệp Việt Nam khó lòng cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài
Ngoài ra, tham gia TPP đông nghĩa với việc mở cửa thị trường dịch vụ, là mảng hoạt động thương mại mà mức độ mở cửa của Việt Nam là hạn chế và dè dặt nhất. Việc mở cửa thị trường dịch vụ sẽ khiến các nhà cung cấp có tiềm lực lớn, có kinh nghiệm và danh tiếng lâu năm, có ưu thế về cung cấp dịch vụ trên thế giới ồ ạt vào Việt Nam, khiến các đơn vị cung cấp dịch vụ trong nước gặp khó khăn và việc mất thị phần là nguy cơ có thể dự báo trước được.
Không những vậy, so với các hiệp định khác, TPP hướng tới một sân chơi bình đẳng, không phân biệt quốc gia phát triển hay đang phát triển trong khi WTO vẫn có chính sách ưu tiên cho các quốc gia đang phát triển. Như vậy, rõ ràng đây là bất lợi lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam khi không có đủ năng lực để cạnh tranh bình đẳng với các doanh nghiệp Mỹ hay Australia, Nhật Bản.
Thứ hai, thách thức từ việc thực thi các yêu cầu cao về môi trường, lao động, cạnh tranh… và các ràng buộc mang tính thủ tục trong các quy định liên quan đến rào cản kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ. Các kết quả đàm phán FTA của Mỹ trong giai đoạn gần đây cho thấy nước này đặc biệt chú trọng đến việc tuân thủ các yêu cầu cao về môi trường và lao động hay các ràng buộc về các quy định về TBT, SPS…. Điều này đã tạo ra những khó khăn cũng như làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp Việt Nam, ảnh hưởng đến quá trình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp.
Thứ ba, thách thức từ việc thực thi các yêu cầu cao liên quan đến việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ. Mỹ là đối tác rất cứng rắn trong những vấn đề liên quan đến bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cả trong WTO lẫn trong các FTA của nước này. Đối với TPP, vấn đề này cũng được Mỹ thể hiện tương đối rõ ràng. Tuy nhiên, đây lại là một vấn đề lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam vì hiện nay, tuy đã tham gia Công ước Bern nhưng Việt Nam vẫn chưa có các thiết chế bảo hộ hiệu quả, số vụ việc vi phạm sở hữu trí tuệ còn rất lớn. Do đó, nếu bảo hộ chặt chẽ sẽ dẫn tới những khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam khi phải bỏ chi phí nhiều hơn trước đây cho cùng một loại sản phẩm. Dĩ nhiên, cần nhận thức đầy đủ rằng tình trạng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam hiện nay cần phải được chấm dứt nếu muốn phát triển nền kinh tế một cách lành mạnh. Tuy nhiên, thực hiện ngay và toàn bộ, thay vì thực hiện dần dần, các yêu cầu của hiệp định bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) sẽ là bất khả thi và sẽ tạo ra rất nhiều hệ lụy cho các doanh nghiệp.
Thứ tư, thách thức từ việc mở cửa thị trường mua sắm công. Mua sắm công là một vấn đề phức tạp và hiện vẫn đang là lĩnh vực tương đối “đóng” đối với tự do thương mại. Trong WTO, Hiệp định về mua sắm công có sự tham gia của một số lượng rất hạn chế các nước do nhiều quốc gia vẫn giữ quan điểm thận trọng với vấn đề này. Trong TPP, Mỹ sẽ đưa ra yêu cầu này cho các đối tác tham gia đàm phán bằng việc yêu cầu các đối tác TPP tham gia Hiệp định về mua sắm công của WTO hoặc đưa ra các quy định của Hiệp định này vào TPP. Đối với doanh nghiệp Việt Nam, việc mở cửa thị trường mua sắm công theo cách này sẽ gây ra những tác động bất lợi do sự thâm nhập của các nhà thầu nước ngoài khiến nhà thầu nội địa không cạnh tranh nổi trong khi khả năng tiếp cận và thắng thầu của các nhà thầu nội địa trên thị trường mua sắm công của các đối tác TPP là hầu như không có do hạn chế về năng lực cạnh tranh.
>>>
Thứ năm, thách thức từ việc chứng minh xuất xứ của nguyên liệu đầu vào. Theo TPP, một ngành chỉ hưởng ưu đãi về thuế xuất khẩu nếu chứng minh được nguồn nguyên liệu đầu vào có xuất xứ từ các nước tham gia TPP. Ví dụ, ngành dệt may của Việt Nam chẳng hạn là ngành xuất khẩu chủ lực nhưng 75% nguyên vật liệu phải nhập từ Trung Quốc trong khi Trung Quốc không tham gia TPP nên rõ ràng ngành dệt may sẽ không được hưởng ưu đãi thuế quan như các ngành khác. Do công nghiệp phụ trợ của Việt Nam chưa phát triển nên rất nhiều ngành sản xuất khác của Việt Nam cũng ở trong hoàn cảnh tương tự. Trong trường hợp này, doanh nghiệp Việt Nam hoàn toàn không được hưởng lợi gì từ việc ký kết TPP.