Thế nào là đình công hợp pháp? Lao động đình công hợp pháp có được nhận lương không? Quyền và nghĩa vụ của các bên trước và trong quá trình đình công? Các trường hợp đình công bất hợp pháp?
Đình công là một hình thức phản đối các hành vi, quyết định của người sử dụng lao động mang lại những bất lợi, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động, đây là một hiện tượng trong quan hệ lao động, xảy ra khi mâu thuẫn phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động không thể giải quyết bằng các biện pháp thương lượng thông thường. Số vụ đình công diễn ra tại các khu công nghiệp ngày một gia tăng trong những năm gần đây. Vậy khi người lao động đình công thì quyền lợi của người lao động sẽ bị ảnh hưởng thế nào trong thời gian đình công. Lao động đình công hợp pháp có được nhận lương không? Chúng ta cùng tìm hiểu chi tiết trong bài viết dưới đây.
Luật sư tư vấn pháp luật trực tuyến qua tổng đài: 1900.6568
Căn cứ pháp lý:
1. Thế nào là đình công hợp pháp?
1.1. Các trường hợp được tiến hành đình công
Bộ luật lao động 2019 đã quy định rõ về việc đình công tại Điều 198, theo đó: Đình công là sự ngừng việc tạm thời, tự nguyện và có tổ chức của người lao động nhằm đạt được yêu cầu trong quá trình giải quyết tranh chấp lao động và do tổ chức đại diện người lao động có quyền thương lượng tập thể là một bên tranh chấp lao động tập thể tổ chức và lãnh đạo.
Người lao động được tiến hành đình công trong các trường hợp sau:
– Có tranh chấp xảy ra giữa người lao động và người sử dụng lao động mà hòa giải không thành hoặc hết thời hạn hòa giải là năm ngày làm việc mà hòa giải viên lao động không tiến hành hòa giải.
– Trong trường hợp hai bên đồng ý với kết quả hòa giải của hòa giải viên thì việc tranh chấp giữa giữa người lao động và người sử dụng lao động sẽ được gửi đến Ban trọng tài lao động, nếu Ban trọng tài lao động không được thành lập hoặc thành lập nhưng không ra quyết định giải quyết tranh chấp hoặc trong trường hợp người sử dụng lao động là bên tranh chấp không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp của ban trọng tài thì người lao động có thể tiến hành đình công.
1.2. Quy định pháp luật về đình công hợp pháp
Theo quy định của pháp luật hiện hành, một cuộc đình công hợp pháp phải đảm bảo các quy định sau:
– Thứ nhất, đình công hợp pháp phải thuộc các trường hợp người lao động được quyền tiến hành đình công nêu trên.
– Thứ hai, cuộc đình công phải do tổ chức đại diện người lao động có quyền thực hiện tổ chức và lãnh đạo đình công.
– Thứ ba, đình công hợp pháp phải được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
+ Bước 1: Lấy ý kiến đình công
Trước khi tổ chức tiến hành đình công, tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo người lao động đình công có trách nhiệm lấy ý kiến của toàn thể người lao động hoặc các thành viên ban lãnh đạo của các tổ chức đại diện người lao động tham gia thương lượng.
Thực hiện lấy ý kiến của thành viên Ban chấp hành công đoàn cơ sở và tổ trưởng các tổ sản xuất đối với tập thể lao động có tổ chức công đoàn cơ sở. Thực hiện lấy ý kiến của tổ trưởng các tổ sản xuất hoặc của người lao động đối với nơi chưa có tổ chức công đoàn cơ sở.
Ban chấp hành công đoàn quyết định và phải thông báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 01 ngày về thời gian, hình thức lấy ý kiến (bằng phiếu hoặc chữ ký) để đình công. Nội dung lấy ý kiến để đình công bao gồm: Phương án của Ban chấp hành công đoàn về thời điểm bắt đầu đình công, địa điểm đình công; phạm vi tiến hành đình công; yêu cầu của tập thể lao động và ý kiến của người lao động đồng ý hay không đồng ý đình công.
+ Bước 2: Ra quyết định đình công
Tổ chức đại diện người lao động- Ban chấp hành công đoàn ra quyết định đình công bằng văn bản khi có trên 50% số người được lấy ý kiến đình công đồng ý với nội dung lấy ý kiến đình công.
Trong thời hạn ít nhất năm ngày làm việc trước ngày bắt đầu đình công, tổ chức đại diện người lao động thực hiện tổ chức và lãnh đạo người lao động đình công phải gửi văn bản về việc quyết định đình công của người lao động cho người sử dụng lao động, gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện và cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
+ Bước 3: Tiến hành đình công
Khi đã đến thời điểm bắt đầu cuộc đình công, nếu người sử dụng lao động vẫn không chấp nhận giải quyết yêu cầu của người lao động thì tổ chức đại diện người lao động tiến hành tổ chức và lãnh đạo người lao động thực hiện việc đình công.
– Thứ tư, tranh chấp dẫn đến việc đình công của người lao động phải là tranh chấp lao động tập thể chưa được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.
– Thứ năm, các cuộc đình công không thuộc những trường hợp không được đình công thì không được tiến hành đình công ở nơi sử dụng lao động mà việc đình công có thể đe dọa đến quốc phong, an ninh, trật tự công cộng, sức khỏe con người theo quy định của pháp luật.
– Thứ sáu, việc đình công được tổ chức thực hiện khi không có quyết định hoãn đình công hoặc ngừng đình công của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
2. Lao động đình công hợp pháp có được nhận lương không?
Theo quy định tại Điều 198
Trong trường hợp đình công hợp pháp, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong đó có vấn đề về tiền lương đã được pháp luật lao động Việt Nam quy định rõ tại Điều 207 Bộ luật lao động năm 2019, về tiền lương và các quyền lợi hợp pháp khác của người lao động trong thời gian đình công quy định như sau:
“1. Người lao động không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì lý do đình công thì được trả lương ngừng việc theo quy định tại khoản 2 Điều 99 của Bộ luật này và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật về lao động.
2. Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”
Theo đó ta thấy, pháp luật lao động không quy định rõ trong trường hợp đình công hợp pháp hay bất hợp pháp thì được trả lương mà chỉ quy định: “Người lao động tham gia đình công không được trả lương và các quyền lợi khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.” (Khoản 2 Điều 207 Bộ luật lao động năm 2019). Như vậy, ta có thể hiểu, trong trường hợp đình công hợp pháp thì người lao động không được trả lương và các quyền lợi lao động khác theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác bởi lẽ, hành động trực tiếp ngưng làm việc xuất phát từ ý chí đình công của người lao động. Đối với nhân viên không tham gia đình công nhưng phải ngừng việc vì quá trình đình công thì sẽ được trả lương ngừng việc.
3. Quyền và nghĩa vụ của các bên trước và trong quá trình đình công
Người sử dụng lao động và người lao động có quyền tiếp tục thỏa thuận để giải quyết nội dung tranh chấp về lao động tập thể hoặc cùng đề nghị cơ quan quản lý nhà nước về lao động, tổ chức công đoàn và tổ chức đại diện người sử dụng lao động ở cấp tỉnh tiến hành hòa giải tranh chấp lao động.
– Ban chấp hành công đoàn có quyền sau đây:
+ Ban chấp hành công đoàn có quyền rút quyết định đình công trong trường hợp chưa đình công hoặc chấm dứt đình công nếu đang đình công.
+ Ban chấp hành công đoàn có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là hợp pháp.
– Người sử dụng lao động có quyền sau đây:
+ Người sử dụng lao động có quyền chấp nhận toàn bộ hoặc một phần yêu cầu và thông báo về việc đình công bằng văn bản cho Ban chấp hành công đoàn tổ chức, lãnh đạo đình công.
+ Người sử dụng lao động có quyền đóng cửa tạm thời nơi làm việc trong thời gian đình công do không đủ điều kiện để duy trì hoạt động bình thường hoặc để bảo vệ tài sản. Tuy nhiên, người sử dụng lao động không được đóng cửa tạm thời nơi làm việc trước 12 giờ so với thời điểm bắt đầu đình công ghi trong quyết định đình công hoặc sau khi tập thể lao động ngừng đình công.
+ Người sử dụng lao động có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố cuộc đình công là bất hợp pháp.
4. Các trường hợp đình công bất hợp pháp
Theo quy định tại Điều 204 Bộ luật lao đông 2019, các trượng hợp đình công được coi là bất hợp pháp được quy định như sau:
“1. Không thuộc trường hợp được đình công quy định tại Điều 199 của Bộ luật này.
2. Không do tổ chức đại diện người lao động có quyền tổ chức và lãnh đạo đình công.
3. Vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công theo quy định của Bộ luật này.
4. Khi tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết theo quy định của Bộ luật này.
5. Tiến hành đình công trong trường hợp không được đình công quy định tại Điều 209 của Bộ luật này.
6. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công của cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Điều 210 của Bộ luật này.”
Theo đó, các trường hợp đình công không được tổ chức và lãnh đạo bởi tổ chức đại diện người lao động và vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục tiến hành đình công hay đình công trong thời gian tranh chấp lao động tập thể đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết hoặc không thuộc các trường hợp được đình công theo quy định tại Điều 209 của bộ luật lao động thì được coi là đình công bất hợp pháp.