Giáo viên mầm non là viên chức được hưởng lương theo hệ số lương mà pháp luật quy định. Khi tham gia giảng dạy, một số giáo viên có hành vi xâm hại đến thân thể của học sinh. Vậy khi xâm phạm đến thân thể học sinh, giáo viên đó phải chịu hình thức kỷ luật gì? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây.
Mục lục bài viết
1. Giáo viên mầm non đánh học sinh bị xử lý kỷ luật thế nào?
Học sinh mầm non (trẻ em) là đối tượng có quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp, quyền được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với khả năng và nhu cầu của trẻ em theo Điều lệ Trường mầm non ban hành kèm Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT.
Căn cứ theo Khoản 1 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT thì giáo viên mầm non không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể trẻ em. Đối xử công bằng đối với trẻ em. Như vậy, hành vi đánh trẻ em là hành vi xâm phạm đến thân thể của trẻ em và vi phạm quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, căn cứ theo Điều 27 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT cũng quy định cụ thể: Giáo viên phải bảo vệ an toàn về thể chất, tinh thần và tính mạng của trẻ em trong thời gian trẻ em ở nhà trường. Thực hiện công tác nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em theo chương trình giáo dục mầm non.
Từ những quy định trên, có thể khẳng định, trẻ em là đối tượng được bảo vệ, cần bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Hơn nữa, giáo viên cũng cần phải giữ gìn phẩm chất, danh dự và uy tín của nhà giáo. Mọi hành vi đánh (xâm phạm) thân thể trẻ em đều phải bị xử lý theo quy định. Tùy mức độ, tính chất và hành vi của giáo viên mà có các hình phạt xử lý kỷ luật tương ứng.
Căn cứ theo Điều 52 của Luật Viên chức năm 2010, có các hình thức xử lý kỷ luật đối với giáo viên mầm non đánh học sinh là: Khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc.
1.1. Khiển trách:
Đây là hình thức kỷ luật nhẹ nhất, mang tính chất nhắc nhở người có hành vi vi phạm, giúp họ nâng cao ý thức kỷ luật trong công việc. Hình thức này thường được áp dụng đối với người có hành vi phạm lỗi lần đầu ở mức độ nhẹ. Trừ các hành vi vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/220/NĐ-CP, thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Không tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp, đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản;
- Vi phạm quy định của pháp luật về: thực hiện chức trách, nhiệm vụ của viên chức; kỷ
luật lao động ; quy định, nội quy, quy chế làm việc của đơn vị sự nghiệp công lập đã được cấp có thẩm quyền nhắc nhở bằng văn bản; - Lợi dụng vị trí công tác nhằm mục đích vụ lợi; có thái độ hách dịch, cửa quyền hoặc gây khó khăn, phiền hà đối với nhân dân trong quá trình thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao; xác nhận hoặc cấp giấy tờ pháp lý cho người không đủ điều kiện; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
- Không chấp hành quyết định phân công công tác của cấp có thẩm quyền; không thực hiện nhiệm vụ được giao mà không có lý do chính đáng; gây mất đoàn kết trong đơn vị;
- Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống tội phạm; phòng, chống tệ nạn xã hội; trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;
- Vi phạm quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước;
- Vi phạm quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo;
- Vi phạm quy định của pháp luật về: đầu tư, xây dựng; đất đai, tài nguyên môi trường; tài chính, kế toán, ngân hàng; quản lý, sử dụng tài sản công trong quá trình hoạt động nghề nghiệp;
- Vi phạm quy định của pháp luật về: phòng, chống bạo lực gia đình; dân số, hôn nhân và gia đình; bình đẳng giới; an sinh xã hội; quy định khác của pháp luật liên quan đến viên chức (Điều 16 Nghị định 112/220/NĐ-CP).
Việc khiển trách có thể được thực hiện bằng miệng hoặc bằng văn bản. Tuy nhiên xuyên suốt trong các quy định của pháp luật, không có quy định chi tiết nào về hành vi vi phạm cụ thể nào sẽ bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách
Như vậy, trường hợp cô giáo đánh học sinh lần đầu, không ảnh hưởng nhiều đến học sinh thì có thể bị áp dụng hình phạt khiển trách.
1.2. Cảnh cáo:
Hình thức kỷ luật cảnh cáo áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách về hành vi vi phạm tại mục 1.1;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 16 Nghị định 112/220/NĐ-CP.
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả ít nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp sau đây:
+ Viên chức quản lý không thực hiện đúng trách nhiệm, để viên chức thuộc quyền quản lý vi phạm pháp luật gây hậu quả nghiêm trọng trong khi thực hiện hoạt động nghề nghiệp;
+ Viên chức quản lý không hoàn thành nhiệm vụ quản lý, điều hành theo sự phân công mà không có lý do chính đáng.
(Điều 17 Nghị định 112/220/NĐ-CP)
1.3. Cách chức:
Hình thức kỷ luật cách chức áp dụng đối với viên chức quản lý thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo theo mục 1.2 mà tái phạm;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp tại mục 1.1;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/220/NĐ-CP;
- Sử dụng giấy tờ không hợp pháp để được bổ nhiệm chức vụ.
(Điều 18 Nghị định 112/220/NĐ-CP)
Lưu ý: Hình thức kỷ luật cách chức chỉ áp dụng với viên chức quản lý.
1.4. Buộc thôi việc:
Hình thức kỷ luật buộc thôi việc áp dụng đối với viên chức có hành vi vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Đã bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cách chức đối với viên chức quản lý hoặc cảnh cáo đối với viên chức không giữ chức vụ quản lý mà tái phạm;
- Có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp tại mục 1.1;
- Viên chức quản lý có hành vi vi phạm lần đầu, gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 17 Nghị định 112/220/NĐ-CP;
- Sử dụng văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận, xác nhận giả hoặc không hợp pháp để được tuyển dụng vào cơ quan, tổ chức, đơn vị;
- Nghiện ma túy; đối với trường hợp này phải có xác nhận của cơ sở y tế hoặc thông báo của cơ quan có thẩm quyền.
(Điều 19 Nghị định 112/220/NĐ-CP)
Ngoài các hình thức kỷ luật trên, viên chức còn có thể bị hạn chế thực hiện hoạt động nghề nghiệp theo quy định của pháp luật có liên quan.
2. Giáo viên mầm non đánh học sinh có bị xử phạt hành chính không?
Căn cứ vào quy định tại Điều 28 Nghị định 04/2021/NĐ-CP xử phạt hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học; xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học, vi phạm quy định về chính sách đối với người học như sau:
Người nào có hành vi: Kỷ luật người học không đúng quy định của pháp luật hiện hành; Xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể người học nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.
Người nào có hành vi vi phạm về chính sách đối với người học thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng.
Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc hủy bỏ quyết định kỷ luật và khôi phục quyền học tập của người học đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm a khoản 1 Điều này; Buộc xin lỗi công khai người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 1 Điều này, trừ trường hợp người bị xúc phạm danh dự, nhân phẩm; xâm phạm thân thể hoặc người đại diện hợp pháp của người học là người chưa thành niên có yêu cầu không xin lỗi công khai.
3. Giáo viên mầm non đánh học sinh có bị xử lý hình sự không?
Tùy thuộc vào tính chất, mức độ vi phạm, giáo viên mầm non đánh học sinh có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích.
Căn cứ quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, giáo viên mầm non đánh học sinh mà gây thương tích dưới 11% cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích do thực hiện với người dưới 16 tuổi.
Mức phạt thấp nhất với Tội cố ý gây thương tích là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
THAM KHẢO THÊM: