Hiện nay, biển đông đang được xem là một trong những vấn đề được Đảng và Nhà nước quan tâm. Tình hình biển đông ngày nay đang diễn biến phức tạp khi Trung Quốc công bố đường lưỡi bò bao trọn hai quần đảo lớn của nước ta thuộc về quốc gia này. Vì vậy, việc xác định đường cơ sở rất quan trọng.
Mục lục bài viết
1. Đường cơ sở là gì?
Theo quy định của Luật biển Việt Nam giải thích đường cơ sở là đường dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam, là đường cở sở thẳng đã được Chính phủ công bố. Chính phủ xác định và công bố đường cơ sở ở những khu vực chưa có đường cơ sở sau khi được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.
Đường cơ sở dịch sang tiếng Anh như sau: The baseline
2. Cách xác định và ý nghĩa của đường cơ sở trên biển:
Thứ nhất, cách xác định đường cơ sở trên biển theo Luật biển quốc tế như sau:
Một, đường cơ sở thông thường
Trừ khi có quy định trái ngược của Công ước, đường cơ sở thông thường dùng để tính chiều rộng lãnh hải là ngấn nước triều thấp nhất dọc theo bờ biển, như được thể hiện trên các hải đồ tỷ lệ lớn đã được quốc gia ven biển chính thức công nhận.
Hai, đường cơ sở thẳng
Ở nơi nào bờ biển bị khoét sâu và lồi lõm hoặc nếu có một chuỗi đảo nằm sát ngay và chạy dọc theo bờ biển, phương pháp đường cơ sở thẳng nối liền các điểm thích hợp có thể được sử dụng để kẻ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải.
Ở nơi nào bờ biển cực kỳ không ổn định do có một châu thổ và những đặc điểm tự nhiên khác, các điểm thích hợp có thể được lựa chọn dọc theo ngấn nước triều thấp nhất có chuyển dịch vào phía trong bờ, các đường cơ sở đã được vạch ra vẫn có hiệu lực cho tới khi các quốc gia ven biển sửa đổi đúng theo Công ước.
Tuyến các đường cơ sở không được đi chệch quá xa hướng chung của bờ biển, và các vùng biển ở bên trong các đường cơ sở này phải gắn với đắt liền đủ đến mức đạt được chế độ nội thủy.
Các đường cơ sở thẳng không được kéo đến hoặc xuất phát từ các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, trừ trường hợp ở đó có những đèn biển hoặc các thiết bị tương tự thường xuyên nhô trên mặt nước hoặc việc vạch các đường cơ sở thẳng đó đã được sự thừa nhận chung của quốc tế.
Trong những trường hợp mà phương pháp kẻ đường cơ sở thẳng được áp dụng, khi ấn định một số đoạn đường cơ sở có thể tính đến những lợi ích kinh tế riêng biệt của khu vực đó mà thực tế và tầm quan trọng của nó đã được một quá trình sử dụng lâu dài chứng minh rõ ràng.
Phương pháp đường cơ sở thẳng do một quốc gia áp dụng không được làm cho lãnh hải của một quốc gia khác bị tách khỏi biển cả hoặc một vùng đặc quyền kinh tế.
Như vậy việc xác định ranh giới của mỗi quốc gia sẽ được xác định theo hai cách dựa trên đường cơ sở và đường thẳng tùy thuộc vào từng vùng nhưng vẫn đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật và đảm bảo quyền lợi chính đáng của từng quốc gia được hưởng. Việc xác định ranh giới biển chính xác và được công khai sẽ giúp các quốc gia xác định được các quyền lợi và nghĩa vụ của quốc gia, từ đó ban hành những quy định, tham gia những hiệp định phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ hai, ý nghĩa của đường cơ sở trên biển
Đường cơ sở được xác định nhằm mục đích tạo ra ranh giới, là cơ sở để tính chiều rộng của các vùng trên biển, cụ thể là vùng lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, vùng thềm lục địa và còn làm cơ sở xác định vùng nội thủy giáp ranh với đất liền. Việc xác định đường cơ sở có vai trò rất quan trọng đối với lãnh thổ của mỗi quốc gia có biển, bởi lẽ tại mỗi vùng kinh tế trên biển sẽ có những quy định cụ thể và riêng biệt để áp dụng cho những tàu thuyền đánh bắt thủy hải sản trong nước chỉ được hoặc không được đánh bắt, những tàu thuyền nước ngoài neo đậu trên bờ biển thuộc phạm vi trên biển của nước ta, tàu thuyền của quốc gia khác không được đánh bắt thủy sản trong vùng biển của nước ta. Ngoài ra còn quy định vùng nào thì tàu thuyền nước ngoài được neo đậu, không được đi qua, hoặc chỉ được đi qua không được dừng…
Đây được xem là yếu tố ảnh hưởng đến quốc phòng an ninh biển, lãnh thổ biển của mỗi quốc gia.
Như vậy, việc xác định đường cơ sở có vai trò rất quan trọng đối với những quốc gia có đường bờ biển dọc theo lãnh thổ. Tùy thuộc vào từng khu vực địa lý mà việc xác định đường cơ sở sẽ được quy định khác nhau nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích quốc gia. Việc xác định đường cơ sở sẽ được dựa theo quy định của pháp luật nước ta và quy định của thế giới về vấn đề chủ quyền biển, đảo. Tránh xảy ra xung đột cũng như phát sinh chiên tranh giữa các nước láng giến, Việt Nam cần phải có những biện pháp mạnh hơn để thể hiện chủ quyền nước ta.
3. Những chế độ pháp lý của vùng biển Việt Nam:
Thứ nhất, chế độ pháp lý của nội thủy
Nhà nước thực hiện chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với nội thủy như trên lãnh thổ đất liền.
Thứ hai, chế độ pháp lý của lãnh hải
- Nhà nước thực hiện chủ quyền đầy đủ và toàn vẹn đối với lãnh hải và vùng trời, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển của lãnh hải phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982.
- Tàu thuyền của tất cả các quốc gia được hưởng quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam. Đối với tàu quân sự nước ngoài khi thực hiện quyền đi qua không gây hại trong lãnh hải Việt Nam,
thông báo trước cho cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam. - Việc đi qua không gây hại của tàu thuyền nước ngoài phải được thực hiện trên cơ sở tôn trọng hòa bình, độc lập, chủ quyền, pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Các phương tiện bay nước ngoài không được vào vùng trời ở trên lãnh hải Việt Nam, trừ trường hợp được sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam hoặc thực hiện theo điều ước quốc tế mà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
- Nhà nước có chủ quyền đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải Việt Nam.
Thứ ba, chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải
- Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và các quyền khác quy định tại Điều 16 của Luật biển Việt Nam đối với vùng tiếp giáp lãnh hải.
- Nhà nước thực hiện kiểm soát trong vùng tiếp giáp lãnh hải nhằm ngăn ngừa và trừng trị hành vi vi phạm pháp luật về hải quan, thuế, y tế, xuất nhập cảnh xảy ra trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.
Thứ tư, chế độ pháp lý của vùng đặc quyền kinh tế
- Trong vùng đặc quyền kinh tế, Nhà nước thực hiện:
+ Quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đáy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế;
+ Quyền tài phán quốc gia về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển;
+ Các quyền và nghĩa vụ khác phù hợp với pháp luật quốc tế.
- Nhà nước tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo quy định của Luật này và điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam.
Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt các thiết bị và công trình trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên cơ sở các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng được ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan.
- Các quyền có liên quan đến đáy biển và lòng đất dưới đáy biển được quy định trên và liên quan đến thềm lục địa và chế độ pháp lý của thềm lục địa.
Thứ năm, chế độ pháp lý của thềm lục địa
- Nhà nước thực hiện quyền chủ quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên. Hiện nay nhiều hệ thống cáp quang được đặt dưới lòng thềm lục địa, hoặc khai thác dầu, khoáng sản…tất cả được lên phương án và kế hoạch khai thác tài nguyên nhưng vẫn đảm bảo vệ sinh và khả năng phục hồi của môi trường, không gây tình trạng lãng phí.
- Quyền chủ quyền đối với thềm lục đại về tham dò, khai thác tài nguyên này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam.
- Nhà nước có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoan nhằm bất kỳ mục đích nào ở thềm lục địa.
- Nhà nước tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật biển Việt Nam và các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Trường hợp phát sinh mâu thuẫn các bên sẽ thỏa thuận, thương lượng với nhau, trường hợp không giải quyết được sẽ nhờ đến cơ quan trọng tài hoặc
tòa án quốc tế để giải quyết. - Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Văn bản này phải lập văn và trình lên cơ quan có thẩm quyền để xin việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm. Trường hợp mục đích và nội dung phù hợp sẽ được cấp văn bản chấp thuận, đồng thời doanh nghiệp hoặc đơn vị nhà nước thực hiện việc lắp đặt cũng có nội dung cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh môi trường biển.
- Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, hợp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam. Bất kỳ một hoạt động nào của quốc gia khác trên lãnh thổ thềm lục địa của nước ta đều phải phục vụ chung cho lợi ích quốc gia hoặc thế giới, không được khai thác để sử dụng vì mục đích kinh tế của quốc gia đó.
Thứ sáu, chế độ pháp lý của đảo, quần đảo
- Nhà nước thực hiện chủ quyền trên đảo, quần đảo của Việt Nam. Có nhiều hình thức để thực hiện chủ quyền cụ thể như cho người dân sang sinh sống tại các đảo, quần đảo hoặc cho phép dân ngư đánh bắt cá, hải sản trên các vùng biển thuộc địa phận quanh đảo…
- Chế độ pháp lý đối với vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các đảo, quần đảo cũng được quy định và quản lý chặt chẽ thông qua nhiều hình thức khác nhau.
Nhà nước ta luôn đề ra những vấn đề liên quan đến chủ quyền những vùng lãnh thổ này để bảo đảm cho chủ quyền nước ta. Hiện nay, tại nước ta và một số quốc gia lân cận đang xảy ra nhiều tranh chấp, phát sinh gây nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta cần đưa ra những chính sách thắt chặt hơn, mạnh hơn để có thể bảo vệ được tối đa những lợi ích của quốc gia.
Các văn bản pháp luật có liên quan đến bài viết:
Luật biển Việt Nam 2012 ;- Luật biển quốc tế 1982.