Theo quy định về quảng cáo, đối với việc kinh doanh thực phẩm chức năng phải xin giấy phép quảng cáo. Dưới đây là quy định về điều kiện, thủ tục cấp phép quảng cáo thực phẩm chức năng:
Mục lục bài viết
1. Thế nào là thực phẩm chức năng:
Thực phẩm được hiểu là sản phẩm được tạo ra để con người ăn, uống ở dạng tươi sống hoặc đã qua sơ chế, chế biến, bảo quản (căn cứ theo quy định tại Khoản 20 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm 2010). Thực phẩm sẽ không bao gồm mỹ phẩm, thuốc lá cũng như các chất sử dụng như dược phẩm.
Theo quy định tại Khoản 23 Điều 2 Luật an toàn thực phẩm 2010, thực phẩm chức năng được hiểu là loại thực phẩm với mục đích dùng để hỗ trợ chức năng của cơ thể con người, giúp cho con người có một thể trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ mắc bệnh, trong đó bao gồm:
+ Thực phẩm dinh dưỡng y học.
+ Thực phẩm bảo vệ sức khoẻ.
+ Thực phẩm bổ sung.
2. Điều kiện để quảng cáo thực phẩm chức năng:
Căn cứ theo quy định tại Điều 20
– Quảng cáo về hoạt động kinh doanh hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và có đăng ký ngành nghề kinh doanh thực phẩm chức năng.
– Quảng cáo về thực phẩm chức năng phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm đó theo đúng quy định.
– Đảm bảo có Giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
– Cụ thể nội dung quảng cáo thực phẩm phải bao gồm:
+ Tên thực phẩm chức năng.
+ Thông tin của cá nhân, tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường bao gồm tên và địa chỉ.
+ Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có).
+ Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
– Không được quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc.
– Khi thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung:
+ Tên thực phẩm chức năng.
+ Tác dụng chính và các tác dụng phụ (nếu có).
+ Khuyến cáo “Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.
3. Hồ sơ, thủ tục cấp phép quảng cáo thực phẩm chức năng:
3.1. Hồ sơ cấp phép quảng cáo thực phẩm chức năng:
Theo quy định tại Khoản 2 Điều 13
– Văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo (theo mẫu tại Phụ lục 01 ban hành kèm theo Thông tư 09/2015/TT-BYT).
– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp hoặc giấy phép thành lập văn phòng đại diện của thương nhân nước ngoài.
– Nội dung đề nghị xác nhận quảng cáo:
+ 01 bản ghi nội dung quảng cáo dự kiến trong đĩa hình, đĩa âm thanh, file mềm kèm theo 03 bản kịch bản dự kiến quảng cáo, miêu tả rõ nội dung, phương tiện dự kiến quảng cáo, phần hình ảnh (đối với báo hình), phần lời, phần nhạc: đối với quảng cáo trên báo nói, báo hình.
+ Có 03 bản ma-két nội dung dự kiến quảng cáo in mầu kèm theo file mềm ghi nội dung dự kiến quảng cáo: đối với trường hợp quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo không phải báo nói, báo hình.
+ Đối với trường hợp quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện:
Mẫu quảng cáo đã được duyệt nội dung thì phải có mẫu quảng cáo sử dụng trong chương trình đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt còn hiệu lực.
Chương trình có ghi rõ tên nội dung báo cáo, thời gian.
Địa điểm tổ chức.
Nội dung bài báo cáo và tài liệu trình bày.
Bảng kê tên, chức danh khoa học, trình độ chuyên môn của báo cáo viên, cụ thể là phải có bằng cấp chuyên môn về y dược hoặc lĩnh vực liên quan từ đại học trở lên.
– Trong trường hợp pháp luật quy định nhãn sản phẩm phải được cơ quan y tế có thẩm quyền duyệt thì phải có mẫu nhãn sản phẩm hoặc mẫu nhãn sản phẩm đã được cơ quan y tế có thẩm quyền chấp thuận.
– Nếu có ủy quyền thì phải có văn bản ủy quyền.
– Tài liệu tham khảo, chứng minh, xác thực thông tin trong nội dung quảng cáo.
3.2. Thủ tục cấp phép quảng cáo thực phẩm chức năng:
Bước 1: Nộp hồ sơ:
Hồ sơ được nộp trực tiếp tại Cục an toàn thực phẩm thuộc Bộ Y tế.
Bước 2: Tiếp nhận hồ sơ và giải quyết:
Sau khi nhận được hồ sơ thì cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và kiểm tra.
– Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ: cơ quan tiếp nhận hồ sơ có văn bản đề nghị đơn vị sửa đổi, bổ sung trong thời gian 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
– Trường hợp hồ sơ đầy đủ và hợp lệ: cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo trong thời gian 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo dấu tiếp nhận công văn đến của cơ quan tiếp nhận hồ sơ.
Bước 3: Hoàn thiện và nhận kết quả:
Sau khi hoàn thiện thủ tục thì doanh nghiệp hoặc cá nhân sẽ nhận được Giấy xác nhận quảng cáo thực phẩm chức năng, nhận tại trụ sở Cục An toàn thực phẩm.
Sau đó, Cục An toàn thực phẩm có trách nhiệm công bố trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan mình danh mục sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền phụ trách đã được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo.
4. Mẫu văn bản đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo:
TÊN ĐƠN VỊ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: /Ký hiệu tên đơn vị | ……, ngày…….. tháng…….. năm 20…. |
ĐƠN ĐỀ NGHỊ
Xác nhận nội dung quảng cáo
Kính gửi: …………
1. Đơn vị đề nghị: ………….
1.1. Tên đơn vị: …………
1.2. Địa chỉ trụ sở:…………
Điện thoại: …………Fax: …………
Đề nghị được cấp xác nhận nội dung quảng cáo đối với…………
STT | Tên sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ | Số, ký hiệu của Giấy phép lưu hành sản phẩm hoặc Quyết định cấp số đăng ký thuốc/Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm/ Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy/Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong gia dụng và y tế/Giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế hoặc Giấy chứng nhận đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế/Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và Quyết định phê duyệt danh mục kỹ thuật chuyên môn |
Phương tiện quảng cáo:
(Trường hợp quảng cáo trên báo nói, báo hình, báo in thì nêu rõ tên báo dự kiến quảng cáo; trường hợp quảng cáo thông qua hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện thì nêu rõ thời gian, địa điểm cụ thể dự kiến tổ chức)……………
Hồ sơ bao gồm các giấy tờ, tài liệu:……………
Tôi xin cam đoan các thông tin và hồ sơ nêu trên là đúng sự thật và cam kết thực hiện quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế theo đúng nội dung khi đã được xác nhận.
Kính đề nghị Quý cơ quan xem xét và cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo./.
| Giám đốc hoặc đại diện hợp pháp của đơn vị |
5. Mức xử phạt quy định về quảng cáo thực phẩm chức năng:
– Hành vi quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe mà không có hoặc ghi không đúng hoặc không đọc rõ hoặc không thể hiện trong quảng cáo khuyến cáo “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh: xử phạt từ 5 triệu đồng đến 10 triệu đồng.
– Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng:
+ Quảng cáo thực phẩm chức năng không phù hợp với một trong các tài liệu theo quy định.
+ Quảng cáo thực phẩm chức năng thiếu nội dung.
+ Quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng với hồ sơ công bố hợp quy hoặc hồ sơ đăng ký bản công bố sản phẩm hoặc hồ sơ tự công bố sản phẩm hoặc hồ sơ đăng ký xác nhận nội dung quảng cáo trên các thiết bị điện tử tại nơi công cộng; phát tán hoặc thuyết trình tại hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu.
– Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng:
+ Hành vi tổ chức hội chợ, hội thảo, hội nghị, triển lãm có phát tán hoặc thuyết trình các sản phẩm in, ghi âm, ghi hình, thiết bị lưu chứa dữ liệu giới thiệu sản phẩm thực phẩm chức năng.
– Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng:
+ Quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh.
+ Quảng cáo thực phẩm chức năng có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
CÁC VĂN BẢN PHÁP LUẬT ĐƯỢC SỬ DỤNG TRONG BÀI VIẾT:
Luật Quảng cáo 2012.
Thông tư 09/2015/TT-BYT Quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Y tế.
Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo.