Đối tượng của kiện đòi lại tài sản. Đối tượng của kiện đòi lại tài sản là những vật có thực, đang tồn tại trên thực tế.
Tài sản là điều kiện vật chất để duy trì mọi hoạt động kinh tế – xã hội của con người. Việc xây dựng các quy chế pháp lí điều chỉnh các quan hệ liên quan đến tài sản không chỉ góp phần khuyến khích mọi người thương xuyên quan tâm đến việc phát triển tài sản của mình, đóng góp cho xã hội mà còn là điều kiện cần thiêt để giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản đó.
Trong “Bộ luật dân sự 2015”, tài sản được quy định tại Điều 163, bao gồm:
“Vật, tiền, giấy tờ có giá và các quyền tài sản’.
Bằng cách thức liệt kê, quy định trên đưa ra một cách cụ thể những gì được coi là tài sản. Tuy nhiên do đặc thù của phương thức kiện đòi lại tài sản cho nên không phải tất cả những tài sản được liệt kê tại Điều 163 đều là đối tượng của kiện đòi lại tài sản. Đối tượng của kiện đòi lại tài sản phải là vật có thực, đang tồn tại trên thực tế.
Vật là một bộ phận của thế giới vật chất, bao gồm động vật, thực vật, vật với ý nghĩa vật lí ở mọi trạng thái (rắn, lỏng, khí). Vật được coi là tài sản phải là vật hữu tính, cảm nhận bằng năm giác quan của con người, chiếm giữ một phần trong không gian. Vật được coi là tài sản khi đáp ứng nhu cầu nào đó về vật chất, tinh thần của con người. Tuy nhiên không phải bộ phận nào của thế giới vật chất cũng coi là vật.
Để áp dụng phương thức kiện đòi lại tài sản thì tài sản phải là vật có thực và tồn tại trên thực tế. Nếu vật hiện không còn tồn tại do đã bị mất (mà không xác định được ai là người đang thực tế chiếm hữu) hoặc bị tiêu hủy thì cũng không thể áp dụng biện pháp kiện đòi lại tài sản được. Trường hợp như vậy thì chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp chỉ có thể áp dụng biện pháp kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, vật là đối tượng của kiện đòi lại tài sản hiện còn tồn tại có thể vẫn còn nguyên ở trạng thái ban đầu hoặc về cơ bản vẫn còn nhưng bị giảm sút giá trị hoặc đã được làm tăng giá trị.
Tiền xem là một loại tài sản riêng biệt. Khi tiền bị chiếm hữu không có căn cứ pháp luật thì về mặt bản chất chủ sở hữu không thể kiện đòi lại tài sản thông thường được mà thực chất là kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Giả sử, trường hợp một người trộm cắp tiền của người khác rồi dùng tiền đó để mua tài sản thì người bị mất tiền không thể kiện đòi lại tiền của mình từ người bán tài sản được, nếu người bán tài sản đó là người không ngay tình thì chủ sở hữu có thể kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chủ sở hữu có thể kiện đòi lại tiền trong trường hợp biết rõ số seri của những tờ tiền đó mà hiện đang bị người khác chiếm hữu không có căn cứ pháp luật. Đối với trường hợp tiền đã được bao gói niêm phong mà bị người khác chiếm hữu trái pháp luật và hiện số tiền đó vẫn còn nguyên bao thì việc kiện đòi lại tài sản trong trường hợp này thực chất là kiện đòi lại tài sản là vật (một gói tiền) chứ không phải là kiện đòi lại tiền. Do vậy, tùy từng trường hợp mà tiền có thể là đối tượng hoặc không phải là đối tượng của kiện đòi lại tài sản.
>>> Luật sư
Giấy tờ có giá với tư cách là một loại tài sản giao lưu trong dân sự chính là giấy tờ minh chứng cho quyền tài sản vô danh, giá trị của giấy tờ có giá chính là giá trị của quyền tài sản mà nó minh chứng. Giấy tờ có giá là loại tài sản hữu hình, được xếp vào loại tài sản là động sản. Giấy tờ có giá có thể là đối tượng của quyền đòi lại tài sản. Đối với “ quyền tài sản” được quy định tại Điều 181 Bộ luật dân sự năm 2005, đó là những quyền trị giá được bằng tiền và có thể chuyển giao trong giao dịch dân sự, đó có thể là quyền gắn liền với một tài sản hoặc quyền mà khi thực hiện nó, chủ sở hữu sẽ có được tài sản.
Quyền tài sản là loại tài sản vô hình, do đó không thể thực hiện được quyền chiếm hữu với loại tài sản này. Căn cứ vào đặc điểm của phương thức kiện đòi lại tài sản thì quyền tài sản không phải là đối tượng của kiện đòi lại tài sản. Khi quyền tài sản bị xâm phạm thì tùy thuộc vào tính chất, mức độ xâm phạm mà chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể yêu cầu phương thức kiện chấm dứt hành vi xâm phạm hoặc kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Như vậy, trong trường hợp quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp đối với tài sản bị xâm phạm thì tùy thuộc vào đối tượng tài sản mà chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có thể sử dụng phương thức kiện đòi lại tài sản hoặc phương thức kiện dân sự khác để quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp.