Điều kiện cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài? Thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam? Thời hạn của thẻ tạm trú là bao nhiêu lâu?
Hoạt động sinh sống của người nước ngoài tại Việt Nam luôn được Nhà nước Việt Nam quản lý chặt chẽ. Bên cạnh việc đăng ký thường trú tại Việt Nam, thì người nước ngoài khi tạm trú tại Việt Nam cũng phải tiến hành hoạt động đăng ký tạm trú. Hiện Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và các văn bản hướng dẫn đã quy định về những điều kiện, thủ tục và thời hạn tạm trú cho người nước ngoài.
Luật sư
* Cơ sở pháp lý:
– Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019;
– Thông tư số 31/2015/TT- BCA hướng dẫn một số nội dung về cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, cấp giấy phép xuất nhập cảnh, giải quyết thường trú cho người nước ngoài tại Việt Nam;
– Thông tư số 04/2016/TT- BNG hướng dẫn thủ tục cấp thị thực, cấp thẻ tạm trú, gia hạn tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam thuộc thẩm quyền của Bộ Ngoại giao.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài:
Quản lý cư trú bao gồm quản lý tạm trú đối với người nước ngoài vào Việt Nam có thời hạn và quản lý thường trú đối với người nước ngoài làm ăn, sinh sống tại Việt Nam. Việc quản lý Nhà nước, thông qua quản lý cư trú cơ quan quản lý có thể biết được tình hình hoạt động cụ thể của người nước ngoài tại các địa phương (cư trú ở đâu, làm gì, cơ quan nào quản lý, hướng dẫn) và kịp thời kiến nghị với các cơ quan, đơn vị chủ quản những vấn đề liên quan đến quản lý đoàn vào, đảm bảo ban toàn và thuận lợi cho người nước ngoài, hướng họ hoạt động đúng phạm vi đã đăng ký và được cơ quan có thẩm quyền cho phép, kịp thời phát hiện và xử lý số nhập cảnh trái phép, số ở quá hạn tạm trú, luồn lách hoạt động ngoài mục đích đã đăng ký, số thực hiện các hành vi trái pháp luật; xét giải quyết những đề nghị của khác về việc gia hạn tạm trú, bổ sung, điều chỉnh mục đích hoạt động,…
Về đối tượng được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam, thì đối tượng được cấp thẻ tạm trú trước tiên phải là người nước ngoài. Tại Khoản 1 Điều 3 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định: “Người nước ngoài là người mang giấy tờ xác định quốc tịch nước ngoài và người không quốc tịch nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam.” Theo quy định này, thì người nước ngoài bao gồm hai loại là người có quốc tịch nước ngoài và người không có quốc tịch.
Quốc tịch nước ngoài là quốc tịch một nước khác không phải là quốc tịch Việt Nam. Như vậy, nhóm người nước ngoài đề cập đến ở đây bao gồm người mang quốc tịch của một quốc gia khác hoặc người mang nhiều quốc tịch nhưng không có quốc tịch Việt Nam. Còn người không quốc tịch là người không có quốc tịch Việt Nam cũng không có quốc tịch Việt Nam. (Điều 3
Tại Điều 36 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định về các đối tượng được cấp thẻ tạm trú bao gồm:
“1. Các trường hợp được cấp thẻ tạm trú bao gồm:
a) Người nước ngoài là thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ;
b) Người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT.”
Theo quy định này, thì các đối tượng được cấp thẻ tạm trú tại Việt Nam ngoài thỏa mãn điều kiện là người nước ngoài, không mang quốc tịch Việt Nam, thì còn phải thuộc nhóm đối tượng nhất định. Cụ thể thì có hai nhóm đối tượng:
– Thứ nhất là nhóm được cấp thị thực kí hiệu NG3- thành viên cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế thuộc Liên hợp quốc, tổ chức liên chính phủ tại Việt Nam và vợ, chồng, con dưới 18 tuổi, người giúp việc cùng đi theo nhiệm kỳ. Nhóm đối tượng này có thể xác định việc cư trú ở Việt Nam theo thời hạn đã được xác định từ trước là xác định theo nhiệm kỳ. Sau khi hết nhiệm kì, họ có thể sẽ không ở lại Việt Nam mà đi đến nơi khác, khi đó, việc cấp thẻ tạm trú cho nhóm đối tượng này là hoàn toàn hợp lý. Thông thường, nhiệm kỳ này có thể kéo dài từ 3-5 năm. Kể cả trong trường hợp họ tiếp tục được bổ nhiệm, thực hiện hoạt động trong nhiệm kỳ tiếp theo tại Việt Nam, thì họ vẫn cư trú ở Việt Nam theo dạng tạm trú.
– Thứ hai, nhóm đối tượng được cấp thị thực người nước ngoài nhập cảnh bằng thị thực có ký hiệu LV1, LV2, LS, ĐT1, ĐT2, ĐT3, NN1, NN2, DH, PV1, LĐ1, LĐ2, TT, các loại thị thực tương ứng với các đối tượng Điều 8 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019, nhóm đối tượng này bao gồm các chủ thể như làm việc tại cơ quan nhà nước, luật sư, nhà đầu tư, người đại diện, người lao động,…. và gia đình đi cùng các cá nhân này. Việc cấp thẻ tạm trú trong các trường hợp này dựa trên việc các cá nhân này đến Việt Nam đề hành nghề, thực hiện các công việc nhất định, tuy nhiên, thông thường họ chỉ đến Việt Nam trong một thời hạn nhất định, không có ý định sinh sống lâu dài, đặc biệt nhóm chủ thể này không có quyền sở hữu quyền sử dụng đất tại Việt Nam- quyền năng có ảnh hưởng đặc biệt đến sự cư trú của cá nhân.
2. Thủ tục cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài tại Việt Nam:
Để được cấp thẻ tạm trú, thì cá nhân phải tiến hành thực hiện chuẩn bị hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú. Nghĩa vụ chuẩn bị hồ sơ này sẽ thuộc về cơ quan mời, bảo lãnh người nước ngoài đối với cả trường hợp người nước ngoài được cấp thị thực NG3 và các trường hợp còn lại.
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 và văn bản hướng dẫn thì các giấy tờ sẽ bao gồm:
– Văn bản đề nghị của cơ quan, tổ chức, cá nhân làm thủ tục mời, bảo lãnh. Đối với người nước ngoài được cấp thị thực NG3 thì giấy tờ này chính là Công hàm đề nghị cấp thẻ tạm trú của cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam (Điều a, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 04/2016/TT- BNG); còn các trường hợp khác thì văn bản theo mẫu NA6 và NA8 sử dụng cho cơ quan, tổ chức; NA7 và NA8 sử dụng cho cá nhân ban hành tại Thông tư số
– Tờ khai đề nghị cấp thẻ tạm trú có dán ảnh, lưu ý đối với ảnh chụp ở đây phải là ảnh chụp chân dung trong vòng 6 tháng trở về trước tính từ thời điểm nộp hồ sơ.
– Hộ chiếu. Hộ chiếu trong trường hợp này cũng phải đảm bảo còn hiệu lực, còn giá trị sử dụng.
– Giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp cấp thị thực NG3. Trong trường hợp là biên chế được bổ sung thì cần có công hàm của Bộ Ngoại giao nước cử thông báo về việc tăng biên chế (điểm d, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 04/2016/TT- BNG)
Sau khi chuẩn bị xong hồ sơ thì chủ thể chuẩn bị hồ sơ sẽ tiến hành nộp hồ sơ lên cơ quan có thẩm quyền. Cụ thể thì tại Khoản 2 điều 37 Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2014, sửa đổi bổ sung năm 2019 quy định như sau:
“a) Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự hoặc cơ quan khác được ủy quyền của nước ngoài tại Việt Nam gửi hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú ký hiệu NG3 tại cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao;
b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân mời, bảo lãnh trực tiếp nộp hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú cho người nước ngoài thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều 36 của Luật này tại cơ quan quản lý xuất nhập cảnh nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.
c) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh hoặc cơ quan có thẩm quyền của Bộ Ngoại giao xem xét cấp thẻ tạm trú.”
Theo quy định này và các văn bản hướng dẫn có thể xác định được cơ quan có thẩm quyền cấp thẻ tạm trú đó chính là: đối với người nước ngoài được cấp thị thực NG3 thì cơ quan có thẩm quyền đó là Cục Lễ tân Nhà nước, Bộ Ngoại giao và Sở Ngoại vụ Thành phố Hồ Chí Minh; còn các trường hợp còn lại thì thẩm quyền sẽ thuộc về Cục Quản lý xuất nhập cảnh hoặc Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh đặt trụ sở hoặc nơi cá nhân mời, bảo lãnh cư trú.
Sau khi nhận được hồ sơ đề nghị cấp thẻ tạm trú thì các cơ quan có thẩm quyền này sẽ tiến hành kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, yêu cầu sửa đổi, bổ sung trong trường hợp cần thiết và tiến hành cấp thẻ cư trú trong vòng 05 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ.
3. Thời hạn của thẻ tạm trú là bao nhiêu lâu?
Điều 38 quy định về thời hạn của thẻ tạm trú quy định như sau:
“1. Thời hạn thẻ tạm trú được cấp ngắn hơn thời hạn còn lại của hộ chiếu ít nhất 30 ngày.
2. Thẻ tạm trú có ký hiệu ĐT1 có thời hạn không quá 10 năm.
3. Thẻ tạm trú có ký hiệu NG3, LV1, LV2, LS, ĐT2 và DH có thời hạn không quá 05 năm.
4. Thẻ tạm trú có ký hiệu NN1, NN2, ĐT3, TT có thời hạn không quá 03 năm.
5. Thẻ tạm trú có ký hiệu LĐ1, LĐ2 và PV1 có thời hạn không quá 02 năm.”
Như vậy, quy định này đã xác định về thời hạn của thẻ tạm trú, đối với từng loại tạm trú sẽ có thời hạn riêng biệt. Đối với các loại thẻ tạm trú không được liệt kê trong quy định này sẽ được xác định từ 01 năm đến 03 năm nhưng phải nhỏ hơn thời hạn có giá trị của hộ chiếu 30 ngày.