Hiện nay, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư số 08/2023/TT-NHNN quy định rất chặt chẽ về điều kiện vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh. Theo đó, đối tượng không được Chính phủ bảo lãnh gồm: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã,... Bài viết dưới đây sẽ làm rõ điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh:
Mục lục bài viết
1. Điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh:
Các đối tượng áp dụng quy định về điều kiện vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh gồm có: Người cư trú là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được thành lập, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam là bên đi vay nước ngoài (bên đi vay); tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nơi bên đi vay mở tài khoản vay, trả nợ nước ngoài (ngân hàng cung ứng dịch vụ tài khoản).
Thứ nhất, điều kiện chung:
(1) Đối với thỏa thuận vay:
- Thỏa thuận vay nước ngoài sẽ ghi nhận thỏa thuận giữa các bên, trong đó bên cho vay sẽ giao hoặc cam kết giao cho bên đi vay một khoản tiền hoặc tài sản với mục đích xác định trong một thời gian nhất định với nguyên tắc là có hoàn trả cả gốc và cả lãi trong trường hợp có thỏa thuận về lãi.
- Thỏa thuận vay lưu ý phải được lập thành văn bản (nếu là thỏa thuận dưới dạng thông điệp dữ liệu điện tử phải tuân thủ quy định của pháp luật về giao dịch điện tử).
- Thời điểm ký thỏa thuận vay nước ngoài là trước hoặc trong ngày rút vốn khoản vay nước ngoài.
- Việc ký kết thỏa thuận vay nước ngoài vào ngày rút vốn khoản vay nước ngoài chỉ được thực hiện trong các trường hợp dưới đây:
+ Khoản vay nước ngoài phát sinh từ việc chuyển số tiền thực hiện chuẩn bị đầu tư của các dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư thành vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật về quản lý ngoại hối đối với hoạt động vay trả nợ nước ngoài và hoạt động đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
+ Khoản vay ngắn hạn nước ngoài với điều kiện việc giải ngân khoản vay thực hiện sau khi các bên ký kết thỏa thuận vay.
(2) Đối với đồng tiền vay:
+ Đồng tiền vay: phải là ngoại tệ.
+ Khoản vay nước ngoài nếu bằng đồng Việt Nam thì chỉ được thực hiện trong trường hợp: bên đi vay là tổ chức tài chính vi mô; Bên đi vay rút vốn, trả nợ bằng đồng ngoại tệ và nghĩa vụ nợ của khoản vay được xác định bằng đồng Việt Nam; Bên đi vay là doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vay từ nguồn lợi nhuận từ hoạt động đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ Việt Nam của bên cho vay là nhà đầu tư nước ngoài góp vốn tại bên đi vay.
(3) Đối với các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài:
Khi ký kết và thực hiện các giao dịch bảo đảm cho khoản vay nước ngoài bên đi vay và những bên liên quan phải có trách nhiệm đảm bảo việc tuân thủ các quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm cũng như các quy định của pháp luật có liên quan.
(4) Đối với khoản chi phí vay nước ngoài:
Bên đi vay và bên liên quan phải có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật liên quan đến lãi suất vay nước ngoài, các chi phí khác có liên quan đến khoản vay nước ngoài khi thỏa thuận về chi phí vay nước ngoài.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quyết định việc áp dụng điều kiện về chi phí vay nước ngoài và quyết định và công bố mức trần chi phí vay nước ngoài trong từng thời kỳ khi cần thiết với mục đích là điều hành hạn mức vay nước ngoài tự vay, tự trả.
(5) Đối với trường hợp vay nước ngoài của doanh nghiệp nhà nước:
Trường hợp vay này phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương, thẩm định và chấp thuận theo quy định của pháp luật về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước, đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và thực hiện theo pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp.
2. Điều kiện bổ sung đối với việc vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh:
(1) Điều kiện đối với bên đi vay là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
- Mục đích vay:
+ Trường hợp bên đi vay ngắn hạn và trung, dài hạn nước ngoài nhằm phục vụ mục đích để bổ sung nguồn vốn phục vụ hoạt động cấp tín dụng theo tăng trưởng tín dụng của bên đi vay và cơ cấu lại khoản nợ nước ngoài của bên đi vay.
+ Trường hợp bên đi vay trung, dài hạn nước ngoài phải có trách nhiệm chứng minh được mục đích vay thông qua phương án sử dụng vốn vay nước ngoài và phương án cơ cấu nợ tùy từng mục đích vay.
- Giới hạn khoản vay ngắn hạn nước ngoài:
+ Điều kiện vay ngắn hạn nước ngoài là phải đáp ứng được giới hạn vay ngắn hạn nước ngoài tại thời điểm 31/12 của năm liền trước thời điểm phát sinh khoản vay.
- Tỷ lệ bảo đảm an toàn:
+ Bên đi vay phải đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về các tỷ lệ bảo đảm an toàn tại các thời điểm cuối của 03 tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài khi vay ngắn hạn nước ngoài.
+ Bên đi vay có trách nhiệm tuân thủ các quy định của pháp luật về các tỷ lệ bảo đảm an toàn tại các thời điểm cuối của 03 tháng gần nhất trước ngày ký thỏa thuận vay nước ngoài, thỏa thuận thay đổi tăng giá trị khoản vay nước ngoài đến thời điểm cuối tháng gần nhất trước thời điểm gửi đầy đủ hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính theo quy định khi vay trung, dài hạn nước ngoài.
(2) Điều kiện đối với bên đi vay không phải là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài:
- Về mục đích vay:
+ Bên đi vay chỉ được phép sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài nhằm cơ cấu lại các khoản nợ nước ngoài và thanh toán các khoản nợ ngắn hạn phải trả bằng tiền của bên đi vay.
+ Ngoài ra, bên đi vay thuộc đối tượng phải đảm bảo các chỉ tiêu an toàn tài chính theo pháp luật chuyên ngành được sử dụng vốn vay ngắn hạn nước ngoài để phục vụ hoạt động nghiệp vụ của bên đi vay có thời hạn sử dụng vốn không quá 12 tháng kể từ thời điểm rút vốn khoản vay nước ngoài.
- Giới hạn khoản vay:
+ Với trường hợp vay nước ngoài mục đích thực hiện dự án đầu tư thì số dư nợ gốc của các khoản vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay nhằm phục vụ cho dự án đầu tư tối đa không vượt quá giới hạn vay vốn của dự án đầu tư.
Giới hạn phần vay vốn của dự án đầu tư chính là phần chênh lệch giữa tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư với phần vốn góp của nhà đầu tư được ghi nhận tại Giấy chứng nhận đầu tư.
+ Với trường hợp vay nước ngoài để thực hiện kế hoạch sản xuất, kinh doanh, dự án khác của bên đi vay: đối với số dư nợ vay trung, dài hạn trong nước và nước ngoài của bên đi vay nhằm phục vụ cho mục đích này sẽ không được vượt quá tổng nhu cầu vốn vay tại Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
3. Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài được quy định như thế nào?
Phương án sử dụng vốn vay nước ngoài phải có những nội dung cơ bản như sau:
+ Thông tin của bên đi vay, loại hình tổ chức tín dụng, vốn tự có, địa chỉ và Giấy phép thành lập hoạt động của tổ chức tín dụng hoặc các giấy tờ khác có giá trị tương đương, phạm vi ngành nghề sản xuất, kinh doanh hợp pháp liên quan đến mục đích sử dụng vốn vay nước ngoài của bên đi vay.
+ Thông tin cụ thể về mục tiêu kinh doanh, nhu cầu huy động vốn tổng thể và vốn nước ngoài của bên đi vay.
+ Các thông tin về khoản vay nước ngoài dự kiến thực hiện.
+ Nêu rõ mục đích vay nước ngoài.
+ Thông tin về quy mô vay vốn nước ngoài.
+ Các biện pháp quản trị rủi ro phát sinh từ khoản vay nước ngoài đó.
+ Thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng vốn vay nước ngoài; cấp nào có thẩm quyền phê duyệt và căn cứ để xác định thẩm quyền phê duyệt là gì?
+ Thông tin về các nội dung khác.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
Thông tư số 08/2023/TT-NHNN quy định về điều kiện vay nước ngoài không được chính phủ bảo lãnh.
THAM KHẢO THÊM: