Tôi bị doanh nghiệp sa thải trái quy định pháp luật. Sau khi đưa ra Tòa án giải quyết, tôi chưa được trả lại lương và trợ cấp mất việc. Tôi phải làm gì để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết?
Tóm tắt câu hỏi:
Tôi bị doanh nghiệp sa thải trái quy định của pháp luật. Mặc dù sau khi đưa ra Tòa án đã được giải quyết, nhưng thời gian đã qua 6 tháng từ ngày kết thúc phiên tòa mà chưa được trả lại lương doanh nghiệp còn nợ và trợ cấp mất việc. Gia đình tôi phải làm gì để yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết Xin cảm ơn!
Luật sư tư vấn:
Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Ban biên tập – Phòng tư vấn trực tuyến của Công ty LUẬT DƯƠNG GIA. Với thắc mắc của bạn, Công ty LUẬT DƯƠNG GIA xin được đưa ra quan điểm tư vấn của mình như sau:
Theo điểm a khoản 2 Điều 375 Bộ luật Tố tụng dân sự, Bản án, quyết định về cấp dưỡng, trả công lao động, nhận người lao động trở lại làm việc, trả lương, trợ cấp mất việc làm, bảo hiểm xã hội hoặc bồi thường thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tổn thất tinh thần của công dân được thi hành ngay mặc dù có thể bị kháng cáo, kháng nghị. Đối với trường hợp của bạn, sau khi có bản án, quyết định của tòa án thì bị đơn dân sự phải thi hành ngay bản án, quyết định đó, tức là phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho em bạn.
Gia đình bạn có quyền nộp đơn yêu cầu thi hành án (đơn yêu cầu có thể nộp trực tiếp hoặc qua đường bưu điện) hoặc trực tiếp đến cơ quan thi hành án nêu rõ nội dung yêu cầu và các thông tin liên quan đến việc thi hành án (Điều 32 Luật Thi hành án dân sự). Đơn yêu cầu thi hành án có các nội dung chính sau đây:
a) Họ, tên, địa chỉ của người yêu cầu;
b) Tên cơ quan thi hành án dân sự nơi yêu cầu;
c) Họ, tên, địa chỉ của người được thi hành án; người phải thi hành án;
>>> Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
d) Nội dung yêu cầu thi hành án;
đ) Thông tin về tài sản hoặc điều kiện thi hành án của người phải thi hành án.
Người làm đơn yêu cầu thi hành án phải ghi rõ ngày, tháng, năm và ký tên hoặc điểm chỉ. Trường hợp người yêu cầu thi hành án trực tiếp trình bày bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự thì phải lập biên bản ghi rõ các nội dung quy định trên, có chữ ký hoặc điểm chỉ của người yêu cầu và chữ ký của người lập biên bản. Biên bản có giá trị như đơn yêu cầu thi hành án. Kèm theo đơn yêu cầu thi hành án, phải có bản án, quyết định được yêu cầu thi hành và tài liệu khác có liên quan, nếu có. Gia đình bạn có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án quy định tại Điều 66 của Luật Thi hành án dân sự (Phong toả tài khoản; Tạm giữ tài sản, giấy tờ; Tạm dừng việc đăng ký, chuyển dịch, thay đổi hiện trạng về tài sản).
Thời hạn tự nguyện thi hành án là 15 ngày, kể từ ngày người phải thi hành án nhận được hoặc được thông báo hợp lệ quyết định thi hành án (theo khoản 1 Điều 45 Luật Thi hành án dân sự); sau thời gian này mà đương sự không tự nguyện thi hành án thì gia đình bạn yêu cầu cơ quan thi hành cưỡng chế (theo Điều 46 Luật Thi hành án dân sự).
Hy vọng rằng sự tư vấn của chúng tôi sẽ giúp bạn lựa chọn phương án thích hợp nhất để giải quyết những vướng mắc của bạn. Nếu còn bất cứ thắc mắc gì liên quan đến sự việc bạn có thể liên hệ Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến 24/7 của Luật sư: 1900.6568 để được giải đáp.
Chuyên viên tư vấn: Lê Thị Ngọc Linh