Xe ô tô công thuộc tài sản công theo quy định tại Luật quản lý tài sản công của Nhà nước. Đối với tài sản công thì phải được sử dụng đúng mục đích, đúng cơ chế, không được lạm dụng sử dụng vào việc cá nhân, vượt quá mục đích được sử dụng của xe. Vậy trường hợp dùng xe ô tô công vào việc riêng bị xử phạt thế nào?
Mục lục bài viết
1. Có được dùng xe ô tô vào công việc riêng không?
Tài sản công được hiểu là những tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý, gồm có:
+ Tài sản kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
+ Tài sản công phục vụ hoạt động quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh tại cơ quan, tổ chức, đơn vị.
+ Tài sản công tại doanh nghiệp.
+ Tiền thuộc ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, dự trữ ngoại hối nhà nước.
+ Đất đai và các loại tài nguyên khác.
Căn cứ Điều 20 Văn bản hợp nhất số 37/VBHN-VPQH 2023 Luật quản lý sử dụng tài sản công quy định tài sản công tại cơ quan, đơn vị, tổ chức gồm có:
– Quyền sử dụng đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.
– Nhà làm việc, công trình sự nghiệp, nhà ở công vụ và tài sản khác gắn liền với đất thuộc trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhà ở công vụ.
– Quyền sở hữu trí tuệ, phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu.
– Xe ô tô và phương tiện vận tải khác; máy móc, thiết bị.
Đồng thời, căn cứ Điều 10 Văn bản hợp nhất số 37/VBHN-VPQH 2023 Luật quản lý sử dụng tài sản công có quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý, sử dụng tài sản công như sau:
– Có hành vi lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn để nhằm mục đích chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
– Có hành vi đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
– Có hành vi sử dụng xe ô tô và tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
– Có hành vi giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
– Có hành vi sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí.
– Có hành vi sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
– Hành vi hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
– Hành vi xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật.
– Hành vi chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép tài sản công.
– Không thực hiện; thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định.
– Thực hiện các hành vi nghiêm cấm khác trong quản lý, sử dụng tài sản công.
Như vậy, theo quy định trên thì cán bộ công chức không được phép sử dụng ô tô công vào việc riêng, không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
2. Mức xử phạt đối với hành vi sử dụng xe ô tô công vào việc riêng:
Căn cứ khoản 2 Điều 8
– Sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán dưới 100.000.000 đồng/01 đơn vị tài sản: phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 5 triệu đồng.
– Sử dụng tài sản là máy móc, thiết bị, tài sản khác (trừ trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô) có nguyên giá theo sổ kế toán từ 100.000.000 đồng trở lên/01 đơn vị tài sản: phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
– Sử dụng tài sản là trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, xe ô tô: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Do đó, hành vi dùng xe ô tô vào việc riêng sẽ bị xử phạt theo mức quy định như trên.
3. Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 22 Văn bản hợp nhất số 37/VBHN-VPQH 2023 Luật quản lý sử dụng tài sản công quy định quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao quản lý, sử dụng tài sản công như sau:
Thứ nhất, về quyền:
– Được quyền sử dụng tài sản công phục vụ hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
– Được quyền thực hiện các biện pháp bảo vệ, khai thác và sử dụng hiệu quả tài sản công được giao theo chế độ quy định.
– Được Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.
– Được quyền khiếu nại, khởi kiện theo quy định.
– Thực hiện các quyền khác theo quy định.
Thứ hai, về nghĩa vụ:
– Phải có trách nhiệm bảo vệ, sử dụng tài sản công đúng mục đích, tiêu chuẩn, định mức, chế độ.
– Có trách nhiệm sử dụng tài sản công để bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm.
– Thực hiện lập, quản lý hồ sơ tài sản công, kế toán, kiểm kê, đánh giá lại tài sản công theo quy định của Luật này và pháp luật về kế toán.
– Thực hiện báo cáo cũng như công khai tài sản công theo đúng quy định.
– Phải có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính trong việc sử dụng tài sản công.
– Khi có quyết định thu hồi của cơ quan, người có thẩm quyền thì phải tiến hành giao lại tài sản công cho Nhà nước.
– Phải chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
– Chịu sự giám sát của cộng đồng, cán bộ, công chức, viên chức và Ban Thanh tra nhân dân trong quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định.
4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng tài sản công hiện nay:
Theo quy định tại Điều 6 Văn bản hợp nhất số 37/VBHN-VPQH quy định nguyên tắc quản lý, sử dụng tài sản công như sau:
– Mọi khoản tài sản công đều được cơ quan Nhà nước giao quyền quản lý, quyền sử dụng cũng như các hình thức trao quyền khác cho cơ quan, tổ chức, đơn vị và đối tượng khác theo quy định của Luật quản lý sử dụng tài sản công.
– Đối với tài sản công do Nhà nước đầu tư: phải được quản lý, khai thác, duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa, được thống kê, kế toán đầy đủ về hiện vật và giá trị, những tài sản có nguy cơ chịu rủi ro cao do thiên tai, hoả hoạn và nguyên nhân bất khả kháng khác được quản lý rủi ro về tài chính thông qua bảo hiểm hoặc công cụ khác.
– Đối với tài sản công là tài nguyên: phải được quản lý, bảo vệ, khai thác theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng pháp luật; phải được kiểm kê, thống kê về hiện vật, ghi nhận thông tin phù hợp với tính chất, đặc điểm của tài sản.
– Đối với tài sản công phục vụ công tác quản lý, cung cấp dịch vụ công, bảo đảm quốc phòng, an ninh của cơ quan, tổ chức, đơn vị: phải được sử dụng một cách có hiệu quả, tiết kiệm và đúng mục đích, công năng, đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, chế độ theo quy định.
– Thực hiện việc quản lý, sử dụng tài sản công một cách công khai, minh bạch, bảo đảm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng.
– Tuân theo cơ chế thị trường, có hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
– Thực hiện giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài sản công. Mọi hành vi vi phạm pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Văn bản hợp nhất số 37/VBHN-VPQH Luật quản lý, sử dụng tài sản công.
THAM KHẢO THÊM: