Các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mang lại cơ hội lớn, giúp chúng ta đưa thuyền ra khơi thâm nhập vào thị trường quốc tế. các cam kết về SHTT trong các FTA mới có tác động toàn diện đến hệ thống SHTT nói chung và quyền tác giả nói riêng của Việt Nam.
Nhận thức được tính khách quan của hội nhập kinh tế quốc tế, ngay từ Đại hội VII (1991), Đảng ta đã đề ra chủ trương “đa dạng hóa và đa phương hóa quan hệ kinh tế với mọi quốc gia”, “tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, hợp tác kinh doanh” và “gia nhập các tổ chức và hiệp hội kinh tế quốc tế khác khi cần thiết và có điều kiện”.
Mục lục bài viết
- 1 1. Bối cảnh hình thành các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- 2 2. Việc thực thi và gia nhập các điều ước quốc tế về quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- 3 3. Các quyền cơ bản của chủ thể quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- 4 4. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- 5 5. Bảo hộ các biện pháp công nghệ nhằm bảo hộ quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
- 6 6. Các giới hạn và ngoại lệ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
1. Bối cảnh hình thành các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại không chỉ là động lực quan trọng nhất thúc đẩy nền kinh tế thế giới phát triển trong thế kỷ XXI mà còn là xu hướng tất yếu của quá trình tập trung, chuyên môn hóa sản xuất và phân công lao động quốc tế. Trong bối cảnh đó, liên kết thương mại đa tầng thông qua các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương ngày càng được các nước thúc đẩy mạnh mẽ, thu hút sự quan tâm và tham gia của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Những năm qua, nền kinh tế Việt Nam đã và đang ngày càng hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới với rất nhiều nỗ lực để bắt kịp xu thế đó. Sự gia nhập vào chuỗi liên kết toàn cầu, việc Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement – FTA) song phương và đa phương đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam mở rộng thị trường, tiếp cận được thị trường khu vực và thị trường toàn cầu cũng như được tiếp cận thị trường dịch vụ của các nước đối tác thuận lợi hơn, qua đó, giúp cho Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các hiệp định FTA thế hệ mới là những FTA với những cam kết sâu rộng và toàn diện, bao hàm những cam kết về tự do thương mại hàng hóa và dịch vụ; mức độ cam kết sâu nhất (cắt giảm thuế gần như về 0%, có thể có lộ trình); có cơ chế bảo đảm thực thi chặt chẽ và bao hàm đa lĩnh vực. “FTA thế hệ mới – còn được gọi là FTA thế hệ thứ ba” được sử dụng để nói về các FTA có phạm vi toàn diện, vượt ra ngoài khuôn khổ tự do hóa thương mại hàng hóa, phạm vi mà các FTA này đề cập sâu và rộng hơn các FTA thế hệ trước. Việt Nam hiện nay đã tham gia ký kết một số FTA, trong đó nổi bật là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) – EVFTA.
Có 2 bối cảnh chính trị – pháp lý dẫn đến sự hình thành các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đó là: Xu hướng khu vực hóa và sự liên kết khu vực tự do thương mại.
1.1 Xu hướng khu vực hóa trong bối cảnh phát triển hiện đại
Khu vực hoá là một khái niệm còn nhiều tranh cãi. Số đông các tài liệu hiểu khu vực hoá là sự liên kết giữa các quốc gia lãnh thổ trong cùng khu vực trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi, tự nguyện trong đó các quốc gia gắn kết một phần chủ quyền với nhau, thông qua các quy định chặt chẽ của các điều ước quốc tế. Cách hiểu như thế là chỉ mang tính một chiều, đó là sự gắn kết được thực hiện một cách chủ quan của con người và như vậy nó mang màu sắc chủ nghĩa khu vực. Thực tế, cũng như toàn cầu hoá, khu vực hoá là một quá trình mang tính khách quan. Nó cũng có những nguyên nhân kinh tế, xã hội nhất định. Quá trình khách quan ấy được các chính phủ nhận thức và có các biện pháp điều khiển. Một trong những cách ấy chính là sự liên kết khu vực của các quốc gia, lãnh thổ. Như vậy, có thể coi khu vực hoá là một quá trình tăng lên mạnh mẽ và rộng rãi các mối liên hệ, ảnh hưởng tác động qua lại lẫn nhau của các thực thể, các hiện tượng, các quá trình diễn ra ở các nước trong khu vực. Quá trình ấy làm các lãnh thổ trong một khu vực gắn kết với biểu hiện bằng những nét đặc thù của khu.
Quá trình khu vực hoá được hiểu dưới 2 khía cạnh:
– Thứ nhất, có thể coi khu vực hoá là “giai đoạn mở đầu của quốc tế hoá”, là quốc tế hoá ở cấp độ thấp, cấp độ khu vực, là một nội dung tất yếu để quốc tế hoá ở cấp độ cao hơn, tức là cấp toàn cầu hoá. Roboson gọi khu vực hoá là toàn cầu hoá có tính địa phương. Toàn cầu hoá cấp hành tinh là cái chung, khu vực hoá là cái riêng trong đó…
– Thứ hai, khu vực hoá có thể được coi như một phản ứng tự vệ đối với hiện tượng toàn cầu hoá. Toàn cầu hoá là quá trình khẳng định cái chung, cái toàn cầu nên nó có thể làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của cái riêng, cái địa phương. Vì vậy, các quốc gia trong cùng khu vực, có chung bản sắc, chung quyền lợi liên kết với nhau để bảo vệ những cái chung của khu vực. Trong trường hợp này khu vực hoá đối lập với toàn cầu hoá và từ đó hình thành chủ nghĩa khu vực. Khu vực hoá là quá trình bao trùm lên nhiều lĩnh vực bao gồm cả kinh tế, xã hội và các vấn đề nhân văn nói chung.
Quá trình khu vực hóa diễn ra và định hình tại 3 khu vực lớn: khu vực Châu Âu, khu vực Châu Mỹ và khu vực Phương Đông. Sau một thời gian đại thì mô hình khu vực hóa của Châu Âu dần dà phát triển hơn và chuyển đổi từ việc hình thành khu vực mậu dịch tự do sang liên kết chính trị. Thực tế đã chứng minh khu vực hóa thực sự đã được xem xét như một xu thế phát triển song song cùng với tiến trình toàn cầu hóa. Hơn thế nữa rất nhiều vấn đề của toàn cầu hóa lại mang tính chất khu vực hóa, vừa phụ thuộc lại vừa thống nhất. Chính quá trình khu vực hóa đã tạo ra sức hút và buộc các quốc gia tham gia phải liên kết lại với nhau, từ đó hình thành các cụm và liên kết mới. Trong bối cảnh hiện nay, sự xuất hiện ngày một nhiều các liên kết khu vực mới vẫn tiếp tục tăng nhanh tạo nên sự cạnh tranh. Và theo quy luật của tự nhiên, ở đâu có cạnh tranh, ở đó có phát triển. Chính điều này bước đầu đã tạo nên bối cảnh chính trị – pháp lý của các Hiệp định thương mại tự do sau này
1.2. Sự hình thành và phát triển của các liên kết khu vực tự do thương mại
Quá trình hình thành và phát triển các liên kết khu vực tự do thương mại hóa cũng được chia làm 3 giai đoạn: giai đoạn tiền khu vực hóa, giai đoạn khu vực hóa cổ điển và giai đoạn khu vực hóa hiện đại.
Vào cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ XX với sự xuất hiện của các tổ chức tư bản lũng đoạn quốc tế và sự cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa các tổ chức này, các nước tư bản lại chuyển từ chính sách tự do hóa thương mại sang chính sách bảo hộ mậu dịch mang tính chất áp đặt (điều mà V.I. Lê-nin gọi là chính sách mậu dịch “siêu bảo hộ”). Đặc trưng của chính sách “siêu bảo hộ” là sự can thiệp mạnh mẽ của nhà nước vào hoạt động ngoại thương, vào thương mại quốc tế thông qua một hệ thống biện pháp hạn chế nhập khẩu, thúc đẩy xuất khẩu, tạo điều kiện cho các tổ chức kinh tế quốc gia mở rộng thương mại ra nước ngoài. Chính sách bảo hộ mậu dịch từ chỗ có tính bảo vệ đã chuyển sang chính sách bảo hộ mậu dịch có tính cực đoan.
Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, với sự hình thành của hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới, sự tan rã của hệ thống thuộc địa, với xu hướng mở rộng chuyên môn hóa và hợp tác quốc tế, các nước tư bản phát triển lại chuyển từ chính sách mậu dịch “siêu bảo hộ ” sang chính sách tự do hóa thương mại (chủ yếu giữa các nước trong các khối liên kết kinh tế khu vực và liên khu vực), có sự kết hợp với chính sách bảo hộ mậu dịch “có điều kiện” (còn gọi là “bảo hộ mậu dịch ôn hòa”).
Trên thế giới đã hình thành nhiều khối liên kết khu vực và liên khu vực ở các châu lục, trong đó tiêu biểu là: 1- Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) hay khối thị trường chung, thành lập năm 1957 – một liên minh kinh tế hùng mạnh với 12 thành viên sáng lập, chiếm 20,9% tổng sản phẩm quốc gia (GNP) của thế giới; 2- Hiệp hội mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), thành lập năm 1959, gồm 6 nước công nghiệp phát triển Bắc và Trung Âu; 3- Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), ban đầu gồm 5 thành viên và nay mở rộng gồm 10 thành viên. Tháng 11/2001, các nhà lãnh đạo của ASEAN và Trung Quốc đã thành lập khu vực mậu dịch tự do (gọi tắt là ACFTA). Ngày 31/12/2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN (ASEAN Economic Community – AEC) được thành lập; 4- Khu vực mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), thành lập năm 1992, bao gồm Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô. Sau 14 tháng đàm phán, Mỹ, Ca-na-đa và Mê-hi-cô đã đạt đồng thuận về một hiệp định tự do mậu dịch Bắc Mỹ mới – Hiệp định Mỹ – Mê-hi-cô – Ca-na-đa (USMCA) thay thế cho NAFTA vào cuối năm 2018; 5- Hiệp định thương mại tự do lục địa châu Phi (ACFTA) là một khu vực thương mại tự do bao gồm 54 trong số 55 quốc gia thuộc Liên minh châu Phi.
Trên bình diện toàn cầu, Hiệp định chung về Thuế quan và Thương mại (GATT) có hiệu lực ngày 1-1-1948, với sự cam kết của các nước thành viên không trở lại chính sách mậu dịch “siêu bảo hộ” của những thập niên đầu thế kỷ XX, là sự phản ánh xu hướng tự do hóa thương mại, đồng thời vẫn chấp nhận chính sách bảo hộ mậu dịch có tính tự vệ bằng các biện pháp thuế quan. Năm 1995, GATT được thay thế bằng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) theo các điều lệ mới. Tổ chức Thương mại thế giới không phải là sự mở rộng của GATT mà hoàn toàn thay thế GATT và có những khác biệt quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình tự do hóa thương mại giữa các nước thành viên tự nguyện tham gia WTO.
Do tác động của cách mạng khoa học – công nghệ và quá trình toàn cầu hóa các quá trình sản xuất khu vực và toàn cầu, thương mại thế giới từ đầu thập kỷ 1990 tới nay đã có những biến đổi to lớn, đặc biệt đã hình thành các mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu, hàng hóa trung gian hiện nay chiếm tới trên 50% khối lượng giao dịch thương mại thế giới (không kể dầu lửa).
Để hướng quá trình khu vực hoá theo hướng có lợi cho các quốc gia trong bối cảnh quốc tế hoá hiện nay, người ta thực hiện các liên kết khu vực. Các tổ chức liên kết khu vực thường mang tính chuyên ngành nhưng nhiều tổ chức cũng hướng tới liên kết đa lĩnh vực. Các liên kết kinh tế khu vực hiện nay phổ biến ở lĩnh vực thương mại hình thành thông qua các thoả thuận thương mại khu vực. Các thỏa thuận thương mại tự do chủ yếu hiện nay có thoả thuận về số lượng khu vực mậu dịch tự do, liên minh thuế quan, khối thị trường chung… Khu vực mậu dịch tự do (Free Trade Area) là khu vực mà các nước bãi bỏ hoàn toàn hàng rào thuế quan. Hàng hoá do vậy được tự do lưu thông giữa các nước. Mức thuế của hàng nhập từ các nước ngoài khu vực do từng nước tự quyết định. Thế giới ngày nay hình thành nhiều khu vực mậu dịch tự do như AFTA, NAFTA. Cần phân biệt FTZ và FTA. FTZ (Free Trade Zone) là khu vực nằm trong một nước được tách ra thực hiện buôn bán miễn thuế. Về một mặt nào đó, nó tương tự như khu chế xuất. Liên minh thuế quan, ngoài nét giống với FTA, các nước trong liên minh phải thống nhất cả mức thuê quan với hàng của các nước ngoài liên minh. Khối thị trường chung là khối trong đó không chỉ hàng hoá mà toàn bộ các yếu tố của sản xuất được tự do luân chuyển. Sự tồn tại của EEC (Cộng đồng Kinh tế châu Âu, tiếng Anh: European Economic Community) là ví dụ điển hình. Liên minh kinh tế được hình thành trong quá trình phát triển, khi các liên kết đã nâng dần từ liên kết thương mại sang liên kết kinh tế toàn diện dưới dạng liên minh kinh tế hay hợp nhất kinh tế hoàn toàn. Liên minh kinh tế chẳng những bao hàm các vấn đề liên kết về thị trường mà còn liên kết cả về các chính sách kinh tế khác như tài chính, tiền tệ, xã hội… EU hiện nay là mô hình liên minh kinh tế rõ rệt nhất thế giới. Mô hình hợp nhất hoàn toàn hiện nay chưa xuất hiện, người ta có thể trông chờ nó qua sự nâng tầm liên kết của EU. Các liên kết khác được tăng cường thông qua việc kí kết các hiệp ước an ninh khu vực, các hiện định về văn hoá… Trong bối cảnh hiện nay liên kết về an ninh, văn hoá hay giải quyết các vấn đề xã hội ngày càng có vai trò quan trọng. Mặc dù chưa có một tổ chức nào là hoàn hảo nhưng hiện nay một số tổ chức khu vực đã hướng tới sự hợp tác ngày càng toàn diện. Những tổ chức này thực hiện các mối liên kết bao trùm nhiều lĩnh vực của con người. Các ví dụ có thể thấy như EU, ASEAN.
Theo cấp độ phát triển của nền kinh tế, xã hội và xu hướng tự do thương mại hóa, đã cho thấy những cấp độ phát triển của các liên kết khu vực khác nhau. Giai đoạn phát triển nhất gắn liền với sự xuất hiện của quá trình hội nhập quốc tế và chủ nghĩa “siêu khu vực”. Xu hướng khu vực hóa đã dần chuyển dịch chỗ dựa trên các nền tảng gần gũi về chính trị, văn hóa, địa lý ở giai đoạn đầu, với xây dựng các khối liên kết dựa trên nền tảng chính trị là ràng buộc kinh tế – thương mại, bất chấp những khác biệt về chính trị, văn hóa và khoảng cách địa lý. Xu hướng đó cũng cho thấy các tác động bên trong và bên ngoài ảnh hưởng đến hầu hết các khía cạnh quan trọng của đời sống quốc gia và đó chính là nguyên nhân để thúc đẩy các quốc gia mở rộng, phải tăng cường, phải đa dạng hóa các liên kết của họ.
Các liên kết khu vực đã thể hiện rõ những thế mạnh của mình như: đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của các bên, đạt được mục tiêu trọng điểm cùng mỗi thời kỳ một, giúp kiềm chế hoặc giảm bớt sự phụ thuộc vào các đối thủ tiềm tàng. Qua những phân tích trên có thể thấy sự hình thành và phát triển của các liên kiết khu vực là tự nhiên và tất yếu theo quá trình phát triển và vận hành của kinh tế – chính trị – xã hội, và đây cũng là một trong hai bối cảnh lớn quan trọng và là tiền đề để dẫn đến sự hình thành của các FTA và sau này phát triển lên thành các FTA thế hệ mới.
2. Việc thực thi và gia nhập các điều ước quốc tế về quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Các Hiệp định CPTPP và EVFTA đều đề cập đến nghĩa vụ ràng buộc các quốc gia thành viên trong việc thiết lập hệ thống bảo hộ chung về SHTT phù hợp với chuẩn mực tối thiểu mang tính chất phổ cập của các điều ước quốc tế trong lĩnh vực này.
Trong CPTPP, nội dung thực thi quyền SHTT nói chung được quy định tại Chương 18, từ Điều 18.71 đến Điều 18.82. Riêng tại điều 18.7 có quy định về 2 nhóm nghĩa vụ liên quan đến các điều ước quốc tế trong lĩnh vực quyền tác giả như sau: (1) Các bên tham gia phải khẳng định rằng mình đã phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước Berne về bảo hộ tác phẩm văn học, nghệ thuật ngày 9.9.1986, được sửa đổi bổ sung lần cuối tại Pari ngày 24.7.1971 và (2) Các bên tham gia phải phê chuẩn hoặc tham gia vào WCT trước thời điểm Hiệp định này có hiệu lực đối với các Bên liên quan.
Tương tự như CPTPP, EVFTA quy định những nghĩa vụ về thực thi quyền tác giả mà các quốc gia phải tuân thủ (Điều 12.5). Đó là, (1) Các Bên phải tuân thủ các quyền và nghĩa vụ quy định tại Công ước Berne và Hiệp định TRIPs. (2) Các bên phải gia nhập điều ước quốc tế trong thời hạn 3 năm kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực, cụ thể là Hiệp ước của WIPO về quyền tác giả.
Ngày 17/11/2021, Việt Nam đã ký văn kiện gia nhập Hiệp ước về quyền tác giả 1996 (the WIPO Copyright Treaty – WCT) của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới, trở thành thành viên thứ 111 của WCT. Do đó, tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã hoàn thành và đáp ứng điều kiện về nghĩa vụ thực thi và gia nhập các điều ước quốc tế về quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Việt Nam bước đầu có các giải pháp bắt kịp xu hướng chung của thế giới. Ngày 17/2/2022, Hiệp ước WIPO về quyền tác giả (WCT) có hiệu lực tại Việt Nam đánh dấu việc Việt Nam chính thức tham gia sân chơi bảo vệ bản quyền quốc tế, thực thi các cam kết về bảo vệ bản quyền.
3. Các quyền cơ bản của chủ thể quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Phạm vi đề tài tập trung làm rõ Quyền tác giả đối với các tác phẩm văn học, nghệ thuật mà không đề cập đến quyền liên quan. Hiệp định CPTPP và EVFTA dành hẳn những mục riêng về các chuẩn mực bảo hộ Quyền tác giả nói riêng và quyền tác giả và quyền liên quan nói chung tương ứng tại Mục H Chương 18 về SHTT trong CPTPP và tiểu mục 1 Mục B Chương 12 về SHTT trong EVFTA. Hầu hết các quy định tại đây đều tập trung vào các nhóm quyền cơ bản về tài sản đối với tác phẩm như sau: Quyền sao chép; quyền phân phối và quyển truyền đạt, phổ biến tới công chúng
3.1. Quyền sao chép (Right of Reproduction)
Các Hiệp định CPTPP và EVFTA đều đề cập đến đầu tiên là quyền sao chép của tác giả đối với tác phẩm cụ thể tại Điều 12.6 (a) của EVFTA và Điều 18.58 của CPTPP, như sau:
“Mỗi Bên phải cho phép tác giả có độc quyền cho phép hoặc cấm:
(a) Việc sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của mình” (Điều 12.6 (a) EVFTA)
“Mỗi Bên quy định rằng các tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm có quyền độc quyền cho phép hoặc cấm tất cả các bản sao chép tác phẩm, cuộc biểu diễn và bản ghi âm của họ trong bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào, kể cả dưới dạng điện tử” ( Điều 18.58 CPTPP)
Theo Điều 18.58 CPTPP, tác giả được độc quyền cho phép hoặc cấm tất cả việc sao chép tác phẩm của mình theo bất kỳ cách thức hoặc hình thức nào, bao gồm cả hình thức điện tử. Còn theo EVFTA, tác giả có quyền sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bằng bất cứ phương tiện hay hình thức nào một phần hoặc toàn bộ tác phẩm của mình. Như vậy, quyền sao chép được đề cập trong CPTPP và EVFTA đều có nội hàm khá tương đồng cho dù được áp dụng cho tác phẩm hay mở rộng ra là các đối tượng liên quan. Ngoài ra, có thể nhận thấy các chuẩn mực về quyền sao chép trong EVFTA bao gồm cả nội hàm quyền sao chép trong CPTPP và có bổ sung thêm những chuẩn mực cao hơn, cụ thể hơn. Theo đó, quyền sao chép có thể được hiểu là quyền đối với việc tái tạo lại đối tượng quyền tác giả, quyền liên quan bằng bất cứ phương tiện nào dưới hình thức gốc hoặc bất kỳ hình thức nào, trong đó có hình thức kỹ thuật số.
3.2. Quyền phân phối (Right of Distribution)
Các Hiệp định CPTPP và EVFTA đều đã đề cập tới quyền phân phối của tác giả đối với tác phẩm tại Điều 18.60 CPTPP và Điều 12.6 (b) EVFTA. Tác giả xin trích dẫn lại các quy định như sau:
Điều 18.60 Hiệp định CPTPP quy định về Quyền phân phối
“Mỗi Bên phải quy định cho tác giả, người biểu diễn và nhà sản xuất bản ghi âm độc quyền cho phép hoặc cấm phổ biến đến công chúng bản gốc và bản sao tác phẩm, cuộc biểu diễn và bản ghi âm của mình thông qua việc bán hoặc các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác”
và
“Mỗi Bên phải cho phép tác giả có độc quyền cho phép hoặc cấm bất kỳ hình thức phân phối nào đến công chúng thông qua việc bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm của mình” (Điều 12.6 (b) EVFTA)
Theo Điều 18.60 Hiệp định CPTPP, các quốc gia thành viên phải quy định cho tác giả độc quyền cho phép hoặc cấm phổ biến đến công chúng bản gốc và bản sao tác phẩm của mình thông qua việc bán hoặc các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác. Theo giải thích của Hiệp định về hai thuật ngữ “bản sao” và “bản gốc” trong phạm vi quyền phân phối đối với tác phẩm chỉ liên quan đến những bản sao đã được định hình và có thể đưa vào lưu thông dưới dạng vật thể hữu hình. Hiệp định EVFTA cũng quy định về việc tác giả có độc quyền cho phép hoặc cấm “bất kỳ hình thức phân phối nào đến với công chúng thông qua việc bán hoặc chuyển giao quyền sở hữu khác đối với bản gốc hoặc bản sao tác phẩm của mình.
Như vậy, tương tự như quyền sao chép, quyền phân phối trong cả hai Hiệp định đều có nội hàm tương đồng cho dù được áp dụng cho tác phẩm hay đối tượng liên quan. Các chuẩn mực về quyền phân phối trong cả hai Hiệp định đều đề cập đến độc quyền cho phép hoặc cấm các hành vi phân phối (phổ biến) bản gốc, bản sao tác phẩm của tác giả thông qua việc bán hoặc các hình thức chuyển giao quyền sở hữu khác.
3.3. Quyền truyền đạt, phổ biến tới công chúng (Right of Communication to the Public)
Quyền truyền đạt, phổ biến tới công chúng đều được ghi nhận trong Hiệp định CPTPP và EVFTA, cụ thể như sau:
Thứ nhất, quyền truyền đạt, phổ biến tác phẩm tới công chúng theo điều 18.59 CPTPP và điều 12.6 (c) EVFTA:
“Không phương hại đến các Điều 11(1)(u), Điều 11bis(1)(i) và (ii), Điều 11ter(1)(ii), Điều 14(1)(ii), và Điều 14bis(1) của Công ước Berne, mỗi Bên phải quy định cho tác giả độc quyền cho phép hoặc cẩm truyền đạt tới công chúng tác phẩm của mình, bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc phổ biến đến công chúng tác phẩm của mình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận các tác phẩm này từ địa điểm và tại thời điểm do chính họ lựa chọn.” (Đ. 18.59 CPTPP).
Theo đó các thành viên tham gia phải quy định cho tác giả độc quyền cho phép hoặc cấm truyền đạt tới công chúng tác phẩm của mình bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc phổ biến tới công chúng tác phẩm của mình theo cách mà công chúng có thể tiếp cận các tác phẩm này từ địa điểm và tại thời điểm do chính họ lựa chọn. Trong đó, bản thân hành vi chỉ cung cấp trang thiết bị vật chất để tạo điều kiện hoặc để truyền đạt không được coi là hành vi truyền đạt đến công chúng. Ngoài ra các bên tham gia CPTPP có thể đưa ra những quy định về điều kiện áp dụng độc quyền này theo đ.11bis(2) của Công ước Berne. Tuy nhiên, cũng theo đ.11bis(2) Công ước Berne, những điều kiện này (nếu có) thì cũng chỉ được áp dụng tại quốc gia ban hành quy định đó.
Điều 12.6 (c) EVFTA: “Mỗi Bên phải cho phép tác giả có độc quyền cho phép hoặc cấm:
(c) bất kỳ việc truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc phổ biến đến công chúng tác phẩm của mình theo cách mà công chúng có thể tự lựa chọn địa điểm và thời điểm tiếp cận tác phẩm”.
Cũng theo EVFTA, tác giả cũng có độc quyền cho phép hoặc cấm bất kỳ việc truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện vô tuyến hoặc hữu tuyến, bao gồm cả việc phổ biến đến công chúng tác phẩm của mình theo cách mà công chúng có thể tự do lựa chọn địa điểm và thời điểm tiếp cận tác phẩm.
Như vậy, các quy định của EVFTA và CPTPP đều tương đồng trong cách tiếp cận về nội hàm, phạm vi cũng như mục đích của quyền truyền đạt, phổ biến đối với các tác phẩm.
4. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Thời hạn bảo hộ quyền tác giả được quy định trong Hiệp định EVFTA tương tự như Công ước Berne, như sau: Quyền của tác giả là suốt cuộc đời tác giả và tối thiểu 50 năm sau khi tác giả qua đời, không phụ thuộc vào ngày tác phẩm được phổ biến hợp pháp đến công chúng một cách hợp pháp. Trong trường hợp tác phẩm đồng tác giả thì thời hạn được tính từ khi đồng tác giả cuối cùng qua đời.
Trong khi đó, thời hạn bảo hộ quyền tác giả trong CPTPP được quy định tại Điều 18.63 với sự gia tăng thời hạn bảo hộ so với Công ước Berne, trong đó, thời hạn bảo hộ tác phẩm được phân ra thành hai nhóm: nhóm thứ nhất, bảo hộ trên cơ sở đời người: thời hạn bảo hộ không ít hơn cuộc đời tác giả và 70 năm sau khi tác giả mất đi; nhóm thứ hai, bảo hộ không trên cơ sở đời người: thời hạn bảo hộ không ít hơn 70 năm kể từ khi có tác phẩm được công bố hợp pháp lần đầu tiên hoặc không ít hơn 70 năm kể từ khi các đối tượng này được tạo ra nếu như chúng không được công bố trong vòng 25 năm kể từ ngày được tạo ra.
CPTPP tạm hoãn Điều 18.36 của TPP – điều khoản quy định thời hạn bảo hộ quyền tác giả là 70 năm sau khi tác giả qua đời. Việt Nam chỉ cần đáp ứng yêu cầu như một thành viên WTO theo Hiệp định về các khía cạnh thương mại của quyền sở hữu trí tuệ, trong đó yêu cầu thời hạn bảo hộ quyền tác giả là ít nhất 50 năm sau khi tác giả qua đời.
5. Bảo hộ các biện pháp công nghệ nhằm bảo hộ quyền tác giả trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Nhận thấy tầm quan trọng của việc ban hành quy định về các bảo hộ biện pháp công nghệ và việc cần thống nhất đối với các biện pháp này ở cấp độ quốc tế, tháng 12/1996, trong cuộc họp của 150 quốc gia tại Geneva về việc đưa ra những cải cách về luật bản quyền trong môi trường kỹ thuật số đã thống nhất đưa bảo hộ biện pháp công nghệ vào nội dung thỏa thuận. Sau đó, một quy định mang tính quốc tế về các bảo hộ biện pháp công nghệ đã được áp dụng trong Hiệp ước WIPO về Quyền tác giả (WIPO Copyright Treaty – WCT) tại Điều 11 như sau:
“Các Bên ký kết phải quy định sự bảo hộ pháp lý tương xứng và các biện pháp thực thi pháp lý hiệu quả đối với việc vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ được tác giả sử dụng trong việc thực thi các quyền của mình theo Hiệp ước này hoặc Công ước Berne và ngăn chặn các hành vi mà không được tác giả cho phép hoặc không được phép theo luật đối với tác phẩm”
Trên cơ sở phát triển các quy định về các biện pháp kỹ thuật trong Công ước WCT và WTTP, hai Hiệp định EVFTA và CPTPP đều dành các điều khoản tương xứng để đưa ra các quy định về các chuẩn mực liên quan đến bảo hộ các biện pháp công nghệ. Theo đó các hiệp định này giải thích về mục tiêu, khái niệm và phạm vi các biện pháp công nghệ, mục đích, điều kiện, phạm vi áp dụng các biện pháp công nghệ trong bảo hộ quyền tác giả cũng như các chế tài có liên quan.
Thứ nhất, về mục tiêu bảo hộ các biện pháp công nghệ. Theo điều 12.12(1) của Hiệp định EVFTA và điều 18.68(1) Hiệp định CPTPP bảo hộ các biện pháp kỹ thuật nhằm chống lại việc vô hiệu hóa bất kỳ biện pháp công nghệ hữu hiệu nào mà chủ thể quyền tác giả sử dụng để thực hiện quyền của mình và hạn chế hành vi không được phép đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm của mình.
Thứ hai, về khái niệm các biện pháp công nghệ được bảo hộ. Theo điều 18.68(5) Hiệp định CPTPP và Điều 12.12(4) Hiệp định EVFTA đã làm rõ khái niệm về các biện pháp công nghệ. Tuy nhiên nội hàm lại có hơi khác nhau. Cụ thể Hiệp định EVFTA có nghĩa là bất kỳ công nghệ, thiết bị hoặc linh kiện nào mà trong quá trình hoạt động bình thường của nó, được thiết kế nhằm ngăn ngừa hoặc hạn chế các hành vi không được phép tác giả hoặc quyền liên quan đối với tác phẩm hoặc các đối tượng được bảo hộ khác theo quy định của luật pháp quốc gia. Sau đó, EVFTA mới nhấn mạnh tính “hữu hiệu” của các biện pháp công nghệ này. Tính hữu hiệu này thể hiện ở việc kiểm soát thông qua ứng dụng kiểm soát truy cập hoặc quy trình bảo vệ như mã hóa, xáo trộn dữ liệu, hoặc các hình thức biến đổi khác đối với tác phẩm hoặc các đối tượng được bảo hộ khác hoặc cơ chế kiểm soát sao chép nhằm đáp ứng mục tiêu bảo hộ. Còn ở Hiệp định CPTPP lại không làm rõ khái niệm chung về các biện pháp bảo hộ mà tập trung vào khái niệm các biện pháp bảo hộ hữu hiệu. Biện pháp công nghệ hữu hiệu có nghĩa là bất kỳ công nghệ, thiết bị hoặc thành phần hiệu quả nào mà, trong quá trình hoạt động bình thường, được dùng để kiểm soát việc tiếp cận tác phẩm hoặc để bảo hộ quyền tác giả liên quan đến tác phẩm. Tuy nhiên ở cả hai Hiệp định lại đều hướng đến việc “kiểm soát” truy cập hoặc tiếp cận đối tượng của quyền tác giả.
Thứ ba, nghĩa vụ bảo hộ các biện pháp công nghệ. Hiệp định EVFTA tại Điều 12.12(1) yêu cầu các thành viên phải ban hành các quy định đầy đủ chống lại việc vô hiệu hóa những biện pháp công nghệ này. Nghĩa vụ này cũng được quy định tương tự tại Hiệp định CPTPP, theo đó các quốc gia thành viên phải thiết lập bảo hộ pháp lý đầy đủ và các chế tài pháp lý hiệu quả chống lại việc vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ hữu hiệu mà tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất bản ghi âm sử dụng trong việc thực hiện quyền của mình và hạn chế hành vi không được phép đối với tác phẩm.
Thứ tư, về phạm vi và điều kiện áp dụng bảo hộ các biện pháp công nghệ. Về phạm vi áp dụng bảo hộ các biện pháp công nghệ điều 12.12(2) EVFTA và điều 18.68(1b) CPTPP đều đưa ra quy định về việc ngăn cấm các hành vi trái phép liên quan đến các sản phẩm, linh kiện hoặc cung cấp các dịch vụ nhằm vô hiệu hóa các biện pháp kỹ thuật mà chủ sở hữu quyền áp dụng, bao gồm: sản xuất, nhập khẩu, phân phối, bán, cho thuê, chào bán hoặc cho thuê tới công chúng, hoặc tàng trữ nhằm mục đích thương mại và các hình thức cung cấp khác. Theo quy định trên thì các dạng hành vi sẽ bị ngăn cấm với các điều kiện sau:
– Được quảng bá, quảng cáo hoặc tiếp thị nhằm mục đích vô hiệu hóa bất kỳ biện pháp công nghệ hữu hiệu nào;
– Không có mục đích hay công dụng chủ yếu trong thương mại đáng kể nào khác ngoài mục đích vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ hữu hiệu;
– Chủ yếu được thiết kế, sản xuất, điều chỉnh hoặc thực hiện nhằm đích cho phép hoặc tạo điều kiện thuận lợi cho việc vô hiệu hóa bất kỳ biện pháp công nghệ hữu hiệu nào.
Ngoài ra CPTPP còn quy định tại điều 18.69(1a) một hành vi bị ngăn cấm là biết hoặc có lý do để biết mà vẫn vô hiệu hóa không được phép bất kỳ biện pháp công nghệ hữu hiệu nào dùng để kiểm soát việc truy cập tới tác phẩm.
Thứ năm, về chế tài áp dụng. Ở hai Hiệp định lại có sự khác biệt. Hiệp định EVFTA không đề cập tới các chế tài áp dụng đối với các hành vi vô hiệu hóa các biện pháp công nghệ mà chủ thể quyền áp dụng. Trong khi đó CPTPP lại ghi nhận tại đ.16.86(1) yêu cầu áp dụng các thủ tục và chế tài hành chính, dân sự đối với các hành vi nêu trên. Ngoài ra, nặng hơn CPTPP cũng yêu cầu áp dụng các chế tài hình sự đối với trường hợp cố ý và nhằm mục đích thương mại hoặc thu lợi về tài chính trong bất cứ hoạt động nào.
6. Các giới hạn và ngoại lệ trong các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới
Dựa trên các quy định về giới hạn và ngoại lệ trong Công ước Berne, Hiệp định TRIPS và trên cơ sở phát triển các quy định về giới hạn và ngoại lệ quyền tác giả trong Công ước WCT, hai Hiệp định EVFTA và CPTPP đều đề cập đến các chuẩn mực gồm: phạm vi và các điều kiện về giới hạn và ngoại lệ về quyền tác giả.
Thứ nhất, về phạm vi: CPTPP chỉ đưa ra quy định chung về việc các quốc gia thành viên có thể quy định những giới hạn hoặc ngoại lệ đối với các độc quyền trong một số trường hợp đặc biệt. Còn EVFTA thì đưa ra quy định cụ thể hơn: trong những trường hợp đặc biệt nhất định, mỗi bên có thể quy định các giới hạn và ngoại lệ có thể được áp dụng cho tất cả các độc quyền của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả được quy định từ điều 12.6 đến 12.10 (bao gồm: quyền sao chép, quyền phân phối, quyền truyền đạt tác phẩm tới công chúng).
Thứ hai, về điều kiện áp dụng: Tại điều 18.65(1) CPTPP và điều 12.14(1) EVFTA đều đề cập tới hai yêu cầu cơ bản tương tự như trong các quy định của điều 9(2) Công ước Berne: các trường hợp giới hạn, ngoại lệ không ảnh hưởng đến việc khai thác bình thường của các đối tượng được bảo hộ và không gây phương hại tới các quyền hợp pháp như phê bình, bình luận, báo cáo tin tức, giảng dạy, nghiên cứu và các mục đích tương tự khác, đồng thời cần tạo điều kiện thuận lợi để tiếp cận với các tác phẩm đã được công bố đối với người mù, khiếm thị, bị khuyết tật khác không thể đọc được tài liệu in.
Hiệp định EVFTA còn đề cập riêng đến trường hợp ngoại lệ về quyền sao chép tạm thời tại điều 12.14(2), theo đó quyền sao chép sẽ được miền trừ nếu hành vi sao chép đáp ứng các điều kiện:
- Hành vi đó có tính chất tạm thời hoặc ngẫu nhiên;
- Là một phần thiết yếu không thể tách rời của một quy trình công nghệ
- Có mục dích duy nhất là để cho phép việc truyền phát trong một mạng
lưới giữa các bên thứ ba thông qua một trung gian hoặc việc sử dụng hợp pháp đối với tác phẩm hoặc đối tượng được bảo hộ khác và hành vi đó không có mục đích kinh tế độc lập.