Biện pháp bắt buộc chữa bệnh là gì? Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh và tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh tiếng Anh là gì? Quy định pháp luật về đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh? Quy định về tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh?
Đối với các cá nhân đang chấp hành án phạt tù theo những trường hợp luật định thì phải thực hiện áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Hoạt động đưa người và tổ chức điều trị tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh đối với cá nhân đang chấp hành án phạt tù phải tuân theo những quy định của pháp luật thi hành án hình sự. Bài viết dưới đây Luật Dương Gia sẽ giới thiệu về việc đưa người và tổ chức điều trị tại cơ sở bắt buộc chữa bệnh.
Luật sư
1. Biện pháp bắt buộc chữa bệnh là gì?
“Điều 49. Bắt buộc chữa bệnh
3. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì căn cứ vào kết luận giám định pháp y, giám định pháp y tâm thần, Tòa án có thể quyết định đưa họ vào một cơ sở điều trị chuyên khoa để bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt, thì người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt.
Thời gian bắt buộc chữa bệnh được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt tù.”
Tại Nghị định số 64/2011/NĐ- CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh thì biện pháp bắt buộc chữa bệnh được áp dụng khi
“Điều 6. Đề nghị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn thi hành án
1. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang thi hành án tại Trại giam hoặc Trại tạm giam mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì Giám thị Trại giam, Giám thị Trại tạm giam đề nghị
2. Trường hợp người bị kết án phạt tù đang thi hành án tại Nhà tạm giữ mà có nghi ngờ họ bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện báo cáo cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh để đề nghị Tòa án nhân dân cấp tỉnh tiến hành trưng cầu giám định pháp y tâm thần đối với họ và quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.”
Như vậy, biện pháp bắt buộc chữa bệnh được coi là một trong những biện pháp cưỡng chế bắt buộc được áp dụng để xử lý tội phạm. Biện pháp chữa bệnh trong thi hành án hình sự là biện pháp tư pháp buộc người đang chấp hành hình phạt mà mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi phải vào cơ sở điều trị chuyên khoa để chữa bệnh với mục đích để cá nhân đó phải thực hiện chấp hành hình phạt do Tòa án đã tuyên, loại trừ các lý do để được miễn chấp hành hình phạt. Khi nhận thấy các dấu hiệu người bị kết án phạt tù đang thi hành án có dấu hiệu bị bệnh tâm thần thì sẽ thực hiện trưng cầu giám định pháp y tâm thần và quyết định việc áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.
2. Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh và tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh tiếng Anh là gì?
Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tiếng Anh là “Sending of persons to establishments for compulsory medical treatment”
Tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh tiếng Anh là “Medical treatment for persons subject to compulsory medical treatment”
3. Quy định pháp luật về đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh
Tại Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh như sau:
“Điều 137. Đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh
1. Ngay sau khi nhận được quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh, cơ quan đang giải quyết vụ án trong giai đoạn điều tra hoặc trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện trong giai đoạn thi hành án có nhiệm vụ giao người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo cho cơ sở chữa bệnh tâm thần được chỉ định theo quyết định của Viện kiểm sát hoặc quyết định của Tòa án, đồng thời sao gửi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
2. Cơ sở chữa bệnh tâm thần được Viện kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định có trách nhiệm tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và hồ sơ kèm theo, lập biên bản giao nhận. Cơ quan có trách nhiệm đưa người vào cơ sở chữa bệnh tâm thần phải thông báo cho gia đình hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh về nơi người đó đang chữa bệnh.”
Và cụ thể trong Nghị định số 64/2011/NĐ- CP quy định thì “Trong giai đoạn thi hành án, trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang chấp hành án tại Trại giam hoặc Trại tạm giam, thì Trại giam, Trại tạm giam có trách nhiệm tổ chức đưa họ đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ, thì Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nơi có Nhà tạm giữ có trách nhiệm tổ chức đưa người bị bắt buộc chữa bệnh đến cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần nêu trong Quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.” (Khoản 2 Điều 8)
Như vậy, hoạt động đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh được tiến hành sau khi ra quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh. Khi đó, nếu người bắt buộc chữa bệnh đang thi hành án tại Trại giam, Trại tạm giam thì Trại giam, Trại tạm giam, hoặc Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp huyện nếu người bắt buộc chữa bệnh đang chấp hành án tại Nhà tạm giữ sẽ thực hiện giao người bị bắt buộc chữa bệnh và gửi hồ sơ kèm theo cho cơ sở chữa bệnh tâm thần được chỉ định theo quyết định của Viện kiểm sát hoặc quyết định của Tòa án, bên cạnh đó các cơ quan này cũng có trách nhiệm sao gửi quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh cho cơ quan quản lý thi hành án hình sự thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.
Tại cơ sở chữa bệnh tâm thần được Viện Kiểm sát hoặc Tòa án chỉ định sẽ thực hiện tiếp nhận người bị bắt buộc chữa bệnh và thông báo cho gia đình hoặc thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh
4. Quy định về tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh
Luật Thi hành án hình sự năm 2019 quy định về việc tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh như sau:
“Điều 138. Tổ chức điều trị cho người bị bắt buộc chữa bệnh
1. Cơ sở chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý, tổ chức điều trị bệnh cho người bị bắt buộc chữa bệnh và không được phân biệt đối xử.
2. Trong thời gian bắt buộc chữa bệnh, thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh được gặp và phối hợp chăm sóc người bị bắt buộc chữa bệnh và phải chấp hành đúng quy định về thăm gặp, chăm sóc của cơ sở chữa bệnh tâm thần.
3. Trường hợp người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn, cơ sở chữa bệnh tâm thần phải lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người đó biết để phối hợp truy tìm, đưa người đó trở lại cơ sở chữa bệnh tâm thần.
4. Kinh phí điều trị do cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh hoặc Viện kiểm sát, Tòa án tự mình quyết định áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước.
Như vậy, hoạt động tổ chức điều trị cho người bị bệnh cần sự kết hợp giữa cơ sở chữa bệnh và thân nhân của người bị bắt buộc chữa bệnh để chăm sóc người bị bắt buộc chữa bệnh. Cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần có trách nhiệm quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh, việc quản lý và điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh được thực hiện như đối với những người bị bệnh tâm thần khác và không được phân biệt đối xử. Bên cạnh việc lập biên bản và thông báo ngay cho cơ quan đề nghị áp dụng biện pháp tư pháp bắt buộc chữa bệnh và gia đình của người đó biết để phối hợp truy tìm, thì cơ sở chữa bệnh tâm thần cũng phải chủ trì tổ chức ngay các biện pháp để truy tìm như đối với người bị bệnh tâm thần khác và báo cho cơ quan Công an cấp tỉnh nơi có cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần biết để cùng phối hợp truy tìm đưa người bị bắt buộc chữa bệnh trở lại cơ sở chữa bệnh tâm thần.
Thân nhân và cá nhân người bị bắt buộc chữa bệnh không phải chi trả kinh phí điều trị, vì kinh phí điều trị sẽ được chi trả từ nguồn ngân sách nhà nước, bao gồm cả những chi phí về chế độ ăn, mặc, ở, chăm sóc, điều trị y tế cho người bị bắt buộc chữa bệnh, tổ chức đưa người vào cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần, truy tìm người bị bắt buộc chữa bệnh bỏ trốn,….
Hiện nay các cơ sở bắt buộc chữa bệnh tâm thần thi hành biện pháp bắt buộc chữa bệnh bao gồm: Viện Giám định pháp y tâm thần Trung ương và Bệnh viện tâm thần Trung ương 1 (Thường tín, Hà Nội) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thuộc khu vực phía Bắc; Bệnh viện tâm thần Đà Nẵng (thành phố Đà Nẵng) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị người bị bắt buộc chữa bệnh ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực miền Trung, Tây Nguyên; tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực phía Nam thì phân viện Giám định pháp y tâm thần phía Nam và Bệnh viện tâm thần Trung ương 2 (Biên Hòa, Đồng Nai) có trách nhiệm tiếp nhận, quản lý, điều trị những người bị bắt buộc chữa bệnh. (Điều 14 Nghị định 64/2011/NĐ- CP)