Ly hôn nhưng khi triệu tập cố tình tránh mặt thường diễn ra đối với trường hợp khởi kiện ly hôn đơn phương, việc né tránh ảnh hưởng lớn đến thời gian giải quyết vụ án. Vậy Tòa án phải giải quyết ly hôn khi một bên được triệu tập cố tình vắng mặt như thế nào?
Mục lục bài viết
1. Giải quyết ly hôn khi một bên được triệu tập cố tình vắng mặt:
Sự tham gia của đương sự khi là một trong những yếu tố quan trọng để quá trình giải quyết ly hôn diễn ra nhanh chóng hơn. Đương sự cố tình không tham gia buổi triệu tập sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền của chính bản thân mình cũng như nguyên đơn. Căn cứ theo Điều 227 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định cụ thể về sự có mặt của đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự như sau:
– Trường hợp 1: Tòa án đã ra thông báo triệu tập hợp lệ lần thứ nhất
Những cá nhân được Tòa án triệu tập đến phiên tòa bao gồm đương sự sự hoặc người đại diện của họ, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Những cá nhân này theo yêu cầu của Tòa sẽ có mặt trực tiếp tại phiên Tòa; trường hợp có người vắng mặt thì trách nhiệm của Hội đồng xét xử là đưa ra quyết định hoãn phiên tòa; trừ trường hợp cá nhân này làm đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Tòa án phải tiến hành thông báo đầy đủ cho đương sự, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự về việc hoãn phiên tòa.
– Trường hợp 2: Tòa án triệu tập hợp lệ lần thứ hai
Theo quy định thì phiên tòa giải quyết ly hôn được diễn ra có thể trải qua hai lần triệu tập hợp lệ. Theo đó, đương sự hoặc người đại diện của họ; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự phải tham gia trực tiếp tại phiên tòa; trừ trường hợp họ có đơn đề nghị xét xử vắng mặt; Trên thực tế, cá nhân này gặp những trở ngại khách quan hoặc bị ảnh hưởng so sự kiện bất khả kháng thì sẽ lựa chọn một trong hướng giải quyết như sau:
+ Nếu nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa:
Nguyên đơn là người đứng ra làm đơn yêu cầu nhờ Tòa án hỗ trợ giải quyết ly hôn mà không có mặt trong buổi triệu tập của Tòa thì coi như người này từ bỏ việc khởi kiện nếu không có người đại điện tham gia phiên tòa; Theo đó, Tòa án sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án đối với yêu cầu khởi kiện của người đó; trừ trường hợp người đó có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Lưu ý rằng: Nguyên đơn hoàn toàn có quyền khởi kiện lại theo quy định của pháp luật để yêu cầu Tòa có thẩm quyền giải quyết, hỗ trợ vấn đề này.
+ Nếu bị đơn là cá nhân được xác định là không có yêu cầu phản tố, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có yêu cầu độc lập vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt họ;
+ Bị đơn có yêu cầu phản tố vắng mặt nhưng lại không có người đại diện tham gia phiên tòa; thì Tòa án mặc định người này đang từ bỏ yêu cầu phản tố và trong tình huống này Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu phản tố, trừ trường hợp bị đơn có đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Lưu ý rằng: Bị đơn cũng được trao quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu phản tố đó theo quy định của pháp luật;
+ Đối với trường hợp người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan làm đơn yêu cầu độc lập để thông báo về việc vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ yêu cầu độc lập và Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết đối với yêu cầu độc lập của người đó. Để tránh khỏi việc bị mặc định là từ bỏ yêu cầu độc lập thì cá nhân cần làm một đơn đề nghị xét xử vắng mặt.
Nếu sau này có thay đổi quan điểm, ý kiến thì người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập cũng không bị giới hạn về quyền khởi kiện lại đối với yêu cầu độc lập đó theo quy định của pháp luật;
+ Trong phiên xét xử nêu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự vắng mặt thì Tòa án vẫn tiến hành xét xử vắng mặt họ.
Như vậy, khi tiếp nhận yêu cầu giải quyết ly hôn Tòa sẽ ra thông báo triệu tập các bên giải quyết tối đa là 2 lần. Nếu lần triệu tập thứ nhất không có mặt đầy đủ các bên thì phiên tòa có thể được hoãn nhưng đến phiên triệu tập thứ hai sẽ có những hướng giải quyết cụ thể khác nhau. Theo quy định của pháp luật, nếu Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà đương sự vẫn vắng mặt thì Tòa án sẽ xét xử vắng mặt nếu là bị đơn còn nguyên đơn vắng mặt mà không có người đại diện tham gia phiên tòa thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện. Phiên tòa giải quyết ly hôn vẫn được giải quyết theo đúng trình tự.
2. Bị đơn vắng mặt tại phiên xét xử vụ án ly hôn thì có được kháng cáo hay không?
Kháng cáo là một trong quyền của cá nhân để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết lại vấn đề của mình để đảm bảo sự sự công bằng và quyền lợi của mình. Căn cứ quy định tại Điều 271 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định về vấn đề này như sau :Người có quyền kháng cáo là những cá nhân có tư cách là đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Một trong những đối tượng này có quyền kháng cáo bản án sơ thẩm, quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự của Tòa án cấp sơ thẩm để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết lại theo thủ tục phúc thẩm. Cá nhân thực hiện quyền kháng cáo của mình trong thời hạn luật định là trong vòng 15 ngày, kể từ ngày tuyên án.
Như vậy, đương sự được pháp luật trao quyền kháng cáo bản án sơ thẩm. Trường hợp bị đơn là người không có mặt tại phiên tòa xét xử vụ án ly hôn nhưng trong vòng 15 ngày kể từ ngày tuyên án, nếu bị đơn muốn kháng cáo thì không cơ quan, tổ chức, cá nhân nào ngăn cản quyền này của công dân.
3. Thẩm quyền giải quyết ly hôn vắng mặt:
3.1. Ly hôn với người vắng mặt tại nơi cư trú:
Tại Khoản 1 Điều 12 Luật cư trú 2006 sửa đổi 2020 quy định: Nơi cư trú được hiểu là địa điểm mà công dân lựa chọn làm chỗ ở hợp pháp có đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền và người này cũng phải đảm bảo điều kiện là thường xuyên sinh sống tại đây. Hiện nay, nơi cư trú có thể được xem như là nơi thường trú và nơi tạm trú.
Một trong những vấn đề cần xác định rõ ràng, chính xác đó là thẩm quyền của Tòa án giải quyết vấn đề này. Theo Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 quy định về thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau: Với những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này thì Tòa án nơi bị đơn là cá nhân đang cư trú, làm việc hoặc nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở sẽ có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm;
Với quy định trên thì để giải quyết ly hôn đơn phương thì Tòa án nơi cư trú của chồng hoặc vợ thường trú, tạm trú đều có quyền giải quyết và tiếp nhận đơn khởi kiện của nguyên đơn. Trường hợp không xác định được nơi cư trú của chồng, vợ thì có thể nộp đơn khởi kiện tại Tòa án cấp huyện nơi chồng, vợ bạn đang sinh sống và có xác nhận của Công an của công an xã/phường/ thị trấn. Đồng thời, tại điểm e khoản 1 Điều 192 BLTTDS 2015 quy định thêm về việc giải quyết ly hôn trong trường hợp khó xác định nơi cư trú của nguyên đơn, như sau:
Trường hợp trong đơn khởi kiện, người khởi kiện đã ghi tất cả các thông tin về địa chỉ nơi cư trú của người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nhưng bị đơn không có nơi cư trú ổn định, hoặc người này không cố định ở một địa điểm nhất địn mà thường xuyên thay đổi nơi cư trú, trụ sở nhưng không thông báo địa chỉ mới cho cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về cư trú;
Sự dịch chuyển liên tục dẫn đến tình trạng khó nắm bắt thông tin và làm cho người khởi kiện không biết được thì Thẩm phán không được trả lại đơn khởi kiện mà xác định người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan cố tình giấu địa chỉ và tiến hành thụ lý, giải quyết theo thủ tục chung;
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho nguyên đơn thực hiện nguyện vọng chính đáng của mình nên tại điểm a khoản 1 Điều 40 Bộ luật tố tụng dân sự đã quy định nếu nguyên đơn không biết nơi cư trú, làm việc của bị đơn thì có thể yêu cầu Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc cuối cùng để giải quyết.
Chính vì vậy, việc xác định được hay không nơi cư trú của bị đơn không ảnh hưởng nhiều đến việc được Tòa án chấp nhận giải quyết ly hôn, việc ly hôn vẫn được giải quyết theo đúng trình tự.
3.2. Ly hôn với người nước ngoài không có mặt tại Việt Nam:
Với yêu cầu ly hôn với người nước ngoài không có mặt ở Việt Nam được giải quyết với thẩm quyền của Tòa án theo cấp được quy định tại Khoản 3 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cụ thể: Cá nhân yêu cầu giải quyết ly hôn mà những tranh chấp, yêu cầu được liệt kê nằm trong khoản 1 và khoản 2 Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 mà có đương sự hoặc tài sản đang tồn tại ở nước ngoài hoặc qua xem xét thấy cần thực hiện thủ tục uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài thì Tòa án nhân dân cấp huyện không thuộc thẩm quyền giải quyết vấn đề này. Theo đó, những vụ việc ly hôn với người nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết thuộc Tòa án nhân dân cấp Tỉnh/thành phố giải quyết.
Văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết: Bộ luật Tố tụng Dân sự năm 2015