Khi nào cơ quan điều tra cần thực hiện việc đối chất? Trong quá trình lấy lời khai, hỏi cung bị can, việc bị can quanh co, khai báo gian dối, không thống nhất với nhau, không thống nhất với người làm chứng, người bị hại,... là việc thường xuyên xảy ra, theo đó, đối chất sẽ làm rõ bản chất của sự thật khách quan.
Mục lục bài viết
1. Khái niệm về đối chất:
1.1. Định nghĩa:
Đối chất là hoạt động tố tụng hình sự và là hoạt động nghiệp vụ của cơ quan điều tra, được tiến hành bằng cách đồng thời hỏi hai người về cùng một vấn đề nhằm làm rõ hoặc giải quyết những mâu thuẫn tồn tại trong lời khai trước đây của họ.
Đối chất có các dấu hiệu đặc trưng:
– Hỏi đồng thời hai người theo trình tự luật tố tụng hình sự quy định.
– Hỏi về cùng vấn đề của vụ án mà lời khai của họ về vấn đề ấy có mâu thuẫn.
– Hỏi hai người trong điều kiện có xung đột tâm lý giữa họ.
1.2. Những người có thể đưa ra đối chất:
Bao gồm: Bị can, người bị nghi phạm tội, người làm chứng, người bị hại. Từ những loại người này có thể hình thành cặp đối chất.
Thông thường thực tiễn điều tra có đối chất giữa :
+ Bị can với bị can.
+ Bị can với người bị nghi phạm tội.
+ Bị can với người bị hại.
+ Bị can với người làm chúng.
+ Người làm chứng với người bị nghi phạm tội.
+ Người bị hại với người bị nghi phạm tội.
Ngoài ra cũng có đối chất giữa người làm chứng không liên quan đến tội phạm với người làm chứng có liên quan đến tội phạm mà chưa khởi tố với tư cách là bị can.
– Ít xảy ra đối chất giữa các nhân chứng không liên quan đến tội phạm, giữa nhân chứng với người bị hại, giữa người bị hại với người bị hại. Những người này thường có thái độ khai báo tốt, khi xảy ra mâu thuẫn giữa những người này ta có thể động viên, thuyết phục họ khai đúng sự thật mà không cần đối chất, trừ trường hợp cá biệt.
– Trong trường hợp cùng vấn đề mà nhiều người có lời khai mâu thuẫn nhau thì tiến hành nhiều cuộc đối chất. Mỗi cuộc đối chất chỉ đưa ra hai người một.
1.3. Tác dụng của đối chất:
Thông qua đối chất mà làm rõ hoặc giải quyết những mâu thuẫn còn tồn tại trong các lời khai, thống nhất được lời khai của những người đưa ra đối chất, thu thập, củng cố, kiểm tra, chính xác, thỏa đáng hơn,
– Thu thập được những thông tin mới làm cơ sở để vạch phương hướng điều tra làm rõ các vấn đề cụ thể của vụ án.
– Giúp ta hiểu được tâm lý các đối tượng trong quá trình đối chất, nguyên nhân khai đúng hoặc khai sai của họ để có cách xử lý đúng đắn.
Đối chất có nhược điểm như dễ bộc lộ điểm yếu trong tài liệu, chứng cứ của ta, đối tượng dễ có điều kiện để thông cung, củng cố tinh thần cho nhau, thống nhất lời khai một cách giả tạo… nên phải hết sức thận trọng khi sử dụng đối chất. Chỉ đối chất khi nó là hoạt động điều tra duy nhất để làm rõ, giải quyết mâu thuẫn.
Chỉ nên tiến hành đối chất sau khi đã sử dụng các biện pháp điều tra khác nhưng chưa giải quyết được mâu thuẫn.
Phải xem xét khả năng đối chất có giải quyết được vấn đề hay không. Nếu nhận thấy có thể giải quyết được thì mới quyết định tiến hành đối chất.
Cá biệt có trường hợp qua xem xét thấy biện pháp điều tra khác có thể giải quyết được mâu thuẫn nhưng lại quá phức tạp, quá tốn kém, không đảm bảo thời gian… thì vẫn có thể áp dụng đối chất.
Tiến hành đối chất phải chú ý đến khả năng tổ chức và tiến hành cuộc đối chất đạt kết quả tốt.
Kết quả đối chất phụ thuộc vào các yếu tố : Sự chuẩn bị tác động tâm lý các đối tượng đối chất; Sự tích cực tác động tâm lý của điều tra viên đối với các đối tượng; Tính thuyết phục của các vấn đề, sự kiện đưa ra đối chất..v v…
Những yếu tố đó tác động có kết quả hay không là do việc tổ chức và tiến hành đối chất của cơ quan điều tra quyết định. Mặt khác, diễn biến của đối chất nhiều khi rất phức tạp : các đối tượng có thể đánh nhau, đe dọa nhau, thông cung cho nhau… Vì vậy phải chú ý đảm bảo điều kiện này.
Phải xét khả năng chuẩn bị của cơ quan điều tra về thời gian, địa điểm, phương tiện, đối tượng, lực lượng tham gia. Đảm bảo chiến thuật đối chất được thực hiện.
Cần tránh tiến hành đối chất không có chuẩn bị, không bàn bạc phân công cụ thể, kỹ lưỡng, thủ trưởng giao việc cho cán bộ không đúng khả năng..v.v…
2. Chiến thuật đối chất:
– Là sự vận dụng tổng hợp các phương pháp, chiến thuật hỏi cung bị can, lấy lời khai người làm chứng, hỏi cung người bị tình nghi thực hiện tội phạm và các kiến thức khoa học khác để hỏi đồng thời hai người sao cho sự thực khách quan được sáng tỏ.
Chiến thuật đối chất được thể hiện qua các giai đoạn của quá trình đối chất
2.1. Chuẩn bị đối chất:
+ Chuẩn bị đối chất phải theo hướng sử dụng phương pháp
+ Chuẩn bị đối chất góp phần quyết định thành công hay thất bại của cuộc đối chất.
+ Nội dung chuẩn bị đối chất :
Nghiên cứu hồ sơ và tình hình có liên quan đến cuộc đối chất. Mục đích yêu cầu của việc nghiên cứu là:
Điều tra viên nắm được tình tiết, nội dung vụ án có liên quan đến, mâu thuẫn và quá trình đối chất.
Tìm hiểu nội dung lời khai có mâu thuẫn, xác định cụ thể mâu thuẫn có thực hay không
Thu thập tài liệu, căn cứ để chuẩn bị kế hoạch, chuẩn bị tâm lý cho đối tượng đối chất.
Phân loại mâu thuẫn. Xem xét các biện pháp nào có thể làm rõ giải quyết mâu thuẫn.
Nghiên cứu các tài liệu về nhân thân mỗi đối tượng đối chất và bản thân đối tượng.
Bước đầu phân tích, dự đoán nguyên nhân nảy sinh mâu thuẫn và tình huống có thể nảy sinh trong đối chất.
Xem xét điều kiện chủ thể của đối tượng đối chất và vị trí tố tụng của mỗi người.
Chuẩn bị những tài liệu chứng cứ cho cuộc đối chất.
– Lấy lời khai trước cuộc đối chất :
Chủ yếu là yêu cầu họ khai lại vấn đề mà họ đã khai còn chứa đựng mâu thuẫn.
Tìm hiểu căn cứ lý lẽ mà họ sẽ đưa ra trong cuộc đối chất.
Những trường hợp có căn cứ nghi ngờ đối tượng cố tình khai dối phải chú ý giữ bí mật ý đồ.
Qua lấy lời khai trực tiếp với người được đưa ra đối chất để tìm hiểu về họ.
Có thể xác định trách nhiệm cho mỗi thành viên tham gia đối chất tùy theo vị trí tố tụng của họ.
– Chuẩn bị tâm thế cho đối tượng đối chất:
Cần thông báo trước cho đối tượng đối chất về các vấn đề có liên quan đến đối chất nếu như xác định mâu thuẫn nảy sinh không phải do đối tượng cố tình khai dối.
Tránh mọi tác động gây căng thẳng tâm lý cho đối tượng đối chất.
Phạm vi thông báo : Tùy thuộc từng trường hợp cụ thể thông báo cho một hoặc cả hai đối tượng, có thể toàn bộ các vấn đề hoặc một số vấn đề có liên quan đến đối chất.
Không thông báo trước về bất cứ vấn đề gì, nhằm tạo ra sự bất ngờ cho các đối tượng đối chất, khi xác định mâu thuẫn nảy sinh là do đối tượng cố tình khai đổi.
Trường hợp chưa xác định được đối tượng nào khai đúng, hoặc khai sai thì chuẩn bị tâm thế bằng cách tạo trạng thái tâm lý hưng phấn cho cả hai người đưa ra đối chất.
Chuẩn bị tâm thế cho đối tượng đối chất còn phụ thuộc phẩm chất ý chí của từng người: Người có hệ thống thần kinh yếu, hay lo sợ… cần được động viên và bồi dưỡng cách thức diễn đạt, đấu tranh khi đối chất.
– Lập kế hoạch đối chất:
Kế hoạch đối chất bao gồm các nội dung sau:
+ Mục đích, yêu cầu của cuộc đổi chất.
+ Nội dung sự việc đưa ra đội chút
+ Thứ tự các vấn đề sẽ đưa ra thông qua các câu hỏi.
+ Thời gian địa điểm tiến hành đối chất.
+ Các phương tiện điều kiện, tài liệu, vật chứng sẽ sử dụng trong cuộc đối chất.
+ Bố trí cán bộ chủ trì và tham gia đối chất.
2.2. Thực hiện đối chất:
– Những hoạt động mở đầu:
Những hoạt động này đều có ý nghĩa chiến thuật.
Hoạt động mở đầu được xác định từ khi đưa các đối tượng vào nơi tiến hành đối chất.
Đưa các đối tượng vào trước hay sau hoặc cả hai đối tượng cùng vào một lúc là tùy chiến thuật được áp dụng được xác định trong kế hoạch đối chất.
Bố trí chỗ ngồi cho các đối tượng phải đảm bảo yêu cầu: An toàn, tránh mọi biểu hiện xấu có thể xảy ra.
Điều tra viên tuyên bố lý do, giải thích quyền, nghĩa vụ, thái độ cho mỗi người khi tham gia đối chất tùy theo vị trí tố tụng của mỗi người.
– Tiến hành hỏi cung đối chất .
Có thể sử dụng các chiến thuật khác nhau tùy thuộc vị trí tố tụng của mỗi người bị hỏi, và nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, đặc điểm tâm lý của họ.
Trình tự hỏi và nội dung các vấn đề cần hỏi thể hiện chiến thuật đối chất cụ thể là :
Hỏi từng người, dứt điểm từng vấn đề, sau đó mới hỏi sang người thứ hai về vấn đề đó.
Hỏi người nào trước, sau chủ yếu dựa vào thái độ khai trước đây của mỗi người.
Trường hợp chưa xác định được người nào khai thực cần bắt đầu hỏi từ người mà lời khai có căn cứ đáng tin cậy.
Khi hỏi từng vấn đề, với từng người phải hỏi rõ căn cứ chứng minh cho lời khai của họ.
Có thể cho phép hai người hỏi lẫn nhau khi cần thiết
Có thể sử dụng tổng hợp các biện pháp để tác động vào mỗi đối tượng trong quá trình hỏi một cách phù hợp để thu được lời khai thực.
Điều tra viên phải quán xuyến toàn bộ diễn biến của quá trình đối chất.
Những nội dung cần thiết phải được hỏi rõ ràng trong đối chất là:
Trong buổi hỏi cung đầu tiên phải hỏi về quan hệ xã hội của hai người. Nếu có quan hệ đặc biệt phải làm rõ nguyên nhân, tính chất, mức độ của quan hệ.
Xác định quan hệ đó là trực tiếp hay gián tiếp.
Khi hỏi về mâu thuẫn phải hỏi rõ cụ thể, những căn cứ chứng minh cho từng sự kiện.
Có thể sử dụng chứng cứ để đấu tranh với người có lời khai dối.
Phải hỏi rõ về những nội dung mới khi một hoặc cả hai người cải chính lời khai, khai ra vấn đề mới.
Khi cần thiết có thể điều chỉnh hay loại bỏ những câu hỏi của các đối tượng nêu ra.
Chú ý phát hiện những hành vi gây hại, kịp thời ngăn ngừa cho nó xảy ra.
– Biên bản đổi chất: Biên bản đối chất phải lập đúng thủ tục Tố tụng hình sự mà nhà nước quy định.
2.3. Kết thúc đối chất:
– Hỏi lại từng người đã được đưa ra đối chất.
Nội dung hỏi cần đạt được :
Xác định nguyên nhân mà mỗi người giữ nguyên hay thay đổi lời khai.
Xác định trách nhiệm của mỗi người về lời khai của mình.
Thẩm tra xác minh lời khai thu được của đối chất.
Quá trình đối chất phải tạo mọi điều kiện để xác minh được nhanh chóng kịp thời.
– Đánh giá sử dụng kết quả đối chất.
Tùy theo kết quả đối chất mà sử dụng cho phù hợp.