Tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài khiến cho các bên đương sự gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết. Nhiều người thức mắc rằng: Giải quyết tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Như thế nào là tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài?
1.1. Khái niệm tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài:
Có thể thấy, thuật ngữ “yếu tố nước ngoài” ghép với thuật ngữ “quan hệ dân sự” thì thành khái niệm quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài. Trong quan hệ dân sự thì có nhiều loại khác nhau, bao gồm các quan hệ đất đai. Và tương tự như vậy, thuật ngữ “yếu tố nước ngoài” được ghép với thuật ngữ “tranh chấp đất đai” thì tạo thành khái niệm tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài. Vấn đề quan trọng trong lý luận và thực tiễn tư pháp quốc tế là xác định yếu tố nước ngoài trong các quan hệ dân sự, bao gồm các quan hệ đất đai. Bởi yếu tố nước ngoài chính là điều làm nên đặc trưng của tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài so với các tranh chấp khác không có yếu tố nước ngoài. Từ đó dẫn đến sự phân biệt giữa tranh chấp thuộc phạm vi điều chỉnh của tư pháp quốc tế với những tranh chấp không thuộc phạm vi điều chỉnh của tư pháp quốc tế.
Nhìn chung thì có thể đưa ra khái quát được rằng, tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài là những mâu thuẫn, bất đồng và xung đột về quyền và lợi ích trong quá trình thực thi quyền sử dụng đất của chủ thể có quyền, trong đó có sự hiện diện của yếu tố nước ngoài. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay thì có ba yếu tố để xác định yếu tố nước ngoài đó là, chủ thể, sự kiện pháp lí và tài sản có liên quan.
1.2. Các loại tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài phổ biến:
Hiện nay tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài rất phổ biến và tồn tại trong nhiều lĩnh vực khác nhau, tuy nhiên có thể kể đến một số lĩnh vực xuất hiện vấn đề tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài phổ biến sau đây:
Thứ nhất, tranh chấp đất đai khi một bên vợ hoặc chồng là người nước ngoài hoặc tài sản chung của vợ chồng hình thành trong thời kỳ hôn nhân ở nước ngoài. Hiện nay thì trên thực tế, có rất nhiều trường hợp lấy vợ và lấy chồng là người nước ngoài. Trong quá trình chung sống thì họ phát sinh những tài sản chung, đôi khi có thể là những tài sản lớn như quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất. Trong quá trình dẫn đến ly hôn khi hai người cảm thấy không còn hòa hợp xảy ra vấn đề tranh chấp xoay quanh lĩnh vực hôn nhân có yếu tố nước ngoài như: một bên vợ hoặc chồng là người nước ngoài, tài sản chung của hai người đang ở nước ngoài, hoặc sự kiện pháp lí phát sinh quan hệ hôn nhân hình thành ở nước ngoài.
Thứ hai, tranh chấp đất đai trong lĩnh vực thừa kế có yếu tố nước ngoài. Trường hợp này xảy ra trong trường hợp khi chia thừa kế, thì một bên chủ thể là cá nhân hoặc pháp nhân đang ở nước ngoài, cả hai đều là công dân Việt Nam nhưng đối tượng của quan hệ thừa kế (tức là tài sản để lại thừa kế của người mất) đang tồn tại ở nước ngoài, hoặc sự kiện pháp lí phát sinh ở nước ngoài ví dụ như hành vi lập di chúc được lập tại nước ngoài.
2. Quy định của pháp luật về giải quyết tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài:
2.1. Trình tự và thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài:
Bước 1: Tiến hành hòa giải tranh chấp đất đai. Các bên có thể tự hòa giải, tự thương lượng thỏa thuận. Tuy nhiên sau quá trình tự thương lượng thỏa thuận mà không thể có tiếng nói chung, thì các bên sẽ tiến hành hòa giải tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cũng giống như các vụ việc tranh chấp đất đai khác, thì tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài cũng sẽ trải qua bước hòa giải tranh chấp để tránh rườm ra cho quá trình tố tụng, nếu như trong quá trình hòa giải mà các bên có thể tự thỏa thuận được vấn đề mâu thuẫn của mình. Đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài về việc ai là người có quyền sử dụng đất, thì hòa giải tại cơ sở chính là thủ tục bắt buộc tiền tố tụng trước khi tiến hành khởi kiện ra tòa. Khi đó thì các bên sẽ cần phải chuẩn bị các giấy tờ sau đây để yếu cầu hòa giải:
– Đơn đề nghị hòa giải tranh chấp đất đai theo quy định của pháp luật;
– Giấy tờ tùy thân của người đề nghị như căn cước công dân, hộ chiếu còn hiệu lực …;
– Và các giấy tờ khác chứng minh về quan hệ tranh chấp giữa các bên mà không thể tự thương lượng thỏa thuận được. Kết quả hòa giải tại cấp cơ sở sẽ được lập thành văn bản và bao gồm đầy đủ các nội dung theo quy định của pháp luật như: thời gian tiến hành, các bên tranh chấp tham gia, những nội dung đã và chưa hóa giải được, ý kiến của hội đồng hòa giải, và chữ ký của các bên cùng dấu của ủy ban nhân dân cấp xã.
Bước 2: Trong trường hợp hòa giải không thành thì sẽ tiến hành khởi kiện tại tòa án nhân dân. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự hiện nay thì đối với những vụ việc tranh chấp trong đó có tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài, thẩm quyền giải quyết sẽ thuộc về tòa án nhân dân cấp tỉnh do tính chất phức tạp và xuyên quốc gia của các chủ thể. Hồ sơ để các bên đề nghị tòa án giải quyết các vụ tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài bao gồm:
– Đơn khởi kiện được viết theo quy định của pháp luật và hợp lệ;
– Biên bản hòa giải không thành của các cơ sở;
– Tài liệu chứng minh đến vấn đề tranh chấp;
– Giấy tờ tuỳ nhân của các bên tranh chấp, đặc biệt là giấy tờ của bên chủ thể nước ngoài, hoặc chứng minh bất động sản đang hiện diện ở nước ngoài, hoặc những giấy tờ chứng minh về việc sự kiện pháp lí làm nảy sinh mâu thuẫn được thực hiện ở nước ngoài.
Bước 3: Sau khi nhận được đầy đủ giấy tờ hợp lệ thì tòa án sẽ thụ lý giải quyết hồ sơ trong thời hạn 8 ngày. sau khi có bản án và quyết định có hiệu lực của tòa án là một trong các bên không đồng tình với vấn đề giải quyết của tòa thì có thể kháng cáo trong thời hạn mà pháp luật quy định, cụ thể là tại Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành năm 2015.
2.2. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài:
Thông thường trong các vụ tranh chấp có yếu tố nước ngoài, bao gồm các tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài, thì thường xảy ra trường hợp xung đột thẩm quyền. Nhiệm vụ của tư pháp quốc tế là định ra những quy tắc xác định thẩm quyền xét xử của tòa án thuộc quốc gia nhất định. Đối với một vụ kiện có yếu tố nước ngoài thì tòa án phải giải quyết hai vấn đề sau: Thứ nhất là vụ việc đó có thuộc thẩm quyền của tòa án quốc gia mình hay không, thứ hai là nếu vụ việc thuộc thẩm quyền của tòa án quốc gia mình thì tòa án đó có thẩm quyền không hay một tòa án khác trong cùng hệ thống tòa án. Các vấn đề này định ra hai cấp độ xác định thẩm quyền của tòa án: cấp độ quốc tế (quốc gia và tòa án nước đó có thẩm quyền bằng việc áp dụng các quy phạm xung đột trong pháp luật quốc gia và điều ước quốc tế) và cấp độ quốc gia (xác định một tòa án cụ thể theo pháp luật của quốc gia đã lựa chọn để trực tiếp giải quyết vụ việc). Ở pháp luật Việt Nam thì có thể xác định thẩm quyền của tòa án trong trường hợp xảy ra tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài dựa trên các yếu tố sau:
Thứ nhất, yếu tố quốc tịch của đương sự. Đây là căn cứ được dùng khá phổ biến để xác định thẩm quyền của tòa án tại Việt Nam.
Thứ hai, yếu tố mối liên hệ của vụ việc đối với lãnh thổ quốc gia có tòa án. Tòa án có thẩm quyền đối với vụ việc có mối liên hệ nhất định với lãnh thổ quốc gia mình như đương sự cư trú, đương sự thường trú hoặc hiện diện trên lãnh thổ quốc gia đó, tài sản liên quan đến tranh chấp tồn tại trên lãnh thổ của quốc gia đó, hoặc sự kiện pháp lí phát sinh xảy ra trên lãnh thổ quốc gia đó.
Thứ ba, yếu tố nơi cư trú hoặc sự hiện diện của đương sự trên lãnh thổ quốc gia có tòa án. Pháp luật Việt Nam quy định rằng, nơi cư trú của một cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống và có hộ khẩu, nếu không xác định được nơi cư trú của cá nhân thì đó là nơi người đó đang sinh sống và nơi có phần lớn tài sản của họ.
3. Kháng cáo, kháng nghị đối với bản án giải quyết tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài:
Theo quy định của pháp luật Việt Nam hiện nay, thì đối với trường hợp đương sự cư trú ở nước ngoài không có sự hiện diện tại phiên tòa Việt Nam trong quá trình mở xét xử, thì thời hạn kháng cáo bản án của tòa án sẽ được xác định là trong thời gian 1 tháng kể từ ngày tòa án tuyên. Hoặc 1 tháng được tính kể từ ngày bản án và quyết định được niêm yết theo đúng quy định của pháp luật. Còn đối với trường hợp tòa án xét xử vắng mặt đương sự ở nước ngoài theo quy định của Điều 477 Bộ luật Tố Tụng dân sự hiện hành năm 2015 thì thời hạn kháng cáo của các bên đương sự là 1 năm, được tính kể từ ngày tòa án tuyên. Ngoài ra thì thành phần của hội đồng xét xử giải quyết tranh chấp đất đai có yếu tố nước ngoài bao gồm những thành phần cơ bản sau đây: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là chủ tịch hội đồng, đại diện của ủy ban mặt trận tổ quốc và tổ trưởng tổ dân phố, đại diện của một số hộ dân cư trong khu vực và các cán bộ địa chính cùng cán bộ tư pháp địa phương.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Luật Đất đai năm 2013;
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.