Hạn mức đất ở khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở tỉnh Thừa Thiên Huế. Hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân như thế nào?
Tóm tắt câu hỏi:
Cho em hỏi tại thời điểm năm từ năm 1987 đến năm 1991 khi cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì quy định áp dụng cấp hạn mức đất ở năm ở văn bản nào (em tại tỉnh Thừa Thiên huế)?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Cơ sở pháp lý:
– Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND.
2. Giải quyết vấn đề:
Trong trường hợp này, hạn mức sử dụng đất ở tại tỉnh Thừa Thiên Huế được quy định tại Điều 3 Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế như sau:
“Điều 3. Hạn mức giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân
1. Các phường thuộc thành phố Huế: 200 m2 ;
2. Các thị trấn thuộc huyện và các phường thuộc thị xã: 300 m2;
3. Các xã đồng bằng: 400 m2
4. Các xã trung du, miền núi: 500 m2 .”
Và đối với đất được cấp từ năm 1987 đến năm 1991 của gia đình bạn thì Điều 6 Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND tỉnh Thừa thiên Huế quy định hạn mức công nhận đất ở đối với đất vườn, ao trong cùng thửa đất đang có nhà ở như sau:
“Điều 6. Xác định diện tích đất ở khi cấp Giấy chứng nhận cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất vườn, ao gắn liền với nhà ở đối với trường hợp thửa được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có giấy tờ về quyền sử dụng đất
Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 13 của Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh thì được cấp Giấy chứng nhận trên toàn bộ diện tích đang sử dụng, trong đó diện tích đất ở được xác định như sau:
1. Trường hợp trong giấy tờ về quyền sử dụng đất có ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định theo giấy tờ đó.
2. Trường hợp trong giấy tờ về quyền sử dụng đất không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận theo số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình, được xác định như sau:
a) Hộ gia đình có từ một đến bốn nhân khẩu: bằng một lần hạn mức đất ở quy định tại Điều 3 của Quy định này;
b) Hộ có từ năm nhân khẩu trở lên: thì ngoài một lần hạn mức đất ở nêu trên, cứ mỗi nhân khẩu tăng thêm được tính thêm 0,25 lần hạn mức đất ở quy định tại Điều 3 của Quy định này; nhưng tổng diện tích đất ở được công nhận không quá năm lần hạn mức quy định tại Điều 3 của Quy định này.
c) Số lượng nhân khẩu trong hộ gia đình nói tại Điểm a và Điểm b Khoản 2 Điều này phải là người có tên trong sổ hộ khẩu đến trước ngày Quy định này có hiệu lực thi hành và được chính quyền cấp xã xác nhận. Trường hợp có tên trong sổ hộ khẩu, nhưng cắt chuyển đi nơi khác (đi học, nghĩa vụ quân sự…) có xác nhận thì được tính nhân khẩu để hưởng hạn mức đất ở; trường hợp cắt chuyển do lập gia đình hoặc chuyển ở ổn định nơi khác thì không được tính để công nhận hạn mức đất ở; trường hợp trong cùng thửa đất có nhiều thế hệ cùng chung sống (đã tách hộ khẩu) thì số lượng nhân khẩu được tính trên cơ sở những người có tên trong các sổ hộ khẩu tại thửa đất đó.”
>>> Luật sư tư vấn hạn mức đất ở tại Thừa Thiên Huế: 1900.6568
Như vậy, dựa vào những quy định tại Quyết định số 33/2014/QĐ-UBND, bạn sẽ xác định được hạn mức đất cụ thể tại địa phương bạn.
Đối với đất sử dụng từ năm 1987 đến năm 1991 được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hạn mức đất ở được quy định như sau:
– Đối với đất ở đô thị: Quyết định 2894/2000/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế có quy định:
“3- Trường hợp đất đã sử dụng làm đất ở ổn định từ ngày 18/12/1980 đến ngày 15/10/1993, không có đủ giấy tờ hợp lệ, nay xét phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, được UBND phường chứng nhận thì hạn mức đất ở được xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ và thu 20% tiền sử dụng đất như sau:
a. Không quá 200 m2/1hộ đối với đất ở các phường nói tại điểm a khoản 2 điều 1 Quyết định này.
b. Không quá 300 m2/1hộ đối với đất các phường nói tại điểm b khoản 2 điều 1 Quyết định này.
Phần diện tích còn lại (nếu có) sẽ được thu hồi sử dụng vào mục đích giao đất ở hoặc phục vụ nhu cầu công cộng. Nếu không thu hồi được thì chủ nhà được xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ nhưng phải nộp 100% tiền sử dụng đất ở.
4- Trường hợp sử dụng đất ở sau ngày 15/10/1993 không đủ giấy tờ hợp lệ nay xét phù hợp với quy hoạch, không có tranh chấp, được UBND phường chứng nhận thì hạn mức đất ở được xét cấp giấy chứng nhận QSDĐ phải nộp 100% tiền sử dụng đất như sau:
a. Không quá 200 m2/1hộ đối với đất ở các phường nói tại điểm a khoản 2 điều 1 Quyết định này.
b. Không quá 300 m2/1hộ đối với đất ở các phường nói tại điểm b khoản 2 điều 1 Quyết định này”
Các xã thuộc thành phố Huế áp dụng theo quy định tai Điều 2 của Quyết định số 2894/2000/QĐ-UBND ngày 31/10/2000 của UBND tỉnh:
“Điều 2: Mức đất ở của hộ gia đình, cá nhân tại các xã thuộc thành phố Huế được quy định như sau:
– Đối với các khu dân cư mới đã có quy hoạch chi tiết xây dựng khu đô thị mới đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và đã xây dựng một số cơ sở hạ tầng thì mức đất ở tối đa áp dụng như đối với các phường nhóm a nói tại khoản 2 điều 1 Quyết định này.
Cụ thể: a. Không quá 200m2/1hộ đối với đất ở các phường : Thuận Thành, Thuận Lộc, Tây Lộc, Thuận Hoà, Phú Hoà, Phú Cát, Phú Bình, Phú Hiệp, Phú Thuận, Vĩnh Ninh, An Cựu, Phú Nhuận, Phú Hội, Phước Vĩnh.
– Các khu vực còn lại được giải quyết mức đất ở không quá 300m2/1hộ; Phần diện tích vượt quá mức quy định trên đây sẽ được xem xét giải quyết theo cách áp dụng ở nội thành.”