Điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa? Thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa?
Hiện nay vấn đề được đặt ra khi tiến hành chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa chủ yếu được thực hiện khi đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng giá trị cao. Qua đó có thể tạo động lực cho người dân khai thác tiềm năng và tăng thu nhập.
Mục lục bài viết
1. Điều kiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:
Trồng trọt là một trong những lĩnh vực chủ chốt của ngành nông nghiệp. Giá trị sản xuất của ngành trồng trọt chiếm từ 64-68% giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Trồng trọt còn là lĩnh vực mang tính đặc thù, bởi đây là lĩnh vực trải dài trên một không gian rộng lớn, có yếu tố mùa vụ, chịu tác động trực tiếp của thời tiết, khí hậu và đặc biệt là những bất lợi do biến đổi khí hậu mang lại. Trong bối cảnh nông nghiệp đang được đẩy mạnh, trong đó có chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao giá trị hàng hoá nông sản xuất khẩu và chuyển giao công nghệ tiên tiến, giống cây, giống con có năng suất, chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, lĩnh vực trồng trọt chú trọng đến chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng và hiệu quả.
Điều đó thể hiện ở việc giảm diện tích cây trồng hàng năm không hiệu quả sang cây trồng khác cho giá trị kinh tế cao hơn như chuyển đổi diện tích trồng lúa bị hạn hán, nhiễm mặn hoặc kém hiệu quả sang trồng rau, màu, cây công nghiệp lâu năm và cây ăn quả tạo ra những sản phẩm có thị trường tiêu thụ cả trong và ngoài nước với giá trị thu được cao hơn trồng lúa. Đối với từng loại cây, vừa cơ cấu lại diện tích vừa thay đổi giống cây trồng phù hợp cho năng suất cao và chất lượng sản phẩm tốt. Nhờ vậy mà hiệu quả sản xuất trên 1 đơn vị diện tích không ngừng tăng lên qua các năm, giá trị sản phẩm thu được trên 1 ha đất trồng trọt tăng từ 82,6 triệu đồng/ha năm 2015 lên 97,1 triệuđồng/ha năm 2019.Năm 2015, diện tích cây hàng năm chiếm 78,3% tổng diện tích cây trồng các loại, cây lâu năm chiếm 21,7%, trong đó cây ăn quả chiếm 5,5%, đến năm 2020 diện tích cây hàng năm giảm xuống còn 75,1% và diện tích cây lâu năm tăng lên là 24,9%, trong đó cây ăn quả đạt 7,8%.
Khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa phải đáp ứng những yêu cầu, điều kiện nhất định nhằm bảo đảm sử dụng đất có hiệu quả nhưng không sai mục đích sử dụng đất.
Trước khi tìm hiểu thủ tục hành chính về việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm, cần nắm được các điều kiện để có thể thực hiện việc chuyển đổi này. Việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây hàng năm/trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản đều được xếp vào chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa, hoạt động này chịu sự điều chỉnh của Luật Trồng trọt năm 2018 và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Căn cứ khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt 2018 và khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP ngày 13/12/2019 của Chính phủ hướng dẫn Luật Trồng trọt về giống cây trồng và canh tác, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa phải đáp ứng một số yêu cầu, điều kiện như sau:
– Phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt.
– Không làm mất đi các điều kiện để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.
– Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20% diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm (1,2 mét) so với mặt ruộng.
Điều kiện 1: Phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương, nhu cầu thị trường, điều kiện nguồn nước và khí hậu.
Việc chuyển đổi phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Kế hoạch chuyển đổi này được ban hành và cụ thể hóa từ trung ương đến địa phương, cụ thể như sau:
– Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên phạm vi toàn quốc;
– UBND cấp tỉnh ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên phạm vi toàn tỉnh;
– UBND cấp huyện ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên phạm vi toàn huyện;
– UBND cấp xã ban hành Kế hoạch chuyển đổi trên phạm vi địa bàn.
Điều kiện 2: Hình thành vùng sản xuất tập trung theo từng cây trồng gắn với dồn điền, đổi thửa, liên kết sản xuất theo chuỗi.
Điều kiện 3: Bảo đảm khai thác hiệu quả cơ sở hạ tầng sẵn có; phù hợp với quy hoạch và định hướng hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Điều kiện 4: Không làm mất đi điều kiện cần thiết để trồng lúa trở lại; không làm biến dạng mặt bằng, không gây ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa; không làm hư hỏng công trình giao thông, công trình thủy lợi phục vụ trồng lúa.
Điều kiện 5: Trường hợp chuyển trồng lúa sang trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản, được sử dụng tối đa 20 diện tích đất trồng lúa để hạ thấp mặt bằng nuôi trồng thủy sản với độ sâu không quá 120 cm so với mặt ruộng.
Như vậy ta thấy rằng đối với vấn đề chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao chất lượng hiệu quả đang khẳng định tính thiết thực, đúng đắn nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chuyển đổi thành công đã góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại, tăng thu nhập cho nông dân và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
2. Thủ tục chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa:
Như chúng ta đã biết thì vấn đề chuyển đổi cơ cấu cây trồng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước, Chính phủ, nhằm góp phần tăng thu nhập cho người dân ở nông thôn, tạo điều kiện cho bà con tận dụng tối đa lợi thế về đất đai, khí hậu để phát triển kinh tế, góp phần đa dạng hóa sản xuất nông nghiệp, thích ứng với biến đổi khí hậu…
Khoản 3 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục, thẩm quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa như sau:
Bước 1: Gửi hồ sơ
Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển đổi sang trồng cây hàng năm, trồng lúa kết hợp nuôi trồng thủy sản; hộ gia đình, cá nhân trong nước sử dụng đất trồng lúa hợp pháp có nhu cầu chuyển sang trồng cây lâu năm gửi 01 bản đăng ký đến UBND cấp xã (xã, phường, thị trấn) theo Mẫu số 04.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP.
Bước 2: Tiếp nhận và xử lý yêu cầu
– Trường hợp bản đăng ký chuyển đổi không hợp lệ, trong thời gian 03 ngày làm việc, UBND cấp xã phải hướng dẫn cho tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, bổ sung bản đăng ký.
– Nếu bản đăng ký chuyển đổi hợp lệ và phù hợp với kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa của UBND cấp xã, trong thời gian 05 ngày làm việc, UBND cấp xã có ý kiến “Đồng ý cho chuyển đổi”, đóng dấu vào bản đăng ký, vào sổ theo dõi và gửi lại cho người sử dụng đất.
– Trường hợp không đồng ý, UBND cấp xã phải trả lời bằng văn bản cho người dân theo Mẫu số 05.CĐ Phụ lục X ban hành kèm theo Nghị định số 94/2019/NĐ-CP.
3. Mức xử phạt khi vi phạm
Điều 13 Nghị định số 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định mức xử phạt vi phạm hành chính khi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa không đúng quy định như sau:
* Mức phạt tiền
– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa có đủ điều kiện theo quy định nhưng không đăng ký với UBND cấp xã thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 01 – 02 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;
+ Phạt tiền từ 02 – 05 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
+ Phạt tiền từ 05 – 10 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên.
– Chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa vi phạm yêu cầu, điều kiện như tại mục 1 ở trên thì hình thức và mức xử phạt như sau:
+ Phạt tiền từ 02 – 04 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng dưới 0,5 héc ta;
+ Phạt tiền từ 04 – 08 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
+ Phạt tiền từ 08 – 15 triệu đồng nếu diện tích đất chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ 01 héc ta trở lên.
Lưu ý: Mức xử phạt trên đây áp dụng đối với hộ gia đình, cá nhân, mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính.
* Biện pháp khắc phục hậu quả
Ngoài việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm sẽ bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả như sau:
– Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm (nếu không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Trồng trọt 2018 và khoản 1 Điều 13 Nghị định số 94/2019/NĐ-CP).
– Buộc đăng ký việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng với UBND cấp xã đối với trường hợp đủ điều kiện.