Giải quyết tranh chấp xác định cha cho con. Nghĩa vụ chứng minh của đương sự.
Giải quyết tranh chấp xác định cha cho con. Nghĩa vụ chứng minh của đương sự.
Tóm tắt câu hỏi:
Nếu trong trường hợp nhận cha cho con ngoài giá thú khi cha đứa trẻ không thừa nhận mà kết quả giám định ADN giữa đứa trẻ và người đàn ông trùng khớp nhau vậy cho hỏi Tòa sẽ xử thế nào? Nếu bên bị kiện thỏa thuận bằng tiền thì có được không? Nếu người cha bị bắt phải chu cấp thì bên khởi kiện có được yêu cầu chu cấp 1 lần hay không (bên bị kiện rất có điều kiện về kinh tế)? Theo pháp luật mức chu cấp là bao nhiêu trong thời gian bao lâu?
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Thứ nhất, giải quyết tranh chấp xác nhận cha cho con.
Theo như bạn trình bày, trong trường hợp nhận cha cho con, người cha không thừa nhận con, bạn có chứng cứ chứng minh là kết quả giám định ADN, như vậy đây là tranh chấp xác định cha cho con sẽ thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án theo quy định tại Khoản 4 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự 2015:
"Điều 28. Những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án
…
4. Tranh chấp về xác định cha, mẹ cho con hoặc xác định con cho cha, mẹ."
Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định nghĩa vụ chứng minh như sau:
“Điều 91. Nghĩa vụ chứng minh
1. Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp, trừ các trường hợp sau đây:
a) Người tiêu dùng khởi kiện không có nghĩa vụ chứng minh lỗi của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ bị kiện có nghĩa vụ chứng minh mình không có lỗi gây ra thiệt hại theo quy định của Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;
b) Đương sự là người lao động trong vụ án lao động mà không cung cấp, giao nộp được cho Tòa án tài liệu, chứng cứ vì lý do tài liệu, chứng cứ đó đang do người sử dụng lao động quản lý, lưu giữ thì người sử dụng lao động có trách nhiệm cung cấp, giao nộp tài liệu, chứng cứ đó cho Tòa án.
Người lao động khởi kiện vụ án đơn phương chấm dứt
c) Các trường hợp pháp luật có quy định khác về nghĩa vụ chứng minh. […]”
Như vậy, trong trường hợp bạn khởi kiện xác định cha cho con, nếu bạn cung cấp đầy đủ chứng cứ chứng minh đây là cha của đứa trẻ thì Tòa án sẽ dựa trên chứng cứ mà bạn đưa ra để ra bản án/quyết định công nhận đây là cha của đứa trẻ.
Thứ hai, các bên thỏa thuận giải quyết với nhau bằng tiền?
Căn cứ Điều 5 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định:
“Điều 5. Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự
1. Đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.
2. Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, đương sự có quyền chấm dứt, thay đổi yêu cầu của mình hoặc thỏa thuận với nhau một cách tự nguyện, không vi phạm điều cấm của luật và không trái đạo đức xã hội.”
Nếu trong quá trình giải quyết tranh chấp, các bên thỏa thuận được với nhau, thỏa thuận đó không vi phạm điều cấm của pháp luật và không được trái đạo đức xã hội thì sẽ được Tòa án công nhận sự thỏa thuận của các bên.
Tuy nhiên, nếu người cha của đứa trẻ thỏa thuận với người mẹ là đưa cho người mẹ một khoản tiền để người mẹ không khởi kiện xác định cha cho con thì đây là hành vi trái đạo đức xã hội, Tòa án sẽ không công nhận sự thỏa thuận này.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Thứ ba, nghĩa vụ cấp dưỡng.
Căn cứ Điều 110 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con như sau:
"Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."
Như vậy, đối với người cha không sống chung với con thì người cha phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên đến khi con đủ 18 tuổi; con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình cho đến hết cuộc đời.
Điều 117 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định phương thức cấp dưỡng như sau:
“Điều 117. Phương thức cấp dưỡng
Việc cấp dưỡng có thể được thực hiện định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần.
Các bên có thể thỏa thuận thay đổi phương thức cấp dưỡng, tạm ngừng cấp dưỡng trong trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng lâm vào tình trạng khó khăn về kinh tế mà không có khả năng thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng; nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án giải quyết.”
Như vậy, hai bên có quyền thỏa thuận phương thức cấp dưỡng có thể định kỳ hàng tháng, hàng quý, nửa năm, hàng năm hoặc một lần. Nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa án án giải quyết.