Giá dự toán cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì phải làm thế nào? Xử lý tình huống khi giá dự thầu vượt giá gói thầu đã được phê duyệt theo đúng quy định của Luật đấu thầu?
Theo Điểm e, Khoản 1, Điều 43 Luật Đấu thầu quy định: Một trong các điều kiện để xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp là nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu. Luật Dương Gia căn cứ vào các quy định pháp lý cụ thể để làm rõ về vấn đề xử lý tình huống khi giá dự thầu vượt giá gói thầu phê duyệt.
I. Cơ sở pháp lý
- Luật Đấu thầu 2013
- Nghị định
63/2014/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu được ban hành ngày 26 tháng 06 năm 2014
II. Giải quyết vấn đề
Mục lục bài viết
1. Giá gói thầu là gì? Giá dự thầu là gì?
Gói thầu: được quy định là toàn bộ hoặc một phần của dự án, dự toán mua sắm. Trong đó gói thầu có thể bao gồm những nội dung mua sắm giống nhau thuộc nhiều dự án hoặc bao gồm khối lượng mua sắm 01 lần, khối lượng mua sắm cho 01 thời kỳ áp dụng đối với mua sắm thường xuyên và mua sắm tập trung.( Theo quy định tại khoản 22 Điều 4 Luật Đấu thầu 2014).
Giá gói thầu: là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu (Theo quy định tại điều 4
Giá dự thầu :là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu, báo giá, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.(Theo khoản 17 Điều 4 Luật Đấu thầu 2013).
2. Xử lý tình huống khi giá dự thầu vượt giá gói thầu phê duyệt
Theo điểm e, Khoản 1, Điều 43 Luật Đấu thầu quy định một trong các điều kiện để xét duyệt trúng thầu đối với đấu thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp là nhà thầu có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP thì trường hợp xử lý tình huống khi giá thầu vượt giá gói thầu phê duyệt được quy định, trong tình huống này thì có 2 trường hợp xảy ra:
Trường hợp 1: Dự toán được duyệt cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng vẫn đảm bảo giá trị cao hơn đó không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm được duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Như vậy việc điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu còn phải căn cứ vào việc giá trị của dự toán được duyệt cao hơn nhưng không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm.
Ví dụ: gói thầu có giá 1,8 tỉ đồng là một trong các điều kiện để có thể được xem xét, phê duyệt áp dụng hình thức chỉ định thầu . Sau đó dự toán được duyệt là 2,1 tỉ đồng, chủ đầu tư có quyền quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu là đấu thầu rộng rãi hoặc đấu thầu hạn chế (thay cho hình thức chỉ định thầu) mà không cần báo cáo người có thẩm quyền.
Đồng thời tại khoản 2 Điều 117 NĐ 63/2014/NĐ-CP cũng lưu ý rằng việc xử lý như vừa đề cập của chủ đầu tư phải đảm bảo điều kiện là tổng mức đầu tư của dự án không bị vượt. Mặt khác, nếu như dự toán được duyệt cao hơn giá gói thầu mà dẫn đến vượt tổng mức đầu tư đã duyệt thì phải tiến hành thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư theo quy định.
Trường hợp 2: Dự toán được duyệt cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu và giá trị cao hơn đó làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sẵm được duyệt thì phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu, nếu hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt không còn phù hợp thì phải điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu.
III. TƯ VẤN TRƯỜNG HỢP CỤ THỂ:
Tóm tắt câu hỏi:
Kính thưa Luật sư, tôi có câu hỏi muốn nhờ Luật sư của Luật Dương Gia giải đáp. Hiện đơn vị tôi có một gói chào hàng cạnh tranh rút gọn, Giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch là 300 triệu. Nhà thầu chào giá 290 triệu. Trong bảng chào giá có tất cả 5 mục thì có 3 mục giá chi tiết cao hơn giá chi tiết trong danh mục được phê duyệt. Vậy có được coi là hợp lệ hay không? Xin cảm ơn.
Luật sư tư vấn:
Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến tổng đài tư vấn trực tuyến của Luật Dương Gia, vấn đề của bạn Luật Dương Gia xin được giải đáp thắc mắc như sau:
Căn cứ Điều 43 Luật Đấu thầu 2013 quy định nhà thầu cung cấp dịch vụ phi tư vấn, mua sắm hàng hóa, xây lắp, hỗn hợp được xem xét, đề nghị trúng thầu khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:
– Có hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất hợp lệ;
– Có năng lực và kinh nghiệm đáp ứng yêu cầu;
– Có đề xuất về kỹ thuật đáp ứng yêu cầu;
– Có sai lệch thiếu không quá 10% giá dự thầu;
– Có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch, trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) thấp nhất đối với phương pháp giá thấp nhất; có giá đánh giá thấp nhất đối với phương pháp giá đánh giá; có điểm tổng hợp cao nhất đối với phương pháp kết hợp giữa kỹ thuật và giá;
– Có giá đề nghị trúng thầu không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.
Khoản 1, Điều 15 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc đánh giá hồ sơ dự thầu phải căn cứ vào tiêu chuẩn đánh giá hồ sơ dự thầu và các yêu cầu khác trong hồ sơ mời thầu, căn cứ vào hồ sơ dự thầu đã nộp, các tài liệu giải thích, làm rõ hồ sơ dự thầu của nhà thầu để bảo đảm lựa chọn được nhà thầu có đủ năng lực và kinh nghiệm, có giải pháp khả thi để thực hiện gói thầu.
Căn cứ theo Khoản 2, Điều 117 Nghị định 63/2014/NĐ-CP:
“2. Trường hợp dự toán được phê duyệt của gói thầu cao hơn hoặc thấp hơn giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt thì dự toán đó sẽ thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo nguyên tắc sau đây:
a) Trường hợp dự toán được duyệt cao hơn giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu nhưng bảo đảm giá trị cao hơn đó không làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm được duyệt thì không phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Trường hợp giá trị cao hơn đó làm vượt tổng mức đầu tư của dự án, dự toán mua sắm được duyệt thì phải điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu; nếu hình thức lựa chọn nhà thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu đã duyệt không còn phù hợp thì phải điều chỉnh hình thức lựa chọn nhà thầu;…”
Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.
Đối với trường hợp của bạn, việc xây dựng dự toán gói thầu thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu theo quy định.
Như vậy, giá gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch là 300 triệu. Nhà thầu chào giá 290 triệu. Trong bảng chào giá có tất cả 5 mục thì có 3 mục giá chi tiết cao hơn giá chi tiết trong danh mục được phê duyệt được xác định là căn cứ thay thế giá gói thầu được duyệt để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.
Trường hợp 2:
Kính thưa Luật sư, tôi có vấn đề muốn được Luật sư của Luật Dương Gia tư vấn :
Bệnh viện A tổ chức lựa chọn nhà thầu gói thầu gồm 30 hạng mục hàng hóa là đồ dùng cho khu hành chính và khu điều trị nội trú thông qua hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước. Nhà thầu B là nhà thầu chào giá thấp nhất trong số 3 nhà thầu được đánh giá là đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật. Tuy nhiên, hồ sơ dự thầu của nhà thầu B có chào 5 trong tổng số 30 hạng mục hàng hóa cao hơn đơn giá của hạng mục đó trong phụ lục tính giá gói thầu đính kèm kế hoạch lựa chọn nhà thầu.
Cho tôi hỏi, trong trường hợp này, bệnh viện A có thể lựa chọn nhà thầu B trúng thầu không hay phải lựa chọn nhà thầu khác chào giá tất cả các hạng mục thấp hơn đơn giá trong phụ lục kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt?
Luật sư trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 43 Luật Đấu thầu, một trong các điều kiện để nhà thầu được đề nghị trúng thầu là có giá đề nghị trúng thầu (giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu xếp hạng thứ nhất) không vượt giá gói thầu được phê duyệt. Trường hợp dự toán của gói thầu được phê duyệt thấp hơn hoặc cao hơn giá gói thầu được phê duyệt thì dự toán này sẽ thay thế giá gói thầu để làm cơ sở xét duyệt trúng thầu.
Đối với trường hợp của bệnh viện A, nếu nhà thầu B có giá dự thầu sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) không vượt giá gói thầu được duyệt thì được coi là đáp ứng yêu cầu xét duyệt trúng thầu ở trên mà không phụ thuộc vào việc nhà thầu chào giá một số mặt hàng cao hơn giá của mặt hàng đó trong phụ lục kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Có thể hiểu phụ lục này gồm đơn giá cho từng mặt hàng, giúp tính toán để hình thành giá gói thầu.
Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện đối với gói thầu trong khoản ngân sách là giá gói thầu, nên bệnh viện A chỉ cần so sánh giá chào sau sửa lỗi, hiệu chỉnh sai lệch trừ đi giá trị giảm giá (nếu có) của nhà thầu B với giá gói thầu, mà không cần quá quan tâm tới các đơn giá từng mặt hàng so với đơn giá dự trù ban đầu. Trong trường hợp này, việc đề nghị cho nhà thầu khác chào giá cao hơn trúng thầu chỉ vì đơn giá từng hạng mục không cao hơn đơn giá ước tính trong phụ lục kế hoạch lựa chọn nhà thầu rõ ràng là không hiệu quả và không phù hợp với quy định của pháp luật về đấu thầu.