Vụ án dân sự là những tranh chấp của các bên theo quy định của pháp luật, trong quá trình giải quyết, cơ quan có thẩm quyền có thể ra nhiều quyết định khác nhau, trong đó có quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Vậy câu hỏi đặt ra: Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là gì? Ví dụ và hậu quả pháp lý?
Mục lục bài viết
1. Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là gì?
1.1. Khái niệm về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
Đình chỉ việc giải quyết vụ án là một trong những cách thức cơ bản tiến hành tố tụng kết thúc vụ án khi có những căn cứ do pháp luật quy định. Theo Từ điển tiếng Việt thì đình chỉ có nghĩa là: ngừng lại hoặc làm cho phải ngưng lại trong một thời gian vĩnh viễn. Còn theo Từ điển Bách khoa, thì đình chỉ vụ án là việc cơ quan tiến hành tố tụng quyết định kết thúc vụ án khi có những căn cứ luật định. Trong quá trình tố tụng hình sự, thì thuật ngữ đình chỉ vụ án được dùng với nghĩa là một trong những cách thức kết thúc vụ án cho Viện kiểm sát quyết định ở giai đoạn truy tố, và do thẩm phán được phân công chủ tọa phiên tòa quyết định ở giai đoạn chuẩn bị xét xử, do hội đồng xét xử quyết định tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, giám đốc thẩm hoặc tái thẩm. Trong tố tụng dân sự thì thuật ngữ đình chỉ vụ án cũng được dùng với nghĩa là đình chỉ việc giải quyết vụ án.
Đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là một quyết định tố tụng có ý nghĩa và ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tố tụng dân sự của tòa án cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Khi tòa án, mà trực tiếp là thẩm phán được phân công giải quyết vụ án dân sự phát hiện một trong những căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà pháp luật quy định thì thẩm phán sẽ ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự. Khi đó thì vụ án dân sự mà tòa án đang thụ lý sẽ chấm dứt quá trình giải quyết. Nếu như tòa án không ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự mà vẫn tiếp tục giải quyết thì cũng không bảo vệ được quyền lợi của các đương sự và cũng có thể sẽ dẫn đến sự vi phạm pháp luật khác. Khi có quyết định đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự thì các đương sự có thể sẽ không có quyền khởi kiện lại.
Khi tiến hành đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là việc tòa án xóa tên trong sổ thụ lý và không giải quyết vụ án đó nữa. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các trường hợp theo quy định tại Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 hiện hành. Tòa án quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và xóa tên vụ án đó trong sổ thụ lý đồng thời trả lại đơn khởi kiện và các tài liệu chứng cứ kèm theo cho đương sự nếu có yêu cầu. Trong trường hợp này thì tòa án phải sao chụp và lưu lại để làm cơ sở giải quyết khiếu nại và khiếu kiện.
Như vậy, có thể định nghĩa khái quát rằng: Đình chỉ việc giải quyết vụ án dân sự là quyết định tố tụng sau khi thụ lý vụ án dân sự của tòa án có thẩm quyền, làm chấm dứt quá trình giải quyết vụ án dân sự khi phát hiện có một trong các căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định của pháp luật.
1.2. Đặc điểm của đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
Có thể thấy, tuy khái niệm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự được diễn đạt bằng nhiều cách khác nhau nhưng các quan điểm trên đều đưa ra những đặc điểm chung của đình chỉ giải quyết vụ án dân sự, đó là một hình thức thể hiện kết quả của hoạt động thụ lý vụ án, chuẩn bị xét xử và xét xử dựa trên những căn cứ luật định. Theo đó thì đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có những đặc điểm sau đây:
Thứ nhất, việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải dựa vào những căn cứ, thẩm quyền và trình tự thủ tục được quy định theo pháp luật tố tụng dân sự. Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, thì tòa án phải dựa vào những căn cứ đã được quy định trong bộ luật dân sự chứ không thể tùy nghi áp dụng các căn cứ để ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Đồng thời việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự phải do người có thẩm quyền tiến hành theo trình tự và thủ tục luật định.
Thứ hai, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là một hình thức toà án kết thúc quá trình tố tụng trong một giai đoạn tố tụng cụ thể. Hậu quả của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là mọi hoạt động tố tụng dân sự đều phải chấm dứt.
Thứ ba, đình chỉ giải quyết vụ án dân sự là một quyết định tố tụng được áp dụng trong các giai đoạn khác nhau của quá trình giải quyết vụ án dân sự. Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự thì vấn đề đình chỉ tố tụng dân sự ở tòa án cấp sơ thẩm sẽ bao gồm đình chỉ giải quyết vụ án dân sự và đình chỉ xét xử yêu cầu của đương sự.
Thứ tư, về phạm vi hiệu lực của việc đình chỉ vụ án dân sự, khi tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì quyết định này có hiệu lực đối với từng đương sự và các cơ quan tiến hành tố tụng trong vụ án. Nếu trong vụ án có nhiều đồng nguyên đơn hoặc đồng bị đơn và có căn cứ để đình chỉ giải quyết vụ án dân sự nhưng căn cứ đó không liên quan đến tất cả các nguyên đơn và bị đơn thì chỉ chấm dứt tiến hành tố tụng đối với từng nguyên đơn và bị đơn, còn với các nguyên đơn và bị đơn khác thì vẫn tiến hành các hoạt động tố tụng bình thường.
1.3. Ví dụ về đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
Công ty A ký hợp đồng bán cho công ty B 1 tấn thóc. Hợp đồng mua bán đảm bảo theo đúng quy định của pháp luật. Công ty C là chủ thể bảo lãnh thanh toán cho hợp đồng giữa hai công ty A và B. Tuy nhiên đến hạn thanh toán thì công ty B không thể thực hiện đầy đủ được nghĩa vụ của mình và công ty C cũng không thể thực hiện được nghĩa vụ bảo lãnh. Do đó công ty A tiến hành khởi kiện công B trước tòa án nhân dân thành phố D. Trong quá trình thụ lý và giải quyết, có yêu cầu thành phố D mở thủ tục phá sản đối với công ty C. Căn cứ vào quyết định mở thủ tục phá sản theo Điều 71 Luật Phá sản và điểm c khoản 1 Điều 217 Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành thì tòa án nhân dân thành phố D ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án tranh chấp hợp đồng giữa công ty A và công ty B.
2. Hậu quả pháp lí của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
Quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong tố tụng dân sự chưa có hiệu lực pháp luật ngay mà có thể bị kháng cáo, kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm. Nếu không bị kháng cáo hoặc kháng nghị thì quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có hiệu lực pháp luật và làm chấm dứt quan hệ tố tụng. Hơn nữa thì việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự không chỉ chấm dứt về mặt thủ tục và đồng thời nội dung vụ án cũng được giải quyết nhưng bằng phương thức tòa án từ chối phân xử tranh chấp. Khác với các vụ án tại phiên tòa xét xử thì tòa án áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết tranh chấp và tuyên bố sự đúng – sai, trách nhiệm của các đương sự trong vụ án … nhưng khi đình chỉ giải quyết vụ án, tuyên bố tranh chấp giữa các bên đương sự không được giải quyết và không được áp dụng pháp luật nội dung để phân xử tranh chấp giữa các bên. Hệ quả là vụ án bị đình chỉ sẽ làm chấm dứt tố tụng, mặc dù các quyền lợi về mặt nội dung của các đương sự chưa được giải quyết, nhưng các đương sự cũng không thể khởi kiện lại để yêu cầu giải quyết một lần nữa. Tuy nhiên theo quy định 1 Điều 218 của pháp luật tố tụng dân sự hiện hành thì quy định một số ngoại lệ, theo đó, các đối tượng vẫn có thể khởi kiện lại một vụ án mới mặc dù trước đó đã bị đình chỉ giải quyết vụ án.
Đối với trường hợp tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án theo quy định tại Điều 217 thì tiền tạm ứng án phí và được sự đã nộp sẽ được bổ sung vào ngân sách nhà nước.
Đối với trường hợp mà tòa án ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án xuất phát từ lý do người khởi kiện rút toàn bộ yêu cầu khởi kiện khi tiền tạm ứng án phí mà được sự đã nộp cho tòa án sẽ phải được trả lại cho họ.
3. Ý nghĩa và vai trò của việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự:
Thứ nhất, ý nghĩa về mặt chính trị và xã hội. Việc quy định quyền đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong các giai đoạn tiến hành thủ tục góp phần đáp ứng các yêu cầu của nhà nước Việt Nam, trước tiên và quan trọng nhất chính là đảm bảo tính thượng tôn pháp luật trong mọi lĩnh vực của đời sống, trong đó có lĩnh vực tư pháp dân sự. Việc giải quyết vụ án dân sự được thực hiện theo nguyên tắc do Bộ luật Dân sự và Bộ luật Tố tụng dân sự quy định. Việc quy định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự trong Bộ luật Tố tụng dân sự đảm bảo sự công bằng và bình đẳng trong xã hội, đảm bảo trong thủ tục dân sự mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và không phân biệt mọi thành phần. Mọi chủ thể đều bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng trước tòa án. Tòa án có trách nhiệm đảm bảo nguyên tắc bình đẳng trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong tố tụng dân sự và có trách nhiệm bảo đảm cho đương sự thực hiện quyền bảo vệ của họ. Không ai được hạn chế quyền bảo vệ của đương sự trong tố tụng dân sự.
Thứ hai, ý nghĩa thực tiễn. Trong quá trình giải quyết vụ án thì bên cạnh những nguyên nhân khách quan do tính phức tạp của vụ án thì các cơ quan tiến hành tố tụng có thể xử lý thông tin và phân tích các chứng cứ thu thập được trong quá trình tố tụng chưa khoa học, đầy đủ và thận trọng … nên dẫn đến việc vi phạm pháp luật và xét xử không đúng. Việc quy định căn cứ đình chỉ giải quyết vụ án dân sự có ý nghĩa nhằm sửa chữa và khắc phục những sai lầm vi phạm của cơ quan tiến hành tố tụng và đảm bảo quyền lợi hợp pháp của đương sự. Đối với quyết định đình chỉ giải quyết vụ án dân sự thì không chỉ có ý nghĩa nhằm hạn chế tối đa khả năng kéo dài thời gian tố tụng khi không cần thiết mà còn khắc phục hiện tượng tồn động và giảm bớt nhu cầu sử dụng lực lượng, cũng như chi phí vật chất không cần thiết trong hoạt động tố tụng. Mặt khác thì việc đình chỉ giải quyết vụ án dân sự còn là một giải pháp chủ động trong việc đề phòng những oan sai có thể xảy ra trong hoạt động tố tụng.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.