Hiện nay, cùng với sự hội nhập nền kinh tế - xã hội với quốc tế các mặt hàng được nhập khẩu vào Việt Nam ngày càng lớn do vậy đất nước ta đã có những quy định pháp luật về thuế, trình tự thủ tục hồ sơ nhập khẩu hàng hóa,... Thực tế, vấn đề thuế đặc biệt là hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu chính là vấn đề mà nhiều quý bạn đọc quan tâm đến.
Mục lục bài viết
1. Hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu:
Hiện nay, các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa dịch vụ, doanh nghiệp ngoài việc nộp thuế nhập khẩu thì các doanh nghiệp cần tiến hành nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào. Số thuế giá trị gia tăng đầu vào cần phải đáp ứng điều kiện tương ứng được được hoàn lại cho doanh nghiệp trong các trường hợp nhất định hoặc được khấu trừ theo số thuế đầu ra phát sinh trong kỳ.
Các trường hợp hàng hóa nhập khẩu và quy định hoàn thuế tương ứng gồm:
1.1. Hàng nhập khẩu tiêu dùng trong nước:
Các doanh nghiệp tiến hành nhập khẩu hàng hóa nhằm mục đích kinh doanh thương mại bán ra trong nước và thực hiện việc tiêu dùng nội bộ trong doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp phải thực hiện nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào theo quy định của pháp luật.
Doanh nghiệp thỏa mãn các điều kiện trên, xét hoàn thuế với hàng hóa nhập khẩu sau đó bán ra trong nước khi còn dư số thuế giá trị gia tăng đầu vào lũy kế chưa khấu trừ hết sau 4 quý tính từ quý đầu tiên hoặc sau 12 tháng tính từ tháng đầu tiên.
1.2. Hàng nhập khẩu để sản xuất gia công hàng xuất khẩu:
Đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất gia công hàng xuất khẩu có 2 trường hợp sau đây:
Trường hợp 1: Doanh nghiệp tiến hành việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất gia công xuất khẩu không theo hợp đồng ký kết với bên nước ngoài.
Theo quy định thì các loại hàng hóa nguyên liệu doanh nghiệp nhập khẩu không theo hợp đồng không thuộc đối tượng không chịu thuế. Theo đó, doanh nghiệp cần phải tiến hành kê khai nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu theo quy định, khi xuất khẩu chịu thuế suất 0% và được hoàn thuế giá trị gia tăng tại khâu xuất khẩu.
Trường hợp 2: Doanh nghiệp tiến hành việc nhập khẩu nguyên liệu sản xuất gia công xuất khẩu theo hợp đồng ký kết với bên nước ngoài
Căn cứ theo quy định tại Khoản 20 Điều 4 Thông tư 219/2013-TT/BTC quy định các đối tượng thuộc diện không chịu thuế giá trị gia tăng có đề cập như sau:
Hàng hóa chuyển khẩu, quá cảnh qua lãnh thổ Việt Nam; hàng tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu; nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu theo hợp đồng sản xuất, gia công xuất khẩu ký kết với bên nước ngoài.
Theo quy định nêu trên thì hàng hóa nhập khẩu theo quy định trên hợp đồng ký kết với bên nước ngoài chính là đối tượng thuộc diện không chịu thuế. Như vậy, các doanh nghiệp trong trường hợp đã nộp thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu được hoàn lại số thuế đã nộp.
Trong trường hợp mà doanh nghiệp xuất khẩu nếu đã nộp thuế giá trị gia tăng đầu ra, tương ứng thì sẽ được hoàn số thuế đó.
1.3. Hàng nhập khẩu sau đó xuất khẩu:
Căn cứ theo Khoản 6 Điều 1 Nghị định số 100/2016-NĐ/CP quy định các cơ sở kinh doanh không được hoàn thuế đối với trường hợp hàng hóa nhập khẩu sau đó xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan và các văn bản hướng dẫn. Như vậy, theo quy định nêu trên trong trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu hàng sau đó xuất khẩu, hoặc hàng hóa không xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định: doanh nghiệp không được hoàn số thuế giá trị gia tăng đã nộp tại khâu nhập khẩu.
1.4. Hàng nhập khẩu tái xuất trả chủ hàng:
– Theo quy định đối với doanh nghiệp đã nộp thuế giá trị gia tăng tại khâu nhập khẩu tuy nhiên sau đó xuất trả hàng trả lại chủ hàng thì đối với tờ khai xuất khẩu đăng ký trước ngày 01/07/2016 thì cơ quan Hải quan thực hiện xử lý tiền thuế giá trị gia tăng phải nộp thừa theo đúng quy định, cụ thể căn cứ theo quy định tại Khoản 13 Điều 1 Luật Quản lý thuế sửa đổi, bổ sung một số điều của luật quản lý thuế thì Người nộp thuế có số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp đã nộp lớn hơn số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp đối với từng loại thuế trong thời hạn mười năm, kể từ ngày nộp tiền vào ngân sách nhà nước thì được trừ vào số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt phải nộp của lần nộp thuế tiếp theo hoặc được bù trừ số tiền thuế, tiền chậm nộp, Tiền phạt nộp thừa với số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ, kể cả việc bù trừ giữa các loại thuế với nhau; hoặc hoàn trả số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt nộp thừa khi người nộp thuế không còn nợ tiền chậm nộp, tiền phạt, tiền thuết.
Đối với các trường hợp người nộp thuế yêu cầu trả lại số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp mà nộp thừa thì cơ quan quản lý thuế phải ra quyết định trả lại số tiền phạt, tiền thuế, tiền chậm nộp nộp thừa hoặc kể từ ngày nhận được văn bản yêu cầu thì cần phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do không hoàn trả trong thời hạn năm ngày làm việc.
– Đối với tờ khai xuất khẩu đăng ký từ ngày 01/07/2016 đến 01/02/2018 thì doanh nghiệp không được hoàn thuế mà phải thực hiện khấu trừ thuế khi tập hợp đủ các chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng trong khâu nhập khẩu, chứng từ tờ khai nhập khẩu, tờ khai xuất trả, biên bản thỏa thuận trả hàng hóa và các doanh nghiệp này phải đáp ứng được điều kiện về chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.
– Đối với các tờ khai xuất khẩu đăng ký sau ngày 01/02/2018 thì theo quy định cơ quan Hải quan xử lý giống với các tờ khai đăng ký trước ngày 01/07/2016.
1.5. Hàng nhập khẩu nộp nhầm thuế, nộp thừa:
– Trong trường hợp người nhập khẩu không đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ: số thuế nộp nhầm, số thuế nộp thừa thì sẽ được hoàn lại cho người nhập khẩu.
Trong trường hợp hàng hóa nhập khẩu thông qua ủy thác thì bên nhận ủy thác là bên được hoàn thuế giá trị gia tăng.
– Trong trường hợp người nhập khẩu đã đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ: số thuế nộp nhầm, số thuế nộp thừa sẽ được tính vào số thuế giá trị gia tăng đầu vào được khấu trừ. Trong trường hàng hóa nhập khẩu thông qua ủy thác thì theo quy định bên nhận ủy thác được khấu trừ thuế.
2. Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC quy định điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu như sau:
Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC phải đáp ứng điều kiện sau đây:
i) Là cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ;
ii) Được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy phép đầu tư (giấy phép hành nghề) hoặc quyết định thành lập của cơ quan có thẩm quyền;
iii) Có con dấu theo đúng quy định của pháp luật;
iv) Thực hiện việc lập và lưu giữ chứng từ kế toán, sổ kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán;
v) Có tài khoản tiền gửi tại ngân hàng theo mã số thuế của cơ sở kinh doanh.
Các cơ sở kinh doanh, tổ chức thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại điểm 1, 2, 3, 4, 5 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC cụ thể được quy định như sau:
– Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế nếu có số thuế thuế giá trị gia tăng đầu vào chưa được khấu trừ hết trong quý đối với trường hợp kê khai theo quý hoặc trong tháng đối với trường hợp kê khai theo tháng thì được khấu trừ vào kỳ tiếp theo.
– Đối với các cơ sở kinh doanh có số thuế giá trị gia tăng chưa được khấu trừ hết đối với trường hợp kê khai theo tháng mà phát sinh trước kỳ tính thuế tháng 7/2016 hoặc đối với trường hợp kê khai theo quý trước kỳ tính thuế quý 3/2016 đủ điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng theo hướng dẫn tại khoản 1 Điều 18
– Đối với các cơ sở kinh doanh mới thành lập từ dự án đầu tư đã đăng ký kinh doanh, đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ, hoặc dự án tìm kiếm thăm dò và phát triển mỏ dầu khí đang trong giai đoạn đầu tư, chưa đi vào hoạt động, trường hợp có thời gian đầu tư từ 01 năm trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng của dịch vụ, hàng hóa sử dụng cho đầu tư theo từng năm, trừ trường hợp hướng dẫn tại điểm c Khoản 3 Điều 18 Thông tư 219/2013/TT-BTC.
Đối với các trường hợp số thuế giá trị gia tăng lũy kế của dịch vụ, hàng hóa mua vào sử dụng cho đầu tư từ 300 triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng.
Do vậy, trong trường hợp số thuế giá trị gia tăng đầu vào của dịch vụ, hàng hóa xuất khẩu đã tính phân bổ như trên nếu số thuế giá trị gia tăng đầu vào của hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu chưa được khấu trừ từ 300.000.000 đồng trở lên thì cơ sở kinh doanh được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng/quý hoặc chưa được khấu trừ nhỏ hơn 300.000.000 đồng thì cơ sở kinh doanh không được xét hoàn thuế theo tháng/quý mà kết chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo;
3. Thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 3 Điều 19 Thông tư 219/2013/TT-BTC thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng hàng nhập khẩu thì thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành. Cụ thể:
Căn cứ theo quy định tại Thông tư 156/2013/TT-BTC, hoàn thuế GTGT được thực hiện theo các bước sau:
Bước 1: Quý bạn đọc chuẩn bị 01 bộ hồ sơ bao gồm các loại giấy tờ sau đây:
(1) Giấy đề nghị hoàn trả Khoản thu ngân sách nhà nước theo Mẫu 01/ĐNHT ban hành kèm theo Thông tư 156/2013/TT-BTC;
(2) Các tài liệu liên quan đến yêu cầu hoàn thuế, quý bạn đọc cần lưu ý rằng đối với mỗi trường hợp được hoàn thuế giá trị gia tăng là khác nhau;
Hoàn thuế giá trị gia tăng đối với hàng nhập khẩu thì cần có:
i) Hợp đồng mua bán, gia công;
ii) Tờ khai hải quan;
iii) Chứng từ thanh toán qua ngân hàng,…
Bước 2: Tiến hành nộp hồ sơ hoàn thuế
Quý bạn đọc cần nộp hồ sơ hoàn thuế tại cơ quan hải quan có thẩm quyền hoàn thuế hoặc tại cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Người nộp thuế được gửi hồ sơ hoàn thuế điện tử hoặc nộp trực tiếp tại cơ quan thuế hoặc gửi qua đường bưu chính.
Bước 3:
Căn cứ theo quy định tại Khoản 1 Điều 59 Thông tư 156/2017/TT-BTC, Cục Thuế cần phải căn cứ vào lập Lệnh hoàn trả khoản thu ngân sách nhà nước, Quyết định hoàn thuế; Căn cứ Quyết định hoàn thuế kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước, lập Lệnh hoàn trả kiêm bù trừ thu ngân sách nhà nước gửi Kho bạc nhà nước đồng cấp.
Các văn bản pháp luật được sử dụng trong bài viết:
–
– Thông tư 156/2017/TT-BTC hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế và
– Thông tư 219/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật thuế giá trị gia tăng và Nghị định 209/2013/NĐ-CP do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều luật thuế giá trị gia tăng;
– Thông tư 130/2016/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 100/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế sửa đổi và sửa đổi các Thông tư về thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành;