Hàng thừa kế là những người được pháp luật quy định có mối quan hệ nhất định đối với người để lại di sản. Hàng thừa kế theo pháp luật được sắp xếp theo thứ tự nhất định. Vậy hàng thừa kế thứ 2 là gì? Hàng thừa kế thứ hai gồm những ai?
Mục lục bài viết
1. Trường hợp nào việc thừa kế được xác định theo hàng thừa kế?
Thừa kế là vấn đề pháp lý, có ý nghĩa, vai trò đặc biệt quan trọng đối với người dân trong việc giải quyết phân chia di sản thừa kế. Nhắc đến phân chia di sản thừa kế, ta thường nhắc đến hàng thừa kế. Hàng thừa kế là những người được pháp luật quy định có mối quan hệ nhất định đối với người để lại di sản.
Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015, có hai hình thức phân chia di sản thừa kế: Phân chia di sản thừa kế theo di chúc và phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
– Theo quy định tại Điều 624 Bộ luật dân sự 2015, di chúc là sự thể hiện ý chí của cá nhân nhằm chuyển tài sản của mình cho người khác sau khi chết. Khi bản di chúc có hiệu lực pháp lý (Theo quy định của Bộ luật dân sự 2015), nội dung của di chúc sẽ là cơ sở để phân chia di sản thừa kế cho các chủ thể có liên quan. Tức trong nội dung di chúc, người để lại di sản thể hiện ý chí định đoạt với tài sản như thế nào, thì người sống sẽ phải thực hiện như vậy. Theo quy định tại khoản 1 Điều 643 Bộ luật dân sự 2015, di chúc có hiệu lực tại thời điểm mở thừa kế. Đồng thời, pháp luật cũng quy định rõ, con chưa thành niên, cha, mẹ, vợ, chồng; con thành niên mà không có khả năng lao động vẫn được hưởng phần di sản bằng hai phần ba suất của một người thừa kế theo pháp luật.
– Khoản 1 Điều 650 Bộ luật dân sự 2015 quy định rõ, thừa kế theo pháp luật được hiểu một cách đơn giản là khi người để lại di sản không làm di chúc, hoặc di chúc vô hiệu thì thì hình thức thừa kế này được áp dụng. Đối với thừa kế theo pháp luật, việc phân chia di sản thừa kế sẽ được dựa vào hàng thừa kế. Theo quy định tại khoản 2, Khoản 3 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 nguyên tắc giải quyết phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được quy định như sau: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.
Như vậy, theo nội dung đã phân tích, xác định thừa kế theo hàng thừa kế là hoạt động pháp lý được áp dụng đối với hình thức phân chia di sản thừa kế theo pháp luật. Tức trong trường hợp không có di chúc, di chúc không hợp pháp; những người thừa kế theo di chúc chết trước hoặc chết cùng thời điểm với người lập di chúc; cơ quan, tổ chức được hưởng thừa kế theo di chúc không còn tồn tại vào thời điểm mở thừa kế; những người được chỉ định làm người thừa kế theo di chúc mà không có quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản, thì sẽ xác định thừa kế theo hàng thừa kế.
2. Thế nào là hàng thừa kế thứ 2?
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 651 Bộ luật dân sự 2015, những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự hàng sau đây: Hàng thừa kế thứ nhất, hàng thừa kế thứ hai, hàng thừa kế thứ ba.
Về nguyên tắc áp dụng thứ tự hàng thừa kế, các cá nhân phải tuân thủ theo nguyên tắc như sau: Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản. Tức ở đây, thứ tự các hàng sẽ được sắp xếp theo sự ưu tiên. Những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất sẽ được ưu tiên hưởng di sản thừa kế theo pháp luật. Trong trường hợp hàng thừa kế thứ nhất không còn ai, thì mới đến các chủ thể của hàng thừa kế thứ hai được hưởng di sản thừa kế. Nếu hàng thừa kế thứ hai không còn chủ thể nào, thì các đối tượng tại hàng thừa kế thứ ba sẽ được hưởng di sản thừa kế theo quy định của pháp luật.
Thứ tự các hàng thừa kế được xác định dựa trên quan hệ huyết thống, pháp luật gần gũi giữa người để lại di sản thừa kế với các chủ thể liên quan.
Từ những phân tích trên, có thể hiểu, hàng thừa kế thứ hai là một hàng thừa kế theo quy định của pháp luật. Tại đó, các đối tượng trong hàng thừa kế này sẽ thuộc thứ tự ưu tiên thứ hai trong diện hàng nhận di sản thừa kế theo pháp luật. Nếu đảm bảo đủ điều kiện pháp lý, các cá nhân thuộc hàng thừa kế thứ hai sẽ được hưởng di sản thừa kế do người mất không để lại di chúc để lại.
Về cơ bản, hàng thừa kế thứ hai cũng là một trong những đối tượng thuộc sự điều chỉnh của Bộ luật dân sự 2015. Những chủ thể nằm trong hàng thừa kế này sẽ có quyền và nghĩa vụ pháp lý nhất định.
3. Hàng thừa kế thứ hai gồm những ai?
Như đã phân tích ở trên, hàng thừa kế thứ hai là hàng thừa kế thuộc thứ tự thứ hai trong danh sách những người thừa kế theo pháp luật.
– Điều 651 Bộ luật dân sự 2015 quy định về những người thừa kế theo pháp luật, bao gồm các chủ thể trong từng hàng thừa kế như sau:
+ Chủ thể trong hàng thừa kế thứ nhất bao gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
+ Hàng thừa kế thứ hai gồm các chủ thể sau đây: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
+ Hàng thừa kế thứ ba gồm các đối tượng: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
– Theo quy định tại điều luật trên, có thể xác định, hàng thừa kế thứ hai bao gồm các đối tượng cụ thể sau đây:
+ Ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết;
+ Cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
Ở đây, đối tượng thuộc hàng thừa kế thứ hai là những chủ thể có quan hệ huyết thống với người để lại di sản thừa kế. Nếu ở hàng thừa kế thứ nhất, đối tượng nhận di sản thừa kế là cha mẹ, con cái, vợ chồng, thì tại hàng thừa kế thứ hai, đối tượng nhận di sản là ông bà, anh chị em ruột, cháu ruột… Tức, quan hệ huyết thống (sự gần gũi) được giảm đi một bậc.
Có thể thấy, Nhà nước đã đưa ra những quy định cụ thể và rõ ràng về việc xác định hàng thừa kế theo quy định của pháp luật. Quy định về hàng thừa kế mang tính điều chỉnh cao, giúp người dân xác định, ý thức được việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật được giải quyết như thế nào. Đồng thời, nó còn mang tính hợp lý. Sự ưu tiên về thứ tự hưởng di sản thừa kế theo pháp luật giúp bảo vệ một cách toàn diện quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, đây cũng là cơ sở, căn cứ để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn liên quan đến việc phân chia di sản thừa kế theo pháp luật.
Ví dụ: Anh Nguyễn Văn B (37 tuổi), thường trú tại Ninh Bình. Anh B không có vợ. Đầu năm 2008, anh B có nhận cháu Nguyễn Minh K làm con nuôi (Có đăng ký nhận con nuôi theo đúng quy định của pháp luật). Cuối năm 2022, anh Nguyễn Văn B mất do gặp tai nạn giao thông. Do chết đột ngột nên anh B không làm di chúc. Tài sản anh B để lại gồm: Một miếng đất rộng 700m2 cùng nhà trên đất, 900 triệu tiền tiết kiệm trong ngân hàng. Sau khi hoàn thành việc mai táng cho anh K xong, mọi người trong nhà bàn chuyện phân chia di sản của anh B. Bố mẹ anh B mất từ lâu, anh B còn lại 3 người anh chị ruột. Các anh chị của anh B cho rằng cháu Nguyễn Minh K là con nuôi của anh B, nên sẽ không được nhận di sản thừa kế do anh B để lại. Do đó, họ sẽ là những chủ thể thuộc hàng thừa kế thứ hai, được hưởng phần tài sản này. Họ bàn nhau tiến hành khai nhận di sản thừa kế. Song, khi thực hiện khai nhận di sản thừa kế, các anh chị của anh B mới vỡ lẽ, cháu K là người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của anh B. Vậy nên, cháu là chủ thể duy nhất được hưởng phần di sản của bố. Các anh chị của anh B (thuộc hàng thừa kế thứ hai) không được hưởng di sản (do người thuộc hàng thừa kế thứ nhất còn sống).
Văn bản pháp luật sử dụng trong bài viết: Bộ luật dân sự 2015.