Hành vi gây thiệt hại là một trong những yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bảo vệ mồ mả của người chết cho dù ở bất cứ xã hội nào cũng luôn được quan tâm, vì mồ mả gắn với yếu tố phong tục, tập quán, tín ngưỡng và tôn giáo. Việc chăm lo mồ mả cho đến bây giờ vẫn còn tiếp diễn. Hằng năm cứ vào tháng ba âm lịch, con cháu dù đi làm ăn xa quê hay đi học xa nhà đều trở về quê hương để làm một việc được coi là có ý nghĩa nhất đối với tổ tiên đó là tảo mộ trong tiết Thanh minh. Tất cả những việc làm đó cho thấy người Việt Nam luôn chăm lo đến mồ mả của tổ tiên và những hành vi xâm phạm mồ mả trước hết trái với đạo đức, phong tục của dân tộc, đồng thời cũng trái với quy định của pháp luật. Pháp luật nước ta luôn có những quy định bảo vệ mồ mả, xâm phạm mồ mả là một tội danh được quy định tại Điều 246 của Bộ luật hình sự; không dừng lại ở đó, “Bộ luật dân sự 2015” cũng quy định về bồi thường thiệt hại do xâm phạm mồ mả. Như vậy, người thực hiện hành vi xâm phạm mồ mả không chỉ bị xử lí hình sự, bị xã hội lên án mà còn phải chịu trách nhiệm dân sự. Trong luật dân sự, hành vi gây thiệt hại là một trong những yếu tố cấu thành trách nhiệm bồi thường thiệt hại, hành vi gây thiệt hại là hoạt động có ý chí và ý thức. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật. Những chủ thể có hành vi mà pháp luật cấm có hành vi gây thiệt hại ngoài hợp đồng thì phải chịu trách nhiệm bồi thường, những trường hợp pháp luật không cấm thì không phải bồi thường như phòng vệ chính đáng, tình thế cấp thiết hay lỗi hoàn toàn thuộc về người bị thiệt hại.
Hành vi gây thiệt hại mồ mả thể hiện dưới dạng hành động:
+ Xâm phạm trực tiếp đến mồ mả: Di chuyển vị trí mồ mả mà không được sự đồng ý của thân nhân người chết, đào bới mồ mả, khai quật mồ mả không đúng quy định của pháp luật, làm hao hụt tro cốt, hài cốt đã mai táng hoặc xâm phạm tính nguyên dạng của xác…
+ Hành vi xâm phạm đến không gian, hình dáng ngôi mộ, tường rào bao bọc xung quanh ngôi mộ với mục đích bảo vệ ngôi mộ. Cũng cần xác định rõ, đối với những ngôi mộ được xây dựng theo kiến trúc phúc tạp bao gồm cả cây cảnh, bể cá, bể phun nước…thì hành vi xâm phạm tới những phần đó trong toàn bộ cấu trúc bao gồm mộ thì đó không phải là hành vi xâm phạm mồ mả.
+ Hành vi đổ phế thải, phế liệu, uế tạp lên ngôi mộ. Đây là hành vi vô đạo đức, vi phạm nghiêm trọng quy phạm đạo đức. Một hành vi, có thể nói, bị xã hội lên án một cách gay gắt và là hành vi không thể dung thứ được.
>>> Luật sư
Tính đến thời điểm hiện nay, nước ta còn tốn tại thực trạng ‘lệ làng” và tín ngưỡng, tư tưởng duy tâm của nhiều người trong việc lựa chọn vị trí mai tang người chết. Vị trí mai tang người chết được lựa chọn kĩ lưỡng, cẩn trọng nhưng thiếu căn cứ khoa học, do vậy trong nhiều trường hợp đã có hành vi chiếm đoạt vị trí có mồ mả và diện tích đất thuộc quyền sử dụng của người khác. Những hành vi được tiến hành dựa trên tư tưởng cổ hủ, duy tâm trong việc lựa chọn vị trí chôn cất hài cốt, tro hài cốt của người thân đã không ít trường hợp xâm phạm đến mồ mả của người khác. Niềm tin nội tâm của những người sống đã dẫn đến những hành vi xâm lấn mồ mả người khác, để có diện tích mai táng người thân đúng vị trí và theo họ, ngôi mộ được đặt đúng vị trí thì người chết sẽ phù hộ cho con cháu “làm ăn phát đạt”, “thăng quan tiến chức”… Hiện nay, hành vi xâm lấn diện tích đất mồ mả đã gây ra sự mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư không còn là chuyện hiếm.