Xét xử vụ án hình sự có ý nghĩa rất quan trọng, vì đây là hoạt động giải quyết quan hệ giữa Nhà nước và người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhằm xác định trách nhiệm hình sự đối với người đó
1. Đổi mới hệ thống Tòa án.
Thực hiện chế độ hai cấp xét xử là nguyên tắc đúng đắn của Nhà nước pháp quyền và tố tụng hiện đại mà các Nhà nước tiến bộ đều phải tuân thủ. Theo quan điểm của nhóm thì nên tổ chức Toà án theo cấp xét xử gồm Toà án tối cao, Toà án phúc thẩm và Toà án sơ thẩm. Tổ chức hệ thống tòa án như vậy sẽ có nhiều ưu điểm hơn như hệ thống tòa án hiện nay tổ chức theo mô hình hệ thống chính quyền và nó sẽ giúp hệ thống tòa án hoạt động hiệu quả.
Thứ nhất, phân bố hợp lý cơ cấu các vụ án xét xử đỡ lãng phí vì có Toà án có rất ít án, có Toà án lại quá nhiều án và đảm bảo cho các Toà án độc lập thực sự trong xét xử.
Thứ hai, tổ chức hai loại Toà án sơ thẩm. Việc dồn tất cả các loại án với tính chất, mức độ nghiêm trọng, phức tạp khác nhau vào thẩm quyền của một Toà án là bất hợp lý, gây rất nhiều bất cập về tổ chức, cán bộ, trang bị, phương tiện cũng như thủ tục tố tụng. Điều đó cũng khó phù hợp với xu thế xây dựng Nhà nước pháp quyền là mở rộng phạm vi tài phán các tranh chấp trong xã hội. Vì vậy, theo chúng tôi cần tổ chức hai loại Toà án sơ thẩm: Toà án xét xử các vụ án nghiêm trọng, phức tạp và Toà án xét xử các vụ án ít nghiêm trọng, đơn giản, rõ ràng.Với thẩm quyền xét xử của Toà án hiện nay thì để Toà án cấp huyện và Toà án cấp tỉnh xét xử sơ thẩm tạm thời là hợp lý. Tuy nhiên, nếu mở rộng phạm vi tài phán của Toà án, thì cần tổ chức lại hệ thống Toà án sơ thẩm 2 cấp (cấp thấp nhất ở từng quận, huyện, liên quận, huyện hoặc mỗi quận, huyện có nhiều Toà án; cấp cao hơn có thể ở từng tỉnh hoặc mỗi tỉnh, thành phố có một số Toà án) với đa số các vụ án được xét xử ở Toà án cấp thấp nhất. Đồng thời cần nghiên cứu quy định thủ tục xét xử sơ chung thẩm đối với một số loại án tại Toà án cấp thấp nhất để đảm bảo tiết kiệm và hiệu quả của hoạt động xét xử mà vẫn không ảnh hưởng nhiều đến các nguyên tắc tố tụng, nhất là nguyên tắc hai cấp xét xử.
Thứ ba, thành lập các Toà án phúc thẩm độc lập ở các vùng (giống như các Toà Thượng thẩm trước đây). Không nên coi Toà án phúc thẩm là Toà chuyên trách của Toà án nhân dân tối cao. Với chức năng phá án, tổng kết thực tiễn xét xử, hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật và làm án lệ, không nên có một Toà án tối cao với hàng trăm thẩm phán như hiện nay. Các thẩm phán Toà án phúc thẩm không nên là thẩm phán Toà án nhân dân tối cao. Toà án nhân dân tối cao chỉ gồm 15 đến 17 thẩm phán và cấu thành Hội đồng (toàn thể) thẩm phán; tất cả các thẩm phán này đều tham gia vào các hoạt động nghiệp vụ của Toà án nhân dân tối cao.
2. Cải cách hệ thống Viện kiểm sát nhân dân.
Theo quy định tại Hiến pháp năm và Luật tổ chức viện kiểm sát 2014 thì hệ thống viện kiểm sát ở Việt Nam được tổ chức theo nguyên tắc hành chính lãnh thổ giống như hệ thống tòa án và thực hiện hai chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát tư pháp. Qua những năm thực hiện thì hệ thống viện kiểm sát cũng bộc lộ những bất cập làm hạn chế hiệu quả hoạt động cơ quan này. Vậy nên cần có những thay đổi mới, những thay đổi này theo chúng tôi nó cần phù hơp với hệ thống tòa án được tổ chức như trên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
3. Nâng cao năng lực của thẩm phán.
Thẩm phán là người được giao nhiệm vụ thực hiện quyền xét xử, bảo vệ công lý của chế độ, thẩm phán cần có những tố chất phù hợp, năng lực của thẩm phán quyết định chất lượng xét xử cũng như đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc hai cấp xét xử nói riêng.
Thứ nhất, cần thay đổi cơ chế tuyển chọn để bổ nhiệm cũng như nhiệm kỳ thẩm phán. Nếu chúng ta có một cơ chế tốt thì thẩm phán sẽ không phải bận tâm đến vấn đề làm thế nào để nhiệm kỳ sau không bị đưa ra khỏi danh sách bổ nhiệm tạo tâm lý an tâm cho họ làm việc.
Thứ hai, nhiệm kỳ cũng có hướng nên cho nó dài ra, để tận dụng được tối đa kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm xét xử đã được tích lũy trong thời gian công tác của họ.
Thứ ba, cần có chế độ lương bổng hợp lý, nâng cao đời sống của các thẩm phán để góp phần loại bỏ việc các thẩm phán cuốn vào các cám dỗ vật chất mà vi phạm pháp luật, làm oan, làm sai dẫn đến hiệu quả xét xử không cao, làm mất lòng tin của quần chúng nhân dân vào cơ quan nhà nước và sự nghiêm minh của pháp luật.
4. Nâng cao năng lực hội thẩm.
Hội thẩm nhân dân cần phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ tương thích với tình hình thực tế xã hội. Việc bầu ra Hội thẩm nhân dân phải có những quy định chặt chẽ, tiêu chuẩn cụ thể hơn nữa để đảm yêu cầu về năng lực trình độ của hội thẩm. Đó phải là những người thực sự công tâm, không ngại va chạm và biết làm đúng vai trò hội thẩm của mình. Từ đó, chất lượng của công tác xét xử sẽ được nâng cao hơn và cũng từ đó mà đảm bảo được hiệu quả thực hiện của các nguyên tắc trong quá trình tố tụng hình sự.
5. Nâng cao năng lực của điều tra viên, kiểm sát viên.
Thực hiện đúng quy định của Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự về tiêu chuẩn bổ nhiệm, miễn nhiệm điều tra viên đảm bảo sớm có sự thống nhất các tiêu chuẩn về học vấn, nghiệp vụ đối với các chức danh tư pháp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra. Các kiểm sát viên cũng phải chú trọng nâng cao trình chuyên môn, nghiệp vụ để tại phiên tòa không bị động, lung túng khi tranh tụng với luật sư và những người tham gia tố tụng khác, nâng cao chất lượng của hoạt động xét xử.
6. Nâng cao năng lực của luật sư.
Thực tế hiện nay cho thấy, các phiên tòa ở cấp huyện thường không thấy có mặt các luật sự, trừ trường hợp pháp luật yêu cầu phải có luật sư bào chữa cho bị can mà hầu hết luật sư thường có mặt tại các phiên tòa ở cấp tỉnh là chủ yếu. Điều đó cũng làm cho chất lượng tranh tụng tại các tòa án không cao, không đồng đều. Ngoài ra, năng lực của luật sư yếu kém cũng ảnh hưởng đến chất lượng tranh tụng tại tòa. Tất cả những điều đó gây ảnh hưởng đến việc tôn trọng các nguyên tắc tố tụng hình sự nói chung và nguyên tắc hai cấp xét xử nói riêng. Vì thế chúng ta cần chú trọng nâng cao vai trò của các luật sự trong quá trình tố tụng hình sự và nâng cao năng lực, trình độ của luật sư.