Chết chẹn cổ là một trong những dạng tử vong ngạt cơ học, nguyên nhân gây nên bởi ngoại lực tác động bằng các phương tiện khác nhau như: Chẹn cổ bằng tay còn gọi là bóp cổ, chẹn cổ bằng dây, thường bằng dây thừng, đôi khi bằng dây cao su v.v... còn gọi là thắt cổ, chẹn cổ bằng gậy, chẹn cổ bằng cành cây v.v...
Mục lục bài viết
1. Định nghĩa chẹn cổ:
Hoàn cảnh dẫn đến chẹn cổ hầu hết các trường hợp xảy ra là do án mạng, án giết người bằng phương thức này thường gặp chẹn cổ bằng tay (bóp cổ), nạn nhân thường là người già, trẻ em và phụ nữ, vì các đối tượng này sức kháng cự yếu hoặc không có sức kháng cự. Hành vi bóp cổ hung thủ đối với nạn nhân hầu hết xảy ra trong phản ứng tức thời, chủ mưu, phổ biến gặp trong hiếp dâm, nạn nhân bị bóp cổ vì kêu la, hiện trạng này rất phổ biến ở châu Âu hoặc gặp trong cuộc ẩu đả, vật lộn, lăng mạ lẫn nhau cũng hay bị đối phương bóp cổ chết. Qua giám định Y pháp chúng tôi đã gặp trường hợp nạn nhân 72 tuổi bị hiếp và bị bóp cổ chết. Nếu án chẹn cổ xảy ra ở người khoẻ mạnh, nhất là ở nam giới thì những dấu tích chống đỡ để lại trên hiện trường và các thương tích trên người nạn nhân thường rõ rệt. Chẹn cổ bằng dây cũng có thể gặp trong án mạng nhưng hiếm gặp hơn, đa phần là tự tử, trong thực tế Y pháp chúng tôi cũng gặp trường hợp một nạn nhân giận chồng dùng dây cao su cuốn nhiều vòng thắt cổ tự tử phải giám định Y pháp qua 2 cấp mới giải quyết được vụ việc. Để định hướng được tự tử hay án mạng, ngoài các tình tiết khác, vấn đề rất cần phải xem xét kỹ các nút dây thắt cổ có hợp lý không?; trong tự sát nút buộc thường thuận chiều tay phải của nạn nhân và ở phía trước cổ. Y văn nước ngoài đã đề cập đến chết chẹn cổ do tai nạn xảy ra ở người say rượu quá mức ngồi trên ghế tựa gục đầu xuống bị thành ghế chẹn cổ gây tử vong vì ngạt. Tương tự như vậy chúng tôi cũng gặp trường hợp tai nạn chết vì chẹn cổ ở một người lái xe nằm phía dưới gầm ô tô để sửa hỏng hóc, không may bị dây mũ trùm đầu của áo rét mắc vào gốc cần lái, người phụ xe ngồi trên buồng lái xoay cổ nạn nhân.
Định nghĩa: Chẹn cổ là một hành động bạo lực gây nên cái chết biểu hiện bằng ngạt cơ học do sự chèn ép làm tắc đường thông khí, đường tuần hoàn lên não, gây thiếu máu não cấp tính. Vật gây chèn ép có thể bằng tay, bằng các dạng dây và bằng vật cứng.
Cơ chế chết chẹn cổ:
Sinh lý bệnh của chết ngạt do chẹn cổ căn bản cũng giống như chết ngạt do treo cổ bởi sự bít tắc đường thở, đường tuần hoàn lên não và chèn ép các dây thần kinh phế vị chạy qua hai bên cổ, đặc biệt là đám rối thần kinh giao cảm của xoang cảnh làm tim đập chậm, thậm trí tim ngừng đập tức thời, huyết áp giảm, thiếu máu não. Tất cả đều làm cho cơ thể thiếu oxy, quá thừa khí carbonic dẫn đến chết ngạt. Điều khác với ngạt treo cổ là ở chẹn cổ, nhất là chẹn cổ bằng tay là tình trạng cơ thể ngạt do thiếu oxy không liên tục vì lực bóp của hung thủ không thể hằng định bởi sự mỏi mệt của cơ bắp, phụ thuộc vào cổ bị lực ép hoàn toàn, hay chỉ một bên, bởi sự chống đỡ, vùng vẫy của nạn nhân mạnh hay yếu, mà sự thông khí và máu lên não ngắt quãng hay liên tục, vì thế nạn nhân bị chẹn cổ không mất tri giác nhanh, rối loạn huyết động ở não chậm hơn, sự sống với cái chết chập chờn theo sức bóp của hung thủ.
Các phương thức chẹn cổ thường gặp:
2. Chẹn cổ bằng tay (bóp cổ):
2.1. Định nghĩa:
Chẹn cổ bằng tay còn gọi là bóp cổ, xảy ra khi cả bàn tay và các ngón tay ở tư thế gọng ở một động vào vùng cổ với lực rất lớn vừa đè vừa ép (bóp) khiến nạn nhân chết ngạt và để lại trên thi thể nạn nhân những dấu vết, tổn thương rất đặc trưng. Nạn nhân có thể bị bóp từ phía trước hay phía sau, ở tư thế đứng, tư thế nằm ngửa hoặc nằm sấp. Thông thường hung thủ dùng 2 bàn tay, đôi khi chúng chỉ dùng một bàn tay đối với trẻ em hoặc người già yếu.
2.2 Giám định y pháp chết bóp cổ:
2.2.1. Khám nghiệm bên ngoài:
Bóp cổ không phải chỉ đơn thuần có dấu tích ở cổ, thường có kèm theo các dấu vết chống cự của nạn nhân như bàn tay dính tóc, mảnh vải áo, quần v.v… và những dấu vết thương tích của hung thủ gây nên cho nạn nhân trước hoặc trong khi bóp cổ.
– Mặt thường đỏ tím khác hẳn với phần khác của cơ thể. Có những chấm chảy máu ở củng mạc, màng tiếp hợp mắt, niêm mạc môi, miệng, có khi thấy dịch màu hồng hay chảy máu mũi.
Tại cổ, phải tìm các vết móng tay, đó là các vết xước, vết lằn tím hình bán nguyệt kích thước khác nhau, trên mặt da vùng cổ.
Ảnh: Tổn thương bên ngoài của bóp cổ
* Vị trí những dấu ấn móng tay luôn thay đổi bởi tuỳ thuộc tư thế của hung thủ và tư thế của nạn nhân: nếu nạn nhân nằm ngửa hoặc đứng đối diện với hung thủ thì hai vết móng tay có kích thước lớn dấu ấn hai ngón tay cái ở trước cổ, dưới cằm hoặc góc hàm. Các vết móng tay có kích thước nhỏ hơn xuất hiện ở hai bên cổ hoặc ở gần phía gáy. Nếu nạn nhân ở tư thế nằm sấp có thể thấy hai vết móng tay có kích thước ở phía dưới sau gáy là dấu ấn của hai ngón tay cái; còn các vết móng tay có kích thước nhỏ hơn xuất hiện ở phía trước hai bên cạnh cổ. Với tư thế nằm sấp mặt tiếp xúc với đất nên còn có thể thấy các tổn thương khác ở mặt, mũi, răng miệng v.v… Ở đây điều quan trọng cần chú ý phát hiện dấu vết các ngón tay nhất là ngón cái, hướng hình bán nguyệt của chúng, trên cơ sở đó có thể phán đoán tư thế của hung thủ. Tuy nhiên có khi hung thủ đeo găng tay, hoặc lót khăn, vướng cổ áo thì bóp cổ cũng không để lại dấu vết bên ngoài, nhưng tổn thương bên trong vẫn có thể thấy rõ.
* Dấu vết tổn thương ngoài cổ đáng lưu ý hơn cả là đối với nạn nhân là nữ giới có khi thấy cả dấu ấn móng tay, các vết xây xát bầm tím ở mặt trước trong đùi, hoặc bầm tím ở hai bên mạn sườn, ngực, nạn nhân biểu hiện sự tự vệ khi hung thủ có hành vi hiếp dâm. Qua đó phải kiểm tra màng trinh, tổn thương âm đạo và lấy dịch âm đạo tìm tinh trùng. Dấu vết ngoài cổ còn thể hiện sự có mặt các vết xây xát, bầm tím ở quanh mềm, mũi nạn nhân khi họ kêu la bị hung thủ ngăn cản gây nên.
2.2.2 Khám nghiệm bên trong:
Với ý đồ giết chết nạn nhân bằng bóp cổ, hung thủ dồn hết sức lực vừa đè ép, vừa bóp cổ gây nên những tổn thương khá nặng nề, đặc trưng ở vùng cổ nạn nhân.
Tổn thương tại cổ phẫu tích thấy tổ chức dưới da, các cơ vùng cổ có các điểm bầm tím tụ máu tương ứng hay không tương ứng với dấu vết tổn thương bên ngoài vì da di động.
Chảy máu, tụ máu thành sau họng do sụn giáp bị ép đẩy mạnh về phía sau. Với sức đè ép, bóp rất mạnh của hung thủ nên tổn thương bầm tụ máu quanh khí quản, quanh các bó mạch cảnh và rạn dập khí quản, rạn rách nội mạc động mạch cảnh cũng xảy ra. Đặc biệt nạn nhân ở tư thế nằm, sức đè ép và bóp lớn hướng từ trước ra sau từ dưới lên trên với điểm tựa là cột sống nên gãy, dập xương móng, sụn giáp, bầm tụ máu tuyến nước bọt dưới hàm, tuyến giáp trạng tần suất gặp phổ biến hơn trong chết ngạt treo cổ,
Ảnh: Tổn thương bên trong của bóp cổ
Tổn thương ngoài cổ, thấy các chấm chảy máu dưới màng phổi, thượng tâm mạc (dấu hiệu Tardieu); có khi thấy lòng khí phế quản có bọt màu hồng, phổi kém xốp, diện cắt có dịch màu hồng chảy ra. Các phủ tạng khác có dấu hiệu chung của ngạt. Kiểm tra kỹ có thể thấy dập gãy xương sườn ở nạn nhân là nữ khi hung thủ có hành vi hiếp dâm.
3. Chẹn cổ bằng dây (thắt cổ):
3.1. Định nghĩa:
Chẹn cổ bằng dây còn gọi là thắt cổ, hành động được thực hiện bởi một vật đủ dài, chất liệu mềm như vải, dây thừng, dây cao su…; vật bán mềm hoặc bán cứng như dây điện bọc nhựa, dây điện thoại và vật liệu cứng như dây thép, các loại dây xích v.v… được cuốn một vòng hay nhiều vòng quanh cổ và thắt chặt (xiết chặt) bằng lực của chính tay nạn nhân (tự tử), hoặc lực bằng tay của người khác (án mạng).
Chẹn cổ bằng dây thường gặp trong tự tử, cũng có thể là án mạng nhưng hiếm gặp hơn và rất hiếm gặp trong tai nạn rủi ro. (Chẹn cổ bằng dây mềm (tự tử) – Thắt cổ bằng dây cứng và thương tích vật tày (án mạng).
3.2 Giám định y pháp chết thắt cổ:
3.2.1. Khám nghiệm bên ngoài:
Dây thắt rất đa dạng, phổ biến là dây mềm to bản như khăn quàng, mảnh chăn màn, dây thừng, dây chun v.v… cuốn nhiều vòng quanh cổ. Hướng dây thường nằm ngang, nút dây thắt ở dưới cằm hoặc lệch sang hai bên. Nếu nút dây thắt ở phía sau gáy cần phải xem xét kỹ có phải do nạn nhân tự buộc không? Muốn vậy hãy quan sát kỹ nút thắt có hợp lý không?, nếu tự tử nút buộc thường thuận chiều tay phải của nạn nhân, nếu án mạng thì ngược lại. Rãnh thắt thường nằm ngang, quanh cổ có nhiều vòng hằn khép kín. Khi các vòng dây thắt vướng cổ áo, vướng tóc thì đường hằn vòng thắt không khép kín số lượng rãnh thắt tuỳ thuộc vào số vòng dây. Tuy nhiên trong thực tế có nhiều vòng dây mềm chồng lên nhau cùng một bình diện nên số vòng dây nhiều hơn số rãnh thắt. Độ sâu của rãnh thắt phụ thuộc vào bản dây thắt rộng hay hẹp, mềm hay cứng, nếu bản dây thắt rộng thì rãnh thắt mờ; nếu bản dây thắt nhỏ và cứng thì rãnh thắt sâu. Các rãnh thắt thường đều nhau. Các tính chất khác của rãnh thắt tương tự như trong treo cổ.
Sắc mặt: mặt nạn nhân tím bầm, phù nề, có thể thấy các chấm chảy máu trên da, niêm mạc mồm, mắt hơi lồi, chảy máu nhỏ ở củng mạc, màng tiếp hợp; lưỡi hơi lè; mồm mũi có thể thấy bọt hồng.
3.2.2. Khám nghiệm bên trong:
Phẫu tích vùng cổ thấy tụ máu phần mềm lan tỏa đồng đều, không có điểm tụ máu như chẹt cổ bằng tay. Tổn thương thanh quản không rõ, rạn gãy xương móng hiếm gặp. Tương ứng với vòng dây thắt cổ, tổ chức quanh động mạch cảnh thấy bầm tím nhẹ. Các phủ tạng khác đều thể hiện các dấu hiệu của ngạt. Qua diện cắt não thấy rải rác các chấm chảy máu. Kể cả ở hành tuỷ, nếu nạn nhân là nữ không quên tìm các dấu vết của hiếp dâm. Ngoài ra cũng không quên khám nghiệm hiện trường, tìm các dấu vết, khám nghiệm dây thắt, khai thác hoàn cảnh chết của nạn nhân để giúp chẩn đoán được chính xác.
4. Chết do nghẹt thở:
Nghẹt thở là một dạng của ngạt cơ học, ít gặp hơn các loại ngạt treo cổ, chẹn cổ, ngạt nước và ngạt khí. Phổ biến gặp là lấp đường thở do dị vật hoặc lồng ngực bị đè ép không giãn nở được.
* Lấp đường hô hấp có hai loại:
Lấp đường hô hấp trực tiếp: thường gặp trong tai nạn rủi ro ở trẻ con sặc sữa, sặc bột, sặc cơm v.v…. hoặc trẻ nhét hạt lạc, hạt đỗ vào lỗ mũi, người say rượu bất tỉnh, nôn mửa khi thở hít mạnh dị vật chui vào khí phế quản khiến nạn nhân ho sặc sụa, tím tái, ngừng thở, có khi chết tức thời. Trong án mạng, lấp đường thở trực tiếp thể hiện bởi hung thủ nhét đầy các dị vật vào mồm, mũi nạn nhân thường là khăn mùi xoa, khăn mặt, giẻ rách v.v… hoặc dùng các đồ vật mềm như chăn, màn, quần áo, gối đầu, bằng tay bịt mồm mũi hay đè úp mặt nạn nhân vào đám tro, đống gạo, đống thóc v.v… cá biệt do vú mẹ lấp mũi con khi cho bú khiến nạn nhân chết ngạt.
Lấp đường hô hấp gián tiếp: thường chỉ gặp trong tai nạn như nuốt miếng ăn quá lớn tắc nghẽn ở thực quản, đè ép lấp khí quản gây nghẹt thở. Bệnh viện VĐ ngày 25-5-2000, cháu Nguyễn Việt A 22 tháng tuổi được mẹ cho ăn vải, cháu nuốt cả hột gây tắc thở, tím tái, tử vong trước khi đến viện. Ngoài ra còn gặp hàm răng giả bị tuột gây lấp đường thở khi đang ngủ hoặc uống rượu say.
* Đè ép lồng ngực:
Lồng ngực là bộ phận thứ 3 của bộ máy hô hấp, tất cả các yếu tố làm mất chức năng giãn nở của nó như liệt cơ liên sườn, viêm các cơ hô hấp, chấn thương lồng ngực có mảng sườn di động, lồng ngực bị đè ép vv… làm suy hô hấp cấp dẫn đến tử vong.
Trong án mạng, tuy hiếm, hung thủ có thể đè nạn nhân nằm sấp, ấn mạnh mũi mồm và lồng ngực xuống đất. Trường hợp này khi khám nghiệm tử thi ngoài việc tìm các dấu hiệu của ngạt, các vết xô xát với hung thủ trên cơ thể nạn nhân, còn phải tìm dị vật đất, cát, cỏ .v.v… ở mồm, mũi và ở khí phế quản.
Trong đời sống hàng ngày có thể gặp nghẹt thở ở tai nạn đổ tàu, xe hoặc khi những đám đông người xô đẩy nhau ngã, nạn nhân dày xéo lên nhau liên tiếp. Trong lao động khai thác đất, cát, khai thác vàng, đá quý bị sập hầm, lò, hầm lò kiểu hàm ếch làm nạn nhân tử vong bởi chấn thương, đè ép lồng ngực vv…
* Giám định y pháp chết do nghẹt thở:
Khám bên ngoài: Có dấu hiệu chung của chết ngạt nhưng còn phụ thuộc vào hoàn cảnh và nguyên nhân trực tiếp gây ngạt mà còn có các vết tích khác nhau như ném vào đống tro, bụi bám vào quần áo, nạn nhân bị đè ép xuống đất thì mặt, mũi, mồm có đất, cát v.v… Chú ý tìm các thương tích bị hành hung và dấu vết chống đỡ trên thi thể nan nhân.
Khám bên trong: Tổn thương bên trong chủ yếu thấy các dấu hiệu của ngạt, thấy các dị vật trong đường thở. Trường hợp bị nhét dị vật vào mồm, mũi có thể thấy bầm tím, trợt rách niêm mạc vòm, sàn miệng và các hốc mũi. Ngoài ra còn có thể thấy gãy xương, dập vỡ các phủ tạng. Trên vi thể đôi khi thấy giãn, vỡ, rách các phế nang khi nạn nhân gắng sức thở.