Đổi lại tên trong giấy khai sinh do quá xấu. Luật sư tư vấn về trường hợp đổi tên do tên gây ảnh hưởng đến đời sống. Thẩm quyền và thủ tục thực hiện việc thay đổi hộ tịch theo quy định mới nhất.
Luật sư tư vấn về trường hợp đổi tên do tên gây ảnh hưởng đến đời sống. Thẩm quyền và thủ tục thực hiện việc thay đổi hộ tịch theo quy định mới nhất.
Tóm tắt câu hỏi:
Cháu tên là Nguyễn Thị Thanh Trà, 15 tuổi. Một năm trước bố mẹ có làm thủ tục đổi tên cho cháu từ Nguyễn Vân Quỳnh sang Nguyễn Thị Thanh Trà Do có nhiều người không hài lòng với tên mới của cháu dẫn đến việc cháu thường xuyên mất tự tin khi giao tiếp mặc dù biết tên mới không có gì quá xấu. Tuy nhiên cháu vẫn muốn đổi lại tên cũ. Các cô chú cho cháu hỏi nếu cháu muốn đổi lại tên cũ có được không ạ, nếu được thì làm thế nào để đổi. Mong cô chú giúp cháu. Cháu cám ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
1. Căn cứ pháp lý
2. Giải quyết vấn đề
Căn cứ theo Điều 28 Bộ luật dân sự 2015:
"Điều 28. Quyền thay đổi tên
1. Cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận việc thay đổi tên trong trường hợp sau đây:
a) Theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền, lợi ích hợp pháp của người đó;
b) Theo yêu cầu của cha nuôi, mẹ nuôi về việc thay đổi tên cho con nuôi hoặc khi người con nuôi thôi làm con nuôi và người này hoặc cha đẻ, mẹ đẻ yêu cầu lấy lại tên mà cha đẻ, mẹ đẻ đã đặt;
c) Theo yêu cầu của cha đẻ, mẹ đẻ hoặc người con khi xác định cha, mẹ cho con;
d) Thay đổi tên của người bị lưu lạc đã tìm ra nguồn gốc huyết thống của mình;
đ) Thay đổi tên của vợ, chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình có yếu tố nước ngoài để phù hợp với pháp luật của nước mà vợ, chồng người nước ngoài là công dân hoặc lấy lại tên trước khi thay đổi;
e) Thay đổi tên của người đã xác định lại giới tính, người đã chuyển đổi giới tính;
g) Trường hợp khác do pháp luật về hộ tịch quy định."
Theo quy định của pháp luật, một trong những trường hợp cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền thay đổi tên của cá nhân nếu theo yêu cầu của người có tên mà việc sử dụng tên đó gây nhầm lẫn, ảnh hưởng đến tình cảm gia đình, đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của người đó. Đối chiếu theo quy định trên vào trường hợp của bạn, bạn tên là Nguyễn Thị Thanh Trà, hiện nay bạn 15 tuổi, trước đó, bố mẹ bạn có đổi tên cho bạn từ Nguyễn Vân Quỳnh sang Nguyễn Thị Thanh Trà. Tuy nhiên, sau khi đổi tên, người không hài lòng với tên mới của bạn, việc sử dụng tên mới khiến bạn thường xuyên mất tự tin khi giao tiếp. Nếu trong trường hợp có đủ căn cứ để cho rằng việc sử dụng tên mới gây ảnh hưởng đến danh dự, quyền và lợi ích hợp pháp của bạn, gây cản trở trong quá trình học tập, sinh sống của bạn thì bạn có thể yêu cầu đổi tên. Pháp luật không có quy định cấm việc công dân đã đổi tên được quyền yêu cầu đổi lại tên cũ, nếu đáp ứng các điều kiện của pháp luật về trường hợp đổi tên thì bạn vẫn được thực hiện thủ tục đổi tên.
>>> Luật sư tư vấn pháp luật về thủ tục thay đổi hộ tịch: 1900.6568
Việc thực hiện thủ tục đổi tên được thực hiện theo quy định của pháp luật hộ tịch, thay đổi hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc đăng ký thay đổi những thông tin về hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ của người đó trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định pháp luật. Như vậy, nếu trường hợp bạn được cơ quan có thẩm quyền cho phép đổi tên lại thì bạn phải thực hiện thru tục thay đổi hộ tịch. Theo quy định của Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì một trong những điều kiện thay đổi hộ tịch là đối với trường hợp bạn dưới 18 tuổi phải được sự đồng ý của cha, mẹ bạn.
Thủ tục thay đổi hộ tịch được thực hiện theo quy định tại Điều 47 và Điều 28 Luật hộ tịch 2014, cụ thể:
Hồ sơ thay đổi hộ tịch gồm:
+ Tờ khai theo mẫu (Việc thay đổi hộ tịch phải có sự đồng ý của cha mẹ)
+ Giấy khai sinh bản chính.
+ Sổ hộ khẩu gia đình.
+ Chứng minh thư nhân dân.
– Thời hạn giải quyết: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định, nếu thấy việc thay đổi, cải chính hộ tịch là có cơ sở, phù hợp với quy định của pháp luật dân sự và pháp luật có liên quan, công chức tư pháp – hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch, cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi, cải chính hộ tịch ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trích lục cho người yêu cầu.
Trường hợp thay đổi, cải chính hộ tịch liên quan đến Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn thì công chức tư pháp – hộ tịch ghi nội dung thay đổi, cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp cần phải xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.
– Nơi thực hiện thủ tục hành chính: ủy ban nhân dân cấp huyện nơi hiện nay bạn đang đăng ký thường trú.