Trong pháp luật hình sự nước ta hiện nay, trường hợp phạm tội nhiều lần được nhà làm luật quy định với hai ý nghĩa khác nhau: ý nghĩa thứ nhất, phạm tội nhiều lần là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự; ý nghĩa thứ hai, phạm tội nhiều lần là một tình tiết định khung tăng nặng hình phạt đối với 45 tội được quy định trong Bộ luật hình sự (ví dụ: Tội hiếp dâm; Tội hiếp dâm trẻ em; Tội cưỡng dâm trẻ em...).
Về các hình thức biểu hiện của phạm tội nhiều lần, hiện nay trong khoa học pháp lý hình sự của nước ta và trên thế giới vẫn còn những quan điểm khác nhau.Vấn đề này cũng ảnh hưởng đến việc định tội danh trong trường hợp phạm tội nhiều lần. Trong đó có quan điểm cho rằng phạm tội nhiều lần bao gồm các khái niệm phạm tội nhiều lần nói chung, phạm tội nhiều lần cùng loại với tội cũ và phạm tội nhiều lần cùng với tội cũ (một tội danh).
Khái niệm phạm tội nhiều lần nói chung được hiểu là trường hợp một người đã hai lần trở lên thực hiện tội phạm, bất kể đó là những tội phạm gì, tội phạm đó ở giai đoạn hoàn thành hay chưa hoàn thành. Khái niệm phạm tội nhiều lần cùng loại với tội cũ được hiểu là trường hợp một người đã hai hoặc nhiều lần thực hiện các tội phạm cùng một loại (cùng một nhóm tội). Khái niệm phạm tội nhiều lần cùng với tội cũ (phạm tội lặp lại) được hiểu là trường hợp một người đã hai hoặc nhiều lần thực hiện các tội phạm cùng tội danh, hay nói cách khác là trường hợp một người đã hai hoặc nhiều lần thực hiện tội mới cùng tội danh với tội cũ đã thực hiện trước đó.
Các hình thức phạm tội nhiều lần nói trên có ý nghĩa pháp lý hình sự khác nhau bởi chúng được thể hiện một cách khác nhau trong các quy định của pháp luật hình sự, do vậy chúng cũng có ý nghĩa khác nhau trong áp dụng pháp luật hình sự, nhất là trong việc định tội danh, quyết định hình phạt, xóa án… Trong nội dung của cuốn sách này, chỉ phân tích việc định tội danh đối với trường hợp phạm tội nhiều lần cùng với tội cũ (gọi tắt là phạm tội nhiều lần). Phạm tội nhiều lần là trường hợp hành vi của chủ thể có đầy đủ các dấu hiệu của hai tội phạm trở lên mà những tội ấy được quy định tại cùng một điều hoặc một khoản của Bộ luật hình sự và bị xét xử cùng một lúc.
Khi định tội danh đối với phạm tội nhiều lần cần tuân thủ một quan điểm có tính nguyên tắc là không thể coi là phạm tội nhiều lần đối với trường hợp một người thực hiện hai hành vi nguy hiểm cho xã hội, trong đó một hành vi thỏa mãn những dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định tại Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự, còn hành vi kia do mức độ nguy hiểm cho xã hội không đáng kể, nên được xếp vào loại hành vi vi phạm pháp luật hành chính, pháp luật kinh tế, pháp luật dân sự hoặc pháp luật lao động… và được xử lý bằng biện pháp khác. Muốn định tội danh một trường hợp phạm tội nào đó là phạm tội nhiều lần thì ít nhất phải có hai hành vi bị coi là tội phạm được quy định trong cùng một điều của Bộ luật hình sự. Tương tự như vậy, không thể định tội danh phạm tội nhiều lần trường hợp một người thực hiện hai hành vi nguy hiểm cho xã hội, nhưng trong đó một hành vi đã bị xử lý hành chính và dấu hiệu đã bị xử lý hành chính được nhà làm luật quy định như là một điều kiện để coi hành vi được thực hiện lặp lại là tội phạm. Ví dụ các điều luật như khoản 1 Điều 200, khoản 1 Điều 201, khoản 1 Điều 202, khoản 1 Điều 207, khoản 1 Điều 208…
Việc định tội danh đối với trường hợp phạm tội nhiều lần phải bao gồm cả các trường hợp khi một người thực hiện các tội phạm đã hoàn thành và các tội phạm chưa hoàn thành. Ví dụ: trong tháng 11- 1999, Đặng Thị M đã nhiều lần có hành vi môi giới mại dâm giữa người mua dâm và gái bán dâm để trục lợi. Tối 25-11-1999, M đã môi giới cho Đặng Văn T mua dâm với Lê Thị S nhưng chưa kịp thực hiện thì bị cơ quan công an bắt. Tại bản án hình sự phúc thẩm số: 1531 ngày 1/8/2000 của Toà phúc thẩm, Toà án nhân dân tối cao tại Hà Nội, đã áp dụng khoản 3 Điều 52 (
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử có những trường hợp, lúc đầu người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội chưa đạt do chưa có thời cơ thuận lợi, sau đó y tạm dừng hoạt động phạm tội một thời gian để chờ thời cơ thuận lợi để tiếp tục thực hiện đến cùng hành vi phạm tội lúc đầu. Trường hợp này không phải là phạm tội nhiều lần. Hành vi phạm tội chưa đạt lúc đầu không có ý nghĩa pháp lý độc lập và cũng không cấu thành một tội phạm riêng biệt, mà nó nằm trong cấu thành của tội phạm đã hoàn thành sau này, chỉ có điều các giai đoạn thực hiện tội phạm tuy có kế tiếp nhau về mặt thời gian, nhưng có sự gián đoạn vì nguyên nhân khách quan. Vì vậy, trong trường hợp này phải được định tội danh như một tội phạm đơn nhất.
Khác với trường hợp phạm nhiều tội, khi định tội danh đối với trường hợp phạm tội nhiều lần, cần chú ý rằng đối tượng tác động có thể khác nhau, nhưng chỉ có một khách thể bị xâm hại, còn trong trường hợp phạm nhiều tội, đối tượng bị tác động khác nhau và khách thể bị xâm hại cũng khác nhau.
Một vấn đề phức tạp khác trong định tội danh đối với phạm tội nhiều lần là phải phân biệt được phạm tội nhiều lần với phạm tội liên tục và phạm tội kéo dài. Theo chúng tôi, để phân biệt được sự khác nhau giữa phạm tội nhiều lần với hai hình thức phạm tội liên tục và phạm tội kéo dài, thì phải dựa trên cơ sở nắm vững dấu hiệu đặc trưng của phạm tội nhiều lần là các hành vi phạm tội phải có tính độc lập, còn phạm tội liên tục là trường hợp người phạm tội thực hiện liên tục nhiều hành động phạm tội cùng tính chất, với cùng một đối tượng và vì vậy chỉ cấu thành một tội phạm.
Trong khoa học luật hình sự, có quan điểm cho rằng, tội liên tục đồng thời có thể được định tội danh như trường hợp phạm tội nhiều lần. Chúng tôi không đồng tình với quan điểm này, bởi lẽ trong trường hợp phạm tội nhiều lần từng hành vi phạm tội có tính độc lập, mỗi hành vi phạm tội có đủ các yếu tố cấu thành của một tội, ngược lại trong tội phạm liên tục mỗi một hành vi phạm tội riêng biệt không có tính độc lập, mà tổng hợp tất cả các hành vi đó lại mới cấu thành một tội phạm đơn nhất phức tạp. Do đó, không thể đồng nhất việc định tội danh giữa phạm tội nhiều lần với tội liên tục. Thực tiễn định tội danh cho thấy, trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử, các cơ quan tiến hành tố tụng thường nhầm lẫn giữa phạm tội nhiều lần với tội phạm liên tục trong quá trình định tội danh các loại tội như: tội nhận hối lộ được quy định tại Điều 354 Bộ luật hình sự 2015, tội đưa hối lộ được quy định tại Điều 364 Bộ luật hình sự 2015, tội làm môi giới hối lộ được quy định tại Điều 365 Bộ luật hình sự 2015…
Trong quá trình định tội danh đối với trường hợp phạm tội nhiều lần cũng cần chú ý trường hợp bị cáo đã được áp dụng một trong những chế định nhân đạo của luật hình sự như miễn trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt, xoá án hoặc đã chấp hành xong hình phạt đối với tội đã phạm trước đây, thì khi định tội danh không được tính là phạm tội nhiều lần đối với các tội đó. Đây là sự thể hiện nguyên tắc nhân đạo của pháp luật hình sự trong giai đoạn xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, Nhà nước của dân, do dân và vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Định tội danh trong trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm
Tương tự như tình tiết phạm tội nhiều lần, tái phạm, tái phạm nguy hiểm được các nhà làm luật quy định trong luật hình sự với những ý nghĩa khác nhau, do vậy chúng phải được nhận thức đầy đủ với sự khác nhau đó để khi định tội danh đối với tái phạm, tái phạm nguy hiểm không bị nhầm lẫn.
Trường hợp tái phạm được nhà làm luật quy định là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015.
Còn trường hợp tái phạm nguy hiểm cũng được quy định với ý nghĩa là một tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự tại khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự 2015, đồng thời còn được quy định là tình tiết tăng nặng định khung hình phạt đối với 57 tội phạm trong Bộ luật hình sự 2015. Chẳng hạn, với ý nghĩa thứ hai, tình tiết đó được quy định tại điểm p khoản 1 Điều 123, điểm i khoản 1 Điều 134, i điểm i khoản 1 Điều 141, điểm g khoản 2 Điều 143, điểm d khoản 2 Điều 150, điểm đ khoản 2 Điều 151, điểm đ khoản 2 Điều 159, điểm c khoản 2 Điều 168, điểm c khoản 2 Điều 169, điểm c khoản 2 Điều 170, điểm c khoản 2 Điều 171, điểm c khoản 2 Điều 172, điểm c khoản 2 Điều 173, điểm c khoản 2 Điều 174, điểm đ khoản 2 Điều 175…
Để việc định tội danh đối với trường hợp tái phạm, tái phạm nguy hiểm được chính xác, trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, tại Điều 53 Bộ luật hình sự 2015, nhà làm luật đã quy định rõ như thế nào là tái phạm, những trường hợp nào được coi là tái phạm và những trường hợp nào được coi là tái phạm nguy hiểm.
Như vậy, theo pháp luật hình sự hiện hành thì tái phạm, tái phạm nguy hiểm là những trường hợp một người phạm tội mới trong thời gian người phạm tội đó chưa được xóa án tích. Vì vậy, điều quan trọng khi định tội danh đối với tái phạm, tái phạm nguy hiểm là xác định rõ trạng thái án tích của người phạm tội. Do đó, để định tội danh một người nào đó là tái phạm hay tái phạm nguy hiểm, cần phải chú ý đến điều kiện người đó đã bị xét xử về tội phạm trước đây và tội đó chưa được xóa án tích.
Trong khi định tội danh đối với trường hợp tái phạm nguy hiểm cần đặc biệt thận trọng, bởi lẽ khi coi một người là tái phạm nguy hiểm làm nảy sinh những hậu quả pháp lý nhất định như: đối với việc định tội danh, đối với việc quyết định hình phạt, hoặc đối với việc ấn định chế độ thi hành hình phạt. Bởi vì, theo pháp luật hình sự nước ta, tái phạm nguy hiểm được quy định với hai ý nghĩa: ý nghĩa định tội danh và ý nghĩa quyết định hình phạt. Pháp luật thi hành án hình sự (Pháp lệnh thi hành án phạt tù) cũng cân nhắc tình tiết đó khi xây dựng chế độ thi hành án.
Ví dụ: Nguyễn Anh T sinh năm 1976, trú tại: số 2, đường TC, phường PM, TX, thành phố HN đã có hành vi phạm tội như sau: khoảng 19 giờ ngày 24-1- 2000, Nguyễn Anh T đến khu nhà B3 tập thể TT . ĐĐ – thành phố HN để trộm cắp, khi lên phòng 302 thấy cửa phòng mở không có người trong nhà, T vào phòng lấy cắp một chiếc điều khiển vô tuyến Sony đi ra đến cầu thang thì bị anh Võ Hoài N là chủ nhà phát hiện bắt giữ cùng tang vật. Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Anh T đã khai nhận hành vi phạm tội. Về nhân thân, T có những tiền án như sau:
– Ngày 25-4-1994, T bị Tòa án quận HBT xử phạt 12 tháng tù về tội trộm cắp tài sản của công dân, hạn thử thách là 12 tháng.
– Ngày 20-11-1996, bị Tòa án quận ĐĐ xử phạt 24 tháng tù về tội trộm cắp tài sản của công dân. Buộc chấp hành 12 tháng án treo nêu trên thành án giam. Tổng hợp hình phạt của hai bản án T phải chịu hình phạt chung là 36 tháng tù giam.
– Ngày 9-5-2000, Tòa án nhân dân thành phố HN xét xử T về hành vi trộm cắp điều khiển vô tuyến được thực hiện vào ngày 24-01-2000. Tòa án nhân dân thành phố HN áp dụng điểm d khoản 2 Điều 155
Qua ví dụ trên, việc định tội danh của Tòa án nhân dân thành phố HN đối với hành vi trộm cắp điều khiển vô tuyến của Nguyễn Anh T với tình tiết tái phạm nguy hiểm là hoàn toàn chính xác. Bởi lẽ, Nguyễn Anh T đã có hai tiền án về tội trộm cắp tài sản của công dân chưa được xoá án tích, nay lại phạm tội trộm cắp chiếc điều khiển vô tuyến Sony của anh Võ Hoài N, mặc dù tài sản bị chiếm đoạt có giá trị không lớn, nhưng vẫn phải định tội danh trường hợp phạm tội lần này của bị cáo là trường hợp tái phạm nguy hiểm.
Vấn đề xác định tái phạm, tái phạm nguy hiểm đã được Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn cụ thể tại Nghị quyết số 01/2000/NQ- HĐTP ngày 4-8-2000. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy vẫn còn không ít Tòa án định tội danh không đúng về tái phạm, tái phạm nguy hiểm, từ đó dẫn đến việc quyết định hình phạt không phù hợp với tính chất, mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi tái phạm và nhân thân người phạm tội.
Chúng ta có thể nêu ví dụ về một trường hợp định tội danh không đúng đối với tái phạm: ngày 20-7-2000, Nguyễn Văn A điều khiển mô tô loại 100 phân khối trên đường (A có bằng lái xe loại 100 phân khối). A phóng nhanh, vượt ẩu, không làm chủ được tốc độ, nên đã gây ra tai nạn giao thông làm chết một người. A đã có một tiền án, vì ngày 30-7-1997, bị Tòa án xử phạt 9 tháng tù về tội cố ý gây thương tích, phải bồi thường 235.000 đồng và phải chịu án phí. A chấp hành xong hình phạt tù vào tháng 2 năm 1998, chấp hành xong tiền bồi thường, tiền án phí vào ngày 20-5-1998. Khi xét xử A về hành vi phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, Tòa án tỉnh H đã định tội danh A phạm tội lần này là trường hợp tái phạm, nên quyết định áp dụng khoản 1 Điều 202, các điểm b, p khoản 1 Điều 46, điểm g khoản 1 Điều 52 để xử phạt A.
Chúng tôi cho rằng, trong vụ án này, Tòa án tỉnh H xác định A phạm tội lần này là tái phạm là không đúng với quy định tại khoản 1 Điều 49
Về việc chấp hành bản án ngày 30-7-1997: căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 67 Bộ luật hình sự 1999 về cách tính thời hạn để xóa án tích và kết quả thi hành án, thì A đã chấp hành xong bản án từ ngày 20-5-1998.
Về thời hạn để được xóa án tích: theo quy định tại khoản 1 Điều 67 và điểm b khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự 1999, thì kể từ ngày 20-5-1998 đến ngày 20-5-2001 (3 năm), mà A không phạm tội mới, thì A đương nhiên được xóa án tích, nhưng đến ngày 20-7-2000, nghĩa là mới được 26 tháng, A lại phạm tội mới, cho nên A chưa được xóa án tích.
Nhưng A đã phạm tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ được quy định tại khoản 1 Điều 202 Bộ luật hình sự 1999, mà mức cao nhất của khoản này là 5 năm tù. Theo quy định tại khoản 3 Điều 8, thì đây thuộc loại tội phạm nghiêm trọng. Như vậy, mặc dù A có tiền án, chưa được xóa án tích và lại phạm tội mới, nhưng không thể định tội danh A là tái phạm vì A không phạm tội do cố ý hoặc phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do vô ý. Việc Tòa án tỉnh H đã định tội danh A phạm tội lần này là tái phạm là không đúng với khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự 2015.
Về định tội danh không đúng đối với tái phạm nguy hiểm, chúng ta có thể nêu một ví dụ sau: ngày 27-5-2000, Nguyễn Mạnh T có hành vi trộm cắp một chiếc xe đạp. Về nhân thân, T có những tiền án như sau:
– Ngày 21-10-1992, T bị Tòa án xử phạt 15 tháng tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân được thực hiện vào tháng 6 năm 1992.
– Ngày 4-12-1992, bị Tòa án xử phạt 46 tháng tù về tội cướp tài sản của công dân và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân được thực hiện vào ngày 13-8-1992. T đã thi hành xong hình phạt tù của hai bản án vào tháng 6 năm 1996, thi hành tiền bồi thường, tiền án phí vào ngày 28-5-1997.
– Ngày 8-11-2000, Tòa án tỉnh V xét xử T về hành vi trộm cắp xe đạp được thực hiện vào ngày 27- 5-2000. Tòa án tỉnh V định tội danh T phạm tội lần này là tái phạm nguy hiểm.
Chúng tôi cho rằng, việc định tội danh T tái phạm nguy hiểm là không đúng, bởi lẽ, căn cứ vào hồ sơ vụ án, thì ngày 21-10-1992, Tòa án đã xử phạt T về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân được thực hiện vào tháng 6-1992 với mức án là 15 tháng tù giam; ngày 4-12-1992, Tòa án lại xử phạt T về hành vi lừa đảo và hành vi cướp tài sản của công dân được thực hiện vào ngày 13-8-1992. Đây là trường hợp hành vi phạm tội trước xử trước, hành vi phạm tội sau xử sau, nghĩa là trong lần xét xử thứ hai T chưa phải là tái phạm. T đã chấp hành xong hình phạt tù của hai bản án (61 tháng tù) vào tháng 6-1996, chấp hành xong các khoản tiền bồi thường và án phí vào tháng 5 năm 1997, nhưng theo điểm c khoản 2 Điều 64 Bộ luật hình sự 2015, T chưa được đương nhiên xóa án tích, vì chưa hết thời hạn 5 năm (từ ngày 28-5-1997 đến ngày 28-5-2002), T lại phạm tội mới vào ngày 27-5-2000. T chưa được xóa án tích, lại phạm tội trộm cắp tài sản được quy định tại khoản 1 Điều 138 với mức cao nhất của khung hình phạt là 3 năm tù (tội ít nghiêm trọng), cho nên theo quy định tại khoản 2 Điều 53 Bộ luật hình sự 2015, T không phải là tái phạm nguy hiểm (vì hành vi trộm cắp tài sản của T không phải là phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và các hành vi lừa đảo, cướp tài sản chưa phải là hành vi tái phạm). Cho nên, T chỉ bị định tội danh là tái phạm theo khoản 1 Điều 53 Bộ luật hình sự 2015, chứ không phải là tái phạm nguy hiểm như Tòa án tỉnh V đã xét xử.
Định tội danh nói chung và định tội danh đối với nhiều tội phạm nói riêng là một trong những hoạt động quan trọng của các cơ quan tiến hành tố tụng và những người tiến hành tố tụng nhằm áp dụng pháp luật hình sự một cách chính xác để xử lý vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.
Đây là hoạt động tư duy pháp lý phức tạp, vì nó liên quan đến nhiều yếu tố, nhiều tác động tâm lý khác nhau của nhiều chủ thể. Tính phức tạp của việc định tội danh đối với nhiều tội phạm lại càng trở nên bức xúc hơn, khi xung quanh bản chất pháp lý của nhiều tội phạm và các hình thức biểu hiện của nó như phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiểm còn nhiều ý kiến khác nhau và cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật ít quan tâm nghiên cứu về chế định này so với các chế định khác của luật hình sự.
Việc định tội danh đối với phạm nhiều tội, phạm tội nhiều lần và tái phạm, tái phạm nguy hiêm đúng sẽ có ý nghĩa pháp lý hết sức to lớn, là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền đưa ra những phán quyết đúng đắn, đồng thời nó cũng có ý nghĩa về mặt chính trị – xã hội, đạo đức và pháp luật. Định tội danh đúng, bản án có tính khả thi, điều đó sẽ tạo niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật nói riêng và Nhà nước nói chung. Nó cũng bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc công bằng, nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật hình sự… Định tội danh nói chung và định tội danh đối với nhiều tội phạm nói riêng đúng đắn vừa là yêu cầu của pháp luật, vừa là yêu cầu của xã hội và là lương tâm, trách nhiệm của cán bộ các cơ quan bảo vệ pháp luật. Nếu định tội danh đối với nhiều tội phạm sai, thì sẽ dẫn đến một loạt các hoạt động áp dụng pháp luật tiếp theo không chính xác, dễ làm oan người vô tội hoặc bỏ lọt tội phạm. Vì vậy, muốn định tội danh đối với nhiều tội phạm bảo đảm chính xác, phải nắm vững những lý luận chung về định tội danh và đặc điểm của định tội danh trong trường hợp nhiều tội phạm.