Giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất? Các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất?
Giải pháp hoàn thiện pháp luật và nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Mục lục bài viết
1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Thứ nhất, sửa đổi quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất.
Như đã phân tích tại Chương 2, vấn đề đặt ra là nếu xác định ưu tiên bồi thường bằng việc giao đất mới là nguyên tắc được áp dụng thống nhất cho tất cả các trường hợp được bồi thường về đất thì đòi hỏi cần thiết phải có quỹ đất sạch đủ để bồi thường cho người có đất bị thu hồi đủ điều kiện được bồi thường về đất. Tuy nhiên, thực tế hiện nay cho thấy việc tạo được quỹ đất sạch không phải là điều đơn giản, mang tính bất khả thi đối với thực tiễn tại một số địa phương.
Vì vậy, cần hoàn thiện quy định về nguyên tắc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nhằm đảm bảo thực hiện thống nhất nguyên tắc đã đề ra, cần quy định việc thực hiện bồi thường bằng đất được thực hiện đối với những địa phương còn quỹ đất đáp ứng đủ cho việc bồi thường cho người có đất bị thu hồi hoặc quy định việc bồi thường bằng đất sẽ được thực hiện đối với một số chủ thể nhất định, trong một số trường hợp nhất định. Từ đó, nhằm đảm bảo tính khả thi trong việc thực hiện nguyên tắc, tránh trường hợp nguyên tắc đề ra nhưng lại không thực hiện được.
Thứ hai, nên hạn chế việc sử dụng các cụm từ mang tính chất định tính” trong các văn bản quy phạm pháp luật như “sát với giá đất thực tế trên thị trường”, “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”, “bằng hoặc tốt hơn nơi cữ”... các thuật ngữ này mang tính trừu tượng, không cụ thể và gây khó hiểu, khó áp dụng trên thực tế. Vì vậy, cần nghiên cứu xây dựng và thay thế bằng các cụm từ mang tính “định lượng” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc áp dụng trên thực tế: “tương đương giá thị trường”, “đúng bằng giá thị trường”. Theo pháp luật của Vương quốc Anh, quy định nguyên tắc về bồi thường, các nhà làm luật không chỉ quy định là việc bồi thường phải “tương xứng với thiệt hại (“principle of equivalence”) mà còn phải chắc chắn rằng số tiền bồi thường so với thiệt hại là “không hơn, không kém” (no more, no less) .
Hoặc trong trường hợp phải sử dụng các cụm từ “định tính” thì cần phải có những quy định hướng dẫn cụ thể nhằm “lượng hóa” các cụm từ này tạo điều kiện áp dụng một cách dễ dàng, thống nhất.
Thứ ba, hoàn thiện quy định pháp luật về cơ chế xác định giá đất.
Một là, cần sửa đổi quy định về cơ chế xác định giá đất theo hướng giảm tối đa sự can thiệp của cơ quan nhà nước vào quá trình xác định giá đất. Đất đai do Nhà nước đại diện quản lý, do vậy, Nhà nước không thể trực tiếp thực hiện việc định giá đất mà cần chuyển giao việc xác định giá đất từ UBND cấp tỉnh sang hệ thống các tổ chức tư vấn xác định giá đất độc lập, chuyên nghiệp để đảm bảo việc định giá đất thực sự khách quan, chính xác, phù hợp với các quy luật của thị trường. Nhà nước không trực tiếp thực hiện việc xác định giá đất mà thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với hoạt động định giá đất. Các tổ chức tư vấn xác định giá đất phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động định giá.
Việc giao hoạt động xác định giá đất cho các tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất độc lập; có công nghệ hiện đại, với nguồn nhân lực trình độ chuyên môn cao và có trách nhiệm với nghề nghiệp thực hiện là phù hợp với chủ trương xã hội hóa. Nghĩa là tách hoạt động định giá đất khỏi cơ quan quản lý nhà nước. Trên cơ sở kết quả định giá của các tổ chức tư vấn xác định giá đất thực hiện, cơ quan quản lý nhà nước sẽ thẩm định và trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thể quyết định việc lấy kết quả định giá của tổ chức tư vấn xác định giá đất làm căn cứ để tính giá bồi thường.
Bởi giá đất do các tổ chức có chuyên môn sâu thực hiện với việc sử dụng công nghệ hiện đại cùng với đội ngũ nhân lực trình độ cao, hiểu và nắm bắt được các quy luật của thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế thì giá đất do các tổ chức này xác định sẽ phù hợp với giá thị trường hơn so với Hội đồng thẩm định giá do UBND cấp tỉnh thành lập. Mô hình các tổ chức tư vấn xác định giá đất chuyên nghiệp và độc lập đã được triển khai hoạt động và mang lại hiệu quả tích cực ở Hàn Quốc. Đây cũng là một kinh nghiệm mà Việt Nam cần học hỏi và áp dụng để mang lại hiệu quả trong công tác bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, giúp giảm bớt những khiếu kiện kéo dài do vấn đề giá bồi thường. Theo tác giả, khoản 4 Điều 115 Luật Đất đai năm 2013 cần được sửa đổi theo hướng “giá đất do tư vấn xác định là căn cứ quan trọng để cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, quyết định giá đất” .
Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động định giá đất tại các địa phương nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những sai phạm, đảm bảo hoạt động định giá đất được tiến hành một cách khách quan, chính xác và độc lập. Đồng thời, một trong những lý do dẫn đến việc khiếu kiện, kéo dài, căng thẳng là vấn đề giá bồi thường. Do vậy, để hạn chế tình trạng này, pháp luật đất đai cần bổ sung quy định về quyền yêu cầu thẩm định lại giá đất của các chủ thể tham gia vào quá trình bồi thường khi nhà nước thu hồi đất, đặc biệt là đối với người thu hồi đất. Trong trường hợp không đồng ý với giá đất do cơ quan thẩm định giá đưa ra thì người bị thu hồi đất có quyền yêu cầu hoặc thuê một đơn vị tư vấn xác định giá đất khác tiến hành xác định lại giá đất phù hợp với giá đất trên thị trường, để từ đó có cơ sở yêu cầu Nhà nước điều chỉnh giá bồi thường cho phù hợp.
Hai là, cần nghiên cứu, tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới để xây dựng quy định pháp luật về việc xác định giá đất tính bồi thường theo hướng giá đất tính bồi thường được xác định dựa trên sự thỏa thuận với người sử dụng đất. Trường hợp người bị thu hồi đất không đồng ý với giá đất được xác định trong phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cưthì họ có quyền thuê một đơn vị tổ chức định giá đất để tiến hành định giá lại giá đất.
Ba là, cần xây dựng hệ thống quy định pháp luật về việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin dữ liệu đất đai. Các thông tin đất đai trong cơ sở dữ liệu phải thường xuyên được cập nhật, đồng thời cơ quan có thẩm quyền tại các địa phương phải theo dõi sát thị trường bất động sản tại địa phương mình quản lý.
Thứ tư, sửa đổi quy định về thời điểm tính giá bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất. Như đã phân tích ở Chương 2, theo tác giả pháp luật trong thời gian tới cần có quy định về ngày định giá đất cụ thể. Việc quy định ngày định giá đất cụ thể sẽ đảm bảo được nguyên tắc xác định giá đất “phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường”, đồng thời hạn chế được những thắc mắc từ phía người dân về vấn đề giá đất tính bồi thường. Ở các nước phát triển, pháp luật có quy định về ngày định giá là “ngày cố định của pháp luật” để xác định tất cả các tài sản theo thị trường mở vào ngày hôm đó. Theo đó, tùy thuộc vào một trường hợp cụ thể, ngày định giá được xác định theo các phương pháp sau đây: Ngày định giá được xác định sau một khoảng thời gian cố định kể từ ngày có thông báo “trưng mua” đất và tài sản trên đất; Ngày định giá là ngày xác nhận của tòa án khi thụ lý đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết bất đồng về giá đất trưng mua .
Đồng thời, pháp luật cũng cần có quy định cụ thể về việc giải quyết đối với trường hợp có phát sinh chênh lệch giữa giá bồi thường tại thời điểm phê duyệt và giá bồi thường tại thời điểm chi trả tiền bồi thường trên thực tế cho người có đất bị thu hồi. Đối với trường hợp việc chậm nhận tiền bồi thường xuất phát từ việc người có đất bị thu hồi cố tình chây ì, đòi hỏi không có căn cứ dẫn đến chậm chi trả tiền bồi thường, ảnh hưởng tiến độ GPMB thì giá bồi thường được tính theo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cưđã đưa ra. Trường hợp do chủ đầu tư chậm tiến độ, chậm chi trả tiền bồi thường cho người có đất thu hồi thì phần chênh lệch này chủ đầu tư phải có trách nhiệm chi trả cho người dân. Trường hợp do cơ quan Nhà nước chậm tiến độ GPMB, chậm chi trả tiền bồi thường thì Nhà nước có trách nhiệm bù đắp khoản chênh lệch đó cho người có đất thu hồi.
Thứ năm, hoàn thiện quy định pháp luật về điều kiện được bồi thường về đất, tài sản gắn liền với đất.
Pháp luật trong thời gian tới cần có những quy định hướng dẫn cụ thể và chi tiết thế nào là “sử dụng đất ổn định, lâu dài, sử dụng đất ổn định trong khoảng thời gian bao lâu thì được công nhận quyền sử dụng đất và đủ điều kiện được bồi thường về đất. Theo tác giả, thuật ngữ “sử dụng ổn định” không nên được hiểu là việc người sử dụng đất đã có thời gian sử dụng đất liên tục, không bị gián đoạn, bởi việc sử dụng đất chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố điều kiện tự nhiên, khí hậu, mùa vụ,...
Vì vậy, nếu việc sử dụng đất ổn định, liên tục mới đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất thì sẽ gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Đồng thời, pháp luật cũng cần quy định cụ thể việc giải quyết đối với trường hợp các địa phương làm thất lạc sổ địa chính, sổ đăng ký địa chính dẫn đến không thể xác định nguồn gốc, thời gian sử dụng đất nhằm đảm bảo tốt nhất cho quyền lợi của người có đất bị thu hồi, đẩy nhanh tiến độ GPMB, tránh những khiếu kiện, bức xúc từ phía người dân.
Ngoài ra, như đã đề cập ở Chương 2, các nhà làm luật cũng cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc bồi thường đối với tài sản, công trình phục vụ mục đích sản xuất, chăn nuôi được xây dựng trên đất nông nghiệp đủ điều kiện được bồi thường về đất của hộ gia đình, cá nhân. Việc quy định này là cần thiết, tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình giải quyết bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất.
Thứ sáu, hoàn thiện các quy định pháp luật về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất.
Một là, cần sửa đổi quy định về mức hỗ trợ đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất đất nông nghiệp theo hướng hỗ trợ bằng tiền đối với mỗi nhân khẩu, giao cho UBND cấp tỉnh quyết định mức tối thiểu, tối đa hỗ trợ cho một nhân khẩu cho phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Việc quy định như vậy sẽ góp phần đảm bảo sự công bằng cho các đối tượng bị thu hồi đất, hạn chế khiếu nại, thắc mắc.
Hai là, cần quy định việc đào tạo nghề là bắt buộc, hạn chế việc hỗ trợ bằng tiền như hiện nay. Các đối tượng bị thu hồi đất nông nghiệp phải tham gia các lớp đào tạo nghề tại cơ sở dạy nghề mà cơ quan Nhà nước xác định. Trường hợp người có đất thu hồi không học nghề tại các cơ sở dạy nghề theo chương trình mà cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xây dựng thì phải chứng minh được họ có việc làm mới đảm bảo ổn định sản xuất thì mới được nhận khoản tiền hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi việc làm. Đồng thời, Nhà nước cũng cần thực hiện tốt vai trò định hướng, tư vấn cho người dân việc sử dụng khoản tiền hỗ trợ vào việc học nghề, kinh doanh thay vì sử dụng vào mục đích tiêu dùng.
Ba là, cần bổ sung quy định cụ thể việc thực hiện chính sách hỗ trợ, đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm đối với từng nhóm đối tượng. Đối với đối tượng trong độ tuổi lao động, sẽ được hỗ trợ đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm mới. Đối với nhóm đối tượng ngoài độ tuổi lao động, thực hiện việc hỗ trợ để họ ổn định với cuộc sống mới, an tâm dưỡng lão...
Bốn là, pháp luật trong thời gian tới cần có quy định về việc yêu cầu các doanh nghiệp có dự án đầu tư phải nghiêm túc thực hiện việc bố trí lao động địa phương vào làm việc tại doanh nghiệp. Trước khi được Nhà nước giao đất để triển khai thực hiện dự án đầu tư, doanh nghiệp cần phải xây dựng kế hoạch sử dụng lao động địa phương tại cơ sở của mình. Doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư cần công bố công khai số lượng lao động cần tuyển dụng, các yêu cầu cụ thể về trình độ, tay nghề mà người lao động cần đáp ứng, kế hoạch đào tạo nghề... Để thực hiện tốt vấn đề đào tạo nghề, chuyển đổi việc làm cho người có đất bị thu hồi, pháp luật cũng cần quy định chặt chẽ về mối quan hệ giữa chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cơ sở đào tạo nghề trong việc đào tạo nghề, bố trí việc làm cho người lao động... .
Thứ bảy, hoàn thiện quy định pháp luật về vấn đề tái định cư.
Pháp luật trong thời gian tới cần bổ sung quy định về các tiêu chí cụ thể đối với các khu TĐC làm cơ sở đánh giá chất lượng khu TĐC: hệ thống đường giao thông; hệ thống cấp, thoát nước, độ bền của kết cấu nhà ở; các công trình, tiện ích mang tính chất công cộng phục vụ cho khu dân cư (trường học, bệnh viện, chợ, công viên...). Pháp luật cũng cần quy định các chế tài xử lý đối với các chủ đầu tư thực hiện việc đầu tư xây dựng các khu TĐC kém chất lượng, không đồng bộ, thiếu trách nhiệm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân.
2. Các giải pháp nâng cao hiệu quả thi hành pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất:
Thứ nhất, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật.
Hiện nay, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật nói chung, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưnói riêng đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, chưa mang lại hiệu quả cao. Sự thiếu hiểu biết về chính sách, pháp luật dẫn đến một số trường hợp người dân có những khiếu nại, tố cáo không có cơ sở; không chấp hành quyết định thu hồi đất của Nhà nước; yêu cầu giá bồi thường không đúng với thực tế; một số trường hợp người dân còn cố tình xây dựng, tạo lập tài sản trên đất sau khi đã có thông báo thu hồi đất: cây trồng, đào ao, xây dựng nhà... với mục đích được nhận tiền bồi thường.
Đặc biệt một số người dân do hạn chế về kiến thức pháp luật đã bị một số phần tử bất mãn dụ dỗ, xúi giục, kích động gây rối, chống đối chính quyền địa phương, khiếu nại vượt cấp... gây ảnh hưởng đến tiến độ GPMB, thực hiện các dự án đầu tư. Do vậy, để chính sách, pháp luật đi vào thực tiễn và tạo ra sự đồng thuận của người dân đối với vấn đề bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất, thì công tác tuyên truyền, phổ biến về chính sách, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưcho người có đất bị thu hồi cần phải được quan tâm thực hiện.
Một là, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được tiến hành thường xuyên với nội dung, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, phù hợp với quần chúng nhân dân; tuyên truyền phổ biến trực tiếp tại các cuộc họp tổ dân phố, các buổi tiếp xúc cử tri...; tuyên truyền thông qua phương tiện thông tin đại chúng, phát tờ rơi, sân khấu hóa, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu... giúp người dân hiểu rõ các chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hai là, chính quyền địa phương cần chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức các buổi tập huấn, phổ biến những văn bản quy phạm pháp luật mới, những cơ chế, chính sách mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưcho người dân. Đồng thời, cần xây dựng, mở rộng và phát triển hình thức tư vấn pháp luật về đất đai cho quần chúng nhân dân. Thực hiện tốt nội dung này vừa góp phần giải đáp những thắc mắc của người dân về chính sách, pháp luật của Nhà nước, nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân; đồng thời thông qua đó rèn luyện, nâng cao kiến thức pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất và kinh nghiệm giải quyết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cưtại địa phương.
Ba là, chính quyền địa phương cũng cần có kế hoạch xây dựng và phát huy hiệu quả của tủ sách pháp luật.
Bốn là, UBND cấp huyện cần tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật đất đai nói chung cũng như pháp luật về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của UBND cấp xã. Thông qua đó, phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai phạm và xử lý nghiêm đối với các địa phương không thực hiện hoặc thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật một cách qua loa hình thức.
Thứ hai, nâng cao năng lực, trình độ, hiệu quả hoạt động của đội ngũ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Đối với người cán bộ, nếu có ý thức pháp luật tốt, phẩm chất tốt, việc áp dụng các quy định của pháp luật mới có hiệu quả, không bị cám dỗ về mặt vật chất, tinh thần dẫn đến làm sai luật hay áp dụng không đầy đủ quy định của pháp luật làm giảm hiệu quả áp dụng pháp luật trên thực tế.
– Chính quyền địa phương cần xây dựng kế hoạch và thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn các văn bản quy phạm pháp luật mới về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; các chính sách mới; các quy định về trình tự, thủ tục thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cưkhi Nhà nước thu hồi đất cho đội ngũ cán bộ làm công tác thu hồi đất; tổ chức các buổi chia sẻ kinh nghiệm về hoạt động bồi thường, hỗ trợ và tái định cưgiữa các cán bộ ở các cấp với nhau góp phần nâng cao kinh nghiệm giải quyết thực tiễn cho đội ngũ cán bộ.
– Ngay từ khâu tuyển dụng, bố trí, đào tạo cán bộ phải được coi trọng. Cần xây dựng kế hoạch tuyển chọn, thu hút nguồn nhân lực có năng lực, trình độ chuyên môn; am hiểu pháp luật đất đai nói chung, pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưnói riêng, có kiến thức về thị trường đất đai. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng cần đầu tư, bổ sung các trang thiết bị làm việc hiện đại phục vụ cho việc tìm hiểu, cập nhật quy định pháp luật của đội ngũ cán bộ làm công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
– Cần kịp thời biểu dương, khen thưởng đối với các cá nhân có thành tích tốt khi thực hiện nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời, phê bình, kỷ luật những cá nhân vi phạm trong công tác bồi thường. Thông qua, nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đúng đắn của đội ngũ cán bộ về sự cần thiết phải làm tốt công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
Thứ ba, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
– Kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra. Quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ làm công tác thanh tra, kiểm tra.
– Tăng cường thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất các cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường nhằm đánh giá hiệu quả của công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đồng thời thông qua đó phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những yếu kém, sai phạm và xử lý nghiêm minh các vị phạm về trình tự, thủ tục thu hồi đất, bồi thường và hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp. Bên cạnh đó, nhanh chóng tìm ra những thiếu sót, bất cập giữa pháp luật và thực tiễn, để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tiến hành việc sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các quy định pháp luật trong lĩnh vực này cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn.
– Tăng cường và thực hiện nghiêm túc công tác thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưkhi Nhà nước thu hồi đất nhằm phát hiện, chấn chỉnh kịp thời những khuất tất, sai phạm và xử lý nghiêm minh các vi phạm của các cơ quan, cá nhân có thẩm quyền khi giải quyết khiếu nại, tố cáo, đảm bảo các khiếu nại, tố cáo của người dân được giải quyết kịp thời, dứt điểm và đúng pháp luật.
Thứ tư, công khai hóa, minh bạch hóa quá trình thực thi pháp luật về bồi thường, hỗ trợ và tái định cưkhi Nhà nước thu hồi đất.
Trong nhiều trường hợp, nguyên nhân chủ yếu phát sinh các tranh chấp, khiếu kiện về bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp là do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền không công khai, minh bạch việc bồi thường, hỗ trợ nên không nhận được sự đồng thuận của người dân. Việc bồi thường không công khai và thiếu sự minh bạch cũng là nguyên nhân làm phát sinh tham nhũng, tiêu cực, bớt xén trong công tác bồi thường.
Vì vậy, để hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cưnhận được sự đồng thuận từ phía người dân thì mọi khâu trong công tác thu hồi đất và giải quyết bồi thường, hỗ trợ và tái định cưphải được công khai, minh bạch. Công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, thực hiện việc niêm yết rộng rãi theo đúng quy định của pháp luật để người dân được biết, Công khai các thông tin liên quan đến việc thu hồi đất, bao gồm: diện tích bị thu hồi, phạm vi, ranh giới bị thu hồi, đối tượng thuộc diện thu hồi, mục đích của việc thu hồi, thời gian và kế hoạch di chuyển; công khai các dự án đầu tư, chủ đầu tư thực hiện trong phạm vi đất thu hồi...; Công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cưđể người dân bị thu hồi đất được biết và tham gia ý kiến.