Thực trạng gây ô nhiễm môi trường hiện nay đã và đang là một vấn đề nan giải toàn cầu. Ở Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các cơ quan, tổ chức đã cố gắng trong việc thực hiện chính sách và pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó có các chế tài xử phạt về hành vi gây ô nhiễm môi trường được quy định như sau.
Mục lục bài viết
1. Thực trạng ô nhiễm môi trường hiện nay:
– Tình trạng gây ô nhiễm môi trường tại Việt Nam trong quá trình phát triển kinh tế xã hội ngày càng diễn biến phức tạp, chất lượng môi trường nhiều nơi suy giảm mạnh, chất thải quá tải, ô nhiễm nguồn nước,…
– Ô nhiễm tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và làng nghề ở mức đáng lo ngại. Hàng năm phát sinh ra hàng chục triệu tấn rác thải nguy hại, rác thải nhựa để sản xuất . Quy trình xử lý rác thải thô sơ, còn theo hình thức chôn lấp, nhiều bãi chôn lấp không hợp vệ sinh.
– Tại Biển Đông tình trạng ô nhiễm cũng rất đáng báo động nhất là rác thải nhựa. Ngoài ra, hàng năm có rất nhiều các sự cố về môi trường biển như ô nhiễm dầu từ các hoạt động khai thác tài, đắm tàu,…
2. Hành vi gây ô nhiễm môi trường sẽ bị xử phạt như thế nào?
2.1. Xử phạt vi phạm hành chính:
2.1.1. Các hình thức xử phạt chính:
Tại Điều 4 Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về hình thức, mức xử phạt và biện pháp khắc phục hậu quả về hành vi gây ô nhiễm môi trường như thì cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường bị áp dụng một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:
– Cảnh cáo;
– Phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường là 1 tỷ đồng đối với cá nhân và 2 tỷ đồng đối với tổ chức.
– Ngoài các hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường còn có thể bị áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khắc phục hậu quả như:
+ Tước quyền sử dụng có thời hạn đối với giấy phép môi trường, giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ quan trắc môi trường, giấy phép tiếp cận nguồn gen,….
+ Buộc phải khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu hoặc phục hồi môi trường theo quy định;
+ Buộc phá dỡ công trình, thiết bị được xây lắp trái quy định về bảo vệ môi trường để xả chất thải không qua xử lý ra môi trường;
+ Tịch thu tang vật vi phạm hành chính, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường
+ Buộc phải phá dỡ công trình, thiết bị để pha loãng chất thải và phải xử lý chất thải đạt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải;
+ Buộc phá dỡ, di dời công trình, cây trồng; buộc phá dỡ công trình, nhà ở trái phép; buộc tiêu hủy máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải, tàu biển đã qua sử dụng, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, phế liệu, chất thải nhập khẩu từ nước ngoài;
+ Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện vi phạm hành chính…
2.1.2. Quy định cụ thể về các mức xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường:
Quy định về mức xử phạt với một số hành vi gây ô nhiễm môi trường được quy định tại Nghị định 45/2022/NĐ-CP như sau:
– Hành vi gây ô nhiễm đất, nước, không khí; gây ô nhiễm môi trường kéo dài (Điều 24 Nghị định 45/2022/NĐ-CP) . Với hành vi này người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 150 triệu đồng, có thể bị phạt tăng nặng và tổng số tiền phạt không quá 1 tỷ đồng
– Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường nơi công cộng, khu đô thị, khu dân cư; vận chuyển nguyên liệu, vật liệu, hàng hóa gây ô nhiễm môi trường (Điều 25 Nghị định 45/2022/NĐ-CP)
+ Hành vi vứt, thải, bỏ đầu, mẩu, tàn thuốc lá không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng bị phạt tiền từ 100 nghìn đồng đến 150 nghìn đồng
+ Hành vi vệ sinh cá nhân (tiểu tiện, đại tiện) không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng; Phạt tiền từ 150 nghìn đồng đến 250 nghìn đồng
+Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải, đổ nước thải không đúng nơi quy định tại khu chung cư, thương mại, dịch vụ hoặc nơi công cộng phạt tiền từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu đồng
+ Hành vi vứt, thải, bỏ rác thải trên vỉa hè, lòng đường hoặc vào hệ thống thoát nước thải đô thị hoặc hệ thống thoát nước mặt; đổ nước thải không đúng quy định trên vỉa hè, lòng đường phố; thải bỏ chất thải nhựa phát sinh từ sinh hoạt vào ao hồ, kênh rạch, sông, suối, biển phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng
2.2. Xử lý hình sự:
Gây ô nhiễm không khí là hành vi thải vào không khí các loại khói, bụi, chất độc hoặc các yếu tố độc hại khác; phát bức xạ, phóng xạ quá tiêu chuẩn cho phép.
Tại Điều 235 Bộ luật hình sự 2015 quy định về hình thức xử phạt đối với tội gây ô nhiễm môi trường như sau:
STT | MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI CÁ NHÂN | MỨC XỬ PHẠT ĐỐI VỚI PHÁP NHÂN | HÀNH VI |
1 | Phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm | Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng | -Người nào chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 3.000 kilôgam đến dưới 5.000 kilôgam; – Xả thải ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; – Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 02 lần đến dưới 04 lần; – Xả ra môi trường từ 5.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14; – Thải ra môi trường từ 300.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 500.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên; – Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 200.000 kilôgam đến dưới 500.000 kilôgam; – Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép; – Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 02 lần đến dưới 04 lần. |
2 | Phạt tiền từ 1 tỷ đồng đến 3 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: | Phạt tiền từ 5 tỷ đến 1 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm | -Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật 5.000 kilôgam trở lên; – Xả thải ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày trở lên nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; – Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật 04 lần trở lên; – Xả ra môi trường 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải trở lên có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14; – Thải ra môi trường 500.000 mét khối (m3)/giờ trở lên bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 10 lần trở lên; – Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật 500.000 kilôgam trở lên; – Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm trên trung bình theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép; – Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định 04 lần trở lên. |
| Người nào đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội gây ô nhiễm môi trường, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm: | Phạt tiền từ 500 triệu đồng đến 3 tỷ đồng | -Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy cần phải loại trừ theo quy định tại Phụ lục A Công ước Stockholm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy trái quy định của pháp luật từ 1.000 kilôgam đến dưới 3.000 kilôgam;
– Chuyển giao, cho, mua, bán chất thải nguy hại hoặc chất hữu cơ khó phân hủy thuộc danh mục cấm sử dụng trái quy định của pháp luật từ 2.000 kilôgam trở lên; – Xả thải ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có các thông số môi trường nguy hại vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải từ 05 lần đến dưới 10 lần; – Xả nước thải ra môi trường có chứa chất phóng xạ gây nhiễm xạ môi trường vượt quy chuẩn kỹ thuật cho phép hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần; – Xả ra môi trường từ 1.000 mét khối (m3)/ngày đến dưới 10.000 mét khối (m3)/ngày nước thải có độ PH từ 0 đến dưới 2 hoặc từ 12,5 đến 14; – Thải ra môi trường từ 150.000 mét khối (m3)/giờ đến dưới 300.000 mét khối (m3)/giờ bụi, khí thải vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về chất thải 10 lần trở lên; – Chôn, lấp, đổ, thải ra môi trường chất thải rắn thông thường trái quy định của pháp luật từ 100.000 kilôgam đến 200.000 kilôgam; – Chất thải có chứa chất phóng xạ, gây nhiễm xạ môi trường thuộc nguồn phóng xạ loại có mức độ nguy hiểm dưới trung bình theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn bức xạ – phân nhóm và phân loại nguồn phóng xạ vượt quy chuẩn cho phép; – Phát tán ra môi trường bức xạ, phóng xạ vượt quá quy chuẩn kỹ thuật hoặc vượt mức giới hạn theo quy định từ 01 lần đến dưới 02 lần. |
Ngoài ra đối với cá nhân phạm tội gây ô nhiễm môi trường còn có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 200 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm. Đối với pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định từ 01 năm đến 03 năm.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật hình sự 2015
– Nghị định 45/2022/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường