Lựa chọn và giới thiệu với các bạn cùng lớp một kịch bản văn học hoặc một bộ phim là một câu hỏi trong Sách giáo khoa Ngữ văn 11 tập 1 Cánh diều. Xin mời các em học sinh cùng theo dõi bài viết dưới đây với chủ đề Giới thiệu một kịch bản văn học hoặc một bộ phim theo lựa chọn cá nhân.
Mục lục bài viết
1. Giới thiệu một bộ phim hay nhất:
Xin chào cô và các bạn!
Vấn đề sắc tộc và màu da từ lâu đã trở thành một chủ đề nhận được sự quan tâm sâu sắc trên toàn thế giới. Dù xã hội đã có nhiều tiến bộ, chúng ta vẫn không khó để bắt gặp những hành vi phân biệt chủng tộc tiêu cực trong cuộc sống hiện đại. Hôm nay, mình muốn giới thiệu đến các bạn một bộ phim đầy ý nghĩa về chủ đề này: “12 Years a Slave” (12 năm nô lệ).
Bộ phim được chuyển thể từ cuốn hồi ký cùng tên của Solomon Northup, một người Mỹ gốc Phi sinh ra tại New York nhưng bị bắt cóc và phải chịu cảnh nô lệ suốt 12 năm. Với tài năng xuất sắc, đạo diễn Steve McQueen và biên kịch John Ridley đã biến câu chuyện đầy bi thương thành một tác phẩm điện ảnh hoàn chỉnh, giàu cảm xúc.
“12 năm nô lệ” không chỉ tái hiện chân thực những năm tháng đen tối trong lịch sử nước Mỹ mà còn mang đến một góc nhìn rõ nét về nạn buôn bán nô lệ ở thế kỷ XIX. Báo VnExpress từng nhận xét: “Giống như cách “Schindler’s List” từng lên án những tội ác vô nhân tính của phát xít Đức, cách tái hiện lịch sử của “12 Years a Slave” rất xót xa nhưng cần thiết.” Có lẽ chính vì đạo diễn Steve McQueen cũng là người da màu mà ông đã truyền tải một cách sâu sắc nỗi đau và sự thống khổ mà người da đen ở Mỹ phải gánh chịu suốt hàng thế kỷ.
Dàn diễn viên tài năng với những tên tuổi danh giá như Chiwetel Ejiofor, Lupita Nyong’o, Brad Pitt, Benedict Cumberbatch và Michael Fassbender đã góp phần không nhỏ vào thành công vang dội của bộ phim. Nhân vật Solomon do Chiwetel Ejiofor thủ vai, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả. Anh khắc họa một con người kiên cường và nhẫn nại, vượt qua hơn một thập kỷ chịu đựng bất công và đau khổ.
Dàn diễn viên thực lực với những cái tên danh giá như Chiwetel Ejiofor, Lupita Nyong’O, Brad Pitt, Benedict Cumberbatch,… cũng đóng vai trò lớn làm nên thành công của bộ phim. Lupita Nyong’o trong vai người hầu gái Patsey đã gây ấn tượng mạnh mẽ với diễn xuất đầy cảm xúc. Đặc biệt, cảnh cô nhờ Solomon kết liễu cuộc đời mình giữa đêm khuya đã làm người xem không khỏi xót xa và ám ảnh. Hay như cả vai diễn ông chủ Epps (do Michael Fassbender thủ vai) cũng gây ám ảnh về một gã say rượu, đa nghi, gia trưởng, ngạo mạn.
Nhờ sự kết hợp hoàn hảo giữa diễn xuất xuất sắc và câu chuyện đầy nhân văn, “12 Years a Slave” đã giành giải Oscar danh giá tại lễ trao giải lần thứ 86, bao gồm các hạng mục Phim xuất sắc nhất, Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất và Kịch bản chuyển thể xuất sắc nhất. Không chỉ dừng lại ở đó, bộ phim còn nhận thêm nhiều giải thưởng uy tín khác, như Quả cầu vàng cho Phim chính kịch hay nhất và giải thưởng của Viện Hàn lâm Nghệ thuật Điện ảnh và Truyền hình Anh quốc (BAFTA).
“12 Years a Slave” thực sự là một tác phẩm giàu giá trị nhân văn, chạm đến trái tim khán giả và để lại dư âm sâu sắc. Hy vọng rằng các bạn sẽ dành thời gian trải nghiệm bộ phim này ít nhất một lần.
Trên đây là phần trình bày của mình. Cảm ơn cô và các bạn đã chú ý lắng nghe!
2. Giới thiệu một kịch bản văn học ấn tượng:
Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là………………., học sinh lớp….., trường ……………….
Các bạn thân mến! Những vở kịch của Shakespeare luôn là nguồn tài liệu quý giá để thế hệ tương lai khai thác và khám phá. Ông không chỉ vẽ nên bức tranh chân thực của thời đại mà còn mang đến vô số thông điệp cũng như giá trị nhân văn sâu sắc cho nhân loại. Điều này đã được thể hiện rõ nét thông qua tác phẩm “Sống hay không sống – đó là vấn đề”, một đoạn trích trong vở bi – hài kịch “Bi kịch Hamlet, Hoàng tử Đan Mạch”.
Xét về mặt nội dung, tác phẩm chứa đựng rất nhiều thông điệp giá trị và ý nghĩa cho nhân loại. Các nhà nghiên cứu nhận xét rằng: “Sống hay không sống – đó là vấn đề” đã phản ánh được tinh thần của thời đại. Ngay cả trong một xã hội đầy rẫy những mưu mô và cái ác, vẫn luôn có những con người hướng tới cái lương thiện và sự tốt đẹp. Ở đó, người đọc chúng ta được chứng kiến một cuộc chiến không hồi kết giữa cái thiện và cái ác, giữa lý tưởng cao đẹp của con người với hiện thực đổ vỡ, tối tăm. Qua đó, tác giả mong muốn hướng con người tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Đồng thời, ông cũng đặt ra câu hỏi triết học cho toàn nhân loại: “Sống hay không sống?” đề cập đến mục đích sống của mỗi cá nhân. Để có thể trả lời được câu hỏi này, con người cần nhận ra và ý thức được thực tại vô định và bất công. Từ đó suy xét và hình thành suy nghĩ “Hành động hay không hành động”. Mục đích là để hướng tới một cuộc sống tốt đẹp, công bằng và hạnh phúc cho nhân loại.
Xét về mặt nghệ thuật, đầu tiên phải kể đến nghệ thuật xây dựng nhân vật vô cùng tài tình của Shakespeare. Đó chính là nhân vâtn Hamlet – người suy nghĩ bằng cả trái tim và tâm hồn, dám nói lên suy nghĩ của mình và hoài nghi và xã hội; hay Claudius – tên vua nham hiểm, luôn ngụy tạo cho bản thân mình bằng những lời ngọt ngào; tên Polonius lừa dối và độc đoán, hay nàng Ophelia thủy chung nhưng sợ lễ giáo, cường quyền lực,… Tất cả đều tạo nên một hệ thống nhân vật tiêu biểu với những màu sắc rõ ràng, riêng biệt. Không chỉ vậy, Shakespeare còn sử dụng ngôn ngữ kịch khéo léo. Nhìn vào đoạn hội thoại trong tác phẩm, chúng ta có thể thấy rõ sự linh hoạt của những chuyển biến, từ đau đớn, tự vấn đến chế nhạo, gay gắt, mỉa mai. Ngoài ra, ngôn ngữ độc thoại đặc sắc đã góp phần quan trọng trong việc thể hiện suy nghĩ, quan điểm của nhân vật và tác giả. Hơn nữa, những mâu thuẫn trong vở kịch còn gắn liền với những mâu thuẫn nội tâm của Hamlet. Bắt đầu bằng niềm tin mãnh liệt vào con người, Hamlet dần chuyển sang hướng hoang mang và sợ hãi trước thực tế sụp đổ. Kể từ đó, có thái độ hoài nghi và chán nản đối với nhân sinh. Cuối cùng, trải qua bao thăng trầm, chàng đã lấy lại được nhận thức về thế giới và phát triển nghị lực để phản kháng.
Vì vậy, có thể nói tác phẩm “Sống hay không sống – đó là vấn đề” thể hiện rõ ràng tài năng và tầm nhìn vĩ mô của đại văn hào Shakespeare. Qua đó, ông đã để lại cho nhân loại một kiệt tác vẫn còn giá trị cho đến ngày nay.
Trên đây là phần giới thiệu của tôi về kịch bản văn học – văn bản “Sống hay không sống – đó là vấn đề”, trích trong vở bi – hài kịch “Bi kịch của Hăm-lét, hoàng tử Đan Mạch”. Rất mong được sự góp ý của tấc cả các bạn. Cảm ơn thầy cô và các bạn đã chú ý lắng nghe.
3. Giới thiệu một bộ phim đặc sắc:
Xin chào thầy cô và các bạn. Tôi là………………., học sinh lớp….., trường ……………….
Hôm nay, tôi xin được giới thiệu về một bộ phim rất nổi tiếng và có giá trị. Có thể nhiều người từng nghe và biết đến nhưng chưa lại chưa có cơ hội để tìm hiểu chi tiết. Đó chính là bộ phim The Passion of the Christ” (tựa Việt: Sự khổ nạn của Đức Chúa Jesus). Đây là một bộ phim điện ảnh nổi tiếng của đạo diễn Mel Gibson được ra mắt vào năm 2004. Phim kể về những giờ phút cuối cùng trong cuộc đời của Đức Chúa Jêsus, đặc biệt là cuộc khổ nạn của Ngài, từ khi bị bắt, bị hành hạ, cho đến khi Ngài bị đóng đinh trên thập giá và qua đời.
Bộ phim tập trung vào sự đau khổ và hy sinh của Đức Chúa Jêsus, bắt đầu từ lúc Ngài bị bắt tại Vườn Gethsemane sau khi Ngài cùng các môn đồ giữ Lễ Vượt Qua. Judas Iscariot – một trong 12 môn đồ đã phản bội Đức Chúa Jêsus, đồng ý bán Đức Chúa Jêsus với giá 30 đồng bạc, giao Ngài cho các thầy tế lễ cả và thầy thông giáo, là các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Israel lúc bấy giờ. Đức Chúa Jêsus bị cáo buộc là kẻ phạm tội bởi những người Israel, vốn là những người tự xưng tin vào Đức Chúa Trời. Mặc dù Đức Chúa Jêsus đến trái đất và xưng là Đức Chúa Trời ban sự cứu rỗi cho nhân loại nhưng những người Israel đã không tin Ngài và muốn giết Ngài. Đức Chúa Jêsus bị xét xử bởi quan tổng trấn Pontius Pilate.
Trải qua các phiên tòa trước các nhà lãnh đạo tôn giáo và chính quyền La Mã, cuối cùng Ngài bị hành hình trên đồi Golgotha. Bộ phim đã mô tả chi tiết những đau đớn về thể xác và tinh thần mà Chúa Jesus phải chịu đựng trong suốt quá trình ấy. Người Israel cho rằng Đức Chúa Jêsus xứng đáng chết vì tội tự nhận mình là Đức Chúa Trời nhưng họ không nhận ra rằng sự hy sinh trên thập tự giá của Ngài là để chuộc tội lỗi cho cả nhân loại.
Những yếu tố làm nên thành công của bộ phim, đầu tiên phải kể đến hình ảnh và kỹ thuật quay phim. Việc sử dụng màu sắc u tối và ánh sáng chói lọi đã tạo nên cảm giác đau đớn, nghiệt ngã, tương phản nhưng vẫn mang tính thiêng liêng. Các góc quay cận cảnh thường xuyên được dùng để nhấn mạnh nỗi đau thể xác và tinh thần của Đức Chúa Jêsus, khiến khán giả có thể hình dung chân thật và cảm nhận được sâu sắc sự khổ nạn, đau đớn của Ngài, vốn chỉ được miêu tả một cách ngắn gọn trong Kinh Thánh.
Không chỉ vậy, âm thanh và nhạc nền cũng góp phần làm nên sự thành công của bộ phim. Nhạc nền của John Debney kết hợp âm hưởng Đông phương và phương Tây gợi lên không khí trang nghiêm, bi thương. Âm thanh của roi da, búa đóng đinh và tiếng la hét càng làm tăng tính hiện thực và ám ảnh của bộ phim.
Bộ phim sử dụng tiếng Aramaic, Latin và Hebrew, những ngôn ngữ được người Israel và người La Mã sử dụng bấy giờ để làm tăng tính chân thực lịch sử. Đặc biệt, đối thoại mang tính biểu tượng cao, đặc biệt những câu nói cuối cùng của Đức Chúa Jêsus trước khi Ngài trút hơi thở đã gây ấn tượng mạnh cho người xem. Cuối cùng, không thể không nói đến diễn xuất của diễn viên Jim Caviezel trong vai Đức Chúa Jêsus đã thể hiện xuất sắc nỗi đau, sự chịu đựng và tình yêu thương vô điều kiện đối với nhân loại của Ngài.
Mặc dù phim nổi bật với các cảnh quay mạnh mẽ, thậm chí gây sốc về sự tàn bạo mà Đức Chúa Jêsus phải chịu đựng trong quá trình khổ nạn, thế nhưng đây là một trong những yếu tố gây tranh cãi lớn khi phim ra mắt. Một số người cho rằng phim quá tàn bạo, trong khi những người khác lại cho rằng đây là cách tái hiện chân thực sự hy sinh của Đức Chúa Jesus. Dù gặp phải nhiều ý kiến trái chiều về mức độ bạo lực và cách thức thể hiện tôn giáo, bộ phim The Passion of the Christ vẫn đạt được thành công lớn về mặt thương mại, thu về hơn 600 triệu USD trên toàn thế giới. Phim cũng được đề cử giải Oscar và nhận được nhiều giải thưởng khác, đặc biệt là trong các hạng mục liên quan đến thiết kế nghệ thuật và âm nhạc.
Bộ phim đã giúp cho khán giả hiện đại, kể cả những người không theo đạo, hiểu rõ hơn về câu chuyện Kinh Thánh đã có ảnh hưởng sâu sắc đến nền văn hóa và lịch sử phương Tây như thế nào. Bằng cách tái hiện chân thực và chi tiết những nỗi đau mà Đức Chúa Jêsus phải chịu đựng, bộ phim đã khai thác sâu sắc về các mặt tôn giáo, tinh thần và nhân văn, chạm đến những giá trị cốt lõi trong đức tin Cơ Đốc giá cũng như đặt ra nhiều suy ngẫm của con người về sự hy sinh và tình yêu thương.
THAM KHẢO THÊM: