Quyền giám hộ là một quyền được ghi nhận tại Bộ luật dân sự. Vậy, Giám hộ có yếu tố nước ngoài là gì? Phải đăng ký thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giám hộ có yếu tố nước ngoài là gì?
1.1. Quy định chung về quyền giám hộ mới nhất:
Căn cứ theo quy định tại Điều 46 Bộ luật Dân sự 2015 quy định về giám hộ thì ta có thể hiểu giám hộ chính là việc cá nhân, pháp nhân được thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi mà luật quy định,được Ủy ban nhân dân cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc được quy định theo quy định của Bộ luật dân sự
Theo đó thì việc giám hộ phải được đăng ký tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về hộ tịch. Trường hợp giám hộ cho người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải được sự đồng ý của người đó nếu họ có năng lực thể hiện ý chí của mình tại thời điểm yêu cầu.
Lưu ý: đối với người giám hộ đương nhiên mà không đăng ký việc giám hộ thì vẫn phải thực hiện nghĩa vụ của người giám hộ.
Tóm lại, việc giám hộ được thực hiện nhằm việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi. Người giám hộ là là những người được luật quy định, được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc trường hợp người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ lựa chọn người giám hộ cho mình thì khi họ ở tình trạng cần được giám hộ, cá nhân, pháp nhân được lựa chọn là người giám hộ nếu người này đồng ý.
1.2. Giám hộ có yếu tố nước ngoài là gì?
Cũng căn cứ theo các quy định của Bộ luật dân sự 2015 thì ta có thể hiểu giám hộ có yếu tố nước ngoài là việc giám hộ khi một trong các bên có ít nhất một bên là người nước ngoài, có thể là người giám hộ, người được giám hộ, người giám sát việc giám hộ hoặc các bên là công dân Việt Nam nhưng xác lập, thay đổi, thực hiện hoặc chấm dứt việc giám hộ xảy ra ở nước ngoài.
Theo đó, việc giám hộ có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo quy định tại Điều 682 Bộ luật Dân sự năm 2015 tức là việc giám hộ được xác định theo pháp luật của nước nơi người được giám hộ cư trú. Nói một cách dễ hiểu thì khi giám hộ có yếu tố nước ngoài, nếu người được giám hộ là công dân Việt nam thì thực hiện việc giám hộ theo pháp luật của Việt Nam. Ngược lại, nếu người được giám hộ là người nước ngoài thì việc giám hộ thực hiện theo pháp luật của nước ngoài.
Tóm lại, từ quy định trên ta có thể đưa ra kết luận rằng giám hộ có yếu tố nước ngoài là việc giám hộ mà có thể một bên trong các bên liên quan đến việc giám hộ là người nước ngoài hoặc việc giám hộ giữa công dân Việt Nam với nhau được thực hiện ở nước ngoài.
2. Điều kiện đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài như thế nào?
Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 thì cá nhân, pháp nhân muốn đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài phải đáp ứng được các điều kiện sau đây:
Đối với pháp nhân thì phải có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
Một là, có điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ.
Hai là, có năng lực pháp luật dân sự phù hợp với việc giám hộ;
Đối với cá nhân thì phải có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
Một là, có tư cách đạo đức tốt và các điều kiện cần thiết để thực hiện quyền, nghĩa vụ của người giám hộ;
Hai là, không phải là người bị Tòa án tuyên bố hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.
Ba là, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác;
Bốn là, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Tóm lại, từ các quy định trên, có thể thấy rằng khi đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài thì các cá nhân, pháp nhân phải tuân theo những điều kiện nhất định. Theo đó, nếu là pháp nhân thì phải đáp ứng đủ ít nhất hai điều kiện, còn nếu là cá nhân thì phải đáp ứng đủ bốn điều kiện đã nêu ở trên. Việc giám hộ như đã nếu ở các phần mục trên là việc được thực hiện nhằm việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, do đó để được giám hộ cho những đối tượng này cần phải đáp ứng những điều kiện cụ thể là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người được giám hộ.
3. Đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài thế nào?
3.1. Hồ sơ đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài:
Theo quy định của luật Hộ tịch hiện hành thì hồ sơ đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài bao gồm các giấy tờ, tài liệu sau đây:
– Tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu nếu nộp trực tiếp hoặc biểu mẫu điện tử nếu nộp hồ sơ online qua Cổng dịch công quốc gia;
– Nếu thuộc trường hợp giám hộ đương nhiên thì phải có giấy tờ chứng minh mình là người giám hộ đương nhiên theo quy định của pháp luật;
– Nếu có nhiều người đủ điều kiện làm giám hộ thì phải có văn bản cử người làm giám hộ;
– Nếu thuộc trường hợp đăng ký giám hộ cử thì phải có văn bản cử người giám hộ;
– Văn bản uỷ quyền trong trường hợp ủy quyền;
– Hộ chiếu hoặc Chứng minh nhân dân hoặc Căn cước công dân.
Lưu ý: Đối với trường hợp nộp hồ sơ online, người yêu cầu đăng ký giám hộ phải gửi kèm bản chụp các loại giấy tờ, hồ sơ ở trên, đảm bảo giấy tờ phải: Rõ nét, toàn vẹn và đầy đủ nội dung. Có thể chụp bằng điện thoại hoặc máy ảnh hoặc là bản scan… nhưng các giấy tờ này đều phải hợp lệ, còn giá trị sử dụng
3.2. Thủ tục ký giám hộ có yếu tố nước ngoài :
Như đã phân tích ở các phần mục trên thì ta có thể xác định được rằng dù giám hộ có yếu tố nước ngoài nhưng nếu người được giám hộ là công dân Việt Nam thì thủ tục đăng ký giám hộ thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam tại Luật Hộ tịch và các văn bản hướng dẫn.
Theo đó, trình tự, thủ tục đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài được thực hiện theo các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài
Theo đó, cá nhân, pháp nhân thực hiện thủ tục đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài cần phải chuẩn bị bộ hồ sơ đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài như đã nêu ở phần mục trên.
Bước 2: Nộp hồ sơ đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ bộ hồ sơ đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài thì cá nhân, pháp nhân đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài có thể nộp hồ sơ đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của người được giám hộ hoặc người giám hộ nếu việc giám hộ giữa công dân Việt Nam và người nước ngoài cùng cư trú tại Việt Nam, thực hiện đăng ký giám hộ tại Việt Nam hoặc người yêu cầu có thể nộp hồ sơ tại Phòng Một cửa của Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của một trong hai người hoặc người có yêu cầu có thể truy cập vào trang web của Cổng dịch vụ công quốc gia hoặc Cổng dịch vụ công cấp tỉnh để đăng ký tài khoản và nộp hồ sơ theo cơ quan có thẩm quyền là Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của mình.
Khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài, cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận phải kiểm tra và xác minh thông tin trong hồ sơ
Trường hợp, nếu hồ sơ đầy đủ hợp lệ theo quy định của pháp luật hiện hành thì công chức tư pháp hộ tịch sẽ thực hiện các công việc gồm: Xác minh hồ sơ, giấy tờ, điều kiện giám hộ; ghi vào sổ hộ tịch; ký vào sổ hộ tịch với người đăng ký giám hộ; báo cáo và cấp trích lục cho người yêu cầu trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp nếu hồ sơ không hợp lệ thì công chức tư pháp hộ tịch có trách nhiệm trả lời bằng văn bản, hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung thêm các giấy tờ, tài liệu còn thiếu để hoàn thiện hồ sơ. Nếu từ chối đăng ký giám hộ thì phải nêu rõ lý do và căn cứ pháp lý cho người yêu cầu.
Lưu ý: lệ phí đăng ký giám hộ có yếu tố nước ngoài là một trong các loại lệ phí thuộc danh sách thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Dân sự 2015;