Ở Việt Nam, Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu có quyền thực hiện quy hoạch sử dụng đất, đây là hoạt động có vai trò lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng của quốc gia, là một trong những công cụ hữu hiệu để Nhà nước quản lý đất đai được thống nhất, hiệu quả và đảm bảo cho đất đai được sử dụng hợp lý, tiết kiệm.
Mục lục bài viết
1. Khái quát về quy hoạch và kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
Khái niệm “quy hoạch sử dụng đất” đã được giải thích trong các tài liệu khoa học pháp lý về đất đai, chẳng hạn:
– Theo giáo trình Quy hoạch sử dụng đất của Trường Đại học Nông nghiệp I Hà Nội (2005), Quy hoạch sử dụng đất là một hệ thống các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và pháp chế của nhà nước về tổ chức sử dụng đất đầy đủ, hợp lý, có hiệu quả cao thông qua việc phân phối và tái phân phối quỹ đất cả nước, tổ chức sử dụng đất như một tư liệu sản xuất cùng với các tư liệu sản xuất khác gắn liền với đất nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất xã hội, tạo điều kiện bảo vệ đất và bảo vệ môi trường.
– Giáo trình Luật Đất đai của Trường Đại học luật Hà Nội về quy hoạch đất đai, theo đó được hiểu là việc khoanh định hoặc điều chỉnh việc khoanh định đối với các loại đất cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển kinh tế xã hội của từng địa phương và trong phạm vi cả nước là sự tính toán, phân bổ sử dụng đất cụ thể về số lượng, chất lượng, vị trí, không gian.
Khái niệm về quy hoạch sử dụng đất cũng được Tổ chức Nông nghiệp và Lương thực Liên hợp quốc (FAO-1993), giải thích là hệ thống đánh giá tiềm năng đất và nước, phương án sử dụng đất và các điều kiện kinh tế – xã hội để lựa chọn và áp dụng phương án sử dụng đất tốt nhất.
Theo Khoản 2, Điều 3, Luật Đất đai: “Quy hoạch sử dụng đất là việc phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trên cơ sở tiềm năng đất đai và nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực đối với từng vùng kinh tế – xã hội và đơn vị hành chính trong một khoảng thời gian xác định.”
Đối với kế hoạch sử dụng đất, thuật ngữ này không có sự tách biệt trong quy hoạch sử dụng đất, được hiểu là việc phân chia quy hoạch sử dụng đất theo thời gian để thực hiện trong kỳ quy hoạch sử dụng đất. Trong khái niệm này có nhắc đến “kỳ quy hoạch”, thực tế, kỳ quy hoạch không được giải thích trong các văn bản pháp lý cũng như các tài liệu mà tác giả đã tìm hiểu, dưới góc độ cá nhân, tác giả giải thích như sau: Kỳ quy hoạch là khoảng thời gian để thực hiện hoạt động quy hoạch sử dụng đất, mà khi hết thời gian đó việc quy hoạch có thể được thay đổi để phù hợp hơn với điều kiện về chính trị, kinh tế, xã hội.
Thời kỳ quy hoạch sử dụng đất là 10 năm. Tầm nhìn của quy hoạch sử dụng đất quốc gia là từ 30 năm đến 50 năm và cấp huyện là từ 20 năm đến 30 năm (Khoản 1, Điều 6, Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch).
Mặc dù, quy hoạch sử dụng đất được đưa ra giải thích và xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau, nhưng tựu chung, về mặt quản lý nhà nước có thể đưa ra khái niệm: “Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là việc nhà nước sử dụng hệ thống các biện pháp kinh tế, kỹ thuật và pháp chế để phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường và thích ứng biến đổi khí hậu trong một khoảng thời gian xác định; đồng thời phân kỳ thời gian phù hợp để thực hiện việc phân bổ và khoanh vùng đất đai đó”. Trong đó, quy hoạch sử dụng đất là ý đồ sử dụng đất của nhà nước được ghi nhận, thể hiện dưới hình thức văn bản, còn kế hoạch sử dụng đất là các biện pháp được xác định theo từng thời gian cụ thể để thực hiện đúng ý đồ sử dụng đất đã được thể hiện trong quy hoạch.
Việc lập quy hoạch sử dụng đất có ý nghĩa đặc biệt quan trọng không chỉ cho trước mắt mà cả lâu dài. Căn cứ vào đặc điểm tự nhiên, phương hướng, nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của mỗi vùng lãnh thổ, mỗi địa phương, quy hoạch sử dụng đất được thực hiện nhằm bố trí sử dụng đất hiệu quả. Từ đó, xác lập sự ổn định về mặt pháp lý cho công tác quản lý nhà nước về đất đai, làm cơ sở để giao đất và đầu tư để phát triển sản xuất, đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ các nhu cầu dân sinh.
2. Cấu trúc hệ thống quy hoạch và kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất:
Theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, cấu trúc hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã có sự thay đổi so với quy định trong Luật Đất đai, theo đó, về hình thức là tách hệ thống quy hoạch sử dụng đất và hệ thống kế hoạch sử dụng đất thành hai phần, cụ thể:
2.1. Quy hoạch sử dụng đất bao gồm:
(1) Quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
(2) Quy hoạch sử dụng đất cấp huyện;
(3) Quy hoạch sử dụng đất quốc phòng;
(4) Quy hoạch sử dụng đất an ninh.
Thay vì xếp “quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh” là một phần trong quy hoạch sử dụng đất, điều luật này quy định: “Đối với cấp tỉnh, phương án phân bổ và khoanh vùng đất đai theo khu chức năng và theo loại đất đến từng đơn vị hành chính cấp huyện là một nội dung của quy hoạch tỉnh.” Nếu theo quy định này, thì quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh không bị mất đi mà tồn tại dưới một dạng phân chia quy hoạch khác.
2.2. Kế hoạch sử dụng đất bao gồm:
(1) Kế hoạch sử dụng đất quốc gia;
(2) Kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh;
(3) Kế hoạch sử dụng đất cấp huyện;
(4) Kế hoạch sử dụng đất quốc phòng;
(5) Kế hoạch sử dụng đất an ninh.
Kế hoạch sử dụng đất là biện pháp để thực hiện quy hoạch sử dụng đất, do đó, sự tương ứng trong hệ thống là điều hoàn toàn dễ hiểu và hợp lí.
Việc thực hiện quy hoạch theo đơn vị hành chính và mục đích sử dụng đất là cách tổ chức phân chia hiệu quả nhất đối với Việt Nam, vừa mang tính tổng quát, vừa mang tính cụ thể, nhằm tăng tính liên kết vùng, tăng tính liên kết, đồng bộ giữa quy hoạch của các xã trên địa bàn huyện; khắc phục được tình trạng trùng lắp trong công tác lập quy hoạch; nâng cao chất lượng của quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, đồng thời rút ngắn thời gian lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
Đồng thời, việc phân chia quy hoạch như trên là biện pháp hữu hiệu của Nhà nước trong việc tổ chức lại việc sử dụng đất hiệu quả theo đúng mục đích, hạn chế sự chồng chéo gây lãng phí đất đai, tránh trình trạng chuyển mục đích tùy tiện, làm giảm sút nghiêm trọng quỹ đất nông lâm nghiệp. Ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực, tranh chấp, lấn chiếm, hủy hoại đất đai, phá vỡ cân bằng sinh thái, gây ô nhiễm môi trường dẫn đến những tổn thất hoặc kìm hãm sản xuất, phát triển kinh – tế xã hội và các hậu quả khó lường về chính trị, an ninh quốc phòng ở từng địa phương, đặc biệt là trong giai đoạn chuyển dần sang nền kinh tế thị trường.
Chính vì đã có sự phân chia trong quy hoạch do vậy, căn cứ lập quy hoạch cũng như lập kế hoạch sử dụng đất giữa các loại cũng có sự khác nhau, điều này đã được minh chứng trong các quy định của pháp luật, chẳng hạn đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia:
Căn cứ lập quy hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm các căn cứ theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các căn cứ sau đây:
– Điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội;
– Hiện trạng sử dụng đất, tiềm năng đất đai và kết quả thực hiện quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước;
– Nhu cầu sử dụng đất của các ngành, lĩnh vực và của cấp tỉnh.
Căn cứ lập kế hoạch sử dụng đất quốc gia bao gồm:
– Quy hoạch sử dụng đất quốc gia;
– Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm và hàng năm của cả nước;
– Nhu cầu sử dụng đất 05 năm của các ngành, lĩnh vực, của cấp tỉnh;
– Kết quả thực hiện kế hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ trước;
– Khả năng đầu tư, huy động nguồn lực để thực hiện kế hoạch sử dụng đất.
Dưới sự tác động của nhiều nhân tố khó dự đoán trước, theo nhiều phương diện khác nhau, quy hoạch sử dụng đất chỉ là một trong những giải pháp biến đổi hiện trạng sử dụng đất sang trạng thái mới thích hợp hơn cho việc phát triển kinh tế trong một thời kỳ nhất định. Khi xã hội phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng tiến bộ, chính sách và tình hình kinh tế thay đổi, các dự kiến của quy hoạch sử dụng đất không còn phù hợp. Việc chỉnh sửa, bổ sung, hoàn thiện quy hoạch và điều chỉnh biện pháp thực hiện là cần thiết.